Diệt vong trước mắt...

HẢI MINH 22/10/2018 20:10 GMT+7

TTCT - Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết con người chỉ còn lại 12 năm nữa để giảm mạnh lượng khí thải carbon. Bằng không, những hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ là không thể đảo ngược được nữa.

Ảnh: The Walrus
Ảnh: The Walrus

Báo cáo này, được công bố hôm 1-10, nói lúc này cần những thay đổi “khẩn thiết và chưa có tiền lệ” ở quy mô toàn cầu để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không nhiều hơn quá 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, và hạn chế mức tăng nhiệt độ thêm nữa ở mức tối đa 1,5 độ C. 

Các nhà khoa học coi đó là mức có thể ngăn tình trạng các rạn san hô biển bị hủy diệt hoàn toàn và giảm bớt áp lực lên tình trạng tan băng ở Bắc Cực.

Nửa độ C sống còn

Buổi công bố báo cáo, được sự tài trợ của 195 nước, ở Incheon, Hàn Quốc là một sự kiện nhiều cảm xúc, khi một số đại biểu đã ôm chặt nhau, một số người mắt đẫm lệ. 

“Báo cáo này nói với giống loài chúng ta rằng lúc này là khoảnh khắc chúng ta phải cùng hành động - Debra Roberts, đồng chủ tịch nhóm công tác về các tác động của biến đổi khí hậu thuộc LHQ, nói với Reuters - Đây là hồi chuông cảnh báo lớn nhất từ cộng đồng khoa học và tôi hi vọng sẽ giúp mọi người thoát ra khỏi tâm trạng tự mãn hiện giờ”.

Kể từ Thỏa thuận Paris 2016, khoảng cách trong giới chính trị gia đã gia tăng về vấn đề khẩn thiết này. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ rút khỏi thỏa thuận này, bất chấp việc Mỹ là nguồn phát thải lớn nhất trong lịch sử nhân loại. 

Ở Brazil, ứng viên tổng thống hàng đầu Jair Bolsonaro cũng đe dọa sẽ làm tương tự và mở cửa rừng Amazon, rừng nguyên sinh lớn nhất còn lại trên trái đất, cho hoạt động nông nghiệp.

Theo báo cáo, thế giới hiện đã ấm hơn 1 độ C so với thời tiền công nghiệp và IPCC khẳng định chắc chắn rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra, chứ không còn là mối đe dọa tiềm tàng nữa. 

Bằng chứng là những trận bão cường độ và sức hủy diệt ngày càng lớn ở Mỹ, những trận hạn hán kỷ lục ở Cape Town và những trận cháy rừng ở vành đai Bắc Cực. Các nhà khoa học đã đánh giá 6.000 công trình nghiên cứu được dẫn lại trong báo cáo, và kết luận rằng nửa độ C hiện giờ chính là ranh giới sống còn.

Ở mức tăng thêm 1,5 độ C, tỉ lệ dân chúng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng có thể thấp hơn 50% so với mức 2 độ C. Nguy cơ khan hiếm thực phẩm cũng thấp hơn và hàng trăm triệu người sẽ tránh được rủi ro nghèo đói vì khí hậu.

Nhưng khác biệt lớn nhất sẽ là với thế giới tự nhiên. Các loài côn trùng, vốn tối quan trọng với việc thụ phấn cho cây trồng, và các loại thực vật hoang dã có khả năng gấp đôi mất một nửa môi trường sống của chúng ở mức tăng 2 độ C so với 1,5 độ C. 99% các rạn san hô sẽ bị tiêu diệt ở mức cao, nhưng hơn 10% sẽ có cơ hội sống sót ở mức thấp. Nguồn cá cũng sẽ chỉ bị thiệt hại một nửa ở mức tăng 1,5 độ C so với 2 độ C.

IPCC cũng vạch ra bốn con đường để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng không hơn 1,5 độ C, với nhiều kết hợp về sử dụng đất và thay đổi công nghệ. Việc trồng lại rừng là tối quan trọng trong mọi phương án, tương tự là việc chuyển sang các hệ thống giao thông chạy điện và các công nghệ không thải carbon. 

Tỉ lệ thải cacbon phải giảm 45% tới năm 2030, và chỉ còn zero vào năm 2050 để đạt mức 1,5 độ C, đồng nghĩa giá thành thải carbon sẽ cao hơn 3-4 lần so với mục tiêu 2 độ C. Nhưng chi phí của việc không làm gì cả còn kinh khủng hơn.

Kinh tế gia William Nordhaus, vừa được trao giải Nobel kinh tế nhờ những tính toán mô hình giả định của ông về tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, đã tóm gọn lại bài toán tiền nong rất rõ ràng. 

Theo đó, toàn bộ của cải trên trái đất hiện giờ trị giá khoảng 500 nghìn tỉ USD: khoảng 230 nghìn tỉ là bất động sản, 200 nghìn tỉ nợ và 70 nghìn tỉ tài sản thực.

Cuốn sách "Sòng bạc khí hậu" của William Nordhaus.

Trong cuốn sách in năm 2013 của ông, The climate casino (tạm dịch: Sòng bạc khí hậu), Nordhaus tính toán rằng chi phí của việc để khí hậu tăng thêm 1,5 độ C với toàn cầu sẽ là 54 nghìn tỉ USD, 2 độ C là 69 nghìn tỉ USD và 3,7 độ C là 551 nghìn tỉ USD (tức nhân loại sẽ đứng trước nguy cơ diệt vong). 

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu 1,5 độ C vào năm 2050, mỗi năm nhân loại sẽ phải đầu tư 3,5 nghìn tỉ USD vào các biện pháp chống biến đổi khí hậu, bao gồm chuyển đổi sang năng lượng sạch, giảm khí thải carbon và trồng rừng.

“Chúng tôi đã trình ra cho các chính phủ những lựa chọn khá khó khăn. Chúng tôi đã chỉ ra những lợi ích to lớn của việc đạt được mức 1,5 độ C, và tương tự là sự chuyển đổi trong hệ thống năng lượng và giao thông chưa từng có tiền lệ - Jim Skea, đồng chủ tịch nhóm công tác về giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu, nói với Guardian - Chúng tôi đã chứng minh về mặt khoa học kỹ thuật ta có thể làm được, điều cuối cùng còn cần đến là ý chí chính trị. Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi đó”.

Ngay từ trong khi chuẩn bị báo cáo và trong tuần lễ cuối cùng trước khi công bố, AFP dẫn các nguồn hậu trường nói đã xuất hiện lo lắng rằng bản báo cáo sẽ bị hạ thấp bởi Mỹ, Saudi Arabia và các nước giàu dầu mỏ khác. 

Bob Ward, thuộc Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu, thì nói văn bản cuối cùng đã “cực kỳ bảo thủ” rồi vì không nhắc gì tới tình trạng tị nạn vì biến đổi khí hậu hay nguy cơ không thể quay đầu lại được nữa, vốn không hề nhỏ.

“Tôi hi vọng báo cáo này có thể thay đổi thế giới - Jiang Kejun (Khương Khắc Tuấn) của Viện Nghiên cứu năng lượng Trung Quốc, một trong các tác giả báo cáo, nói - Hai năm trước, ngay cả tôi cũng không tin rằng mốc 1,5 độ C là khả dĩ nhưng giờ tôi tự tin là có thể làm được. Tôi muốn qua báo cáo này làm điều gì đó lớn lao ở Trung Quốc”.

Ông Khương nói thời điểm này là phù hợp với Trung Quốc vì chính quyền trung ương đang lập kế hoạch dài hạn tới năm 2050, và ý thức về môi trường trong dân chúng đã tăng lên nhiều. “Dân chúng Bắc Kinh chưa bao giờ trải qua nhiều ngày nóng bức như trong mùa hè này. Điều đó khiến họ nói nhiều hơn về biến đổi khí hậu” - ông Khương nói.

 

Định danh lại “chúng ta”

Bởi biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, đại từ “chúng ta” hay được sử dụng để nhân danh hành động và phản hành động, cũng như để quy trách nhiệm dù trong trường hợp này đó không hề là một sai lầm hay một tội ác, tập thể. 

Cái “chúng ta” chịu trách nhiệm cho biến đổi khí hậu có tính chất hư cấu, bóp méo sự thật và nguy hiểm - tác giả Genevieve Guenther viết trên Slate - Bằng cách che giấu việc ai thực sự phải chịu trách nhiệm cho thảm họa trực chờ hiện tại, “chúng ta” đã cung cấp sự che đậy về mặt chính trị cho những kẻ đã thoải mái bỏ mặc hàng trăm triệu người khác chết vì lợi nhuận và khoái lạc của bản thân họ”.

“Liệu “chúng ta” đó có bao gồm 735 triệu người sống dưới 2 USD/ngày, và 5,5 tỉ người sống từ 2-10 USD/ngày thì sao? Có bao gồm hàng triệu người trên toàn thế giới đang làm hết sức mình để giảm bớt mức xả thải của họ và chống lại ngành công nghiệp nguyên liệu hóa thạch?” - Guenther nhấn mạnh.

Quả thực, trong khi các thông số kỹ thuật, và cả các tính toán kinh tế vĩ mô, là vấn đề của giới khoa học, biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó không thể tách rời một vấn nạn xã hội đang ngày càng trở nên trầm trọng ở gần như tất cả các nước: sự chênh lệch giàu nghèo.

Thống kê từ Oxfam cho thấy chỉ 10% dân số chịu trách nhiệm cho 50% mức xả thải mỗi năm, qua những chuyến bay đường dài để nghỉ dưỡng, sưởi ấm khắp nhà thay vì đơn giản mặc thêm áo, lái những chiếc xe tiêu tốn nhiều năng lượng mà nhờ giàu có họ có thể thay xe đời mới gần như mỗi năm.

Đây không phải là sự phân biệt đối xử với người giàu, đây đơn giản là một thực tế. Những ai kiếm ra tiền đương nhiên có quyền tiêu xài theo những cách hợp pháp, nhưng không phải cái gì hợp pháp cũng đúng: hậu quả của biến đổi khí hậu, những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất sẽ hứng chịu đầu tiên, nhưng hậu quả không chỉ dừng lại ở những người đó.

Do đó, những người như Steve Kretzmann, giám đốc của nhóm hành động vì môi trường Oil Change International, nhấn mạnh vào việc những người giàu và giới làm chính sách phải thay đổi thái độ với tiêu dùng và sản xuất. “Chúng ta phải thực tế về chuyện này: đây là một cuộc chiến với ngành khai thác dầu. Họ có rất nhiều quyền lực chính trị - Kretzmann nói với The Guardian - Ngay khi chúng ta bắt đầu sử dụng năng lượng sạch, họ bắt đầu sụp đổ”.

Đó cũng chính là kết luận của Elizabeth Kolbert, nhà báo, tác giả cuốn “Đợt tuyệt chủng thứ sáu” trong một bài viết trên The New Yorker ngay sau khi báo cáo IPCC được công bố. Trả lời cho câu hỏi “Mọi chuyện sẽ đi tới đâu?”, Kolbert viết: “Thảm họa này rồi sẽ tồi tệ tương đương với sự tồi tệ của con người vậy”.■

Vài tấm gương tốt

Dù ít ỏi cũng đã có đó đây vài tấm gương “người tốt việc tốt” trên toàn cầu trong cuộc chiến biến đổi khí hậu.

Costa Rica chẳng hạn, 98% nhiên liệu hiện là từ các nguồn không hóa thạch. Scotland đóng cửa mỏ than cuối cùng hai năm trước và giảm lượng phát thải một nửa so với năm 1990.

Texas hiện sử dụng nhiên liệu từ gió nhiều hơn từ than, chiếm 1/4 tiêu thụ năng lượng ở bang dầu mỏ khét tiếng này của Mỹ trong những ngày đủ gió.

California cam kết toàn bộ lượng điện sử dụng sẽ 100% không thải cacbon vào năm 2045.

Năm nước, Belize, Ireland, New Zealand, Pháp và Costa Rica, hiện đang muốn thông qua luật cấm thăm dò và khai thác mới dầu mỏ. Ngân hàng Thế giới cũng đã tuyên bố vào tháng 12-2017 rằng sau năm 2019, họ sẽ không tài trợ cho các hoạt động khai thác dầu và khí đốt nữa.

Số lượng quốc gia đã cấm hoặc có lộ trình cấm hoàn toàn túi nhựa đã tăng lên liên tục từ đầu thế kỷ 21.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận