Để truyện tranh không chỉ là giải trí!

HOÀNG ĐIỆP THỰC HIỆN 18/06/2011 19:06 GMT+7

TTCT - Festival truyện tranh lần 2 giữa Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) vừa kết thúc. TTCT trò chuyện với họa sĩ NXB Kim Đồng Vũ Xuân Hoàn, thành viên ban tổ chức hai festival truyện tranh vừa qua.

Phóng to
Đám cưới chuột - tranh của Ngô Mạnh Lân tham gia triển lãm “Mèo trong thế giới truyện tranh” - Ảnh: NXB Kim Đồng cung cấp

* Được biết, trong dự án hợp tác và triển lãm truyện tranh giữa NXB Kim Đồng và phái đoàn Wallonie-Bruxelles còn có những khóa đào tạo ngắn hạn về vẽ tranh và xây dựng kịch bản. Các họa sĩ Việt Nam nhận được gì từ hai khóa đào tạo ngắn hạn này?

Kể từ năm 2010, khi NXB Kim Đồng bắt đầu hợp tác với phái đoàn Wallonie-Bruxelles, hai festival truyện tranh đã được tổ chức tại Việt Nam vào các dịp 1-6 hằng năm. Năm 2010 với hai triển lãm Truyện tranh và nhạc Jazz (Bỉ) và Truyện tranh và đồng dao (Việt Nam), năm 2011 với hai triển lãm 70 năm tạp chí Spirou (Bỉ) và Mèo trong thế giới truyện tranh (Việt Nam), kết thúc ngày 4-6-2011.

- Nằm trong chương trình festival truyện tranh được tổ chức tại Việt Nam vào các ngày quốc tế thiếu nhi 2010 và 2011 còn có hai khóa đào tạo ngắn hạn về vẽ và xây dựng kịch bản truyện tranh đã được mở, thu hút đông đảo các họa sĩ là cộng tác viên của NXB Kim Đồng.

Ở khóa đào tạo đầu tiên về mỹ thuật, phía Việt Nam có 12 họa sĩ tham gia cùng với họa sĩ người Bỉ gốc Việt Nguyễn Vĩnh Khoa, kết quả của khóa học đó là một tập postcard về phố cổ Hà Nội đã được hoàn thành. Đây cũng là sản phẩm đánh dấu kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Còn ở lớp học viết kịch bản truyện tranh ngắn hạn (diễn ra từ ngày 1 đến 3-6-2011) đối với các cộng tác viên họa sĩ, sáng tác truyện thì dù rất mong muốn sẽ có sản phẩm ngay nhưng có lẽ phải chờ một thời gian nữa. Nhưng những chuyển biến của các họa sĩ là có thật.

* Nhiều bậc cha mẹ còn ngần ngại trước truyện tranh vì có ý kiến cho rằng đọc truyện tranh sẽ làm giảm khả năng tưởng tượng của trẻ?

- Điều này liên quan một chút đến lịch sử truyện tranh, ở Việt Nam lịch sử truyện tranh phát triển chưa lâu nên cách nhìn nhận về truyện tranh cũng chưa thật sự được coi trọng, thậm chí nhiều vị phụ huynh còn khá khắt khe khi chọn mua truyện tranh cho con.

Theo chuyên gia viết kịch bản truyện tranh hàng đầu Bỉ Stephen Desberg, ở Bỉ cũng thế: 50 năm trước các vị phụ huynh cũng khắt khe với con về truyện tranh, nhưng bây giờ có hẳn một nền truyện tranh dành cho người lớn và truyện tranh còn được coi như bộ môn “nghệ thuật thứ tám” đứng sau điện ảnh.

Sở dĩ có sự thay đổi đó vì lứa trẻ cách đây 50 năm được đọc truyện tranh bây giờ đã làm bố mẹ, nay con họ tiếp tục say mê đọc truyện tranh. Nó như một nhu cầu cấp thiết và hợp thời vì con người không có nhiều thời gian, họ đọc truyện tranh truyền tải nội dung thông qua hình ảnh minh họa nhanh, thậm chí người ta có thể xem lướt như một cuốn phim để có thể hiểu được nội dung câu chuyện với đủ mọi sắc thái hỉ nộ ái ố của nhân vật, thậm chí cả những hành động có thể là kỳ quặc và không thực hiện được thì truyện tranh làm được cả.

Cá nhân tôi cho rằng có thể sau 30 năm nữa, các bậc cha mẹ tại Việt Nam sẽ không cảm thấy lo ngại khi cho con đọc truyện tranh. Bởi thế, sự phối hợp giữa NXB Kim Đồng và phái đoàn Wallonie-Bruxelles cũng mong muốn mang lại một nền văn hóa truyện tranh đặc sắc và có bài bản.

Phóng to

Ngày mùa của Đặng Hồng Quân, tham gia triển lãm “Mèo trong thế giới truyện tranh” - Ảnh: NXB Kim Đồng cung cấp

* Vậy NXB có chú trọng đến mảng truyện tranh cho người lớn?

- Ở các nước Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới tồn tại truyện tranh cho người lớn từ rất lâu rồi. Đó là hai loại truyện tranh có lời và tranh truyện (tranh là chính, lời là phụ). Các khóa học do NXB phối hợp với phái đoàn Wallonie-Bruxelles cũng nhằm đưa ra định hướng cho các cộng tác viên của NXB trong việc sáng tác truyện tranh tại Việt Nam, trong đó dần tiếp cận đến các tác phẩm truyện tranh cho người lớn.

* Anh có thể nói gì về hướng đi tiếp theo của chương trình giao lưu này?

- Qua các triển lãm truyện tranh Bỉ tại Việt Nam, chúng tôi thấy đang đứng cạnh một người khổng lồ. Bởi thế, trong những giai đoạn hợp tác tiếp theo chúng tôi mong mang đến những sản phẩm truyện tranh thật sự tương xứng trong khuôn khổ triển lãm cả về nghệ thuật lẫn số lượng. Đồng thời, thông qua các triển lãm này để quảng bá rộng hơn về truyện tranh, nó không đơn thuần chỉ để giải trí hay giáo dục trẻ em mà thật sự là những tác phẩm nghệ thuật.

* Xin cảm ơn anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận