Để những bàn chân bước một mình

VƯƠNG THUẤN 18/07/2009 20:07 GMT+7

TTCT - Về quê, nằm đong đưa trên võng thì bà chị nhờ: “Cậu đi chở giùm cháu đi học về cái”. Tôi ngạc nhiên: “Nó học trường nào?”. “Thì trường cậu học hồi nhỏ đó!”. Ngôi trường ấy cách nhà tôi chừng 500m và cháu tôi đã 11 tuổi rồi. Lại hỏi: “Sao nó không đi bộ về, gần xịt mà!”. Chị chép miệng: “Gần đâu, xa chứ, cả nửa cây số, xe cộ thì đông, ai biết chuyện gì, cậu có đón không?”.

Phóng to
Ảnh: Vương Thuấn

Thế là đi đón, đến trường thấy cu cậu đã đứng gần cổng, mắt ngóng về đám bạn đang ở trần chơi bóng trong sân thích thú lắm. Thấy cậu đến đón sớm mặt cháu tiu nghỉu, tôi cười: “Cởi áo ra, đá chút đi rồi về”. Chỉ chờ có thế, trận bóng có thêm một người. Hai cậu cháu dắt xe đi về bên nhau, ghé quán kem mà thuở nhỏ tôi thường nhìn vào mỗi buổi chiều, vòng vô công viên nhỏ gần nhà hái trái nổ thấm nước bọt bật tanh tách chơi, ngang bờ mương còn kịp đứng nhìn mấy tay câu cá muộn...

Điện thoại reo: “Có gì không, sao về trễ dữ, cháu có sao không?”. Tôi nhìn thằng cháu, nó không sao, nó cười tít mắt. Hồi bé, quãng đường ấy tôi thuộc đến từng viên bêtông bị mòn, biết cả ông Ba sửa xe máy hay ra ngồi trước nhà lúc mấy giờ, đấm lưng cho ông mấy cái ông cho kẹo gì. Bà Sáu Phong nhà buôn đồ điện thích nghe đọc thơ ra sao, lảng vảng trước nhà bà thế nào bà cũng kêu đọc “hỡi cô tát nước bên đàng...” và cho đồng tiền mới mừng “thằng nhỏ đọc giỏi”, ăn bánh tráng đã đời.

Cháu tôi bảo từ lúc đi học đến giờ toàn đi xe máy, có biết bên đường có gì đâu, xe chạy ù cái tới nhà, đón thì đúng giờ đến mức chơi “ken” với bạn còn không được.

Nỗi yêu quê hương, yêu cuộc đời này có vẻ phải bắt đầu từ việc biết rõ và yêu mến không gian tuổi thơ, không gian hẹp mà mình sống và lớn lên ấy. Đứa trẻ không biết đường đến trường mình có mấy tiệm bán đồ chơi e khó mà thương tuổi nhỏ, thương không gian thơ ấu, thương cả cuộc đời này. Vì thương là từ hiểu biết sinh ra đấy thôi. Chị gọi vào bảo: “Cậu làm sao mà thằng nhỏ cứ đòi đi bộ, đi học một mình”, có vẻ cháu tôi bắt đầu thương tuổi thơ bị bỏ quên rồi.

Lần ấy trên xe buýt tôi ngồi cạnh cậu nhỏ, rất nhỏ, còn chưa kịp ngạc nhiên vì chẳng có ai đi kèm cậu thì anh soát vé đã hỏi đùa: “Vé đâu ông tướng?”. Cậu ưỡn ngực, nắm lấy phù hiệu trường có in tên lớp mà nói dõng dạc: “Bộ không thấy người ta học lớp 1 hay sao mà còn hỏi vé!”. Tôi bật cười, anh soát vé cũng cười bảo đây là khách quen, nhà cậu ở cách ba bến, đi học về là lên xe buýt, hỏi lần nào cũng ưỡn ngực trả lời thế. Trong câu trả lời ấy có nỗi tự hào về quyền không phải trả tiền vé, tự hào về lớp 1 thật oách mình đang học và cả tự hào về việc tự lập, một hành khách như mọi người.

Ngay bến xe buýt Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, cứ tầm chiều khi trường quốc tế gần đó tan học, khi những chiếc xe hơi chen nhau đưa đón (phần nhiều là người Việt) có cậu bé tóc vàng xoăn tít khoảng 7 tuổi lặng lẽ đi đến trạm xe chờ chuyến về Phú Nhuận (ảnh). Cậu lấy sách ra đọc, ngắm tàng cây, chơi với khóm cỏ... khi chuyến xe chưa tới, thảnh thơi hơn mọi người lớn tất bật. Một người bạn nói cậu bé là con một chuyên gia nước ngoài khá tiếng tăm. Phát hiện tôi đang nhìn, cậu cười toe tự nhiên rồi lên xe.

Chợt nhớ anh bạn ngày nào cũng than phiền cảnh chen nhau đón con, giao thông kẹt, các chiến sĩ trật tự nhắc nhở, có lần còn bị va quẹt ngay trước cổng trường, thật khổ. Nhưng lại cười, nếu có con nhỏ mình có dám và an tâm dạy bé cách tự lập, cười toe mà tự hào bước lên xe buýt một mình không nhỉ?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận