Những xưởng thủ công dạy đủ thứ nghề khác nhau trở thành điểm đến của rất nhiều người làm công việc văn phòng. Ngay giữa lòng thành phố tấp nập, rời công sở với máy tính, điện thoại, họ chìm đắm vào những công việc chân tay, vày vò với đất cát, với mùi hương, màu sắc... Làm thợ gốm Hai năm qua, mỗi dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thị Anh Thư (37 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) lại đến xưởng gốm nhỏ ở Q.Bình Thạnh làm "thợ gốm" sau cả tuần bù đầu ở công ty. Chủ nhật, trong căn phòng nhỏ, quanh chiếc bàn gỗ dài của xưởng gốm có năm người. Mỗi người chăm chú làm công việc của mình: người ngồi bàn xoay với tiếng máy kêu rì rì, cẩn thận vuốt cái cốc cho thật tròn đều, người tỉ mẩn khắc từng họa tiết hoa lá lên chiếc đĩa... Chị Thư mê mải cán đất sét để làm một cái cốc, hai tay bê bết đất, quần áo cũng dính bột đất tèm lem. “Cuối tuần thay vì đi trung tâm thương mại, quán xá, tôi đến đây cùng con trai. Làm gốm rất thú vị, giúp giải tỏa căng thẳng. Suốt 2-3 giờ chỉ có tập trung vào thứ mình làm, không điện thoại, không công việc” - chị Thư nói. Cả chủ xưởng lẫn giáo viên ở xưởng đều đang làm đủ thứ công việc văn phòng: từ dân marketing đến người học kiến trúc... Ở đây, chị Thư học cách dùng bàn xoay máy để tạo hình các vật dụng như chén, đĩa, bình hoa, ly nước, học tráng men, khắc hoa văn, họa tiết, tô màu... Chị hào hứng kể, sau hai năm, chị đã tự làm rất nhiều vật dụng ở nhà, từ bình hoa cổ cao đến cốc uống nước, tô chén. “Phủ men mỏng quá men sẽ bị cháy, phủ dày quá thì lớp màu hay họa tiết khắc sẽ không nổi rõ được” - chị vừa mân mê một chiếc bình mới ra lò vừa nói. Mỗi lần đến đây chị học được những kỹ thuật mới và háo hức chờ đợi khoảnh khắc vui sướng nhất là ngắm vật dụng mình làm được đưa ra khỏi lò nung điện. Giờ chị đã thành thạo các công đoạn cán đất, tạo hình, dùng bàn xoay, khắc họa tiết, phủ men... Ở phòng bên, bé Nguyễn Nhật An (9 tuổi), con trai chị Thư, cũng đang tỉ mỉ cán đất làm vài chiếc đĩa. Suốt ba tiếng buổi sáng cậu bé đã làm được ba chiếc đĩa tròn đường kính 13-14cm. “Con sẽ khắc hình ba con thú lên đĩa. Khi làm xong sẽ mang về nhà cho mẹ” - An nói. An theo mẹ học được một năm và giờ đã rành rọt các công đoạn làm gốm. “Thường thì con làm một đợt khoảng 4 tuần. Một tuần làm, một tuần đợi khô, một tuần đợi nung”. "Anh thợ gốm nhỏ" này kể đã làm ra được kha khá món đồ: gác bút cho ba, chậu cây cho mẹ, đồ đựng xà bông... Hôm nay An háo hức đợi con bạch tuộc mà cậu bé đã làm cách đây hai tuần sắp ra lò. Con bạch tuộc có màu men khá đẹp, chẳng may đã bị gãy hai cái xúc tu trong lò vì quá mỏng manh nhưng An vẫn rất vui, em nói sẽ dùng keo gắn lại. Cậu bé mừng rỡ nhận thành phẩm vừa mới được đưa khỏi lò nung. Ảnh: VŨ THỦY “Ban đầu tôi chỉ đưa con đi cùng, vì trước giờ cháu chẳng mê gì ngoài game điện thoại. Nhưng đi cùng mẹ một thời gian, cháu tự xin học rồi theo cả năm tới giờ. Tuổi của cháu ngồi yên 2-3 tiếng trong một cái phòng nhỏ để làm một việc chân tay như thế này cũng khó, nhưng giờ cháu lại rất thích” - chị Thư kể. Các bạn trẻ thích thú làm gốm - Ảnh: Minh Phượng Tại TP.HCM có thể tìm thấy hàng chục địa điểm dạy làm gốm với nhiều phong cách khác nhau: gốm Nhật Bản, gốm Bát Tràng, gốm Biên Hòa... với những lớp trải nghiệm ngắn hạn trong 1-2 ngày hoặc học vài tháng. “ Chúng tôi đã đi nhiều làng nghề gốm từ Bát Tràng, Lái Thiêu đến Biên Hòa và quyết định chọn gốm Biên Hòa vì đây là địa điểm gần TP.HCM nhất, không tốn quá nhiều chi phí cho vận chuyển nguyên liệu từ đất sét, bàn xoay máy, máy mài... Gốm Lái Thiêu thiên về dân dụng, còn gốm Bát Tràng, Biên Hòa thiên về mỹ nghệ nhiều hơn” - chị Cao Thị Hồng Loan, quản lý xưởng gốm De-form Pottery (Q.Bình Thạnh), chia sẻ. Nhiều xưởng gốm khác ở quận 2, 7... do người nước ngoài xây dựng, khách hàng nước ngoài cũng chiếm đa số. “Người đến xưởng gốm thường là giáo viên tiếng Anh hoặc những người làm việc cho các công ty nước ngoài tại VN” - chị Anny Chen, chủ xưởng gốm Spin&Gogh (Q.7), một người Đài Loan ưa thích phong cách gốm Nhật Bản nói. “Tôi muốn tạo ra những sân chơi nghệ thuật cho người thành thị, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc, cũng là nơi mà người trẻ VN có thể chia sẻ văn hóa cho người nước ngoài đến đây” - Anny nói. Nhiều người nước ngoài tìm đến các xưởng thủ công sau giờ làm việc. Ảnh: VŨ THỦY Học chế nước hoa, làm son môi TP.HCM còn có vô số xưởng thủ công khác từ xưởng vẽ, xưởng làm đồ da và nhiều địa điểm mà mọi người có thể làm bánh, làm nước hoa, son môi, xà phòng, gấp giấy Ikebana Nhật Bản... Ở một workshop có tên Summer Perfume, lớp nước hoa mùa hè diễn ra trong một không gian chia sẻ ở Q.1, không chỉ có các cô gái mà nhiều chàng trai cũng tìm đến. Họ ngồi quanh chiếc bàn đã chuẩn bị sẵn những ống, đũa thủy tinh, khay tinh dầu, hương liệu, giấy thử. Người hướng dẫn nói về các loại mùi hương bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày và chia sẻ kiến thức về nước hoa. Mỗi người được yêu cầu vẽ một bức tranh mùa hè và tô màu theo sở thích. Dựa vào màu sắc của tranh vừa vẽ cũng như căn cứ vào vòng tròn hương thơm (The Fragrance Wheel) và kiến thức về tháp tầng hương, họ sẽ mang gam màu từ bức tranh ấy tô vào tháp tầng hương của mình để chọn ra mùi tương quan. Với nhiều mùi hương khác nhau: chanh sần, cam ngọt, vỏ bưởi, táo, đào, hoa cam, ngũ phong lữ, trà xanh, tràm trà, hoắc hương..., mỗi người lựa chọn những mùi hương khiến bản thân cảm thấy dễ chịu, yêu thích để pha trộn. 20 người tham gia sẽ có 20 loại nước hoa khác nhau sau khoảng hơn hai giờ miệt mài pha chế: người tạo ra mùi nước hoa rất ngọt ngào, bay bổng; người tạo ra mùi nước hoa bí ẩn, lãng mạn... Người chỉ cần kết hợp ba mùi hương là thấy hài lòng, lại có người sử dụng trên 20 loại mùi hương để tạo ra ba tầng hương cơ bản theo hướng dẫn. Cầm trên tay chai nước hoa được mọi người tham gia workshop đánh giá “mùi rất hay, rất cá tính, bí ẩn”, Trần Minh Ngọc Thủy (25 tuổi, TP.HCM) kể bản thân dùng nhiều loại nước hoa nhưng “chưa ưng ý lắm, muốn tạo ra mùi nước hoa của riêng mình”. Anh Lê Tùng Bách là người đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến mùi hương, nước hoa cho người tổ chức workshop vì bản thân rất quan tâm đến mùi hương. “Tôi làm trong lĩnh vực cà phê, ngoài sự tinh tế về vị thì cũng cần sự tinh tế của mùi hương nên muốn tìm hiểu” - anh Bách chia sẻ lý do tìm đến workshop. Các bạn trẻ tham dự workshop làm nước hoa vào cuối tuần. Ảnh: Minh Phượng Nguyễn Lê Quỳnh Như (25 tuổi, TP.HCM) - người hướng dẫn workshop, là chủ một cửa hàng nước hoa tại TP.HCM - cho biết cô bắt đầu tổ chức workshop chia sẻ làm nước hoa gần một năm nay với khoảng hai workshop mỗi tháng. Ngoài hướng dẫn làm nước hoa, Như còn có các buổi hướng dẫn làm xà bông, làm hoa khô. “Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, bắt đầu nghiên cứu thêm về mảng nước hoa từ lúc chưa ra trường. Bằng kiến thức học được cũng như nghiên cứu các nguồn tài liệu là các bài báo khoa học quốc tế, tôi muốn tạo ra dòng nước hoa chất lượng của người Việt, dành cho người Việt” - Như chia sẻ. Những workshop làm son môi, xà phòng hữu cơ với nguồn nguyên liệu sạch, tự nhiên được rất nhiều bạn trẻ tìm đến khi lối tiêu dùng xanh, chuộng sản phẩm tự nhiên không hóa chất cũng ngày càng được nhiều người hướng tới. Tăng Bội Quân (30 tuổi), chủ một thương hiệu mỹ phẩm, thường tổ chức những buổi workshop DIY (Do it by yourself) với khoảng vài chục người để hướng dẫn cách làm son môi từ dầu nền tự nhiên VN kết hợp nguồn sáp và màu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu. “Ban đầu tôi tự mày mò, tìm hiểu công thức làm các sản phẩm trang điểm cho bản thân vì bị dị ứng với mỹ phẩm có hóa chất. Giờ đã có kha khá kinh nghiệm, tôi muốn chia sẻ cho những người cũng yêu thích” - Quân nói. ■ Phí từ 150.000 đồng đến 2,5 triệu đồng Hầu hết các xưởng làm gốm có những khóa ngắn trong 1-2 ngày dành cho khách vãng lai, giá 150.000-300.000 đồng cho khoảng 2-3 tiếng với vật liệu, dụng cụ, giáo viên hướng dẫn. Khách có thể đăng ký lớp dài hạn từ 1 tuần đến 3 tháng để học làm gốm bài bản từ cơ bản đến nâng cao với giá 1,5-2,5 triệu đồng/khóa. Các workshop làm nước hoa, son môi thường được tổ chức vào ngày cuối tuần, khoảng hơn 10 người. Mức giá cho workshop nước hoa 400.000-450.000 đồng/buổi, người tham gia được mang về một chai nước hoa nhỏ tự tay làm ra. Workshop son môi và xà phòng hữu cơ sử dụng tinh dầu thiên nhiên có mức phí cao hơn, khoảng 1 triệu đồng/buổi. Tags: Dân văn phòngHọc thủ côngLàm nước hoaLàm gốmKhóa học cuối tuần
Học sinh bỏ quê đi làm thuê sau 'án' kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm CHÍ HẠNH 29/11/2024 Gần 2 tháng nhận ‘mức án’ kỷ luật đình chỉ học tập 1 năm, em L.N.D. (13 tuổi) rời quê Vĩnh Long đến Vũng Tàu cùng cha mẹ làm thuê, bươn chải kiếm tiền.
Thêm quán ăn treo biển không thanh toán hộ, nhiều người lăn tăn về quy định 'lạ' LÊ MINH 29/11/2024 Một quán ăn ở TP Hà Tĩnh vừa khai trương đã gây chú ý với người dân địa phương khi treo biển 'không thanh toán hộ'.
'Ô sin' dùng quái chiêu lừa chủ nhà gần 36 tỉ đồng DANH TRỌNG 29/11/2024 Vũ Thị Thanh bị cáo buộc xin làm giúp việc trong một gia đình có điều kiện kinh tế, sau đó dùng quái chiêu thao túng tâm lý nữ gia chủ, dụ dỗ đầu tư mua các căn hộ giá rẻ rồi lừa chiếm đoạt gần 36 tỉ đồng.
Công ty Xổ số Đà Nẵng từng trả thưởng vé số trúng giải đặc biệt bị rách ĐOÀN CƯỜNG 29/11/2024 Công ty Xổ số kiến thiết Đà Nẵng đã từng chi trả vé trúng thưởng giải đặc biệt cho một khách hàng dù vé này đã bị rách rời.