Cuộc sống thật và mạng cũng có thật

KIM DUY 25/07/2013 23:07 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống kỳ này là chuyện kể của một bà mẹ và một bạn trẻ 17 tuổi về những trải nghiệm để nhận chân “thế hệ tôi”.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Từ chuyện của tôi - một bà mẹ

Con gái tôi ở xa, ít khi gọi điện thoại cho tôi trừ lúc có việc. Mối thông tin liên lạc (hằng ngày) luôn chủ động từ tôi. 11g khuya hôm đó, tôi đã đi ngủ thì có điện thoại của con gái. Đoán có sự cố, tôi chuẩn bị tinh thần. Y như rằng, cô con gái kể bỏ quên chìa khóa trong nhà (khóa bấm)!

Bình thường, mỗi khi về đến nhà, mở cửa xong, cháu có thói quen treo ngay chìa khóa vào móc xe để khỏi quên. Hôm đó, cháu vừa bấm khóa thì phát hiện quên chìa khóa nhưng vội đi học (có bài kiểm tra), cháu định bụng sẽ về nhà sớm tìm thợ sửa khóa. Làm bài kiểm tra xong, cháu quên bẵng việc mất chìa khóa và đi uống nước với bạn. Đến khi sực nhớ ra, về tới nhà thì người thợ sửa khóa ở đầu đường đã dọn hàng.

Loay hoay cả giờ đồng hồ, cuối cùng cháu đành cầu cứu mẹ ở cách xa... 500km. Cháu hỏi có phải tôi có gửi một bộ chìa khóa nhà nơi cậu nó không? Tôi trả lời cậu giữ chùm chìa khóa nhà nhưng đó là bộ chìa cũ. Bởi nhà đã một lần bị trộm mở khóa, cháu thay khóa mới và không gửi nhà cậu.

Tôi gọi cho em trai, ý định bảo con qua nhà cậu nghỉ qua đêm rồi mai tính. Điện thoại tắt máy ò í e. Em dâu cũng vậy! Tôi không tài nào nhớ ra số điện thoại nhà em trai (danh sách trên điện thoại di động của tôi không lưu).

Tôi gọi hỏi con gái có chỗ bạn bè nào ngủ qua đêm không? Cháu trả lời chỉ có ba người bạn có thể đến ở được nhưng một người đã về quê, một người không về nhà đêm đó và một người thì bà chủ trọ không cho người lạ vào. Nghĩ đến cảnh con gái đang đứng trước nhà, trời đã khuya, hẻm thì vắng, tôi như ngồi trên lửa. Lại đâm giận con gái.

Sống ở thành phố bảy năm rồi mà khi có việc không tìm được một ai để nhờ vả. Hàng xóm thì cháu không quan hệ với gia đình nào ngoại trừ bà tổ trưởng. Ngoài đi làm, đi học, đi chơi với bạn bè, về đến nhà cháu đóng kín cửa, giao tiếp với bên ngoài chỉ qua màn hình máy tính. Cháu thông suốt chuyện phim ảnh, thời sự trên các diễn đàn, chat đến khuya cùng lúc với nhiều bạn bè trên Facebook... Nhưng tuyệt nhiên những gia đình xung quanh cháu không quan tâm hay làm quen với họ.

Cuối cùng, may sao, tôi nhớ đến cuốn sổ tay cũ đã không ghi chép gì nữa hơn mười năm nay có số điện thoại nhà em trai. Mọi chuyện ổn khi con gái đến nhà cậu nghỉ lại chờ sáng mai nhờ người đến sửa khóa. Lúc ấy đã 1 giờ sáng.

Tôi hỏi con trai chuẩn bị thi đại học và sẽ vào ở với chị nghĩ thế nào trong tình huống này? Cháu trả lời không biết và thêm một câu: “Ở hai người sẽ khác một người!”.

Lại đổ lỗi cho công nghệ?

Quá giấc, không ngủ được, tôi suy nghĩ về con gái. Tôi nhận thấy con tôi dù sống xa gia đình đã lâu nhưng cháu vẫn còn bị động trước sự cố. Trường hợp này, nếu không liên lạc được với cậu (ví dụ như gia đình cậu đi nghỉ cuối tuần) liệu cháu có dám đến thuê khách sạn nghỉ qua đêm không? Cũng thật ái ngại, gần 1g sáng, một cô gái đến thuê phòng khách sạn, lỡ gặp chuyện xui rủi nữa thì sao? Bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra và không ai có thể đoán trước được việc gì sẽ đến.

Tôi còn nhận thấy con gái tôi rất tự tin trên thế giới ảo, có thể tư vấn cho bạn bè về thời trang, công nghệ, những cuốn sách, bộ phim... Vậy mà trong tình huống trên cháu hoàn toàn bị động.

Nhiều người lớn tuổi nghe câu chuyện cho rằng chỉ cách đây khoảng 20 năm thôi, khi công nghệ chưa can dự nhiều vào đời sống, con người ta vẫn có thể thông tin, liên lạc với nhau đúng hẹn và việc giúp đỡ nhau trong đời sống là chuyện rất bình thường. Thế thì tại sao công nghệ phát triển đã đẩy người ta xa nhau đến vậy? Giới trẻ tự hào bạn bè nhiều (cả trăm người), nhưng hàng xóm bên cạnh lại không biết ai.

Có thể thấy giờ đây cuộc sống công nghệ đã chi phối không chỉ giới trẻ mà cả người lớn. Việc họ cảm thấy tiếp xúc đời thực đôi khi ít thoải mái hơn giao tiếp qua mạng đã khiến con người ngày càng sống ảo, tưởng là vui khi có chỗ trao đổi, chuyện trò (chat) mà không thấy nhiều khi cuộc sống ảo đã đẩy người ta xa nhau hơn. Bởi trên đó là một xã hội mà mọi người đều có thể giao lưu với nhau bình đẳng, một người kết bạn với cả ngàn người. Thân có, sơ có và cả không ai biết ai.

Cuộc sống là thật nhưng mạng cũng có thật. Và cuối cùng, con người chìm trong đó, tưởng mình nhiều bạn bè mà rốt lại không có ai như trường hợp con gái tôi.

Một tia hi vọng le lói bắt đầu từ câu nói của con trai: “Ở hai người sẽ khác một người”. Mấu chốt là đây chăng? Con người bắt buộc phải giao tiếp, ăn, mặc, sống, làm việc; con người thật cần phải có con người thật để học cách ứng xử, ứng phó sự cố?

Cái tôi bị lỗi

Năm nay tôi 17 tuổi - độ tuổi mà tôi thường hay nói đùa với bạn bè rằng “sắp bị quẳng ra cuộc đời”. Và tất nhiên, tôi cũng đã và đang trải qua cảm giác băn khoăn lo lắng không biết 10 năm, 20 năm nữa mình sẽ ra sao, trở thành ai, đứng ở vị trí nào trong xã hội. Dường như đối với tuổi trẻ chúng tôi, bước ra đời đồng nghĩa với việc đánh một canh bạc lớn.

Tất nhiên nếu thất bại thì bạn vẫn có thể đứng dậy và ngẩng cao đầu bước tiếp, nhưng chẳng ai muốn thất bại cả. Chỉ cần đi sai một bước thì tất cả dự định, ước mộng được vẽ lên sẽ tiêu tan ngay lập tức và bạn buộc phải xây dựng tất cả lại từ đầu. Chính vì thế mà chúng tôi trở nên dè dặt hơn, thận trọng hơn.

Mỗi người chúng tôi tự xây cho mình cái tôi riêng, dùng cái tôi như một vỏ bọc để thể hiện cá tính, như một thứ hàng rào bảo vệ vững chắc để chỉ cần có ai đó xâm phạm, chúng tôi sẽ sẵn sàng vỗ ngực kêu to: “Này là tôi, tôi với cá tính, tôi với bản lĩnh. Không gì có thể giết được chúng tôi”. Internet đã giúp chúng tôi thể hiện cái tôi của mình như thế.

Dĩ nhiên chúng tôi sung sướng hơn thế hệ trước rất nhiều. Chúng tôi không chỉ được sinh ra trong thời bình mà còn được nuôi dưỡng tốt về mặt vật chất. Và dường như tất cả những gì chúng tôi muốn, chúng tôi đều có được, từ sách vở, áo quần cho đến những thiết bị đắt tiền như máy tính, điện thoại hoặc những thứ nhằm thỏa mãn việc giải trí. Internet giúp chúng tôi thỏa mãn khao khát được khẳng định mình.

Nhưng thật trớ trêu, những gì chúng tôi có chỉ là những bức ảnh đẹp được chỉnh sửa bằng photoshop, những câu status đầy “chất thơ” hay những lời nói cay nghiệt, đay nghiến nhau trên mạng xã hội. Vì thế khi biến cố thật sự xảy ra, chúng tôi mất thăng bằng, chúng tôi khóc lóc và thậm chí rơi vào trạng thái u uất.

Nghe có vẻ vô lý, nhưng tôi tin những người trẻ chúng tôi ai cũng nhận ra rằng một lúc nào đó, khi bị “quẳng ra cuộc đời”, những thứ lung linh, ảo diệu trên mạng xã hội kia sẽ chẳng giúp ích gì cho chúng tôi cả mà chỉ còn lại những gì thật nhất, rõ ràng nhất được phơi bày. Tôi mạn phép được gọi đây là những “cái tôi bị lỗi”, những cái tôi được xây dựng vì một mục đích đúng đắn nhưng phương thức thì sai lầm, sai lầm khi nó chọn những gì không thật để gầy dựng.

Đó cũng là lý do đôi khi chúng tôi sợ phải lớn lên, sợ trở thành người trưởng thành bởi nói cho cùng, chúng tôi là những cá thể chưa hoàn thiện, những cá thể chỉ mới được “thử nghiệm” trên máy tính, sách vở chứ chưa va vấp với thực tế.

Tôi đồng tình với bạn Bảo Linh trong bài viết “Nói về chúng tôi” (TTCT, 30-6-2013) rằng đôi khi tôi cũng thấy chính mình và bạn bè thật đáng thương. Bởi còn gì đáng thương hơn việc không nhận ra những huyễn hoặc vô ngần của không gian ảo.

Nó không thể giao tiếp thay bạn, không thể quyết định cuộc đời bạn, không thể tạo nên con người bạn khi bạn cần đứng ngẩng cao đầu giữa đám đông thật sự, thay vì ngồi trên ghế với đầu bạn ngang bằng màn hình vi tính, ngón gõ phím, tay di chuột và không có một lời nào được thốt ra...

Lê Huỳnh Anh Thy
(Tân Bình, TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận