Đến Huế xem tinh hoa nghề dệt thế giới

THÁI LỘC 29/04/2013 06:04 GMT+7

TTCT - “Nơi hội tụ kỹ năng dệt may độc đáo của cả năm châu lục” chính là “tham vọng” của Lễ hội quốc tế dệt may độc đáo (Métamorphoses) trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2013 khai mạc ngày 27-4 tại TP Huế.

Đây cũng là một hoạt động nằm trong dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Pháp (1973-2013).


Dệt ren theo phương pháp cổ truyền của người Pháp tại Lyon - (ảnh do ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế cung cấp)
Trang phục của người Chypre - (ảnh do ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế cung cấp)

“Những điều kỳ diệu”

Bảo tàng Văn hóa Huế bên bờ sông Hương với hai ngôi biệt thự cổ kiểu Pháp được hứa hẹn trở thành nơi nhìn thấy “điều kỳ diệu đã xảy ra” trong kỹ thuật và nghệ thuật của nền dệt vải thế giới.

Điều đó thông qua 80 mẫu sản phẩm dệt may gốc, được đưa về từ Bảo tàng Bargoin (Pháp), phần lớn thuộc hàng “độc”, từ cổ xưa đến hiện đại, tất cả có xuất xứ từ truyền thống của các nền văn hóa khắp năm châu. 

Đây là lần đầu tại Việt Nam, mọi người sẽ được trực tiếp xem loại vải dệt truyền thống dùng chất liệu là sợi cây dứa của người Philippines. Cạnh đó là loại vải sáp và nỉ lông cừu của người Pháp. Điều độc đáo của trang phục nỉ lông cừu ở chỗ không hề có đường kim mũi chỉ nào. Nó được nghệ nhân “may” bằng hỗn hợp bánh xà phòng, nước và dầu ôliu... 

Một loại vải dệt khác bằng sợi tổng hợp xuất xứ từ Hong Kong có kết cấu “như một làn da”. Hiệu ứng độ bóng, nhẵn và bền của loại vải này được tạo từ một kỹ thuật nhuộm thủ công cổ truyền. 

Hay như loại vải sáp có nguồn gốc từ Tây Phi in những hình ảnh đơn giản rất đặc trưng trong đời sống hằng ngày của cộng đồng đang nắm giữ bí quyết tạo ra loại vải này. 

Một loại vải tre cũng rất đáng chú ý của một dân tộc ở châu Á lấy chất liệu từ sợi tre thiên nhiên. Và ấn tượng nhất có thể nói là tấm khăn quàng của người Madagascar, một đảo quốc Đông Phi, được dệt từ tơ của hơn 300.000 con nhện...

Từ cuộc triển lãm này, nhà tổ chức nhận định rằng: “Ngoài sự lựa chọn loại sợi và kỹ thuật để xác định hình dáng của vải, việc trang trí (dù được dệt, thêu, ren, in, tạo nỉ, nhuộm cục bộ...), chọn màu và các họa tiết đều dựa trên các truyền thống cổ xưa và được nuôi dưỡng bằng giao lưu, trao đổi, vượt xa ý tưởng của một đồ trang trí đơn giản. 

Trang trí trên thực tế tiết lộ cách sử dụng, nêu một ý tưởng, gợi lên những truyền thống và đức tin, kể lại những sự kiện lịch sử và những dữ liệu địa lý, hàm chứa nhiều ý nghĩa từ tầm thường nhất đến biểu trưng nhất”...

Nghệ nhân dệt zèng người Tà Ôi ở A Lưới và trang phục thời trang do Minh Hạnh thiết kế lấy từ chất liệu zèng - Ảnh: Jack Dahbigian

Bất ngờ từ zèng Tà Ôi

Điều được mọi người kỳ vọng tại Lễ hội quốc tế dệt may lần này có lẽ là buổi trình diễn thời trang của các nhà tạo mẫu quốc tế diễn ra ở quảng trường Quốc Học - Huế tối 28-4. 

Ba nhà tạo mẫu quốc tế Françoise Hoffmann (Lyon, Pháp), Patis Tesoro (Manila, Philippines) và Kinor Jiang (Hong Kong, Trung Quốc) cùng Minh Hạnh, Công Khanh (Việt Nam) trình làng các bộ trang phục khởi từ truyền thống Á, Âu, “hóa thân” từ chất liệu có sẵn trong tự nhiên. 

Trong số đó, bộ trang phục lấy ý tưởng và chất liệu của nghề dệt zèng - một loại thổ cẩm của người Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) - của nhà thiết kế Minh Hạnh được chú ý chờ đợi.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết các chuyên gia đến từ ban tổ chức Lễ hội quốc tế dệt may tại TP Clermont-Ferrand (Pháp) khi được dẫn đi xem cách dệt và được nắm trong tay sản phẩm dệt zèng của người Tà Ôi ở huyện A Lưới đã thốt lên rằng: “Đây là sản phẩm duy nhất, rất độc đáo và rất phù hợp với xu thế thời trang hiện đại của thế giới!”.

Người Tà Ôi vốn cư trú trong rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn giáp biên giới Việt - Lào, loại vải zèng của họ mang đặc trưng rất riêng, không chịu sự ảnh hưởng nào bởi thổ cẩm của các dân tộc phía bên kia biên giới nước Lào, càng không giống thổ cẩm của các dân tộc Tây nguyên hay thổ cẩm ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. 

Những hoa văn thể hiện trên zèng rất đơn giản, mộc mạc, là sự tái hiện những hình ảnh như núi đồi, cỏ cây, hoa lá, muông thú... của núi rừng xung quanh. Chỉ có bốn màu là đen, đỏ, trắng và xanh. Thế nhưng điều đặc biệt nhất của sản phẩm zèng chính là đưa cườm vào vải khi đang dệt. 

Những hạt cườm trên nền vải độc đáo này, dù có được nhờ vào cấu trúc khung dệt đơn giản, trở thành đặc trưng riêng biệt không lẫn vào đâu trong tất cả loại vải của các dân tộc anh em ở nước ta.

 Tinh hoa nghề Việt

Festival nghề truyền thống Huế có chủ đề Tinh hoa nghề Việt diễn ra tại Huế, khai mạc ngày 27-4, là nơi hội tụ của khoảng 200 nghệ nhân điển hình đến từ 21 làng nghề truyền thống nổi tiếng trên khắp cả nước. Công viên Tứ Tượng và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu ven sông Hương trở thành không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề.

Dưới những ngôi nhà rường kiểu Huế, các nghệ nhân trình diễn các nghề như: gốm sứ, sơn mài, mây tre, thêu, dệt lụa, thổ cẩm, đúc đồng, diều, hương trầm, kim hoàn, chạm bạc, mộc mỹ nghệ và pháp lam... Nhiều nghề trong số đó công chúng có thể trực tiếp tham gia tạo tác sản phẩm để mang về làm kỷ niệm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của nghệ nhân. Trong khuôn khổ lễ hội còn có các hội thảo về nghề truyền thống, các triển lãm sản phẩm và cổ vật nghề truyền thống cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao... diễn ra nhiều nơi khu vực trung tâm TP Huế.

Lễ rước tôn vinh nghề và lễ tế tổ bách nghệ Việt Nam sẽ bế mạc Festival nghề truyền thống Huế vào tối 1-5.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận