Thử sống ở mức 1 USD/ngày

TTCT - Theo quyết định ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. TTCT đã cùng những thị dân vào chợ để có thể hình dung về mức sống 1 USD/ngày.

Đây là mức chuẩn để căn cứ vào đó thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chính sách kinh tế, xã hội khác cho giai đoạn 2011-2015 (tính theo tỉ giá hiện nay, mức này có nghĩa mỗi ngày chỉ có thể chi tiêu không tới 1 USD!). 


Mua vội miếng thịt ở chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vào phiên chợ chiều - Ảnh: Quang Định

Thử sống với 1,5 USD/ngày

Đó là thách thức mà ngôi sao điện ảnh triệu phú Ben Affleck đưa ra trong chiến dịch mang tên “Live below the line” (Sống dưới ngưỡng) do Tổ chức The Global Poverty Project phát động. Theo huffingtonpost.ca, từ ngày 29-4 đến 5-5, Affleck chỉ sống với 1,5 USD/ngày nhằm quyên góp tiền cho Hiệp hội The Eastern Congo Initiative do anh thành lập. Nữ diễn viên Sofia Bush và nam ca sĩ Josh Groban cũng tham gia hưởng ứng. Năm ngoái, sáng kiến trên đã quyên góp được hơn 3 triệu USD.

Ba chén cơm trắng, đĩa rau muống luộc, nhúm thịt ba rọi kho mặn và tô canh rau lõng bõng, tất cả không quá 10.000 đồng. Đó là bữa ăn của ba người gia đình bà Lê Thị Hà (49 tuổi), một người dân đã sống hơn 30 năm tại P.Cầu Kho, Q.1, TP.HCM. Đây không phải là trường hợp cá biệt.

Chỉ riêng với bữa ăn hằng ngày, rất nhiều thị dân Sài Gòn đang phải vật lộn với bài toán mua gì, ăn gì, thậm chí tính cả chuyện đi chợ “càng trễ càng tốt vì lúc người ta chuẩn bị dọn hàng thì giá rẻ hơn” - chị Trần Khánh Ngọc, nhân viên văn phòng, nói. 

Đi chợ mót

Trước chợ Bà Chiểu đã lên đèn một buổi tối cuối tháng 4, chị Ngọc kỳ kèo nửa bó cải mầm giá 3.000 đồng. Khi người bán cân rau, thấy mới vừa đủ 2.000 đồng, chị liền nói: “Lấy nhiêu đó thôi cô ơi, ăn không hết”. Như phân bua, chị cho biết gia đình có bốn người, trước kia khá khá thì ăn canh cả nồi không hết, đôi khi đổ bỏ, giờ thì chịu khó ăn lõng bõng có chút rau là được rồi. 

Cạnh chị Ngọc, một phụ nữ khác vừa tấp xe vào hàng rau, chăm chú cầm lên đặt xuống từng bó rau dưới ánh đèn vàng vọt. “Nhà tôi gần đây, tranh thủ tối ra đây lựa mấy loại rau củ còn “ngon ngon” về bỏ tủ lạnh trưa mai nấu, chứ sáng đi chợ rau mắc hơn nhiều” - bà nói. 

Cứ vậy, 7g tối, dù trời đã tối hẳn nhưng người mua vẫn vào ra tấp nập trên suốt 20m hàng lưu động trước khu chợ trung tâm ở quận Bình Thạnh này. Nhiều người mua vẫn còn nguyên trang phục văn phòng, chở trước chở sau con cái đi học thêm về. 

Trong thời buổi khó khăn hiện nay, những lựa chọn trên gần như là tối ưu, vì cứ đến tầm 7g tối, tất cả các hàng bán rau củ quả, kể cả thịt cá ven đường gần các chợ lớn của TP.HCM, đều tụt giá chỉ bằng phân nửa so với ban sáng: cải bẹ xanh chỉ còn 3.000-4.000 đồng/bó so với 8.000 đồng ban sáng, dưa hấu 5.000 đồng/kg so với 15.000 đồng buổi sáng... Hàng hóa ở đây rẻ đặc biệt là do người bán đến các chợ đầu mối lấy về vào khoảng 2-3g buổi trưa, lúc cũng chẳng còn mấy ai thiết tha kỳ kèo. 

Sau đó, tất cả đều được cắt gọt, tỉa tót lại cho đẹp và tươi roi rói, chia thành các phần nhỏ để dễ bán hơn. 16g30, phiên chợ mót này bắt đầu hoạt động cho đến khoảng 19g30, khi những chiếc xe rác đã chờ chực chuẩn bị hốt dọn tất cả. 

Bà Lê Thị Hồng, một người bán rau củ lưu động ở khu chợ dưới chân cầu vượt An Sương, cho biết: “Tui lấy rau trong chợ đầu mối Hóc Môn. Hồi này bán được lắm, người ta đi làm ở trung tâm thành phố về Q.12, Hóc Môn, đi ngang đây sẵn mua đồ ăn về nấu cơm tối, càng lúc càng nhiều. Đa số ai cũng ngại vô chợ vì tốn thêm 3.000 đồng gửi xe, vô chợ còn nhiều đồ ăn thức uống, không cầm lòng được là lố tiền chợ liền”.

Bên cạnh đó, các siêu thị lớn cũng được không ít khách hàng chú ý tìm mua thức ăn chế biến khuyến mãi trong ngày trước giờ đóng cửa, vì đây là những mặt hàng không thể để qua ngày hôm sau bán. Nhóm bạn của Nguyễn Minh Tâm (sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại) cho biết: “Tối tụi em cũng hay đi dạo siêu thị, vừa mát mẻ nhờ có máy lạnh vừa tranh thủ mua bánh, đồ ăn giảm giá về ăn khuya hoặc để dành sáng hôm sau”. 

Sợ đi chợ

Đi chợ là thử thách không nhỏ của các bà nội trợ khi phải xoay xở với nhúm đồ ăn ít ỏi từ khoản tiền chợ teo tóp dần. Làm bảo vệ khu phố, thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng, lại một mình nuôi hai con đang tuổi ăn học, bà Lê Thị Hà đặt ra mức chi tiêu cho ăn uống trong nhà chỉ 600.000 đồng/tháng, tức một ngày không quá 20.000 đồng cho ba bữa ăn. “Đây là giới hạn không thể vượt qua, nếu ăn lố một tí là y như rằng phải đi mượn nợ” - bà Hà khẳng định.

Trong ngày, bà Hà chỉ nấu cơm một lần để ăn cả ngày, tiết kiệm gas, còn dư nữa thì sáng hôm sau ăn cơm nguội, không thì... “ba mẹ con tui nhịn ăn sáng mãi thành quen luôn rồi”. Bữa cơm điển hình nhất là 3.000 đồng rau mồng tơi luộc, lấy nước làm canh, ba quả trứng khoảng 8.000 đồng hai chiên, một luộc dầm nước mắm. Thịt cá thường xuyên kho mặn để có thể ăn được trong nhiều ngày. 

Chuyện dinh dưỡng không quan trọng, miễn có canh, rau, món mặn là được. Nếu muốn ăn cá tươi, bà Hà phải tính toán tranh thủ đi chợ Cầu Muối gần nhà vào khoảng tầm 9g sáng. “Đây là chợ đầu mối bán từ đêm đến sáng cho nên đến gần trưa, khi bán có lời rồi họ sẽ tranh thủ bán giá rẻ để mau hết hàng, ví dụ cá hường chỉ khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, so với 50.000 đồng thông thường. Dù cá nhỏ và ít ngon hơn nhưng vậy cũng vui rồi” - bà chia sẻ. 

Nhà ít người đã thế, với những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, người giữ tay hòm chìa khóa càng đau đầu hơn với từng bữa ăn. Đó là trường hợp gia đình bà Trần Thị Thanh (42 tuổi, ngụ 38 Nguyễn Hồng Đào, P.4, Q. Tân Bình) với 12 thành viên, trong đó quá nửa là trẻ em. 

Cả nhà góp tiền cho bà đi chợ, nấu ăn chung với mức tiền 150.000 đồng/ngày, một số tiền không phải là nhỏ nhưng khiến bà rất phân vân: “Riết rồi sáng mở mắt ra, nghĩ tới chuyện đi chợ là tui thấy không muốn ngồi dậy, sợ chuyện đi chợ vô cùng vì không biết mua gì. Sợ nhất là tiền sữa, bánh ngọt cho mấy đứa nhỏ. Tuổi chúng nó đang lớn, làm sao ăn ít được?”. 

Và “sáng kiến” của bà là bữa ăn cực xen lẫn bữa ăn sang, bữa nào cũng có nhiều rau, nhiều cơm hơn thịt để mau no. Bữa ăn cực thì chỉ cá khô, trứng chiên, rau luộc, dồn tiền để bữa sau ăn sang đậu hủ dồn thịt, canh có thêm tôm khô... Tất cả đồ ăn này bà chỉ dám mua mót bên ngoài chợ, dù nhà ngay sát các chợ lớn như chợ Hoàng Hoa Thám, Bàu Cát. “Cả tháng tôi chỉ đi chợ chính thức được 1-2 lần, mua dồn thịt cá về để ăn cho rẻ rồi thôi” - bà nói. 

Phải biết cách từ chối

Không chỉ các bà nội trợ mới đau đầu với tiền ăn, ngay cả người đi làm giờ cũng bắt đầu thay đổi thói quen ăn uống của mình. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Trần Quang Minh (đường Nguyễn Trường Tộ, Q.Tân Phú) gồm hai vợ chồng và hai con đang đi học chỉ toàn mang cơm nhà. Sáng sớm, ông bà dậy lục đục hâm cơm, đồ ăn hôm trước, nấu canh mới rồi chia thành bốn phần cho vào các hộp nhỏ, cơm dư được tận dụng để ăn sáng.

 Vợ ông Minh, bà Trần Thị Linh Trang, phân tích: “Tôi làm việc ở trung tâm thành phố, giá một bữa ăn cũng phải 40.000 đồng. Từ ngày mang cơm đi làm, tôi không mấy khi đi ra quán ăn trưa nữa, tiết kiệm cũng tròm trèm 1 triệu đồng/tháng, đủ đóng học phí cho thằng nhỏ”. Bà Trang cho biết thêm ở công ty bà, 90% chị em cũng mang cơm theo, không mấy người ra ngoài ăn hàng quán. 

Cô con gái bà Linh Trang, sinh viên năm 3 Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, vừa cho cơm vào chiếc khăn nhỏ nhắn kiểu Nhật, gói lại mang đi học vừa nói: “Lớp em cũng nhiều bạn làm thế này lắm, như mốt vậy”. Tương tự, cũng xem “ăn cơm nhà” là thượng sách, bà Nguyễn Minh Xuân (đường Đỗ Tấn Phong, Q.Phú Nhuận) chịu khó đưa rước con về ăn buổi trưa ở nhà thay vì đóng tiền bán trú tròm trèm 4 triệu đồng/tháng. Bà cũng làm cơm cho chồng mang đi làm, “cạnh tranh” phần phục vụ của mấy tiệm cơm lề đường. 

Tuy nhiên, dù sao đó cũng là những gia đình đang có thu nhập ổn định, khó nhất là một bộ phận người dân mất việc làm đột ngột. Vốn là nhân viên quảng cáo của một công ty tại Q.1, chị Huỳnh Thị Bích (26 tuổi) nhận quyết định thôi việc từ hơn tháng nay do công ty cắt giảm biên chế và vẫn chưa tìm được việc mới. Chính vì thế, tiêu đồng nào chị Bích xót đồng đó, cả tháng nay chưa một lần bước vào quán cà phê sang trọng hoặc cửa hàng. 

“Hồi đó còn đi làm thì muốn sao cũng được, giờ nghe bạn bè điện thoại rủ đi chơi là tôi phải nghĩ cách từ chối”. Được biết, chị Bích cũng vừa chuyển phòng trọ ở Q.3 sang khu vực Q.Phú Nhuận, chấp nhận ở ghép để tiết kiệm chi phí. 

Tình trạng mất nguồn thu cũng xảy ra với những người lao động bình dân, đặc biệt là đội ngũ chạy xe ôm vì số khách đi xe ngày càng ít đi. Từ chỗ chỉ chạy xe từ 6g sáng đến tầm 5g chiều, giờ đa số phải nán thêm đến 8g-9g tối mới về nhà. Nhiều người tranh thủ lúc chưa có khách làm thêm bán bánh mì, xôi, bánh tráng trộn..., đôi lúc phải dùng bữa bằng chính các món ăn này. 

Ông Nguyễn Thanh Mai, chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm P.Nguyễn Thái Bình (Q.1), cho biết: “Xăng tăng giá chỉ là một phần lý do, quan trọng hơn là do thu nhập của người ta giảm, không thể chi tiêu nhiều cho việc đi lại như trước nữa, mình phải chịu thôi, tình trạng chung mà!”.

Những chi tiêu tằn tiện nói trên của thị dân hiện chỉ mới phục vụ cho chuyện ăn uống, trong khi cuộc sống còn bao chi tiêu thiết yếu khác như phí điện nước, đi lại, học hành, ốm đau...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận