Đầu năm nói chuyện ăn uống: Bữa tiệc vĩ đại nhất

K.ĐỖ 10/02/2020 22:02 GMT+7

TTCT - Năm 1971, vua Iran tổ chức kỷ niệm 2.500 năm đế quốc Ba Tư tại Persepolis. Lúc đó, đại tiệc này được coi là kỷ lục về sự sang trọng trong lịch sử cận đại và đến giờ vẫn chưa đâu sánh được. 600 khách, vua chúa và chủ tịch, tổng thống, thủ tướng đến dự, từ Liên Xô đến Mỹ, khối Phi liên kết, hoàng gia thế giới Á, Âu, Phi và có cả một hồng y đại diện cho Tòa thánh Vatican!

Gia đình hoàng gia Reza đón khách dự tiệc. Ảnh: alimentarium.org
Gia đình hoàng gia Reza đón khách dự tiệc. Ảnh: alimentarium.org

Bữa tiệc kéo dài ba ngày được tổ chức tại di tích cố đô của đế triều Achaemenid. Cyrus II là người sáng lập Đế quốc Ba Tư, trước đó là nhiều vương quốc kiểu Trung Hoa tiền Tần. Đế quốc này, trong 30 năm ông trị vì, là rộng lớn nhất thế giới và được nhiều sử gia coi là “đế quốc toàn cầu đích thực đầu tiên”, sau khi được con cháu ông phát triển thêm. 

200 năm sau (năm 330 trước Công nguyên), thành phố trung tâm của thế giới bị một đại đế khác là Alexander chiếm, ra lệnh cho quân lính mặc tình cướp phá và đốt trụi để trả thù quân Ba Tư chiếm Athens vào năm 480 trước Công nguyên.

Năm 1970, khi buổi tiệc được quyết định tổ chức, Persepolis là thành quách bỏ hoang trong sa mạc, không có ai sinh sống ở nơi “nền cũ lâu đài, bóng tịch dương”. Thành phố gần nhất là Shiraz, cách 75km và không có đường giao thông tốt, hạ tầng lụp xụp, không có một khách sạn quốc tế ra hồn.

Bàn tiệc ngoằn ngoèo dài 70m. Ảnh: alimentarium.org
Bàn tiệc ngoằn ngoèo dài 70m. Ảnh: alimentarium.org

Chuẩn bị cho đại tiệc

Vua Reza nhà Pahlavi của Iran bèn gọi bộ trưởng đổng lý ngự tiền văn phòng hoàng gia đến và truyền chiếu chỉ về ý định mở tiệc. Để hiểu rõ tính khí nhà vua, cần biết Reza này là người một hôm đọc báo Jane’s Defence về quốc phòng, liền hỏi quần thần tại sao số chiến xa của Iran lại thua của Tây Đức, yêu cầu các bộ trưởng phải lo mua gấp để qua mặt!

Thời đó Iran là bá cường khu vực, đại diện cho Hoa Kỳ trấn Trung Đông và can thiệp vào chiến tranh Oman thay mặt Washington khi Saudi Arabia bé bỏng chưa là gì. Chuyện xa hoa của ông hoàng này, khác với Saudi cưỡi lạc đà sụt phải giếng dầu, được Tây phương ca tụng là tinh tế và có văn hóa.

Năm 1967, ông xưng đế, “Shah in Shah” (vua của các vua), và từ đó sinh ra chuyện lễ tiệc - ăn uống, nghĩ ra việc kỷ niệm đế triều xa xưa 25 thế kỷ trước, mặc dù (hay chính bởi) nhà Pahlavi mới truyền đến đời thứ hai. Cha Reza là một võ tướng mang quân đảo chánh vào thời loạn.

Xếp ghế trên khán đài ở thành cổ Persepolis cho các vị khách quý. Ảnh Alimentarium
Xếp ghế trên khán đài ở thành cổ Persepolis cho các vị khách quý. Ảnh Alimentarium

Bộ trưởng đổng lý hoàng cung sau khi yết kiến nhà vua, mặt mày tái mét, hai tay ôm lấy đầu vì sợ không giữ được. Ông chạy vội đến Persepolis để tìm hiểu, thấy di tích bỏ hoang, chỉ còn toàn rắn rết với nhện độc và bò cạp. 

Việc đầu tiên là khử chúng cho tiệt, vì lũ đó đâu có phân biệt công chúa hay hoàng hậu, hoàng tử hay vua. Sau đó là công cuộc trùng tu khẩn cấp các di tích, xây dựng khách sạn cấp tốc ở Shiraz và mở lộ đến Persepolis. Bao nhiêu là việc khó, duy cũng được một điều là tiền bạc không thành vấn đề! Nhưng làm thế nào để tiếp sáu, bảy mươi phái đoàn nguyên thủ quốc tế giữa sa mạc? Thì cắm lều cho họ ở chứ sao nữa!

Ông sang Pháp tìm hiểu công nghệ, nhưng không dùng lều của Hội Chữ thập đỏ, mà là loại tiện nghi hơn. 50 lều này, mỗi chiếc hai phòng ngủ và hai phòng tắm, một nhà bếp và một phòng khách 12 chỗ ngồi, có điện, điều hòa và nước nóng lạnh. Mỗi lều treo một tấm thảm dệt tay có hình nguyên thủ nước tương ứng.

Công trình chính là lều dự tiệc, thoáng mát và rộng rãi, diện tích 68m x 24m, bàn tiệc chính uốn lượn dài 70m. Vải bàn và khăn bàn phải mất nửa năm và 125 phụ nữ mới may xong. Ngoài ra còn phải có chỗ cho nhân viên tháp tùng, người phục vụ, bảo vệ an ninh, một lều riêng có két sắt để các bà gửi nữ trang hay các ông gửi huân chương, vương miện.

Hoàng gia Reza Pahlavi. Ảnh Pinterest
Hoàng gia Reza Pahlavi. Ảnh Pinterest

Nhưng không sao cả vì đã có các món khác. 150 tấn dụng cụ bếp được chuyển từ Pháp sang cho 40 đầu bếp sử dụng. Toán nhân viên phục vụ người nước ngoài là 120 người, tuyển từ khách sạn Palace tại St. Moritz (Thụy Sĩ) và nhà hàng Maxim’s (Pháp). Số lụa dùng cho trại Persepolis cộng lại dài… 37km. Toàn khu vực dự kiến phải trồng cây kiểng, kèm theo 50.000 con chim nhập về từ Pháp bay qua bay lại và hót cho vui. Tuy nhiên, ý định đó bất thành vì khí hậu không phù hợp: trong sa mạc, đêm xuống 0 độ và ban ngày nóng đến 40 độ. Được ba hôm thì chim chết hết, trước khi khách kịp sang, nên nhà bếp không lợi dụng được dịp đó để có món chim họa mi rán giòn xiên que.

Lúc đó Maxim’s được coi là số một thế giới, nổi tiếng từ thời các ông hoàng Nga sang Paris để chọc gái. Nhà hàng Maxim’s phải tạm thời đóng cửa để lo cho lễ tiệc cách nơi họ 5.000km này. Ngày nay, nhãn Maxim’s rất khác, các bạn muốn hưởng sái có thể dùng cơm ngay tại Terminal 2F của phi cảng Charles de Gaulle.

Phục vụ tiệc được tuyển từ Pháp và Thụy Sĩ. Ảnh Alimentarium
Phục vụ tiệc được tuyển từ Pháp và Thụy Sĩ. Ảnh Alimentarium

Chuyện tổ chức một ngày hội như thế không khỏi gây mâu thuẫn. Trước hết là giữa các khách mời. Nghi lễ ưu tiên cho tước vị của khách, chứ không phải cho tầm quan trọng quốc tế. Đại đế Sélassié của Ethiopia đứng hàng đầu, và có lẽ vì thế mà nữ hoàng Anh chỉ gửi chồng và con gái sang đại diện, Mỹ cử phó tổng thống và Pháp là thủ tướng. 

Trung Quốc cử đại diện thấp nhất dự tiệc: chỉ là đại sứ, ở trên hai vị đội sổ là đệ nhất phu nhân Philippines Imelda Marcos (vì không có chức tước gì cả) và hồng y của Tòa thánh. Lễ bộ thượng thư của hoàng gia Iran nhức cả óc đến giờ dự tiệc.

Người ta thấy ông vào bếp ngồi lẳng lặng một lúc lâu, thiếu điều bật khóc vì phải giải quyết chuyện chỗ ngồi, kiểu tại sao tôi không được ngồi cạnh thống chế Tito mà lại phải ở sau đít bà Ceaucescu.

Bên trong bếp cũng lục đục chẳng kém. Hai phe phục vụ Thụy Sĩ và Pháp không nhường nhau: sếp toán phục vụ khách sạn Palace bị hai nhân viên nhà hàng Maxim’s khóa tay cho sếp của họ đấm vào bụng để… dằn mặt. Nhưng mọi chuyện coi như hoàn hảo, trừ máy làm cà phê bị hỏng, may mà có 20kg Nescafe hòa tan mang từ Thụy Sĩ sang!

Lễ duyệt binh hoành tráng theo kiểu cổ trang. Ảnh Wikimedia
Lễ duyệt binh hoành tráng theo kiểu cổ trang. Ảnh Wikimedia

Ăn nhậu kiểu vua chúa

Số thức ăn là 18 tấn, đều nhập khẩu, gồm 2.700kg thịt bò, heo và cừu, 1.800kg gà vịt. Cả hành ngò cũng nhập từ Pháp hết, chỉ trừ 30kg (có nguồn nói là 120kg) trứng cá caviar là của Iran. Tên lửa thì không nói tới, chứ caviar của Iran được coi là nhất thế giới, trên caviar của Nga về chất lượng. Phần uống còn quan trọng hơn.

Một nhà hầm chứa rượu đặc biệt được xây dựng để chứa 410 két rượu, gồm 2.500 chai Champagne, 1.000 chai Bordeaux, và 1.000 chai Burgundy được giao trước bốn tuần để rượu sau khi đi xa còn có thời giờ “nằm nghỉ”. Phục vụ rượu phải nếm thử từng chai.

Ông này ngạc nhiên là Champagne 60 tuổi (1911) đã đổi màu nhưng không có chai nào hỏng cả. Phần Cognac 1860 chỉ có 12 chai nên thiếu, ông bèn lấy hai chai Courvoisier đối đế trộn vào mà chẳng ai phát hiện, “dzô” là “dzô” thôi!

Thực đơn bữa tiệc. Ảnh Alimentarium
Thực đơn bữa tiệc. Ảnh Alimentarium

Thực đơn ngày thứ năm, 14-10-1971 nguyên văn như sau, xin lược dịch:

- Oeufs de Cailles aux Perles (Trứng cút ấy mà)

- Mousse de Queues d'Ecrevisses (Bọt tôm càng bé)

- Selle d'agneau des grands plateaux farcie et rôtie dans son jus (Mông cừu nhồi đút lò)

- Sorbet au vieux Champagne (Kem nước đá nhưng đây thay nước bằng Champagne 1911)

- Paon à l'Imperiale (Thịt công kiểu đại đế, con công là biểu tượng của quân chủ Iran)

- Turban de Figues (Trái sung tráng miệng)

- Café Mokka (Ai từng vào Starbucks đều biết cái này là gì rồi)

Thực khách ai cũng hài lòng, trừ công chúa Ann của nước Anh tuyên bố “tôi sẽ không bao giờ ăn thịt công nữa”.

Nhưng ăn uống thì phải có giúp vui. Karaoke thời đó chưa phổ biến, nên không có ai lên hát “Cái trâm em cài, là do hoàng thân em biếu đó”. Thay vì vậy, khách được dự nhạc kịch ánh sáng tại di tích do nhạc sĩ Hi Lạp - Pháp Iannis Xenakis biên soạn.

Trong ngày còn có cuộc diễu binh kiểu Hollywood hoành tráng với 1.700 quân nhân Iran trang phục như vào thời Cyrus, khiến quốc vương Hi Lạp (Hi Lạp lúc đó vẫn còn vua) giật mình, suýt thì trốn khỏi khán đài danh dự để gọi Leonidas và 300 anh em đến cứu.

Các vị khách mời sành điệu của bữa tiệc. Ảnh Alimentarium
Các vị khách mời sành điệu của bữa tiệc. Ảnh Alimentarium

Ngoài ra, không nghe được chim hót thì vào trong các lều uống rượu. Theo sếp toán phục vụ thì lều Mỹ chỉ gọi Vodka, trong khi lều Nga chỉ dùng Whisky.

Khi tiệc tàn, một cảnh tượng hãi hùng diễn ra, tựa như diễn lại cảnh Alexander tràn quân vào Persepolis. Bao nhiêu thức ăn không dùng đến mang vứt hết, rượu từng két cũng đổ bỏ! Các phục vụ người Âu vội vàng chạy đi nhặt lại.

Theo đầu bếp chính, lính Iran (đạo Hồi, không uống rượu) lấy Champagne xối lên đầu và quẳng chén dĩa đặc biệt đặt làm tại Limoges ra bãi rác. Trong các lều trú dành cho khách, mỗi cái có một đồng hồ báo thức xinh xinh, có radio và nhạc gắn trên vách. Sau khi họ ra về thì phát hiện chín lều máy này đã bị gỡ mất!

Đấy có lẽ là điềm xấu. Tám năm sau, cả vua lẫn hoàng hậu Iran bị quẳng luôn mà không ai thèm nhặt. Sau Cách mạng Hồi giáo, hoàng gia Iran phải lưu vong lòng vòng qua Ai Cập, rồi tới tận Panama và Bahamas. Những vị khách cũ của ông đã đến, đã ăn tiệc, đã uống rượu, đã mang theo cả đồng hồ điện về, nay chẳng ai mở cửa cho ông vào. Ông cứ mãi lưu lạc như vậy tới những ngày cuối đời ở Ai Cập, vĩnh viễn không còn nhìn lại được quê hương.■

Các nhạc công góp vui. Ảnh Alimentarium
Các nhạc công góp vui. Ảnh Alimentarium

Đại tiệc “25 thế kỷ Ba Tư” không khỏi khiến quần chúng ăn khoai luộc bất mãn, thay vì tự hào dân tộc. Phí tổn của nó không ai biết rõ, dù theo hai vị đứng đầu tổ chức tiệc là 17 triệu hoặc 22 triệu đôla. Ngày đó (tháng 10-1971), giá một lượng vàng là 45 USD. 

Nếu quy ra vàng thì đại tiệc này tốn kém 377.000 tới 488.000 cây vàng. Với dịch virus corona và giá vàng phi mã ở thời điểm này (tháng 2-2020) là 1.900 đôla một lượng thì chi phí cho bữa tiệc là từ 716 triệu tới 927 triệu đôla, kể cũng hơi nhiều cho một “party” bốc đồng. Nó để lại gì? Bài học cho kẻ ăn uống tinh tế là ăn sung thì phải có Dom Pérignon Rosé 1959, và có lẽ chỉ có vậy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận