​Rau thơm Tây tỏa hương

YẾN TRINH 14/10/2014 03:10 GMT+7

TTCT - Vài năm trở lại đây, các nhà hàng chế biến món Tây đã yên tâm với nguồn rau thơm địa phương hóa tại Lâm Đồng thay vì phải nhập với giá cao.

Rosemary (cây hương thảo) có giá cao nhất trong các loại rau thơm Tây - Ảnh: Yến Trinh
Rosemary (cây hương thảo) có giá cao nhất trong các loại rau thơm Tây - Ảnh: Yến Trinh

Len qua chừng chục luống rau thơm Tây trồng trong vườn, đôi tay chúng tôi đã tỏa hương thoang thoảng.

Quả không uổng công khi chúng tôi rời thành phố Đà Lạt qua bao đèo dốc sương giá để đến các trang trại trồng rau thơm Tây.

Ở một góc vườn thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, bà Phạm Thị Thu Cúc đang loay hoay ngắt bỏ những lá rau bị sâu, rồi quay qua nhổ cỏ, xem xét tại sao cây này héo, cây kia chậm lớn. Đôi bàn tay người phụ nữ ở tuổi lục tuần này như được lập trình sẵn, cứ trải đều qua những cây rau đủ kích cỡ với những động tác chăm sóc không thể nào thuần thục hơn nữa. 

Từ sở thích ban đầu

Gần đây bà Cúc đã nghĩ ra cách tiêu thụ lượng rau dư thừa, đó là phơi sấy khô rồi bỏ cho một số mối quen. Bà cũng nghiên cứu đóng gói rau thơm như trà, mùi vị không khác nhiều lắm so với các gói trà rau thơm Tây bày bán ở TP.HCM, và dự định tương lai sẽ chăm chút cho mặt hàng này.

Đứng trước luống burnet salad - một loại rau thơm thân mảnh và lớn hơn rau ngò Việt Nam một chút, bà nhíu mày gọi anh thanh niên làm công ở vườn kéo vòi tưới nước cho chúng. Quay qua luống rau thyme (tên tiếng Việt là xạ hương), bà nhắc chị người làm cố gắng cắt nhanh phần ngọn để kịp giao cho mối hàng trong buổi sáng.

Nhìn thấy góc vườn mấy mầm oregano lá tựa cây rau dền đã nhú cao bằng đốt tay, bà vừa nhổ cỏ xung quanh vừa than thật khó mà phân biệt cỏ với rau non. Cứ vậy, bà trải qua hết buổi sáng để đi loanh quanh những luống rau, vừa tự tay chăm sóc vừa nhắc nhở những người làm vườn.

Cách đây mấy năm, sau khi “không có duyên” với việc trồng hoa ly, bà Cúc bắt đầu nghĩ cách biến sở thích trồng rau thơm Tây mà bà gọi chung là rau mùi thành công việc kinh doanh thực thụ. Không rành về rau thơm Tây, bà miệt mài tìm hiểu rồi nhờ cô con gái lúc đó đang học ở Pháp mua hạt giống.

Bà kể: “Ban đầu tôi chỉ trồng thử mỗi thứ một ít. Cũng may là quá trình chăm sóc tương tự rau bên mình, lại hợp khí hậu thời tiết nên cho kết quả khả quan”.

Thời điểm đó, việc tiêu thụ rau mùi khó khăn vì người ta chưa biết đến nhiều, có mùa vụ chỉ bán được vài ký, số dư phải đổ bỏ. Không nản, bà Cúc vẫn tiếp tục trồng, mở rộng diện tích từ 1.000m2 ban đầu lên 5.000m2 như hiện nay.

Còn ông Nguyễn Văn Phúc (51 tuổi, ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) cũng dành ra khoảng 300m2 đất để trồng rau mùi, quế Tây và xạ hương. Mỗi ngày ông bán cho mối thu mua chừng 10kg/loại, thu bình quân 1 triệu đồng/ngày.

“Tôi rất thích trồng loại rau này vì giá trị kinh tế cao và cách trồng cũng không quá khó. Ngoài ra, mỗi khi gia đình nấu nướng các món thịt cũng hay thêm quế Tây, mùi vị rất tuyệt” - ông nói.

Cách đó không xa là vườn của ông Đinh Xuân Toản, 54 tuổi, trồng chừng 500m2 hai loại quế và ngò Tây. Ông vừa xuống giống đợt mới, trong đó ngò Tây phải ươm hơn một tháng, còn quế Tây là 25 ngày, khoảng một tháng sau bắt đầu thu hoạch. 

Hiện vườn của bà Cúc có chừng 20 giống rau thơm Tây, mỗi loại một mùi đặc trưng. Giống rosemary (cây hương thảo) thân lá nhọn mảnh, màu lục nhạt được bà Cúc cho biết là giống mới và khó trồng nhất ở vườn. Mỗi lần ươm hạt đến 1-2 năm sau cây mới có thể cho thu hoạch.

Sau khi cắt bán, phải đợi hai tháng cây mới ra nhánh trở lại chứ không như các giống khác chỉ một tuần là mọc lại bình thường. Chính vì vậy, giá của loại rau thơm này cao nhất: khoảng 250.000 đồng/kg.

Điều đặc biệt khiến giá cao không chỉ ở quá trình chăm sóc tốn thời gian hơn, mà còn vì mùi hương của cây này rất đậm và bền. Các giống khác có giá từ 70.000 đồng/kg trở lên. 

Bà Cúc chăm sóc vườn rau thơm Tây của mình - Ảnh: Yến Trinh
Bà Cúc chăm sóc vườn rau thơm Tây của mình - Ảnh: Yến Trinh

Tình yêu với “đứa con cưng”

Thời tiết khí hậu Lâm Đồng tuy thích hợp trồng tỉa nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến rau. Bà Cúc giải thích: “Mỗi khi giao mùa tháng 9, tháng 10 như vầy, mưa nắng thất thường rau dễ bị bệnh, đặc biệt là các giống như quế Tây nên chúng tôi phải theo dõi kỹ hơn.

Giữ vườn cũng như giữ nhà của mình, “vườn sạch thì mát”, không có côn trùng làm hại cây”. Vì rau thơm ở đây trồng theo phương pháp hữu cơ nên thuốc sử dụng cho rau là những loại tinh dầu cam, tỏi... để xua đuổi côn trùng, cùng những loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc khác.

“Không được mang đồ ăn thức uống vào, không hút thuốc...”. Đó là nội dung trên bản quy tắc dành cho người chăm sóc rau mà chúng tôi bắt gặp trên lối đi xuống vườn.

Dạo quanh những vườn rau thơm Tây xanh tốt, chúng tôi cảm nhận được tình yêu của cả chủ lẫn người làm vườn dành cho mặt hàng này. Làm công ở vườn bà Cúc bốn năm nay, chị Dương Thị Liên, 38 tuổi, rất thích công việc này. Những ngày đầu, chị học cách phân biệt tên các loại rau thơm, nhớ hình dạng, đặc tính của chúng.

“Làm việc với bà chủ tận tâm, rau lại sạch và khí hậu mát mẻ nên tôi thấy khá thoải mái. Cứ loay hoay bên những luống rau tỏa hương, công việc cũng không còn nặng nhọc như những ngày đầu nữa” - chị nói. Hiện phần việc chính của chị Liên là cắt hàng (chọn cắt rau đúng kích cỡ để giao cho mối mua hàng).

Ở vườn bà Cúc còn bảy nhân công khác, tất cả đều được tuyển chọn kỹ lưỡng bởi theo bà Cúc, đây là rau sạch, lại là rau giá trị cao nên người trồng phải có tấm lòng, phải “mát tay” thì mới mong có kết quả tốt. 

Ở vườn của mình, ông Toản chia diện tích trồng rau thơm Tây ra làm nhiều phần để tiện chăm sóc và dễ cách ly khi có sâu bệnh. Ngò Tây hầu như không có bệnh đáng kể, nhưng quế Tây thì hay bị tấn công bởi loại nấm có tên gọi dân dã là nấm lông chuột. Mỗi lần như vậy, ông Toản phải bơm thuốc xử lý và cách ly cây bệnh vì gió sẽ mang hơi thuốc qua các cây khác.

“Vườn của tôi còn trồng nhiều loại rau khác như cải bắp, su hào..., nhưng rau thơm Tây giống như đứa con cưng vậy, phải chăm chút nhiều hơn” - ông nói.

Số người trồng rau thơm Tây ở khu vực này đếm chưa hết đầu ngón tay. Họ thường xuyên liên hệ để chia sẻ cách trồng lẫn những vui buồn trong chuyện làm ăn. Như sáng nay, ông Toản không đủ số lượng rau ngò để giao cho mối hàng liền gọi điện cho ông Phúc để cắt bán cho kịp. 

Một loại rau thơm Tây - Ảnh: Yến Trinh
Một loại rau thơm Tây - Ảnh: Yến Trinh

Tìm đường tiêu thụ

Mỗi tuần một lần, anh Khôi, kỹ sư của Công ty Fresh Studio (Hà Lan), lại xuống vườn của ông Toản và ông Phúc để hướng dẫn nhắc nhở kỹ thuật trồng rau sạch theo dự án trước đây của công ty hợp tác với hệ thống siêu thị Metro. Đó là dự án tạo nguồn rau củ quả an toàn đáp ứng tiêu chuẩn thu mua.

Anh nói kết quả khảo sát cho thấy khu vực huyện Đơn Dương rất thích hợp trồng rau thơm Tây vì mưa ít hơn các vùng khác, việc vận chuyển tương đối thuận tiện và người dân dễ tiếp cận cái mới.

Tuy vậy, nông dân vùng này vẫn phải đối mặt với khó khăn rất lớn: tìm nơi tiêu thụ, bởi giá thành loại rau này cao gấp nhiều lần rau thơm bình thường và còn mới mẻ so với người tiêu dùng Việt. 

Cũng có một vài chủ vườn trồng thử rau thơm Tây nhưng rồi bỏ cuộc vì tắc đầu ra. Bản thân ông Phúc và ông Toản khi mới bắt đầu cũng trồng nhiều loại khác nhau, nhưng giờ chỉ còn trồng 2-3 loại để cung cấp cho Metro và một công ty của Hà Lan.

Anh Võ Văn Tuấn, quản lý thu mua ngành hàng rau củ quả của Metro, cho biết các giống hiện được tiêu thụ mạnh là quế Tây, ngò Tây, xạ hương. Người mua chủ yếu là các nhà hàng cao cấp, bếp ăn ngoại.

Anh Tuấn nói: “Ban đầu mới thu mua, chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì các giống này rất khó bán, hàng đưa về phải hủy nhiều. Chúng tôi phải đi nhiều nhà hàng để tiếp thị, hướng dẫn họ cách sử dụng. Dần dần việc mua bán ổn định hơn”.

Hiện mỗi ngày Metro thu mua của bà Cúc và một số chủ vườn khác mỗi loại vài ký và cố gắng tăng sản lượng lên trong thời gian tới. Về tiềm năng, anh Tuấn cho biết nhu cầu sử dụng rau thơm Tây ở Việt Nam còn tương đối ít, nếu không tìm được nơi tiêu thụ thì nông dân không nên trồng đại trà.

Vì tiêu thụ khó khăn nên các chủ vườn phải tính toán nhiều trong khâu trồng, sao cho sản lượng đồng đều giữa các mùa, không vì “mê” quá mà trồng dư ra so với nhu cầu. Bà Cúc cũng mong muốn mở rộng diện tích trồng và có nhiều nơi tiêu thụ rau thơm Tây hơn.

Từng làm nhiều nghề, tới gần cuối cuộc đời bà mới nhận ra trồng rau và cư ngụ trong một trang trại yên bình như vầy mới là niềm đam mê thật sự của mình. Và vì lý do đó, rau thơm Tây của bà và của những người chủ vườn chuyên tâm khác luôn giữ được mùi hương đặc trưng.

Ông Toản có may mắn là cô con gái tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn đã về lại quê nhà để cùng cha trồng tỉa, chia sẻ thú vui miệt vườn khá cao cấp và cũng rất khó tính này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận