​Cuốn sách về một cấm kỵ

MAI K. 07/05/2015 17:05 GMT+7

TTCT - Mỗi ngày, mỗi giờ, con người nhọc nhằn dong buồm đuổi theo cánh gió của số phận trên con thuyền chòng chành, chắp vá của bản ngã. Không ai trong chúng ta không cầu bình an, mong hạnh phúc, nhưng dường như chút yên ổn nhỏ nhoi đó là một cái đích quá xa vời. Phải chăng định mệnh của con người là một kiếp chìm trôi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay?

 

Alan Watts có một cách nhìn khác trong Biết ta đích thực là ai (*). Ra đời ở xứ sở sương mù Anh quốc, năm 23 tuổi Watts chuyển đến New York và bắt đầu quá trình tầm sư học đạo, hấp thụ tinh túy của nghệ thuật thiền.

Sống gần trọn chiều dài thế kỷ 20, ông là một trong những nhà tư tưởng, triết gia nổi tiếng nhất trong việc truyền bá tư tưởng Đông phương tới độc giả Tây phương. Bằng văn phong khiêm cung, mềm mại nhưng đầy sức khai sáng, ông đẩy người đọc ra khỏi những biên giới của suy tưởng tầm thường, vươn tay ra ánh sáng minh triết, tìm kiếm cho mỗi người một con đường giải thoát riêng.

ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI LỚN

Tại sao đây lại là một cuốn sách về cấm kỵ? Có lẽ bởi suốt hàng nghìn năm, con người phương Tây nghiền ngẫm về ý nghĩa cuộc đời, về tôn giáo, về chân tướng của vũ trụ nhưng tuyệt nhiên không tìm ra nổi một lời giải bao quát. 

Vì lẽ đó, khi đối diện với câu trả lời lớn, con người buộc lòng phải trải qua một cuộc cách mạng về tâm thức, mở rộng những giới hạn của hệ thống thế giới quan đã cấu thành nền tảng văn hóa sâu xa nhất của họ. Không ai có thể lường được những biến động mà một hệ tư tưởng mới mẻ như vậy có thể mang lại, thậm chí người ta dám cho rằng đó là một hệ tư tưởng nguy hiểm, “cấm kỵ”.

Alan Watts không mệt mỏi trên hành trình kiếm tìm con đường khai sáng. Dưới góc nhìn của ông, gốc rễ của mọi khổ đau nơi trần thế nằm ở điểm soi chiếu lầm lạc của con người khi cho rằng mình là một sinh thể tách biệt, độc lập, cô đơn trên phông nền mênh mông của vũ trụ.

Ông viết trong suy tư về thế giới hào nhoáng nhưng phi lý kia: “Nền văn minh công nghệ phương Tây, cho đến lúc này, là nỗ lực tuyệt vọng nhất của con người để chiến thắng trong cuộc chơi - hiểu, kiểm soát và xử lý bóng ma hư ảo gọi là cuộc sống này”.

Phương Tây đã xây đắp nên những thành lũy tri thức, trong đó con người tự xoáy sâu nghiền ngẫm chính mình và những khả năng của mình, tự đặt mình đối chọi với toàn bộ hệ thống thiên nhiên. Con người đã biến cuộc sống của mình thành một cuộc chạy đua miên man không hồi kết, thành một đấu trường giữa trắng và đen, nơi phải có kẻ thắng trận được xưng tụng và kẻ chiến bại bị đẩy lùi.

Con người trong thế giới đó bị giằng co giữa những “thiên chức” được dạy dỗ và sự bất lực khi không thể vừa tuân theo mệnh lệnh xã hội, vừa tận hưởng thứ hạnh phúc được hứa hẹn. Những tháp ngà kinh viện đã khuôn nặn con người thành những hình mẫu luôn nhoài mình tới tương lai xa xôi, không biết cách nào để nắm giữ hiện tại, trong khi chỉ có hiện tại là thứ duy nhất không có tận cùng, là hạnh phúc miên viễn chân xác nhất.

 “Anh không chết vì anh chưa hề sinh ra. Anh chỉ vừa quên mình là ai”.

Triết gia - nhà văn Alan Watts 

 

Con người trong thế giới đó kinh sợ bóng tối, kinh sợ cái chết  mà không nhận ra mối quan hệ hỗ tương giữa những nhân tố của bản thể cuộc sống, không nhận ra sự vĩnh cửu tồn tại trong mỗi sinh linh. Chính nhận thức sai lầm về ngã - về cái tôi đơn độc - đã đẩy con người vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát, như những kẻ mù lần mò trong một cơn ác mộng.

Alan Watts viết để đi tìm tỉnh thức, để nhân loại có thể nhìn ra điều bất ngờ không thể tin được trong cõi sống: “Anh không chết vì anh chưa hề sinh ra. Anh chỉ vừa quên mình là ai”.


TRÒ CHƠI TRỐN TÌM CỦA THƯỢNG ĐẾ

Alan Watts đã khơi ra những nguồn sâu xa nhất của hiện tồn. Con người và vũ trụ - mọi thực thể sống và môi trường của chúng - phải chăng tất cả chỉ là một? Chúng ta không tồn tại đơn côi như những tinh thể quay quanh những vòng xoáy mỏi mệt của cuộc đời. Chính chúng ta là sự mênh mang vĩ đại của toàn bộ những thế giới chúng ta từng tri kiến.

Chúng ta là vũ trụ tự trải nghiệm mình qua những dạng hình, góc nhìn biến đổi, vô thường. Không có sự phân mảnh, chia cắt, dán nhãn, toàn bộ vũ trụ bao gồm con người và mọi hạt cây cọng cỏ đều thuộc về một khối đại đồng, như Alan Watts dí dỏm nói “tựa một con mèo có cả đầu và đuôi”.

Biết ta đích thực là ai là cuốn sách được Watts đầy trân quý và trìu mến tặng các con và cháu mình. Lối giải thoát của ông không xa xôi, gượng ép, mà nằm trong chính từng bước đi chập chững của con người trên đường đời.

Trả lời những câu hỏi siêu hình và hóc búa nhất, ông hài hước dùng thứ thần thoại đa sắc để diễn giải. Cách ông trả lời các con mình cũng là cách ông mở lòng ra về những tầng sâu của thế giới: “Thượng đế cũng thích chơi trốn tìm, nhưng ngài chẳng có ai ngoài chính mình để chơi... Nhưng khi trò chơi kéo dài đủ lâu, tất cả chúng ta sẽ tỉnh giấc, không đóng kịch nữa, và nhớ ra rằng chúng ta hết thảy đều là một ngã duy nhất - thượng đế là toàn thể và bất tử”. 

(*): Tác giả: Alan Watts, dịch giả: Hương Vân, Nhà xuất bản Lao Động, Nhã Nam phát hành 2015.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận