TTCT - Trời hửng sáng đèn đường chưa kịp tắt/ Khắp phố phường huyên náo tiếng còi xe... Chị nhớ hoài mấy câu trong sách quốc văn học thuở nhỏ. Chị sinh ra và lớn lên ở một tỉnh duyên hải miền Trung. Hồi đó đọc thuộc lòng các bài thơ tương tự như trên, chị cứ ao ước có ngày được vào Sài Gòn để đi cho biết những chợ Bến Thành, cầu Ông Lãnh... Phóng to Ảnh: eva.com Bây giờ chị thành cư dân thành phố được mấy chục năm, đã bước chân vào những cái chợ “tiếng tăm vang” đó biết bao nhiêu lần rồi. Nhưng thành phố ngày càng trở nên đông đúc mà tuổi đời của chị cũng chồng chất, chị đâm ra ngại xe cộ mỗi khi ra đường. Bởi vậy chị bắt đầu có thói quen thích vào mua sắm ở siêu thị tiện đường hoặc vào chợ nhỏ gần nhà hơn. Mỗi sáng cuối tuần, chị lặng lẽ ra khỏi nhà, hăng hái đi chợ khi người thân và hàng xóm còn ngủ. Mặc cho những lúc trời trở lạnh, chị vẫn xuất hiện đúng giờ trên con đường quen thuộc. Các bà, các cô bán hàng cũng quen với thời khóa biểu đi chợ của chị. Họ vui vẻ chào đón, chuẩn bị những món chị đặt mua. Thế là chỉ đi một vòng, chị đã có đầy đủ thức ăn cho cả tuần. Những món hàng, những tờ bạc được trao đổi thật nhanh chóng giữa người mua và kẻ bán. Đi chợ sớm thật thích, tuy phải trả giá khá đắt (đôi khi không cần mặc cả) nhưng bù lại chị được chọn lựa những món hàng mới dọn ra trước nhiều người. Những lát cá vừa mới được cắt còn tươm hồng, những con tôm tươi roi rói búng nhảy trên tay, những búp rau xanh đẹp mắt, những miếng đậu khuôn chiên vẫn còn nóng hổi... Sau đó chị băng qua đường để về nhà, xe cộ vẫn còn thưa thớt. Hai tay xách nặng nhưng chị thấy đầu óc nhẹ nhõm vô cùng. Chị nghe tiếng chân của mình reo vui trên con đường còn vắng vẻ. Một ngày hình như vừa mới bắt đầu với mọi người, với những dòng nhật ký... “Một mùa xuân nho nhỏ” Nhật ký thân mến, Ngày đầu chuyển đến ngôi nhà mới tại con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, TP Huế, tôi gặp cô. Nhà cô ở cạnh nhà tôi. Giọng Huế nhẹ nhàng, cái nhìn trìu mến, đặc biệt nụ cười hiền lành của cô đã làm tôi có cảm giác ấm áp, thanh thản ngay từ lần gặp đầu tiên. Biết tôi làm nghề dạy học, cô đã gọi tôi bằng thầy dù tôi chỉ tầm tuổi con, tuổi cháu của cô. Cô kể tôi nghe về cuộc đời, về công việc của cô. 82 tuổi, cô sống một mình, không chồng con suốt bao năm nay. Từ ngày nghỉ làm ở bưu điện đến nay đã gần 30 năm, cô sống bình yên trong ngôi nhà xinh xắn của mình cùng niềm vui làm cô giáo không lương cho biết bao cô cậu học trò ở khắp nơi trong thành phố. Cô dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho học sinh, sinh viên nghèo; dạy tập viết, tập đọc tiếng Việt cho những em chậm tiến. Trong ngôi nhà của mình, cô để dành riêng một khoảng nhỏ với vài ba bộ bàn ghế làm “lớp học” cho các em. Cô lấy công việc dạy học làm niềm vui cho mình. Cô cất giữ cẩn thận những bức ảnh của học trò. Có những học trò của cô giờ tóc đã điểm hoa râm. Gặp cô, nói chuyện, được thấy cô làm việc đã khiến tôi quên đi cảm giác ngỡ ngàng, xa lạ khi về nơi ở mới. Lòng tôi ấm áp, bình yên. Đẹp thay nơi con hẻm nhỏ của tôi ngày ngày vẫn có “một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời”. Cảm ơn cô, cô đã cho tôi một câu chuyện đẹp để khi lên lớp tôi kể cho học trò mình nghe về một cô tiên giữa lòng thành thị. Phố ngắn bỗng vui Màu đỏ của những cuốn bloc lịch đã làm rạo rực cả góc phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, rạo rực với tâm trạng năm hết tết đến của hàng vạn người ghé qua, làm nên nhộn nhịp phố ngắn Hà Nội này. Đứa bé chạy lon ton vào hiệu sách. Rất tự nhiên, nhóc lẻn vào giữa những thân hình cao lớn đang đi lại tìm sách. Bức tranh Đám cưới chuột sáng bừng trên giấy điệp làng Đông Hồ nằm gọn ở kệ. Đôi bạn già mua để tặng nhau. Nhìn vào bức họa để đời này, một người đeo kính lão chậm rãi đọc thơ: “Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí/ Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu”. Ông dịch nghĩa luôn: “Đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí/ Chú mèo giữ lễ: meo, meo, meo” rồi đắc ý nói thêm: “Chú rể chuột vừa đậu trạng nguyên trông hoành tráng thế, cô dâu trông cũng rất quyền quý, cao sang. Đẹp đôi trong vinh hiển. Ấy thế mà thấp thoáng phía đằng sau vẫn là một sự khúm núm, một sự hối lộ tầm thường trước quan mèo, lão bạn già nhỉ?”. Tiếng cười của hai người hóm hỉnh ôn cố tri tân làm những ai đứng cạnh cũng thấy trong tình thân có chút thẳng thắn, hài hước. Khi hai người trả tiền xong, họ thong thả dạo bộ ra phía hồ Gươm. Người già đón tết thường có nỗi niềm thế sự đọng lại theo thời gian như một phần của ký ức, của chiêm nghiệm cuộc đời. Con phố ngắn bỗng vui hơn vì có nhiều trạng huống khách hàng của những ngày tết. Nhật ký thành phố ơi, phố ngắn, tri thức thì dài vô tận. Đeo đuổi một hành trình khám phá phải chăng cũng phải nồng nàn như nhiều lắm rung cảm trước thềm xuân. TTCT cảm ơn các bạn: Nguyễn Sĩ Đông, Tran Xuan Quy, Nguyễn Quang Hòa, Huỳnh Tịnh Hoài Nhân... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Pháp luật tạo hành lang phát triển công nghệ Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 02/01/2025 1491 từ
Tin tức sáng 3-1: Giao xe cho con chưa đủ tuổi, bị phạt nhiều tiền; Becamex nộp phạt 150 triệu đồng TUỔI TRẺ ONLINE 03/01/2025 Một số tin tức đáng chú ý: Giao xe cho con chưa đủ tuổi sẽ bị phạt nhiều tiền; Becamex báo cáo sai lệch số tiền trái phiếu; Cơ sở đông y trái phép ở TP.HCM lộng hành...
Thắng Thái Lan 2-1, tuyển Việt Nam được thưởng 3,2 tỉ đồng NGUYÊN KHÔI 03/01/2025 Chiến thắng 2-1 trước Thái Lan không chỉ giúp tuyển Việt Nam có hy vọng vô địch mà còn nhận được 3,2 tỉ đồng tiền thưởng từ nhà tài trợ và mạnh thường quân.
Tiêu chí của 62 bệnh, nhóm bệnh không cần giấy chuyển tuyến DƯƠNG LIỄU 03/01/2025 Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh được đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu tuyến cuối không cần giấy chuyển tuyến mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế.
Biển người 'đi bão' mừng tuyển Việt Nam chiến thắng, không quên dừng đèn đỏ HỒNG QUANG 03/01/2025 Sau khi tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước Thái Lan tại trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 tối 2-1, đông đảo người dân đổ về các khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội để "đi bão".