Điều tôi không muốn tưởng tượng

TIM KENNEDY 11/04/2020 22:04 GMT+7

TTCT - Tim Kennedy sống ở gần Chicago, Illinois, một trong những bang Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 đầu tiên, nơi đã có hơn 12.000 ca nhiễm và hơn 300 ca tử vong tính tới ngày 7-4. Anh chấp hành yêu cầu giãn cách xã hội và từ nhà mình chia sẻ bầu không khí ở Mỹ với độc giả TTCT.

Tim Kennedy đang ở Peru khi nước Mỹ bắt đầu rung chuyển. Ảnh: NVCC
Tim Kennedy đang ở Peru khi nước Mỹ bắt đầu rung chuyển. Ảnh: NVCC

Gần như ngày nào trôi qua cũng thật bình thường tới khi bạn ra khỏi nhà, nếu bạn có ra khỏi nhà. Bốn tuần qua, tôi hiếm hoi lắm mới rời nhà mình ở khu ngoại ô Chicago để mua đồ ăn, thuốc men hay đi dạo, một mình, cách xa những người khác hai mét. 

Nhà hàng, quán bar, trường học, văn phòng, nhà hát và cả một số công viên ở chỗ tôi đều đã đóng cửa, chỉ còn lại những cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu như tiệm tạp hóa, cửa hàng dược phẩm và ngân hàng.

Xe cộ gần như biến mất hẳn trên đường. Nhất là vào buổi đêm, ta có thể đi bộ ở giữa đường mà không nhìn thấy một bóng người hay một chiếc xe nào suốt hai mươi phút. Tất cả thật lặng lẽ, quá lặng lẽ. Đó là cuộc sống ở Mỹ khi xã hội đóng cửa vì COVID-19.

Chính thức thì bang Illinois (nơi có Chicago, thành phố lớn thứ ba ở Mỹ - 2,7 triệu dân) bắt đầu yêu cầu người dân ở nhà từ ngày 21-3. Luật quy định bạn không được giao tiếp trực tiếp với những người không sống cùng nhà, dù tới giờ trên thực tế việc chấp hành chủ yếu trên cơ sở tự nguyện - ta không thấy tin tức cảnh sát bắt người vi phạm luật giãn cách xã hội, ít ra là chưa thấy.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang oằn mình hứng chịu; hàng triệu người đã mất việc. Quốc hội thông qua đạo luật cứu trợ khẩn cấp 2.000 tỉ đôla tuần trước và sẽ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và người lao động, nhưng rất có thể đó không phải là khoản hỗ trợ cuối cùng, mọi người cần nhiều hơn thế để sống sót - thực sự theo nghĩa của từ đó, để có cái ăn và chi trả những dịch vụ thiết yếu - qua cuộc khủng hoảng này.

Thành thật mà nói, từ tháng 2 tôi đã ngờ rằng nước Mỹ rồi sẽ rơi vào tình trạng này. Kỷ luật cần thiết để kiềm chế virus corona kiểu như ở Đài Loan hay Singapore không thể áp đặt dễ dàng ở một quốc gia rộng lớn, hỗn loạn và chia rẽ như Hoa Kỳ. Những quyết định về việc có ban hành lệnh yêu cầu người dân ở nhà hay không tới giờ là do các bang tự quyết và thật dễ hiểu, một số bang đã chậm chạp hơn trong việc nhìn nhận nghiêm túc vấn đề.

Sự độc lập và tính cá nhân từng được coi là điểm mạnh định nghĩa nước Mỹ, ít ra là một số người nghĩ vậy, giờ có thể trở thành gánh nặng khi đối mặt với một dịch bệnh đòi hỏi hành động phòng vệ có phối hợp và nhanh chóng.

Điều tôi không ngờ là tốc độ mà COVID-19 sẽ làm thay đổi đất nước tôi thành một nơi hoàn toàn khác so với một năm trước, hay thậm chí là mới một tháng trước thôi. Thật ra, tôi vẫn nghĩ sẽ không có gì thay đổi mấy nên đã quyết định đi nghỉ ở nước ngoài hôm 1-3.

Lúc bấy giờ, các lệnh hạn chế đi lại chỉ là với những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như Trung Quốc và Ý. Tôi đã bay sang Peru, bấy giờ vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào. Thực ra, khắp Nam Mỹ lúc bấy giờ, chỉ Brazil là báo có ca nhiễm với số lượng rất thấp.

Tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác siêu thực của việc đi nghỉ khi cả đất nước tôi bắt đầu rung chuyển. Đã có những dấu hiệu cảnh báo sớm. Một nhà hàng thức ăn nhanh ở sân bay thành phố Panama City, nơi tôi quá cảnh, có một biển quảng cáo bán khẩu trang 1 đôla một chiếc (giờ nhớ lại, lẽ ra tôi nên mua một ít - ở Mỹ gần như không kiếm đâu ra).

Tin tức trên truyền hình Peru trong 11 ngày tôi ở đó ngày càng trở nên đáng lo ngại. Ba ngày sau khi tôi rời Peru, đất nước ban bố lệnh cách ly bắt buộc, khiến hơn 2.000 người Mỹ kẹt lại. Trong suốt thời gian đó, điện thoại tôi nhấp nháy liên tục vì những tin tức báo động ở quê nhà: quá ít bác sĩ, quá ít máy thở, quá ít trang thiết bị bảo vệ nhân viên y tế - và rồi tháng 4 tới, tất cả điều đó có thể gây ra hàng trăm nghìn ca tử vong hoặc hơn nữa.

Tôi đi nghỉ để ăn mừng việc tìm được một công việc mới, sẽ bắt đầu vào cuối tháng 3, và có lẽ cách hay nhất để cho thấy mọi thứ thay đổi nhanh chóng ra sao ở Mỹ là ghi lại những thư điện tử tôi nhận được từ nơi làm việc tương lai của tôi.

Thứ sáu, ngày 6-3, khi đang trên xe lửa đi Machu Picchu, tôi nhận được tin nhắn nói họ sẽ đặt vé cho tôi tới trụ sở cơ quan vào ngày 30-3. Tới thứ hai, ngày 9-3, khi đang trên xe buýt đi hồ Titicaca, tôi nhận một tin nhắn khẩn cấp nói việc đi lại không thiết yếu, bao gồm chuyến đi dự kiến của tôi, bị hủy vì COVID-19.

Hôm sau, kiểm tra điện thoại của mình ở phi trường Lima, tôi biết văn phòng Washington, D.C. - nơi tôi sắp sửa bắt đầu công việc mới - đã đóng cửa vô thời hạn để ngăn virus lây lan. Hôm sau nữa, tôi được thông báo phải nộp một số giấy tờ lao động càng sớm càng tốt vì toàn bộ văn phòng trên cả nước nơi tôi sắp làm việc nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa chỉ trong mấy ngày sắp tới.

Và cuối cùng, thứ năm ngày 12-3, khi đang chuẩn bị bay về nhà, tôi nhận được thông báo chính thức: mọi văn phòng đã đóng cửa, không còn đi lại, mọi nhân viên giờ sẽ làm việc ở nhà trong một khoảng thời gian chưa biết bao lâu. “Hãy bảo trọng”, thông báo nói.

Thư điện tử thứ nhất và cuối cùng chỉ cách nhau sáu ngày. Sáu ngày từ chỗ “mọi chuyện vẫn như bình thường” tới chỗ “không biết bao giờ chúng ta mới được ra khỏi nhà”. Và bất chấp những chuyện đó, tôi hạ cánh ở Chicago khoảng 1 giờ sáng 13-3, không ai đo thân nhiệt tôi cả và tôi đi qua kiểm tra an ninh chỉ sau vài phút.

Đại lộ Michigan ở trung tâm Chicago bình thường tấp nập nay vắng bóng người. Ảnh: NBC News
Đại lộ Michigan ở trung tâm Chicago bình thường tấp nập nay vắng bóng người. Ảnh: NBC News

Làm việc ở nhà không phải là lý tưởng - ngồi tám tiếng qua những cuộc họp webcam mệt mỏi hơn nhiều so với họp ở văn phòng, nhưng tôi vẫn còn may mắn. Ngày 26-3, báo chí đưa tin 3,3 triệu người Mỹ đã nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đó.

Một tuần sau, ngày 2-4, thêm 6,6 triệu người nộp đơn. 10 triệu công ăn việc làm - rất nhiều trong số đó là ở các ngành thu nhập thấp - đã biến mất trong hai tuần lễ. Tỉ lệ mất việc như vậy là nhanh nhất trong toàn bộ lịch sử Mỹ, lớn hơn nhiều so với cuộc đại suy thoái những năm 1920 hay khủng hoảng tài chính 2008.

Và ngay cả nếu một phép lạ giúp chữa lành COVID-19 xuất hiện vào ngày mai, không ai dám chắc sẽ mất bao lâu những công ăn việc làm đó mới quay lại. Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Có lẽ điều kỳ lạ nhất trong toàn bộ những đảo lộn này là sự chờ đợi. Tôi đọc được có người trên mạng so sánh mấy tuần qua ở Mỹ là một “vụ 11 tháng 9 quay chậm”. Nhưng với vụ 11 tháng 9 - hay bão Katrina, hay những vụ xả súng giết người hàng loạt, hay bất cứ tai họa nào ở Mỹ vài thập kỷ qua - những kết cục thảm khốc trở nên rõ ràng gần như ngay lập tức. Ta có thể chứng kiến điều đó ngay trên tivi và cảm giác thật đau đớn.

Nhưng sau vài giờ (hay trong trường hợp bão Katrina, sau vài ngày), nó cũng qua đi - sang chấn và vết thương lòng có thể dai dẳng vài tháng, vài năm hay vĩnh viễn, nhưng bản thân biến cố đó sẽ đi tới hồi kết. Ta biết rõ mọi chuyện tồi tệ đến đâu - và ngay cả khi mọi chuyện hết sức tồi tệ, kết cục đã rõ ràng, không còn sự bất trắc nào nữa.

Với COVID-19, không ai biết tình hình sẽ còn có thể tồi tệ ra sao. Nếu ta bật tivi lên, trên đó chẳng có gì ngoài những người vẻ mặt đầy lo lắng (bao gồm cả ngài tổng thống) suy đoán về tương lai. Không hề có âm thanh hay hình ảnh cụ thể nào để ta nhận diện: không có những vụ nổ được lặp đi lặp lại, không cảnh lũ lụt trên màn hình, không tiếng súng nào vang lên.

Ta nghe thấy ở New York, tình hình trong các bệnh viện đang xấu đi và xác người đang chồng chất - nhưng ta phải tự mình tưởng tượng xem điều đó có nghĩa là gì và bên trong đó khung cảnh ra sao. Ta cứ chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi, và điều duy nhất cho thấy thời gian vẫn đang trôi đi - rằng mỗi ngày là một ngày mới, chứ không phải chỉ là sự lặp lại của ngày hôm qua - là thời tiết bên ngoài đang dần ấm hơn, một cách chậm rãi, và số người chết đang tăng lên thì lại quá nhanh.

Thông điệp chính thức từ những người lãnh đạo là một hai tuần lễ tới sẽ “tối quan trọng”, nhưng cũng sẽ “đầy khó khăn”, theo lời Tổng thống Trump. Tổng y sĩ Hoa Kỳ cuối tuần trước nói trên tivi rằng đây sẽ là “tuần lễ khó khăn và đau buồn nhất với nhiều cuộc đời người Mỹ nhất”. Tôi không thể tưởng tượng nổi điều đó có nghĩa là gì. Tôi không muốn tưởng tượng. Còn lúc này, ít ra là ở khu phố nhà tôi, tất cả chỉ là sự im lặng. ■

Hải Minh dịch

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận