Đà Nẵng - một cực phát triển mới cho miền Trung

KIM EM 28/12/2003 02:12 GMT+7

TTCN - Ngày 30-12 TP Đà Nẵng sẽ tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1. Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết 33-NQ/TW đồng ý cho Đà Nẵng áp dụng cơ chế riêng trong xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng chuyển mình vươn đến tương lai với tầm vóc mới của một thành phố trẻ năng động trong cách nghĩ, cách làm.

Phóng to
Một góc thành phố Đà Nẵng
TTCN - Ngày 30-12 TP Đà Nẵng sẽ tổ chức trọng thể lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Nẵng là đô thị loại 1. Bộ Chính trị cũng đã có nghị quyết 33-NQ/TW đồng ý cho Đà Nẵng áp dụng cơ chế riêng trong xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng chuyển mình vươn đến tương lai với tầm vóc mới của một thành phố trẻ năng động trong cách nghĩ, cách làm.

Khi lòng dân “đồng thuận”

Ngay sau khi chia tách địa giới hành chính vào đầu năm 1997, từ một TP trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với tổng ngân sách đầu tư hằng năm chỉ bằng kinh phí đầu tư cho một đơn vị hành chính của một địa phương bạn, chính quyền TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư từ chủ trương tạo quĩ đất lên đến gần 1.094 tỉ đồng. Hàng loạt tuyến đường mới ở nội ngoại thành, những công trình phục vụ phát triển kinh tế - dân sinh của TP đã được xây dựng với sự đóng góp của nhân dân mỗi năm hàng trăm tỉ đồng, kể cả giá trị về đất theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Và đây cũng là yếu tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng to
Cầu Tuyên Sơn nối cảng Tiên Sa với hành lang kinh tế phía tây, là công trình quan trọng của tuyến đường xuyên Đông Dương
Theo đánh giá của giới quan sát trong nước và quốc tế, cái “được” lớn nhất của Đà Nẵng chính là sự đồng thuận của người dân với các chính sách “mạnh tay” của lãnh đạo TP. Qua sáu năm thực hiện nâng cấp, chỉnh trang đô thị, TP Đà Nẵng đã thực hiện di dời, giải tỏa, đền bù cho hơn 52.000 hộ dân, nhằm dọn đường cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Việc không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp ra T.Ư và không xảy ra “điểm nóng” tại địa bàn đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về một sự ổn định xã hội của Đà Nẵng.

Chính sự ổn định về mặt xã hội này đã tạo ra cho TP Đà Nẵng sự tăng trưởng khá ổn định về kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong ba năm (2001-2003) tăng bình quân 12,46%. Và Đà Nẵng là địa phương xếp thứ năm trong số 15 tỉnh, thành tự cân đối thu - chi, không còn “xin” ngân sách từ T.Ư.

Cơ hội mới đê cất cánh

Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ trở thành một trong bốn đô thị lớn của cả nước với qui mô dân số tăng lên khoảng 1,5 triệu người cùng không gian đô thị ngày càng rộng mở. Là một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các chức năng cơ bản là một trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ của cả vùng và cả nước, Đà Nẵng sẽ phát huy vai trò là cảng biển lớn, đô thị trung tâm cấp quốc gia, đầu mối giao thông quan trọng (cảng biển, sân bay quốc tế, giao thông xuyên Việt, xuyên Á) và là cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và của các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông.

Phóng to
Xây dựng cơ sở 2 Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tập trung xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là các yếu tố tạo vùng như qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp...

Và để xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, có tác động lan tỏa đối với sự phát triển của các tỉnh lân cận, Tây nguyên và với cả hành lang kinh tế đông - tây, tiểu vùng Mêkông, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó Đà Nẵng được thực hiện thí điểm bước đầu một số cơ chế mới nhất so với cả nước như: được huy động thêm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách phát hành trái phiếu đô thị theo cơ chế tự vay, tự trả thông qua ngân sách thành phố; được vay tiền từ các tổ chức tài chính quốc tế, các địa phương nước ngoài trên cơ sở đảm bảo kiểm soát nợ của Chính phủ; được thực hiện cơ chế thí điểm bán nhà ở gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất cho người nước ngoài.

Phóng to
Công trường lớn bên sông Hàn: lấn sông mở rộng đường Bạch Đằng về hướng đông
Để sớm xây dựng Đà Nẵng thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế, phải có cơ chế để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng một số khu du lịch cao cấp. Theo đó, Đà Nẵng được phép sử dụng bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân và sân bay Nước Mặn để phát triển du lịch. Đồng thời được hưởng cơ chế ưu đãi về nguồn ngân sách T.Ư ổn định trong vòng năm năm cùng các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển. Chính phủ cũng sẽ ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư cho các công trình có tác động lớn đến việc phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như: dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cảng biển Liên Chiểu, ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, làng đại học Đà Nẵng và các viện nghiên cứu chuyên ngành.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Với những cơ chế chính sách mới hết sức thông thoáng, những ưu đãi về tài chính mà Bộ Chính trị đã có chủ trương, tôi tin rằng chỉ trong hai năm tới Đà Nẵng có thể thu hút vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Và con số này sẽ làm Đà Nẵng đủ tiềm lực vươn lên thành một đô thị trung tâm, đủ sức tạo thế làm đầu tàu kinh tế cho một vùng trọng điểm kinh tế”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận