Tôi chưa trưởng thành về cảm xúc

HAPPY NGUYỄN 04/12/2011 12:12 GMT+7

TTCT - Tôi chào đời giữa thập niên 1980, khi đất nước bắt đầu mở cửa, gia đình tôi cũng chuyển mình từ thiếu thốn sang no đủ. Tôi là thành quả tái ngộ của cha mẹ sau chín năm dài cách biệt, vì vậy vừa út ít lại có tuổi tác cách xa các anh chị nên rất mực được cưng quý.

Các "gối ôm" kể chuyện mình

LTS: Tham gia loạt bài “Thế hệ... gối ôm” (xem TTCT số đề ra ngày 30-10-2011) có những người trong cuộc: các cô cậu gối ôm và gấu bông. Hãy nghe các bạn chia sẻ câu chuyện của mình.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

“Nhìn quanh bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy rằng dù họ đã không từng là gối ôm và thừa biết làm chiếc gối chẳng hay ho gì nhưng trước xu hướng đánh giá thiên lệch của xã hội, họ tự gây áp lực lên chính mình để vỗ về con thành một chiếc gối tròn vo”

Có lẽ trùng hợp thời may vận đỏ, sau khi sinh tôi, bố mẹ tôi làm ăn thuận buồm xuôi gió, phất lên vù vù nên gia đình càng nuông chiều tôi thật nhiều. Không ai để tôi mó tay việc gì, ăn món nào cho bổ, mặc áo nào đẹp, học ở đâu đã có chị gái chọn giùm, đi học đã có anh đưa đón, thậm chí ngay cả chuyện đi ngủ tôi cứ “thăng” thoải mái, chốc lát sẽ có ai đó bế vào giường và giăng màn hộ, sáng dậy cứ ra khỏi phòng sẽ có người vào dẹp dọn thay… Thật ra thỉnh thoảng chị tôi cũng gào toáng lên bắt tôi quét lau nhưng tôi làm gì cũng không xong, lại thêm đổ vỡ, thế là sau đó chị choàng gánh hết, kể cả việc giặt giũ và ủi quần áo cho tôi đến trường…

Lâu dần gia đình mặc nhiên xem tôi chỉ có nhiệm vụ học hành là đủ, còn tôi vô tư hưởng thụ sự chăm sóc của cả nhà như một nghĩa vụ đương nhiên. Quả thật tôi học không đến nỗi nào, song chơi còn giỏi hơn. Tôi đã được mua máy vi tính để chơi điện tử từ khi đầu thập niên 1990 (khi nó còn là xa xỉ với nhiều gia đình). Tôi đã rành chat chit từ lúc Internet vừa phổ biến ở Việt Nam, và đã thay điện thoại di động xoành xoạch từ thời mới ra những đời máy “đập đá”… Hệ quả là, từ vô tư đến vô tâm rất gần, từ vô tình đến vô cảm không xa, tôi khá sành điệu nhưng không hiểu biết gì cuộc đời, chưa từng biết chia sẻ trách nhiệm với người thân.

***

Thế rồi các anh chị lần lượt lập gia đình và ra riêng, bố mẹ ngày càng già yếu, tôi không còn nhỏ nhưng vẫn chưa khôn. Tôi bước vào đời đầy va vấp, mới dần thấm thía ở tuổi gần 30. Tự trắc nghiệm tôi nhận ra IQ (chỉ số thông minh) của mình không quá tệ nhưng chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) rất thấp. Tôi chưa nghĩ đến lập gia đình vì chưa quen với suy nghĩ phải chia sẻ và hi sinh như thế nào để tạo dựng mái ấm, phải biết quên mình cho con cái ra sao. Tôi sợ mình vụng về đánh mất hạnh phúc hoặc lại tạo ra một “hậu duệ gối ôm” hiện đại hơn, hờ hững hơn…

Nhìn quanh bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy rằng dù họ đã không từng là gối ôm và thừa biết làm chiếc gối chẳng hay ho gì nhưng trước xu hướng đánh giá thiên lệch của xã hội, họ tự gây áp lực lên chính mình để vỗ về con thành một chiếc gối tròn vo. Khi con nhỏ thì ép con ăn vì so sánh chiều cao và cân nặng, lớn lên chút thì ép con học vì đua nhau vào trường danh tiếng, trưởng thành hơn thì tranh nhau sắm sửa cho con nhà cao cửa rộng, phục trang đắt tiền để con mình nổi trội và tự tin, thậm chí ghen tị với nhau cả việc chọn dâu kén rể gia cảnh thế nào, khoe nhau sớm được lên chức ông bà… Họ ganh đua xem ai chăm chút con cái sung túc hơn, ngộ nhận như vậy bố mẹ mới giỏi giang, chu toàn. Chẳng mấy ai thi nhau nuôi dạy con biết tự lập, sống trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ cả.

Tôi nhận ra tất cả những điều này, song để vượt qua được nó vẫn là khoảng cách lớn. Bởi tôi từng là chiếc gối ôm tròn trĩnh và chưa thật sự trưởng thành về mặt cảm xúc.

__________

Mẹ tôi là bác sĩ có tiếng trong một bệnh viện lớn. Bà được rất nhiều bệnh nhân yêu quý, bằng chứng là những giỏ hoa với vô vàn tấm thiệp nhỏ bé ghi lời cảm ơn từ các bà mẹ của những đứa trẻ mới được sinh ra. Bà là người ham học hỏi và chuyên tâm học cao hơn nữa về ngành của mình, cũng như không ngừng đi dự các buổi hội thảo về cách chữa bệnh mới của những bác sĩ nước ngoài. Và vì tôi là con gái lớn của bà, bổn phận của tôi là phải hơn mẹ bởi “con hơn cha là nhà có phúc”.

Tôi biết bản thân mình không xinh đẹp, cũng chẳng phải cực kỳ đằm thắm, duyên dáng lắm nên tôi không phải là người thích giao lưu hay bè nhóm. Tôi chỉ muốn nói chuyện với những đứa bạn hiểu mình, hay “chém gió” với mấy đứa bạn... có cùng tâm trạng.

Tôi và mẹ không hợp nhau. Khi tôi có chuyện vui, bà chỉ nghe rồi lắc đầu, rất hiếm khi bà có thể nở nụ cười về một mẩu chuyện trong lớp của tôi. Mỗi lần như thế, bà lại bảo tôi phải thùy mị nết na, không nên thấy ba cái chuyện “nhảm nhí” ấy là đáng cười, rằng: “Mấy nhỏ bạn con có thằng để ý hết trơn rồi mà con chưa có thằng nào thèm ngó, coi lại mình đi!”.

Chao ôi, tôi ngán ngẩm lắm mỗi khi phải nghe lại chuyện ngày xưa, rằng bà học giỏi như thế nào, rằng bà siêng năng làm việc nhà như thế nào, rằng bà ngoan như thế nào... Những câu chuyện luôn kết thúc bằng câu: “Mẹ chỉ trung bình thôi”.

Vậy “trung bình” là cái quái quỷ gì thế ? Có phải đó là một cách khác để nói hoàn hảo, toàn diện, hay lý tưởng?

Có cách nào khắc phục không? Tôi không rõ, tôi chỉ biết một điều chắc chắn: tôi sẽ không kể mẹ nghe gì cả, vì có kể bà cũng chả hiểu. Chưa kể tôi lại phải nhận những phán xét về cách cư xử, nói năng, bộc lộ cảm xúc của tôi, những phán xét mà tôi đã chán ngấy. Vì kết cục, tôi sẽ luôn là đứa tệ nhất, con nhỏ xấu xí nhất, kẻ bất tài nhất và con người vô dụng nhất.

Ngày xưa, mẹ quá hoàn hảo, quá xinh đẹp, quá giỏi giang. Bây giờ, mẹ là bác sĩ thành đạt, người vợ đảm đang, người mẹ hết mực nêu gương cho con gái. Tôi thật “may mắn” vì luôn được dùng để tôn vinh vẻ đẹp và tài năng của những đứa con gái khác, những bạn gái hàng xóm hoặc một cô gái nào đó hay hay mà mẹ gặp giữa đường. Tất cả họ đều đẹp, đều xinh, đều có vẻ như chính mẹ ngày xưa, và đều... xứng làm con gái bà hơn tôi.

Này nhé, đừng nói giới trẻ chỉ biết gõ status hay viết vào Facebook của nhau mà khô cằn về biểu lộ cảm xúc, bởi giới trẻ và người lớn có những dòng chảy cảm xúc khác nhau từ nhiều thấu kính mà họ sử dụng để nhìn cuộc đời. Người lớn có hai thứ quan trọng là “chuẩn mực” và “thực tế”, giới trẻ lại có hai thứ thiết yếu là “mơ mộng” và “tự do”. Hai luồng tư tưởng này gặp nhau thì cứ như cho kali vào nước.

Đồng ý rằng có những teen nhà mình hễ đụng việc nhà là “chết, gãy móng tay!”, nhưng đó chỉ là thiểu số. Bên cạnh đó, phải thấy rõ một điều: giới trẻ ngày nay tuy sướng hơn về cơ sở vật chất thật, nhưng áp lực thì chưa chắc ít hơn bậc cha mẹ ngày xưa. Nào là áp lực từ cha mẹ, phải vô trường chuyên lớp chọn, phải học sinh này, học lực kia, áp lực phải hoàn hảo, áp lực bạn bè, áp lực tương lai... Người lớn thì than: “Giới trẻ ngày nay kỳ quá!”, còn các bạn trẻ thì mếu: “Ngán ba mẹ quá đi!”.

Sự khác nhau giữa hai thế hệ là chuyện rất đỗi bình thường. Vấn đề là đừng nói ai sai, ai đúng. Hãy để mỗi người có đủ khoảng cách để sống cho riêng mình. Xin các bậc cha mẹ đừng cho rằng con mình còn ngây thơ mà “tất cả phải trong tầm kiểm soát”, điều đó chỉ khiến mọi thứ thêm tệ mà thôi.

__________

Tin bài liên quan:

Thế hệ gối ôm
Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt
Chỉ nên ăn học, đừng quan tâm việc khác?
Hãy động viên, nhưng đừng làm thay chúng tôi
Hơn cả gối ôm, đó là "thế hệ gấu bông"

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận