TTCT - Trung tuần tháng 1, báo chí đồng loạt thông tin về khả năng xảy ra cuộc chiến tại vùng Vịnh, trong khi Đài CNN của Mỹ chạy tựa: “Iran, Mỹ cần một bệ phóng đến lối ra”. Từ đó đến nay chiến tranh vẫn chưa bùng nổ. Câu chuyện thật sự như thế nào? Tàu sân bay Mỹ USS John Stennis (trái) và USS Abraham Lincoln trong vùng biển Ả Rập ngày 19-1-2012. Tàu USS Abraham Lincoln đã vượt qua eo biển Hormuz mà không gặp sự cố gì - Ảnh: Reuters Lý do để cho rằng “đạn đã lên nòng” là việc Mỹ triển khai 15.000 quân tại Kuwait để “sẵn sàng đổ sang Iran”! Thế nhưng, nếu nhớ rằng Kuwait từng bị Iraq “nuốt” chỉ trong vòng sáu ngày vào tháng 8-1990 thì sẽ thấy việc triển khai quân Mỹ đó chẳng qua để phòng ngừa một kịch bản “Kuwait tập 2” khi Kuwait chỉ cách Iran trong “gang tấc”. Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 bùng nổ sau khi quân đội Iraq tràn sang tấn công Kuwait hôm 2-8-1990 và biến quốc gia bé tí này thành “tỉnh lẻ” của Iraq. “Rung cây nhát khỉ" không thành! Sách lược của Mỹ là dùng sức ép để dẫn đến đàm phán. Iran cũng đeo đuổi sách lược nước đôi gồm đe dọa kèm với đề nghị đàm phán.Tình hình vịnh Ba Tư bắt đầu căng thẳng từ hôm 27-12-2011 sau khi Phó tổng thống Iran Mohammad-Reza Rahimi tuyên bố: “Nếu thông qua các biện pháp trừng phạt (thêm nữa) chống lại dầu hỏa Iran, không một giọt dầu nào sẽ qua được eo biển Hormuz”. Đô đốc Habibollah Sayyari, tư lệnh hải quân Iran, cũng lên truyền hình phát biểu rằng “đóng cửa eo biển Hormuz là việc dễ như bỡn”. Ngay lập tức, tùy viên báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ George Little đáp trả: “Can thiệp vào việc đi lại của tàu bè qua eo biển Hormuz sẽ không được dung tha”. Phát ngôn viên hạm đội 5 của Mỹ đóng tại Bahrain bổ sung: “Hạm đội 5 vẫn đang hiện diện hùng hậu trong khu vực này để ngăn chặn hoặc chống trả lại bất cứ hoạt động gây bất ổn định nào” (1). Sang đến đầu tháng 1-2012, tướng Salehi, chỉ huy trưởng quân lực Iran, lên tiếng cảnh cáo đầy thách đố: “Iran sẽ phản ứng bằng sức mạnh nếu tàu chiến Mỹ phiêu lưu đến khu vực này. Chúng tôi chỉ cảnh cáo một lần thôi, và sẽ không lặp lại cảnh cáo này” (2). Kèm theo lời đe dọa đó là một đợt thử tên lửa rầm rộ của quân đội Iran mà báo chí đã đưa tin trước tết. Thế nhưng, thực tế bốn tuần sau đó lại “nhẹ nhàng” một cách bất ngờ. Hôm 23-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast gọi các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran là một “cuộc chiến tranh tâm lý”. Phát biểu này được đưa ra sau khi bộ trưởng ngoại giao 27 nước EU thông qua một lệnh cấm vận dầu hỏa Iran cùng các biện pháp tài chính nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran (3). Phát biểu trên là phản ứng duy nhất từ phía Iran sau quyết định trừng phạt mới của EU, thật ôn hòa so với phát biểu trước đó của Phó tổng thống Rahimi. Nếu biết rằng cũng hôm 23-1 đó, tàu sân bay Mỹ USS Abraham-Lincoln cùng một tàu tuần dương Anh và một tàu chiến Pháp đã ung dung vượt qua eo biển Hormuz mà không gặp bất cứ cản trở nào, sẽ thấy Iran ôn hòa “vô cùng tận” như thể chưa từng có bất cứ răn đe nào. Hóa ra khởi động một cuộc chiến không hề dễ dàng là một quyết định nông nổi, nhất là khi điều đó có thể dẫn đến thế chiến thứ ba vì những “dây mơ rễ má” mỗi bên. Iran đã cân nhắc rất chính xác khi nhìn vào hải đội đang vượt qua eo biển Hormuz: việc tàu chiến ra vào hải lộ quốc tế này là chuyện thường tình, song cùng lúc ba chiếc tàu của Mỹ, Anh, Pháp nối đuôi nhau tiến vào lại là một biểu thị quyết tâm bảo vệ hải lộ này. Trong lịch sử Trung Đông từng nổ ra khá nhiều cuộc chiến bảo vệ các hải lộ, khởi đầu là vụ xung đột kênh đào Suez năm 1956 sau khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào vốn là tài sản Anh - Pháp này. Liên quân Israel (175.000 người), Anh (45.000), Pháp (34.000) hè nhau tấn công 70.000 quân Ai Cập để bảo vệ “huyết lộ” của nền kinh tế Anh - Pháp khi có tới 44% hàng hóa hai nước này được vận chuyển qua kênh đào Suez (4). Ngay cả trong vịnh Ba Tư, trong cuộc chiến tranh tám năm giữa Iran và Iraq (1980-1988), Iran cũng từng muốn đóng cửa vịnh này bằng cách thả mìn song không thành công. Đến năm 1988, hộ tống hạm USS Samuel B. Roberts của hải quân Mỹ trúng mìn, Mỹ đã phản kích, hải quân Iran thiệt hại nặng nề, dẫn đến kết thúc sớm cuộc chiến tranh dai dẳng Iran - Iraq (5). Eo biển Hormuz nằm ở cửa vịnh Ba Tư (tên gọi cổ của Iran), giữa Iran và Oman, chỗ rộng nhất khoảng 55km, hẹp nhất 34km, chính là “huyết lộ” dầu hỏa của thế giới. Mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây, tương đương 35% lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của toàn thế giới. Bảo vệ hải lộ huyết mạch Từ hôm 23-1 đến nay, Mỹ và Anh đã tăng cường lực lượng hải quân ở trong và ngoài vùng biển Ba Tư lên đến 36 chiếc, trong đó có ba tàu sân bay (USS Abraham Lincoln, USS Carl Vinson và USS John Stennis). Mới đây nhất, Mỹ đã quyết định điều động thêm một trong những tàu sân bay cũ kỹ nhất của mình là chiếc USS Enterprise từ Đại Tây Dương đến khu vực vùng Vịnh (6). Để gây chiến? Để răn đe bảo vệ hải lộ huyết mạch này thì đúng hơn. Trong thông điệp liên bang tối 24-1, Tổng thống Barack Obama tuyên bố rất rõ: “Mỹ quyết tâm ngăn ngừa Iran có vũ khí hạt nhân, và tôi không loại trừ giải pháp nào để đạt mục đích này. Song một giải pháp hòa bình cho vấn đề này vẫn còn là khả dĩ”. Ba ngày sau, hôm 27-1, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tuyên bố yêu cầu lập lại đối thoại giữa P5+1 (năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cộng với Đức và Iran) vốn đã bị gián đoạn từ một năm qua. Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh: “Iran cần phải tự chứng tỏ rằng chương trình hạt nhân của mình là vì mục đích hòa bình. Điều này Iran vẫn chưa thực hiện”. Trước đó, Gary Sick, một cựu cố vấn trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về Iran trong cuộc khủng hoảng con tin Mỹ bị giữ tại Tehran năm 1979, đã bắn tiếng về một khả năng đàm phán: “Trong những ngày gần đây, chúng ta được Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta nhắc rằng Iran hiện vẫn chưa quyết định chế bom nguyên tử. Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng mạnh mẽ kêu gọi Iran quay trở lại bàn đàm phán. Điểm khởi đầu tốt nhất sẽ là đề nghị của Mỹ cung cấp thanh nhiên liệu làm giàu 20% (tức vẫn còn trong lĩnh vực dân dụng, sử dụng trong y khoa) đổi lấy việc Iran tự làm giàu uranium. Năm 2009, Iran đã dợm đồng ý song rút lại vì gặp phản đối trong nội bộ. Sau đó Iran đồng ý trở lại thì bị Mỹ bác bỏ vào năm 2010. Từ đó, Iran ra dấu muốn đàm phán trở lại vô điều kiện. Sách lược của Mỹ là dùng sức ép để dẫn đến đàm phán. Iran cũng đeo đuổi sách lược nước đôi gồm đe dọa kèm với đề nghị đàm phán. Hậu quả của các sách lược này là viễn cảnh một cuộc chiến tranh tai hại cho mọi người. Điều chúng ta cần bây giờ là một dàn phóng dẫn đến lối ra. Có lẽ nay là lúc khảo sát một lộ trình đàm phán mà cả hai phía cùng hài lòng” (7). Bất ngờ từ Trung Quốc Việc tàu sân bay Mỹ cùng tàu chiến Anh, Pháp an toàn vượt qua eo biển Hormuz hôm 23-1 quả là một bất ngờ trong bối cảnh Iran dọa sẽ đóng cửa eo biển này. Vì đâu có diễn biến trên? Tờ New York Times (8) giải thích phần nào điều bất ngờ này: “Thủ tướng Ôn Gia Bảo kết thúc vòng công du Trung Đông trong sáu ngày bằng một chỉ trích mạnh mẽ hơn lệ thường việc Iran thách thức bằng chương trình hạt nhân của mình. Việc ông Ôn Gia Bảo phê bình Iran đã được các nước “chủ nhà” vùng Vịnh, vốn đang muốn khẩn cấp ngăn chặn thế lực trong khu vực cùng chương trình hạt nhân của Iran, đón nhận hoan hỉ. Tại Doha, thủ đô của Qatar, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố: “Trung Quốc cương quyết chống lại việc Iran phát triển và làm chủ vũ khí hạt nhân”. Ông cũng công khai cảnh cáo Iran chớ đóng cửa eo biển Hormuz, cho rằng một hành động như thế sẽ được xem như là tấn công chống lại đa số các nước trên thế giới. Vào lúc Mỹ đang gây sức ép nơi Trung Quốc cùng các nước châu Á nhập khẩu dầu hỏa ngưng mua dầu từ Iran thì Saudi Arabia, nguồn cung cấp dầu số một cho Trung Quốc và một số nước khác trong vùng Vịnh, đã đề nghị tăng sản xuất nhằm đáp ứng bất cứ thiếu hụt nào. Các thỏa thuận bao gồm một kế hoạch của Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc nhằm xây dựng một nhà máy lọc dầu có công suất 400.000 thùng trên bờ biển Đỏ của Saudi Arabia. Và rồi một phái đoàn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã lên đường sang Iran. Coi như một cánh cửa đã được mở hé. __________ (1) http://www.kuwaittimes.net/read_news.php?newsid=MjgxNzc0MTY4Mg== (2) 3 Trois navires occidentaux ont franchi le détroit d'Ormuz-http://www.atlantico.fr/pepites/trois-navires-occidentaux-franchi-detroit-ormuz-iran-272962.html(3) Sanctions contre l’ Iran: une guerre psychologique" (Mehmanparast) http://fr.ria.ru/world/20120123/193122618.html(4) Crise du canal de Suez, Wikipedia.(5) Operation Praying Mantis: 18 April 1988, http://www.navybook.com/nohigherhonor/pic-prayingmantis.shtml(6) L'USS Enterprise se prépare à sa mission dans le Golfe http://fr.ria.ru/world/20120126/193156615.html(7) Iran US need a crisis exit ramp, CNN January 12, 2012(8) China Leader Warns Iran Not to Make Nuclear Arms, The New York Times January 20, 2012 __________ Kỳ tới: Từ những hiềm khích quá khứ Tags: Trung QuốcMỹChiến tranhIranDấu hiệu đe dọaVùng Vịnh
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Những lát cắt đời thường cảm động của các vị tướng THIÊN ĐIỂU 13/12/2024 Cuộc đời oai hùng ‘vì nhân dân quên mình’ của 9 vị tướng quân đội như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng… đang được kể trong trưng bày chuyên đề ‘Gan vàng dạ sắt’ tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, khiển trách bà Trương Thị Mai THÀNH CHUNG 13/12/2024 Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và kỷ luật khiển trách bà Trương Thị Mai.
Khởi tố 5 'vệ sĩ dẹp đường' cho xe đám cưới ở Thanh Hóa HÀ ĐỒNG 13/12/2024 Chiều 13-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố 5 bị can là vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới đi qua ở TP Thanh Hóa, về tội 'gây rối trật tự công cộng'.
Nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Boeing 787 bắt đầu hoạt động ở Đà Nẵng TRƯỜNG TRUNG 13/12/2024 Ngày 13-12, Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không KP Vina sản xuất linh kiện cho dòng máy bay Boeing đi vào hoạt động ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng.