Đối phó với đồng đôla mạnh

NGUYỄN VŨ 08/10/2022 15:36 GMT+7

TTCT - Đồng đôla Mỹ, bất kể lạm phát, vẫn cứ mạnh đều lên - đó là chuyện cũ. Chuyện mới là cách các nước đối phó với tình trạng đồng tiền nước mình cứ mất giá như thế nào.

Đối phó với đồng đôla mạnh - Ảnh 1.

Ảnh: Aixos

Trước khi nói chuyện đối phó, cần nhắc lại một sự nghiệt ngã trên thị trường tài chính. Đó là đứng trước khả năng một đồng tiền mất giá, giới đầu cơ nhanh nhảu nghĩ cách lợi dụng tình hình để kiếm lãi.

Chuyện này từng xảy ra với đồng bảng Anh và George Soros vào năm 1992 khi Chính phủ Anh cố gắng duy trì tỉ giá 1 bảng Anh đổi được 2,7 mác Đức. Tuy nhiên lúc đó lạm phát của Anh cao gấp mấy lần của Đức nên nhà tài phiệt Soros tiên đoán trước sau gì bảng Anh cũng mất giá so với mác Đức, ông bèn áp dụng chiêu "đánh xuống" đồng bảng. 

Đánh xuống ở đây là Soros vay đồng bảng rồi bán ra ngay, buộc Chính phủ Anh phải mua vào để duy trì tỉ giá. Thoạt tiên Chính phủ Anh bỏ ra hàng tỉ bảng để đối phó nhưng sau thấy thua lỗ nhiều quá nên đầu hàng, để đồng tiền rơi theo đúng giá thị trường. Lần đó Soros bỏ túi hơn 1 tỉ bảng Anh tiền lãi và tên tuổi trở thành một huyền thoại trong làng đầu cơ tiền tệ.

Cách của Trung Quốc

Nay cũng vậy, giới đầu cơ có dấu hiệu đánh xuống đồng nhân dân tệ so với đôla Mỹ, nên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới đưa ra thông điệp cảnh báo: Đừng đánh cược một chiều lên xuống của tỉ giá nhân dân tệ. 

Trên thực tế nhân dân tệ đang giảm giá đến mức thấp nhất kể từ năm 2008, phải 7,2 nhân dân tệ mới đổi được 1 đôla Mỹ, trong khi hồi đầu năm chỉ cần 6,3 nhân dân tệ. Tính chung, nhân dân tệ đã giảm chừng 11,3% so với đôla Mỹ.

Trung Quốc đối phó bằng cách giảm tỉ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại nước này phải duy trì. Mức cũ là 8%, mức mới là 6%, áp dụng từ giữa tháng 9. Trước đó vào giữa tháng 5-2022, Trung Quốc cũng từng giảm tỉ lệ này từ 9% xuống còn 8%. 

Trên lý thuyết, giảm mức dự trữ bắt buộc sẽ giảm áp lực cầu ngoại tệ, tăng cung, nên có tác dụng nâng đỡ tỉ giá. Dù sao Trung Quốc vẫn đang ấn định tỉ giá hằng ngày và cho phép tỉ giá này lên xuống trong một biên độ 2% ở hai chiều.

Trước đây có lần Trung Quốc phá giá đồng tiền nước mình đến 33% vào năm 1994 để cải cách thị trường tài chính, nhưng lần này nhân dân tệ mất giá sẽ gây ra nhiều vấn đề, từ khả năng đồng vốn nước ngoài bỏ đi nơi khác để bảo toàn giá trị, đến gây trở ngại trong nỗ lực giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. 

Trung Quốc đang đi ngược xu hướng thế giới khi giảm lãi suất, nhưng nhân dân tệ mất giá họ buộc phải ngưng, thậm chí nâng lãi suất để chống đỡ.

Để trói tay giới đầu cơ, Trung Quốc tìm cách buộc ai muốn vay nhân dân tệ để bán ra kiểu như Soros ngày xưa phải trả lãi vay cao. 

Họ làm được điều này bằng cách siết lại thanh khoản trên thị trường như ra lệnh cho ngân hàng mua nhân dân tệ hay cấm ngân hàng cho ngân hàng khác vay nhân dân tệ qua đêm. Họ còn có thể áp đặt yêu cầu dự trữ rủi ro đến 20% với các hợp đồng tương lai (forwards) nhằm làm dịu bớt sự hăm hở của giới đầu cơ.

Nhật Bản và Anh

Nhật Bản thì không dùng những phương cách đó. Họ áp dụng cách bán ra ngoại tệ mua vào đồng yen để chặn đà giảm sút tỉ giá đồng yen, tính từ đầu năm đến nay đã mất chừng 20% giá trị so với đôla Mỹ. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nước này không tiết lộ cụ thể Nhật Bản mua bao nhiêu, bán bao nhiêu; chỉ biết trước khi can thiệp lúc thấp nhất phải 145 yen mới mua được 1 đôla Mỹ thì sau can thiệp đã giảm xuống còn 140 yen đổi được 1 đôla Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau chừng 1/4 thế kỷ nước này lại sử dụng biện pháp mạnh này; còn trước đây họ thường phá giá đồng yen để hỗ trợ xuất khẩu.

Đi theo con đường bán ngoại tệ để nâng đỡ nội tệ còn có nhiều nước khác như Chile, Ghana, Hàn Quốc và Ấn Độ. Bloomberg cho rằng các nước đang phát triển hiện đang "đốt" mỗi ngày đến 2 tỉ USD dự trữ ngoại hối theo cách này. Nhiều nước chọn cách nâng lãi suất như Thụy Điển vừa nâng đến 1 điểm phần trăm, Thụy Sĩ nâng 0,75 điểm phần trăm...

Can thiệp vào tỉ giá bằng cách mua đồng yen, theo thỏa thuận, Nhật phải thông báo cho các đối tác trong nhóm G7. 

Can thiệp theo hướng phá giá thì dễ vì chỉ cần in thêm tiền để bán ra nhưng can thiệp theo hướng nâng tỉ giá khó hơn nhiều - Nhật phải sử dụng một phần nguồn dự trữ ngoại hối 1.330 tỉ USD của họ để mua vào đồng yen. Các nhà phân tích cho rằng Nhật khó lòng duy trì chuyện bán ra, mua vào như thế này mãi và đồng yen vẫn sẽ trên đà suy yếu.

Trường hợp của Anh thì phức tạp hơn một chút. Không như Trung Quốc hay Nhật Bản, tỉ giá giảm là do đôla Mỹ mạnh lên, đồng bảng Anh suy yếu là do sai lầm trong chính sách kinh tế của nước này cũng như sự chỏi nhau giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương làm thị trường không biết đâu mà lần.

Sau khi Bộ trưởng Tài chính mới của Anh Kwasi Kwarteng tuyên bố sẽ cắt giảm thuế, nhất là với người giàu để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh nước này phải tăng chi tiêu để trợ cấp giá nhiên liệu cho người dân, thị trường phản ứng vì nghĩ nếu đi theo con đường này, Anh chỉ còn cách in tiền mới bù đắp vào thâm hụt ngân sách. 

Đồng bảng Anh mất giá mạnh, có lúc xuống còn 1 bảng chỉ ăn 1,03 đôla Mỹ, mức sụt giá đến 20,7% so với cách đây sáu tháng. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo nếu Chính phủ Anh duy trì chính sách này, bảng Anh có nguy cơ về ngang giá đôla Mỹ trong tương lai gần.

Để đối phó, lần này Anh không mua đồng bảng nhằm duy trì tỉ giá như thời Soros. Ngân hàng Trung ương nước này can thiệp bằng cách mua lại trái phiếu chính phủ, có tác dụng cũng gần giống đem ngoại tệ mua đồng bảng. 

Họ tuyên bố sẽ mua không hạn chế, có thể lên đến 5 tỉ bảng mỗi ngày trong vòng 13 ngày không kể ngày lễ. Nhờ vậy đồng bảng phục hồi đôi chút lên lại mức 1 bảng đổi được 1,08 đôla Mỹ.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Anh không thể duy trì chuyện mua trái phiếu này được lâu vì nhiệm vụ của họ là chống lạm phát, nên phải bán trái phiếu hút tiền về bớt và nâng lãi suất chứ không phải ép cho nó giảm. 

Đó là thế khó của một nước Anh vừa có chính phủ mới nhưng chính sách kinh tế đã bị phê phán từ khắp nơi, kể cả Quỹ Tiền tệ quốc tế, vốn tuyên bố thẳng thừng: "Chúng tôi không khuyến nghị những gói tài khóa lớn không có mục tiêu rõ ràng vào thời điểm này và nên nhớ đừng để chính sách tài khóa chỏi với chính sách tiền tệ".

Việt Nam thì sao?

Riêng ở Việt Nam, động thái rõ nhất là nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng để thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ tỉ giá. 

Do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng, 1 năm... được thả lỏng để khách hàng với ngân hàng tự thỏa thuận với nhau, biện pháp này ít có tác động lên thị trường tiền gửi. Theo thông tin của Công ty chứng khoán ACBS, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã bán ra chừng 21 tỉ đôla Mỹ trong nỗ lực điều hành tỉ giá linh hoạt. 

So với các nước khác, tiền đồng cũng mất giá trước đôla Mỹ nhưng mức độ ít hơn, vào khoảng 4%. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam, mặc dù tăng mạnh so với trước, vẫn chỉ ở mức 110 tỉ đôla vào cuối năm 2021 và chừng 89 tỉ đôla hiện nay, không nên phung phí để duy trì tỉ giá. 

Cách tốt hơn vẫn là điều hành tỉ giá theo hướng so sánh với cả một rổ ngoại tệ mạnh và nhìn vào tình hình các nước xung quanh.

Có thể thấy dù bằng phương cách nào, nỗ lực của các nước ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền nước mình trước sự tăng giá phi lý của đồng đôla Mỹ thường không bền, chỉ có tác dụng trước mắt nhưng sau đó phải trả giá. 

Cái giá đó có thể là sự cạn kiệt nguồn ngoại tệ dự trữ, một nguồn lực rất quan trọng trong bối cảnh giá cả nhiên liệu, lương thực, thuốc men tính bằng đôla Mỹ vẫn đang tăng. Hết ngoại tệ để nhập xăng dầu đã dẫn tới sự suy sụp của nhiều nước như Sri Lanka. 

Có lẽ phải chờ một cú hạ cánh cứng của nền kinh tế Mỹ thì đà tăng đồng bạc xanh mới chấm dứt để thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận