Dàn xếp tỉ số một trận bóng đá: Cũng phải học nghề!

HẢI MINH 30/04/2014 08:04 GMT+7

TTCT - Chỉ trong vòng hai tuần qua, bóng đá thế giới rúng động vì những vụ dàn xếp tỉ số. Cựu chủ tịch CLB hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ Fenerbahce, Aziz Yildrim, vừa bị tuyên án 3 năm tù vì mua chuộc trọng tài.

Thân Hoa Thượng Hải với các ngôi sao tầm cỡ thế giới Didier Drogba và Nicolas Anelka (thứ hai và thứ ba từ trái) cũng không tránh khỏi những vụ dàn xếp tỉ số - Ảnh: whoateallthepies.tv

Ba cựu cầu thủ ở Áo bị phát hiện hình thành một đường dây dàn xếp tỉ số có tổ chức và đặt cược những khoản tiền lên tới 300.000 euro. Mười ba cầu thủ ở các giải hạng thấp tại Anh đã bị cảnh sát bắt hoặc thẩm vấn vì liên quan tới một đường dây cá độ quy mô lớn...

Bóng đá là môn thể thao có tính đồng đội cao và trận đấu diễn ra liên tục, khiến việc dàn xếp không dễ. Nhưng nếu tin nhà chức trách, trong các vụ việc nói trên, hàng trăm trận đấu đã bị dàn xếp. Điều đó được tiến hành ra sao?

Theo các chuyên gia, có ba cách.

Cách thứ nhất rất kinh điển: mua chuộc trọng tài. Trong cuốn The fix: soccer & organized crime (Dàn xếp: bóng đá và tội phạm có tổ chức), tác giả Declan Hill cho biết hối lộ trọng tài trước các trận đấu bằng những cô gái tóc vàng xinh đẹp, những người sẽ tìm cách mồi chài vị vua sân cỏ, đã trở thành truyền thống ở một số quốc gia và CLB.

Sáng hôm sau, các quan chức CLB sẽ đi ngang qua gặp trọng tài nói vài lời về “sự hiếu khách ở sân nhà chúng tôi” và vị trọng tài thông minh, thường đã có gia đình và vợ con, sẽ hiểu ông phải làm gì. Tuy cách này sẽ đảm bảo những quả phạt đền và những thẻ đỏ “biếu không” cho đội khách, nhưng chưa chắc đảm bảo được tỉ số trận đấu như mong muốn.

Vì thế sẽ có cách thứ hai: mua cầu thủ. Một nhóm bốn, năm cầu thủ sẽ được báo trước (hoặc tự báo trước với nhau) về việc “buông” một trận đấu. Lợi thế của phương án này là khán giả sẽ rất khó xác định đó là một trận đấu đã bị dàn xếp. Trên sân sẽ có sáu người chạy trối chết và nỗ lực cho đội nhà và năm người giả vờ làm như thế. Một người chứng kiến trận đấu từ bên ngoài sẽ rất khó xác định điều gì đang xảy ra.

Nhưng đó vẫn chưa phải cách hiệu quả nhất. Cách thứ ba là khi chính một ông chủ đội bóng đứng ra dàn xếp tỉ số. Trong những vụ việc đã bị phanh phui, các điều tra viên của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đã phát hiện sự tham gia của nhiều ông chủ các CLB tại châu Âu. Những người này khởi đầu một mùa giải 40 trận với tư duy rất rõ ràng: “Chúng ta sẽ cố gắng thắng 30 trận này và sẽ buông 10 trận kia”.

Về mặt đạo đức thể thao, điều đó là không thể chấp nhận. Nhưng về mặt tài chính, tư duy như thế là hoàn toàn chấp nhận được. Biết chắc rằng đội bóng của họ sẽ thua 10 trận đó, các ông chủ có thể đặt tiền lớn cho đối thủ và như thế kiếm được nhiều tiền hơn so với thắng tất cả các trận.

Năm 2013, FIFPro - nghiệp đoàn lao động của các cầu thủ chuyên nghiệp trên toàn cầu, đã tiến hành một cuộc thăm dò, trong đó họ trao đổi với hơn 3.000 cầu thủ ở châu Âu về điều kiện làm việc và khả năng họ bị mua độ. Kết quả khiến nhiều người sửng sốt: rất nhiều cầu thủ ở châu Âu thường xuyên bị lôi kéo hoặc đe dọa để dàn xếp các trận đấu, thường là từ chính ông chủ đội bóng. Mọi việc diễn ra đơn giản tới kinh ngạc.

“Một ngày, ông chủ bước vào phòng thay đồ và nói: Nào, các cậu, hôm nay các cậu thua trận này, nếu không thì tiền nợ lương vài tháng qua coi như mất nhé!” - một cầu thủ giấu tên kể lại trong cuộc thăm dò. Khi cả đội đã nhận được chỉ đạo, họ chỉ đơn giản làm sao để khán giả không nhận ra. Một số cầu thủ láu cá thậm chí còn kịp đặt tiền cho khả năng đội nhà thua.

Nhưng tất nhiên, không phải mọi trận đấu đều bị dàn xếp. Tình hình ở châu Âu dẫu sao vẫn tốt hơn tại châu Á, nơi có khi toàn bộ một giải đấu phải ngưng thi đấu nhiều tháng trời vì các vụ bắt giữ hàng loạt do dàn xếp tỉ số. Đầu năm 2013, CLB Thân Hoa Thượng Hải, đội bóng mạnh nhất và nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay, bị tước chức vô địch quốc gia năm 2003 và phạt thêm 160.000 USD vì dàn xếp tỉ số, sau một cuộc điều tra kéo dài và quy mô lớn của cảnh sát nước này.

Nổi tiếng thế giới với việc từng đưa về các ngôi sao ở Premier League (Anh) như Didier Drogba và Nicolas Anelka, Thân Hoa cũng bị trừ 6 điểm cho mùa giải 2014. Họ chỉ là một trong 12 đội phải lãnh các án phạt khác nhau vì dàn xếp tỉ số, trong khi 33 nhân vật khác, bao gồm cả các quan chức cấp cao của LĐBĐ Trung Quốc và cựu tuyển thủ quốc gia, bị cấm hoạt động bóng đá suốt đời. Hai quan chức của liên đoàn thậm chí còn bị tuyên án tù giam mỗi người 10 năm 6 tháng.

Internet và việc giao dịch tài chính trên mạng dễ dàng đã khiến mỗi năm hàng triệu con bạc bất hợp pháp ở Trung Quốc chơi cá độ bóng đá. Theo một báo cáo của Europol năm 2008, thị trường cá độ bóng đá ở châu Á, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, có doanh số khoảng 450 tỉ USD/năm, tương đương 20 lần tổng doanh số của các giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp tại châu Âu.

“Hoạt động cá độ bất hợp pháp ở châu Á rất tinh vi, có hệ thống và có chân rết tại châu Âu” - Rob Wainwright, người đứng đầu Europol, nói trong một cuộc họp báo ở The Hague, Hà Lan.

Mỗi năm ở Trung Quốc, theo một nghiên cứu của tờ Telegraph (Anh), dân đỏ đen đổ 1.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1,4 tỉ USD, vào cá độ bóng đá. Và con số này tăng nhanh qua từng năm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận