Quả táo gai đỏ của xứ Basque

PHA LÊ 13/02/2017 19:02 GMT+7

TTCT - Elorrio, một thị trấn nhỏ nằm ở phía bắc thuộc xứ Basque, Tây Ban Nha, có khu trung tâm nhưng không hề sầm uất, cả thị trấn có đúng một khách sạn. Nhỏ vậy nhưng chứa đầy điều thú vị.

cảnh
Phong cảnh xứ Basque, Tây Ban Nha


Điều thú vị nho nhỏ đầu tiên là người dân tại đây vô cùng dễ thương. Các anh chị nhân viên khách sạn tận tình chỉ cho bất cứ ai hỏi về thị trấn, phát cho họ bản đồ, kể về lịch sử, đường đi nước bước từ khách sạn để đi tham quan nơi này, nơi kia.

Không có khách nào cần phục vụ là thấy các anh chị lon ton chạy ra khoảnh vườn của khách sạn để... trồng rau.

Nào hành, nào bí ngô, bí ngòi mọc dây leo lung tung, quấn vào cả cây khách sạn trồng để làm cảnh. Hỏi anh nhân viên tại sao khách sạn lại trồng rau ngay sân, anh trả lời “vì vui”.

Nhân viên cao tuổi ở đây thích làm vườn, nhân viên trẻ tuổi cũng thích làm vườn. Những gì thu hoạch được họ chia nhau đem về, phần còn lại chia cho nhà bếp khách sạn, dùng đãi khách.

Nghe chuyện lịch sử

Hỏi anh nhân viên đường ra trung tâm Elorrio, anh bảo đi theo đường chính độ mươi phút là tới, nhưng thích ngắm cảnh quê, xem nông trại thì đi đường nhỏ vòng bên tay trái sẽ thú vị hơn.

Đường bé thú vị hơn thật, vừa đi vừa nhìn thấy đồng cỏ, thấy đồi núi trập trùng với lác đác vài ngôi nhà mái ngói, nom cứ như cảnh phim cổ trang từ thời thế kỷ trước.

Nơi này còn thoảng hương thơm của cây quế và cây táo gai, quay đi quay lại tìm thì không thấy hai cây ấy đâu, chỉ thấy những bụi mâm xôi đen mọc dại bên đường cho quả chín ngọt ê cả răng.

Elorrio ban đầu là thị trấn nông nghiệp chuyên trồng trọt chăn nuôi, cái tên Elorrio trong tiếng địa phương có nghĩa “quả táo gai đỏ”, gốc của nó là chữ elorri, tức “cây táo gai”. Khoảng thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai Công nguyên, người La Mã đến Elorrio xây dựng một số nhà ở, đền đài.

Tới thời thế kỷ thứ 9, các con chiên đạo Công giáo tiếp tục xây dựng nhà ở và nhà thờ trên nền móng của những gì còn sót lại sau khi đế chế La Mã suy tàn. Ngay đỉnh ngọn đồi Argiñeta của Elorrio là nhà thờ Thánh Adrian, xây vào khoảng thế kỷ 11, giờ nhà thờ không hoạt động nữa nên trở thành địa danh cho du khách đến ngắm.

Kiến trúc nhà thờ rất đơn giản, bao gồm mái ngói, tường đá, cột gỗ chống. Nền của nhà thờ là nền La Mã cũ, với các viên đá nhỏ xíu xếp thành hình hoa văn, nhìn là thấy ngay hai thời đại khác nhau.

Đường lên đồi Argiñeta rất dài và dốc. Một phụ nữ Elorrio sau khi thấy “cái mặt châu Á” đang loay hoay nhìn bản đồ bèn dừng xe, hỏi có phải cô muốn đi xem nhà thờ Thánh Adrian không. Đường lên đồi khó leo lắm, lên xe đi tôi chở tới cho.

Thế là tôi nhảy lên xe, vừa ngồi ngắm cảnh vừa nghe người phụ nữ ấy kể về mấy ngôi mộ nằm cạnh nhà thờ tôi sắp viếng thăm. Cô bảo bia mộ nào bằng đá, hình tròn, trên khắc họa tiết sẽ là mộ rất cổ. Vì chúng không có khắc thánh giá hay câu thánh kinh ở trên bia nên chúng là mộ trước khi Thiên Chúa giáo du nhập vào Elorrio.

Theo các chuyên gia, mấy mộ bia tròn là từ thời thế kỷ thứ 6. Còn mộ không bia nhưng có hòm đá dài hình chữ nhật là của các con chiên đạo Công giáo, không cổ xưa bằng, niên đại từ thế kỷ thứ 9 đến 11.

Bên trong một ngôi nhà phố Elorrio thời xưa được phác họa lại để giới thiệu cho du khách
Bên trong một ngôi nhà phố Elorrio thời xưa được phác họa lại để giới thiệu cho du khách

Nhà nông làm du lịch

Elorrio chú tâm làm nông cho tới thế kỷ 16 - lúc thị trấn bắt đầu phất lên nhờ ngành công nghiệp rèn kim loại, đặc biệt là rèn sắt. Tài chính dồi dào đã sinh ra khu trung tâm Elorrio, với lắm nhà phố nằm liền kề biệt thự của các họ tộc lái buôn, chủ lò rèn giàu có.

Nhà cửa tại đây cứ san sát nhau, đa số là nhà tường đá thô, nhưng cũng có căn sơn lại bên ngoài. Quy hoạch đường phố từ thế kỷ 16, 17 như thế nào thì bây giờ hầu như vẫn còn nguyên vẹn vậy, đường rất rộng và thoáng như cái thời xe ngựa chạy hai bên.

Nhà nào từng là cơ ngơi của người có “máu mặt” sẽ có gia huy to đùng gắn ngay mặt tiền, còn nhà bình dân sẽ không gắn gia huy.

Đếm hết gia huy ở Elorrio cũng ra được 69 cái. Villa to của quý tộc thời xưa giờ thường trở thành cơ quan chính phủ, ví dụ như đồn cảnh sát, tòa thị chính..., còn nhà dân thì dân vẫn ở đấy.

Bên trong nhà, theo lời người địa phương kể, có nhiều thay đổi so với hồi xưa về cách chia phòng, cách lắp đặt dây điện ống nước để phù hợp với lối sống hiện đại.

Do đa số cơ ngơi tại đây vẫn có người ở hoặc đã trở thành cơ quan nhà nước nên du khách không thể tự vào thăm, nhưng hội đồng thị trấn giúp du khách bằng cách gắn bảng thông tin kèm theo hình vẽ bên ngoài, giải thích cho biết thời xưa người dân sống như thế nào, phòng ốc nom ra sao.

Du khách có thể tự đi lòng vòng thị trấn đọc thông tin và xem hình vẽ, không cần bỏ tiền thuê hướng dẫn hay mua tour.

Ngày nay, Elorrio vừa có công nghiệp vừa có nông nghiệp. Người dân thị trấn dường như chưa ai quên cái gốc nông dân của mình vì nhìn đâu cũng thấy vườn, chẳng nhà nào không nuôi hay trồng một thứ gì đó. Nhà nuôi nguyên đàn gà, nhà có vựa bí ngô với quả bí to hơn bánh xe hơi, nhà đầy cà chua.

Nhà trồng bụi hoa hồng ở hàng rào để dụ sâu bọ, đằng sau hoa là luống rau, như vậy sâu bọ sẽ bu vào hoa thay vì phá rau của họ.

Phố nào có khu nhà liền sát quây thành một tập thể là đằng sau khu nhà sẽ có vườn, và sẽ thấy các hộ gia đình chung tay trồng gì đó trong vườn, có khu trồng cả một hàng cây nho nhìn vào mà ngỡ đang ở Pháp.

Elorrio có di tích lịch sử từ thời La Mã, có kiến trúc, có cảnh đẹp, có người dân tự chủ thực phẩm trồng vườn ở khắp nơi. Không cái nào thật sự nổi bật kiểu “to và hoành tráng”, nhưng nhiều thứ nho nhỏ như vậy gộp lại hóa ra thành hay.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận