Đây là một tội ác, nhưng...

DANH ĐỨC 24/09/2013 10:09 GMT+7

TTCT - “Phái bộ điều tra đã thu thập được bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng tên lửa đất đối đất chứa chất sarin gây tê liệt thần kinh đã được sử dụng... ở khu vực Ghouta của TP Damascus” (1), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon quả quyết với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sáng 16-9-2013.

Tuy nhiên, ai là thủ phạm và làm gì sau đó lại là một vấn đề nan giải.

Syria trước ngày 9-9

Phóng to
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon phát biểu với báo chí về báo cáo thanh tra sử dụng chất độc sarin trong vũ khí hóa học ở Syria

Có thể hình dung trách nhiệm trọng đại của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon khi ông quả quyết “các kết quả điều tra là áp đảo và không thể chối cãi.

Các dữ kiện tự nói lên tất cả”. Bởi bất cứ một nhận xét chung cuộc nào của ông cũng đều đưa nội vụ đến một ngã rẽ khác, ra khỏi tình trạng “u u minh minh” hiện nay khi một bên quả quyết chế độ Assad đã sử dụng vũ khí hóa học hôm 21-8, trong khi bên kia nhất mực bảo không, thậm chí một bên thứ ba cũng quả quyết rằng “không” như trường hợp Phong trào người Kurd yêu nước (PYD) ở Syria.

Thủ lĩnh PYD Saleh Muslim đã lập luận rằng tổng thống Syria không ngu đến mức sử dụng vũ khí hóa học ngay sát thủ đô Damascus, nhất là khi ông này đang ở thế thượng phong như hiện nay (2).

Khách quan và độc lập

Theo nhấn mạnh của ông Ban Ki Moon, trưởng phái bộ điều tra là giáo sư Åke Sellström, người Thụy Điển, cùng các thành viên là những chuyên gia giỏi nhất của Liên Hiệp Quốc và họ đã làm việc khách quan, độc lập trong điều kiện chiến trường và trong khoảng thời gian kỷ lục.

Trích dẫn của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vai trò trưởng phái bộ điều tra Sellström là cần thiết trong bối cảnh tình hình đầy tranh cãi về việc có hay không có và phe nào đã sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, nhằm đảm bảo cuộc điều tra này không hề là “lụi” như bất cứ ai đó hay phe nào có thể hồ nghi.

Thật vậy, quá trình giáo sư Sellström làm công việc này với Liên Hiệp Quốc, từ đầu những năm 1990 qua chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, rồi ở vai trò chánh thanh tra vũ khí hóa học của Liên Hiệp Quốc là một đảm bảo cho tính trung lập và trung thực của cuộc điều tra về những gì đã diễn ra rạng sáng 21-8 kinh hoàng ấy (theo các nguồn tin ban đầu, có đến cả ngàn thường dân bị hại vì hơi độc sarin).

Cộng tác với phái bộ điều tra Liên Hiệp Quốc còn có Tổ chức Bài trừ sử dụng vũ khí hóa học (OPCW) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tức các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong việc xác định có phải là vũ khí hóa học hay không về mặt thực tế vũ khí và thực tế y học.

Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các phát hiện của phái bộ căn cứ trên những chứng cứ thu được trong quá trình hoạt động tại khu vực Ghouta đúng theo các quy trình chặt chẽ nhất mà một cuộc điều tra loại này có thể có được. Các xác quyết trên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về tính khách quan và độc lập của cuộc điều tra là tối cần thiết trong một vụ việc đang gây tranh cãi kịch liệt, vốn đòi hỏi một kết quả điều tra không một vết nghi ngờ về tính trung thực.

Có thể xác thực được không?

Ông Ban Ki Moon cho biết “phái bộ đã kết luận rằng vũ khí hóa học được sử dụng trên một quy mô tương đối rộng... trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria, và rằng cuộc tấn công này đã gây ra nhiều thương vong, đặc biệt nơi thường dân”.

Hiện trường của vụ việc mà Liên Hiệp Quốc gọi là của “các cáo buộc sử dụng vũ khí” là khu vực Ghouta, nằm về phía nam và phía đông vành đai xanh bao quanh thủ đô Damascus từ hàng ngàn năm nay, chính xác là khu vực thuộc huyện Markaz Rif Dimashq của tỉnh Rif Dimashq. Cùng với đà đô thị hóa quanh thủ đô Damascus, khu vực Ghouta hiện rất đông dân cư.

Trên The Majalla, một tờ báo tiếng Anh của người Ả Rập, Stephen Starr - một nhà báo độc lập, chứng nhân của cuộc nội chiến Syria và là tác giả quyển Nổi dậy tại Syria: mắt thấy, tai nghe - đã viết hôm 11-9 rằng Ghouta là một khu vực hầu như đa số dân chúng đã nghiêng hẳn về phe đối lập chính phủ, từng lãnh đạn pháo tên lửa nên cuộc tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học hôm 21-8 cũng là “chuyện thường tình” (3) trong bối cảnh giao tranh thường xuyên xảy ra tại đây từ hơn một năm qua.

Tuy nhiên, cũng theo Stephen Starr, lời khai của các cư dân sống trong khu vực thuộc phe nổi dậy đương nhiên nghiêng về phe này, trong khi không có mấy lời khai chính xác và hữu ích từ phía cư dân sống ở các khu vực khác của thủ đô Damascus vốn sống xa nơi xảy ra vụ tấn công. Từ hôm 11-9, Stephen Starr gọi cuộc tố cáo qua lại giữa phe này (rằng chính quyền Assad đã sử dụng khí độc sarin) và phe kia (rằng đó là một âm mưu của phe nổi dậy) là “cuộc chiến từ ngữ”!

Ông Ban Ki Moon đi vào chi tiết: phái bộ đã điều tra khoảng 50 người sống sót, lấy lời khai bảy bác sĩ cùng chín y tá đã đến hiện trường tiếp cứu ngay sau vụ việc để khảo sát các triệu chứng đặc hiệu của sự nhiễm độc chất sarin. Phái bộ cũng đã phân tích 30 mẫu đất và môi trường lấy từ khu vực này, tỉ mỉ hơn bất cứ cuộc điều tra từ trước đến nay do Liên Hiệp Quốc thực hiện.

Các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến phân tích tại bốn phòng thí nghiệm thuộc OPCW và các kết quả phân tích đã cho thấy: a/ quy mô rộng của các cuộc tấn công: 85% mẫu máu là dương tính với chất sarin, 34/36 bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc, hầu hết với chất sarin; b/ các đánh giá lâm sàng cho thấy một số bệnh nhân cũng bị nhiễm sarin; c/ đa số mẫu xét nghiệm môi trường cũng khẳng định chất sarin đã được sử dụng; d/ phái bộ cũng đã xem xét các mảnh tên lửa đất đối đất đã nổ và nhận thấy chúng có chứa chất sarin.

Ai là kẻ thủ ác?

“Đây là một tội ác chiến tranh... Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm buộc những kẻ thủ ác chịu trách nhiệm, đồng thời đảm bảo rằng vũ khí hóa học sẽ không bao giờ được xuất hiện như là một công cụ chiến tranh” - ông Ban Ki Moon tuyên bố, song lại “đá trái banh” khi cho rằng “nay đến phiên những người khác quyết định liệu xem có đeo đuổi vụ này xa hơn, dẫn đến xác định trách nhiệm”.

“Những người khác” mà ông Ban Ki Moon nói đến chẳng ai khác hơn là Hội đồng Bảo an mà ông nài nỉ rằng “sự đoàn kết là then chốt”.

“Đoàn kết” để nêu tên kẻ thủ ác? E rằng không. Đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin nhận xét: “Báo cáo này rất tỉ mỉ nhưng quá kỹ thuật, lại tránh đưa ra những luận cứ và suy diễn quả quyết nên cần được xem xét thêm..., và ai cũng có thể đưa ra kết luận riêng của mình. Nhưng tôi hi vọng sẽ không vì các động cơ chính trị”.

Ông cũng không quên nhắc rằng phe nổi loạn cũng có khả năng sử dụng vũ khí hóa học (4). Đại diện Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thì cho rằng báo cáo này càng củng cố các đánh giá của Mỹ về việc tấn công bằng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lý Bảo Đông phản ánh một sự thu xếp sẵn: “Trung Quốc hoan nghênh thỏa thuận khung giữa Nga và Mỹ nhằm loại bỏ vũ khí hóa học của Syria... Trung Quốc kịch liệt lên án bất cứ sự sử dụng vũ khí hóa học nào. Chúng tôi hoan nghênh việc Syria tham gia Công ước vũ khí hóa học”.

Lối ra cho tất cả là ở chỗ “hoan nghênh Syria tham gia Công ước vũ khí hóa học”, kết quả của thỏa hiệp cuối tuần trước giữa Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov, mà nay ba ngoại trưởng Mỹ, Anh và Pháp muốn một nghị quyết mạnh mẽ hậu thuẫn kế hoạch giải giới vũ khí hóa học (5).

Tất nhiên, cũng không quên thòng thêm một câu: “Nghị quyết cũng sẽ nói kẻ nào chịu trách nhiệm của vụ thảm sát ngày 21-8... nếu như chứng minh được”. Dọa nhau chút cho nhẹ thể, chớ truy vấn mãi, lấy gì chứng minh khi “ông nói gà, bà nói vịt”?

(1): http://www.un.org/sg/statements/index.asp?nid=7083
(2): http://www.freerepublic.com/focus/f-news/3059211/posts
(3): http://www.majalla.com/eng/2013/09/article55245345
(4): http://rt.com/news/churkin-un-chemical-report-938/
(5): http://www.state.gov/secretary/remarks/2013/09/214266.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận