Sách lậu trên... máy đọc sách

ẢNH: THUẬN THẮNG 30/07/2012 19:07 GMT+7

TTCT - 1. Không chỉ riêng iPad của Apple mới được nhà sản xuất ưu ái “thửa” riêng cho một phần mềm đọc sách điện tử với các hiệu ứng lật trang, làm màu trang cũ đi như sách thật. Hệ điều hành mã nguồn mở Android chậm hơn một chút nhưng với thế mạnh là cộng đồng phát triển phần mềm rất lớn, đã có ngay hàng chục phần mềm cho ebook không kém cạnh...

Phóng to

Nổi tiếng nhất là phần mềm Moon+Reader với khả năng tinh chỉnh cực kỳ phong phú, giá bán trên Google Play chưa đầy 100.000 đồng (4,66 USD), hoàn toàn trong khả năng của người dùng Việt Nam. Thêm nữa, những chiếc máy tính bảng hay điện thoại cảm ứng chạy hệ điều hành Android giá rẻ tràn ngập thị trường, tất cả trở thành mảnh đất màu mỡ cho ebook phát triển.

Tôi có cô bạn cách đây vài tháng đã bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua một máy đọc sách Kindle Touch của Hãng Amazon cùng với gần 2Gb sách khuyến mãi, tất nhiên là sách Việt Nam với đuôi .prc. Nhưng gần như ngay lập tức khi phát hiện một máy tính bảng chạy Android có giá tương tự, cài đặt phần mềm Moon+Reader với các hiệu ứng như thật, cô đã chậc lưỡi tiếc rẻ vì đã không nghiên cứu kỹ thị trường...

Một anh bạn khác vốn là người “anti hi-tech”, chống tới cùng việc sử dụng các thiết bị điện tử dù cao hay thấp cấp. Anh chỉ sử dụng một cái Nokia đen trắng dùng để nghe và gọi vì không thể không dùng. Nhưng vốn nghiện nặng truyện chưởng Kim Dung, mà nhất định phải là loại sách đã ố vàng tại các tiệm cho thuê sách ở Sài Gòn xưa, khi nhìn thấy khả năng lật trang như thật, chuyển sách sang ố vàng vì thời gian trên máy tính bảng, anh đã không cưỡng được lòng mình để tìm mua một máy tính bảng Kindle Fire và tiến hành sưu tầm truyện võ hiệp Kim Dung để thỏa mãn “tình yêu”.

Nói như thế để thấy việc sử dụng sách điện tử đang ngày một ăn sâu, bắt rễ trong người dùng Việt Nam. Bên cạnh nguồn sách khuyến mãi của người bán thiết bị (đa số là sách lậu), nguồn chia sẻ dưới danh nghĩa “vì một cộng đồng ebook” cũng vô thiên lủng trên các diễn đàn, blog... Thậm chí, tôi biết một bạn gái trẻ tự thiết kế website riêng, đánh máy lại nhiều cuốn sách nổi tiếng, chuyển đổi định dạng thành sách điện tử rồi sau đó chia sẻ trên website của mình. Có lẽ cô không ý thức được việc làm của mình đã vi phạm Luật bản quyền. Bởi trên khá nhiều diễn đàn, cô luôn quảng bá trang web của mình như một hình thức “chia sẻ vì cộng đồng ebook”...

2. Nhưng còn một con đường khác để có nguồn sách, gần như vô tận.

Đó là việc ngày càng có nhiều phần mềm chuyển đổi định dạng được chia sẻ trên mạng. Chỉ cần vào Google với từ khóa “làm ebook” là dễ dàng lấy về một phần mềm có khả năng chuyển đổi định dạng (convert) từ các file text khác sang các định dạng .CHM,.prc,.epub... Thông dụng nhất là hai phần mềm Calibre và eCub. Thậm chí có hẳn một trang web tự động làm luôn công việc này, với chỉ cần hai cú click sau khi đăng ký để trở thành thành viên, bạn đã có ngay một ebook ưng ý từ file text của mình.

Thật ra, việc một số nhà làm ebook muốn mã hóa định dạng của mình (để tránh bị ăn cắp) gần như không nhiều ý nghĩa. Những hacker giỏi không cần nhiều thời gian để bẻ khóa và sau đó công bố ngay các tools bẻ khóa lên mạng. Do đó, việc nguồn ebook có bản quyền được sang tay miễn phí đã trở thành một đại dịch mà ở thời điểm này có lẽ là vô phương ngăn chặn.

Việc tìm file text (văn bản ở dạng đánh máy thông thường) cũng không có gì khó khăn. Có khá nhiều website không rõ nguồn gốc, với một đội ngũ typing (đánh máy/nhập liệu) chuyên nghiệp, cũng với danh nghĩa chia sẻ với cộng đồng, sẵn sàng đánh máy hàng trăm quyển sách theo yêu cầu hoặc tùy thích. Trang vnthuquan là một thí dụ, với hơn 11.000 đầu sách truyện đã được đánh máy, từ các tác giả được giải Nobel cho đến tiểu thuyết diễm tình của Quỳnh Dao... tất tần tật thượng vàng hạ cám đều có. Người dùng chỉ việc tải về và chuyển đổi định dạng, lên mạng tìm một cái bìa sách nữa là nghiễm nhiên có thêm trên kệ sách điện tử của mình một cuốn sách miễn phí.

3. Một vài doanh nghiệp ebook trong nước đã cố gắng xây dựng trình đọc sách riêng của mình nhằm chống việc người mua sau đó san sẻ lại cho nhau, nhưng với người dùng thật khó để có thể chấp nhận việc đọc một ebook nhưng không thể lật trang, không thể tùy biến theo sở thích cá nhân... Chưa kể các chế độ hậu mãi thường rất kém. Trên diễn đàn Tinh tế từng có một cuộc “tấn công” của các thành viên vào một doanh nghiệp sách điện tử nọ mà những chỉ trích hoàn toàn hợp lý như sách không đủ trang, nạp tiền vào tài khoản nhưng không có sách... nhưng “nhà sách” điện tử đó hoàn toàn im lặng. Thế là í ới gọi nhau tẩy chay.

Dù việc sử dụng nguồn sách không có bản quyền là điều đáng trách với bạn đọc ebook Việt Nam hiện nay, nhưng trong một mặt bằng mà giá sách giấy bán quá cao so với thu nhập chung, đồng thời có quá nhiều “điều kiện” để có thể sở hữu dễ dàng và phần nhiều là không phải trả đồng nào cho một nguồn sách bất tận đã trở thành loại thuốc cám dỗ khó cưỡng lại với người đọc. Đã từng có những cuộc tranh luận nho nhỏ trên các diễn đàn về việc nên tôn trọng tác quyền của người làm sách, nhưng rồi cũng rơi vào thinh không...

Cho đến lúc nào không còn nguồn file text vô tận, hoặc các nhà làm ebook trong nước có một phương thức bán buôn khác, thí dụ xây dựng website bán quảng cáo, mua bản quyền tác phẩm và bán lại với giá thật rẻ, hoặc thậm chí miễn phí với những ràng buộc đơn giản cho người dùng, thì lúc đó may ra mới không còn cảnh sách lậu trên... máy đọc sách.

Phóng to
Ảnh: Thuận Thắng

Với khoảng 3 triệu đồng, người dùng có thể “thửa” được một máy tính bảng để đọc sách tốt.

Các máy tính bảng chạy Android có màn hình 7 inch như Galaxy Tab 7, Nook Color, Kindle Fire hay thậm chí các máy tính bảng nhập... tiểu ngạch vào Việt Nam mang thương hiệu Việt (thực chất chỉ là lắp ráp ở Việt Nam hay thậm chí đặt hàng ở Trung Quốc nguyên chiếc) đều có thể đọc sách tốt do màn hình vừa phải, nhẹ, dễ cầm, dễ mang theo khi đi xa, nguồn pin ổn định, độ phân giải cũng phù hợp với việc đọc sách.

Ngoài ra, các máy đọc sách chuyên nghiệp như dòng Kindle của Hãng Amazon cũng là một lựa chọn không tồi, giá dao động 2-3 triệu đồng. Nhược điểm của các máy đọc sách này là thiếu các hiệu ứng giả lập như sách thật, chỉ đọc được một định dạng và phải cần nguồn sáng ngoài khi trời tối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận