TTCT - Lý do gì mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo, vào tối 3-12, đột ngột ban bố tình trạng thiết quân luật, rồi sáu giờ sau lại thu hồi lệnh này? Các đại biểu Quốc hội Hàn Quốc họp báo trước trụ sở Quốc hội rạng sáng 4-12. Ảnh: AFP Dân chúng, sinh viên và đảng đối lập đã phản đối dữ dội quyết định đó của ông Yoon, và tại sao lại như vậy?Lệnh thiết quân luật được phát đi trên truyền hình quốc gia, và ngay từ lời chào quốc dân, ông Yoon đã tỏ rõ tâm trạng: "Trong tư cách tổng thống, tôi ngỏ lời với quý vị mà lòng đầy đau buồn". Ông cho biết: "Kể từ khi chính phủ này nhậm chức, Quốc hội đã 22 lần đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm các quan chức chính phủ kể từ khi Quốc hội bắt đầu nhiệm vụ vào tháng 6".Tỉ thí Quốc hội - Tổng thốngÔng phân trần: "Đây không chỉ là điều chưa từng có ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, mà còn chưa từng thấy trong lịch sử đất nước chúng ta kể từ khi thành lập". Tâm tư hẳn là đang phải chất chứa lắm, nên ông Yoon mới đột ngột lên đài vào lúc 11h tối để ban bố thiết quân luật như vậy.Hơn hai năm qua, kể từ ngày ông Yoon nhậm chức, Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo, song ông chưa một lần phải cau mày, chớ đừng nói ban bố tình trạng thiết quân luật, vậy mà bây giờ ông lại có quyết định tày đình như vậy. Hóa ra Quốc hội mới là nguy cơ sống còn với ông. Những lời này do chính ông nói ra: "Quốc hội đã làm tê liệt công tác tư pháp bằng cách đe dọa các thẩm phán và luận tội các công tố viên. Thậm chí còn làm tê liệt chính quyền bằng các nỗ lực luận tội bộ trưởng nội vụ và an ninh, chủ tịch ủy ban truyền thông nhà nước, chủ tịch hội đồng kiểm toán và thanh tra nhà nước, và bộ trưởng quốc phòng".Thế nhưng, 6 tiếng đồng hồ sau khi đột ngột ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm triệt tiêu hoạt động của Quốc hội, Tổng thống Yoon đã phải thu hồi mệnh lệnh. Quốc hội Hàn Quốc đã trèo rào vượt qua các binh sĩ canh gác nơi làm việc của họ (những người đã không tuân thủ lệnh thiết quân luật của tổng thống khi không nổ súng) để họp phiên toàn thể ngay trong đêm 3 rạng sáng 4-12, và thông qua nghị quyết dỡ bỏ lệnh thiết quân luật. Cuộc họp có sự tham dự của 18 đại biểu thuộc Đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền của chính ông Yoon, và 172 đại biểu các đảng đối lập, thừa số quá bán trong Quốc hội 300 ghế của Hàn Quốc.Sự cố này gây chấn động cả thế giới bởi lần chót mà Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật là tận năm 1980, trực tiếp dẫn tới cuộc nổi dậy Gwangju (ngũ nhất bát, tức cuộc nổi dậy ngày 15-8) làm hàng nghìn người thiệt mạng, và phong trào dân chủ sục sôi sau đó đã làm thay đổi hoàn toàn đất nước này.Sự kình chống của Quốc hội Hàn Quốc với tổng thống hiện giờ không chỉ đã kéo dài, mà còn quyết liệt, có hệ thống, với mục đích dứt khoát không để chính quyền của ông Yoon hoạt động. Tổng thống đã nhiều lần tố cáo Quốc hội cắt giảm tất cả các khoản ngân sách lớn, qua đó phá hoại các chức năng thiết yếu của nhà nước, như các biện pháp chống tội phạm ma túy và duy trì an ninh công cộng.Ông dẫn chứng các con số: "Đảng Dân chủ (DP, đối lập) đã cắt giảm 4.100 tỉ won (2,85 tỉ đô la) cho ngân sách năm tới, gồm 1.000 tỉ won từ các quỹ chuẩn bị ứng phó thảm họa, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và còn nhiều hơn nữa cho chương trình việc làm thanh niên và các dự án phát triển khí đốt biển sâu. Họ thậm chí cản trở việc nâng cao phúc lợi cho giới chức quân đội, bao gồm tăng lương cho sĩ quan cấp thấp và tăng thù lao làm nhiệm vụ của họ".Tổng thống Yoon Seok Yeol. Ảnh: ReutersVì lệnh thuyết quân luật, nay ông Yoon đang bị DP đòi luận tội, dù trước đó ông đã luận tội DP: "Chế độ độc tài lập pháp của DP đã sử dụng ngân sách như công cụ chính trị. Chính quyền nhà nước đã tê liệt, và tiếng thở dài của người dân ngày càng sâu sắc. Đây rõ ràng là hành động kích động nổi loạn nội bộ bằng cách chà đạp trật tự hiến pháp của nước Cộng hòa Hàn Quốc tự do và phá vỡ các thể chế nhà nước hợp pháp được hiến pháp và luật pháp thiết lập". Ông Yoon, người từng là tổng trưởng Công tố Hàn Quốc, còn đi xa đến mức khẳng định: "Bây giờ, Quốc hội đã trở thành ổ tội phạm, làm tê liệt hệ thống tư pháp và hành chính quốc gia qua chế độ độc tài lập pháp và âm mưu lật đổ hệ thống dân chủ tự do".Nhưng Quốc hội Hàn Quốc, hiện do phe đối lập kiểm soát - DP đã thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4-2024, giành được 170/300 ghế ở Quốc hội, đã tố ngược ông Yoon với những lập luận đanh thép không kém. Họ cho rằng chính ông tổng thống mới là độc tài và tìm cách xâm phạm các thể chế dân chủ với lệnh thiết quân luật. Jo Seung Iae, đại biểu Quốc hội của DP, tuyên bố hình ảnh từ camera an ninh cho thấy quân đội đã theo lệnh của ông Yoon mà tìm cách bắt giữ ông Lee Jae Myung, thủ lĩnh DP, và Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik (đại biểu độc lập, không đảng phái).Sau cuộc họp của Quốc hội khuya 3-12, ông Woo đã tuyên bố lệnh thiết quân luật là "vô hiệu" và khẳng định các đại biểu dân cử sẽ "sát cánh với người dân để bảo vệ nền dân chủ". Ông Woo đồng thời hoan nghênh việc quân đội đã rút lui, không đẩy sự việc đến đối đầu bạo lực: "Với những ký ức không may của chúng ta về các cuộc đảo chính quân sự, người dân chắc chắn đã theo dõi các sự kiện ngày hôm nay và thấy được sự trưởng thành của quân đội".Biểu tình đòi luận tội ông Yoon ở Seoul ngày 7-12. Ảnh: APMặt trái của tấm mề đayTất nhiên, trong thông điệp ban bố tình trạng thiết quân luật, Tổng thống Yoon chỉ "phê" chớ không "tự phê". Nhiệm kỳ của ông đã bắt đầu với rất nhiều vấn đề. Một ví dụ là việc các công tố viên Hàn Quốc từng nhận được lời khai từ nhân chứng khẳng định đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee đã trao một phong bì đầy tiền mặt cho cựu chuyên gia thăm dò dư luận Myung Tae Kyun để nhờ ông này "lobby" giùm cho ông Yoon trong nội bộ đảng cầm quyền, nhật báo Hankyoreh loan tin hôm 13-11.Tờ báo nói chuyên gia Myung đã phủ nhận số tiền này là tiền "lại quả", mà chỉ là để "trang trải chi phí đi lại" của mình. Nhưng các nhân chứng nói tiền này là từ Covana Contents - công ty của bà Kim, với số tiền là 5 triệu won (3.550 đô la Mỹ). Khi tờ Hankyoreh hỏi lại Văn phòng tổng thống có đúng là đệ nhất phu nhân đã đưa tiền cho ông Myung hay không, câu trả lời là: "Tuyên bố của Myung không đúng sự thật". Tờ báo có vẻ không tin câu trả lời: "Khi ngày càng có nhiều mối liên hệ mật thiết giữa ông Yoon, bà đệ nhất phu nhân và ông Myung lộ ra, thì khả năng cuộc điều tra sẽ được mở rộng để nhắm vào tổng thống và đệ nhất phu nhân càng cao".Vụ việc đó chính là mồi lửa dẫn tới cuộc đấu tranh chính trị gay gắt ở Hàn Quốc suốt từ tháng 4-2024 nay bùng lên thành biến cố "thiết quân luật". Đơn tố giác vụ việc do một nhóm công dân đệ trình hôm 31-10, cáo buộc ông Yoon và đệ nhất phu nhân vi phạm đạo luật bầu cử viên chức công vụ. Đơn đã được chuyển cho Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul, rồi Văn phòng công tố quận Changwon. Một viên chức của Văn phòng công tố Changwon nói: "Chúng tôi sẽ xác định xem những cáo buộc này có cấu thành tội hình sự hay không và xem xét chúng trong quá trình điều tra". Số tiền chạy chọt hay lại quả này tuy rất "bèo", chỉ hơn 3.000 đô la, nhưng nếu cấu thành tội hình sự, nó đủ để tổng thống Hàn Quốc mất chức, thậm chí là phải đối mặt tương lai tù tội!■ Biết ra sao ngày mai?Có thể thấy dường như chuyện kình chống giữa Tổng thống Yoon với Quốc hội đã thành chuyện cá nhân, nên ông Yoon rốt cuộc không thể đứng vững với quyết định thiết quân luật: 6 giờ sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, ông đã phải "quay xe". Quân đội và cảnh sát bố trí rải quanh trụ sở Quốc hội trong đêm đã được rút đi.Nhưng vụ việc cũng phải nhìn rộng hơn ra khỏi Hàn Quốc. 11h tối thứ ba 3-12 ở Seoul, ở Washington D.C. đang là 9h sáng cùng ngày. Phó phát ngôn Nhà Trắng Vedant Patel, khi được hỏi về chuyện này, đã trả lời: "Mỗi quốc gia đều có quy tắc, luật lệ và thủ tục riêng. Tôi chắc chắn không phải chuyên gia về luật pháp và hoạt động lập pháp của Hàn Quốc. Nhưng chắc chắn, chúng tôi hy vọng và mong đợi luật pháp và quy định của một quốc gia cụ thể được tuân thủ".Sòng phẳng thôi, nhưng vấn đề là câu hỏi sau đó: "Vậy về cơ bản, ông (Patel) nghĩ rằng nếu Quốc hội (Hàn Quốc) đã bỏ phiếu thì lệnh thiết quân luật phải được dỡ bỏ. Hoa Kỳ sẽ tôn trọng quyết định đó của Quốc hội chứ?". Diễn nôm câu hỏi này là: Mỹ chọn Quốc hội hay ông Yoon. Ông Patel, sau khi rào đón về chuyện "xung đột chính trị phải được giải quyết hòa bình và trong khuôn khổ luật pháp", thòng thêm một câu: "Tất nhiên, một cuộc bỏ phiếu như vậy ở cơ quan lập pháp là nhất quán với cách tiếp cận đó". E rằng chuyến này ông Yoon lành ít dữ nhiều. Tags: Quốc hội Hàn QuốcBan bố tình trạng khẩn cấpTình trạng thiết quân luậtTổng thốngHàn Quốc
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Chàng lái xe công nghệ ngoài hành tinh, xịt khói giữa chợ và bay về trời... NGUYỄN NGỌC THUẦN 10/12/2024 3389 từ
Tin tức sáng 12-12: Sabeco rút hẳn khỏi một công ty; OceanBank đổi tên, người của MBBank lãnh đạo TUỔI TRẺ ONLINE 12/12/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Sabeco rút khỏi một công ty sau khi mất hết vốn; Vận chuyển vàng trái phép qua biên giới có dấu hiệu gia tăng; Vinpearl sẽ huy động hơn 5.000 tỉ đồng trước niêm yết...
3 quốc gia chủ nhà 'World Cup đặc biệt' 2030, Saudi Arabia chủ nhà World Cup 2034 HOÀI DƯ 12/12/2024 Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã công bố chủ nhà của 2 kỳ World Cup 2030 và 2034. Trong đó World Cup 2030 sẽ là giải đấu đặc biệt kỷ niệm 100 năm sự kiện này ra đời.
Đường chật xe đông, hễ va chạm là đánh người, bị bắt thì nhắn nhủ 'đừng như tôi' TRIỆU VÂN 12/12/2024 Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc không hay chẳng đáng giữa người dân chỉ vì va chạm nhỏ khi đi xe. Phải chăng nếu viện lý do "động tay động chân" đánh người, thậm chí là đánh phụ nữ, vì áp lực cuộc sống, nóng nảy thì có đáng?
Kỳ diệu du lịch nông nghiệp: Từ làng nghèo nhất thành làng giàu nhất Bali THÁI BÁ DŨNG 12/12/2024 Lần đầu tiên chọn Việt Nam tổ chức hôm 10-12, Hội nghị quốc tế về du lịch nông nghiệp thế giới quy tụ các diễn giả hàng đầu thế giới, các nhà hoạch định chính sách và đại diện "các làng du lịch triệu đô" đã công bố những thông tin gây kinh ngạc.