Dropshipping: Thương mại điện tử cho mọi nhà và làm giàu không khó?

TỊNH ANH 25/04/2019 17:04 GMT+7

Làm chủ gian hàng trực tuyến và kinh doanh theo hình thức thời thượng là thương mại điện tử nhưng không cần nhập hàng, lưu kho mà vẫn tiền vô ào ào. Mô hình kinh doanh dropshipping đang mang lại giấc mơ “làm giàu không khó” cho nhiều người, dù vẫn còn những mặt trái nhất định.

Chuyện mở một cửa hàng kinh doanh mặt hàng gì đó xưa nay vẫn thường bắt đầu bằng việc tìm mặt bằng, chọn nguồn hàng, nhập về lưu kho rồi quảng cáo, tìm khách hàng.

Minh họa
 

Đến thời thương mại điện tử, mọi thứ dịch chuyển từ cửa tiệm trong đời thực lên mạng, nhưng các khâu thì vẫn vậy, thậm chí còn thêm việc: ta phải chụp ảnh sản phẩm, soạn lời giới thiệu, chạy quảng cáo thu hút khách hàng. Có khách đặt mua thì lại hì hụi hoàn thiện đơn hàng (lấy hàng, đóng gói và gửi chuyển phát).

Những sàn thương mại điện tử (marketplace) như Lazada hay Shopee cho phép ai cũng có thể mở gian hàng và tham gia mua bán qua mạng. Sẽ nhẹ nhõm biết bao nhiêu nếu ta chỉ còn lo khâu tiếp thị và quảng bá, còn lại có một bên đứng ra lo hết phần hậu cần, từ tiếp nhận đơn hàng, lấy hàng đến đóng gói và chuyển phát giúp ta.

Mô hình dropshipping giải quyết chính xác nhu cầu này và nhanh chóng trở thành một trong những xu hướng thương mại điện tử nóng nhất hiện nay.

Bán mà như không bán

Theo dịch vụ hỗ trợ mở gian hàng thương mại điện tử Shopify, dropshipping là hình thức bán lẻ mà bên bán không cần trữ các sản phẩm mình bán trong kho. Thay vào đó, mỗi lần bán một sản phẩm, cửa hàng này sẽ mua nó từ một bên thứ ba và nhờ luôn đơn vị này chuyển (ship) hàng cho người mua. Như vậy, người bán không bao giờ thấy hoặc phải xử lý món hàng mà mình bán.

Đơn vị thứ ba trong giao dịch mua bán này được gọi là dropshipper. Đó phải là các nhà sản xuất/bán buôn sẵn sàng cung cấp hàng với giá sỉ ngay cả khi chỉ bán ra một món.

Với người muốn kinh doanh bằng hình thức dropshipping, về lý thuyết họ có thể làm giàu từ tay trắng theo đúng nghĩa đen, vì không cần thuê mặt bằng, không cần vốn để nhập hàng, lo chi phí kho bãi, trả lương nhân viên... Tất cả những gì họ cần là kết nối Internet và kỹ năng cũng như kiến thức kinh doanh, tiếp thị.

Hệ sinh thái thương mại điện tử ngày nay đã hoàn thiện, có đủ mọi công cụ để ai cũng có thể thử kinh doanh bằng dropshipping. Mở gian hàng ảo đã có Amazon, eBay hay Shopee và Lazada. Dropshipper thì có sẵn các công ty Trung Quốc chào hàng qua các sàn giao dịch như AliExpress hay 1688.com, sẵn sàng bán dù chỉ một món với giá sỉ và thông qua hình thức dropshipping.

Cuối cùng, có luôn các dịch vụ kết nối kho hàng dropshipping với gian hàng điện tử. Người bán thay vì bôn ba khắp nơi tìm nhà cung cấp, copy dữ liệu sản phẩm về cập nhật cho gian hàng ảo thì chỉ cần đồng bộ hóa hàng từ AliExpress sang cửa hàng của mình trên Lazada hay Amazon.

Một ví dụ cho nền tảng hỗ trợ dropshipping khá nổi hiện nay chính là Kumoten, ứng dụng của Malaysia đang nổi đình nổi đám trong nước, với 40.000 người bán sau khi hoạt động được 4 năm rưỡi.

Kumoten, hiện là nền tảng dropshipping lớn nhất Malaysia, có hơn 100.000 đơn vị lưu kho (SKU, tức sản phẩm khác nhau). Người dùng muốn kinh doanh gì cứ việc lựa chọn trong kho hàng hóa của Kumoten, sau đó hệ thống sẽ đồng bộ hóa thông tin sản phẩm lên gian hàng của mình trên Lazada, Shopee hoặc các marketplace nội địa của Malaysia như EasyStore, 11street. Khi người mua đặt hàng thông qua các marketplace trên, hệ thống của Kumoten sẽ xử lý đơn hàng, lấy hàng và giao đến cho người mua.

Khi chọn hàng trong kho của Kumoten để mang về bán, người bán sẽ được biết giá bán buôn (giá phải trả cho Kumoten) và giá bán lẻ đề xuất (giá thu của người dùng), thường cao hơn vài chục phần trăm. Tùy trường hợp mà giá bán tính thêm phí vận chuyển để trả cho bên chuyển phát. Khi có đơn hàng, Kumoten sẽ thu của người bán theo giá bán buôn, còn người bán sẽ bỏ túi số tiền do người mua trả.

Kumoten cũng bày luôn chiêu “kê giá rồi giảm giá” để thu hút người mua. Ví dụ giá một chiếc balô do Kumoten cung cấp là 50.000 đồng, người bán sẽ rao trên Lazada là 100.000 đồng nhưng “giảm giá đặc biệt” 30%, còn 70.000 đồng. Mỗi lần có người mua là Kumoten tự động xử lý các khâu cần thiết (tự nhận thông tin của người mua, lấy hàng, đóng gói và vận chuyển) và trừ vào tài khoản của người bán 50.000 đồng. Người bán thì thu trực tiếp 70.000 đồng từ người mua. Như vậy, trừ đi phần phải trả cho Kumoten, người bán lời 20.000 đồng.

Quy trình dropshipping: Khách hàng đặt mua => Người bán chuyển cho Nhà cung cấp => Nhà cung cấp giao hàng cho Khách hàng
Quy trình dropshipping: Khách hàng đặt mua => Người bán chuyển cho Nhà cung cấp => Nhà cung cấp giao hàng cho Khách hàng

Xu hướng ăn khách

Dropshipping giống như ta vào cơ quan hỏi ai có muốn mua mít với giá rẻ không, nhận đặt hàng, thu tiền, rồi giao hết cho một vườn mít nào đó sẵn sàng giao hàng tận nơi dù chỉ một trái rồi ăn tiền chênh lệch. Ta bán mít mà không cần biết quả mít được giao tròn méo ra sao. Nhưng được lần đầu, lần sau chẳng phải đồng nghiệp cứ giao dịch thẳng với vườn mít để khỏi tốn tiền cho kẻ môi giới là ta hay sao?

Theo giải thích của một trang hỗ trợ người Việt kinh doanh dropshipping với nguồn hàng từ AliExpress, dropshipping vẫn tồn tại được vì các dropshipper chỉ làm đúng chuyện “ai mua thì bán” chứ không đầu tư quảng bá sản phẩm.

Để dễ hình dung, chúng ta ai cũng có đến xưởng đồ gốm để mua hàng, nhưng chắc chắn sẽ lạc lối giữa muôn vàn sản phẩm. Vẫn cần một người làm giúp ta khâu tuyển lựa những món đẹp nhất, giá tốt nhất và giới thiệu cho ta. Đó chính là lý do các gian hàng trên sàn thương mại điện tử vẫn sống được và có khách.

Và cũng như trong đời sống thật, một cửa hàng chăm sóc khách hàng tốt, thường xuyên giới thiệu được món hay món ngon, quảng cáo thông minh, và có uy tín dĩ nhiên sẽ thu hút được khách. Ta sẽ cảm thấy an tâm khi mua từ cửa hàng này hơn là tự đặt hàng qua AliExpress và chờ một nhà cung cấp nào đó từ Trung Quốc gửi hàng về. Đó là chưa kể không phải lúc nào khách hàng cũng biết món đồ mình mua được xử lý bằng hình thức dropshipping. Khách hàng chỉ biết họ đã mua từ gian hàng A trên trang B, chuyện dropshipping là “hậu trường” chỉ có người bán và các dropshipper biết.

Giám đốc điều hành Kumoten, Issac Leong, cho biết nền tảng của mình giúp ai cũng có thể tham gia thương mại điện tử một cách dễ dàng. “Đa số chúng ta không biết cách mua bán trực tuyến cũng như quản lý kho hàng - Leong nói với Malay Mail - Giả sử bạn đi làm toàn thời gian và chỉ bán hàng online để kiếm thêm, nhiều khả năng là hàng sẽ tồn kho nhiều vì bạn không có thời gian quản lý”.

Giá rẻ nhưng đừng kỳ vọng

Theo trang tin công nghệ e27, dropshipping bắt nguồn từ Mỹ và bắt đầu lan sang các thị trường khác. Điểm chung là nguồn hàng của các trang dropshipping đều từ Trung Quốc. Dễ hiểu nguyên nhân là vì không đâu có nguồn hàng đa dạng mà giá nào cũng có như Trung Quốc.

Tạp chí The Atlantic cho rằng xu hướng người mua mua trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng phổ biến ở Mỹ, vì dù có mua thông qua các trang thương mại điện tử như Amazon thì cũng là hàng “made in China” thôi. “Tại sao phải mua một bộ bikini giá 40 USD làm tại Mỹ trong khi có thể mua một bộ giao thẳng từ Trung Quốc chỉ với 4 USD?” - The Atlantic viết.

Tương tự, ngay cả khi một công ty Mỹ nhập đúng món hàng đó từ Trung Quốc và bán với giá 20 USD sau khi đã tính toán mọi chi phí để có lời, thì việc mua qua dropshipping vẫn lợi hơn cho người dùng rất nhiều về mặt giá cả.

Chuyện giá rẻ cũng đi kèm rủi ro hàng kém chất lượng. Nhưng nếu nghĩ thoáng như bà Darlene Echaverria, một y tá về hưu người Mỹ thường mua hàng giá cực rẻ gửi từ Trung Quốc thông qua trang Wish.com, thì mua bán kiểu dropshipping cũng là niềm vui. “Miễn là người mua nhận thức rằng họ đang mua đồ giá rẻ từ Trung Quốc thì họ sẽ thích Wish (và các trang dropshipping khác) cho mà xem” - Echaverria nói với The Atlantic.■

Tra Google từ khóa “hướng dẫn dropship” sẽ thấy nhiều trang hướng dẫn chi tiết cách “làm giàu” bằng mô hình này thông qua Shopify, Lazada hay Shopee với nguồn hàng AliExpress. Hồi tháng 1-2019, Kumoten cho biết có kế hoạch mở rộng thị trường sang Indonesia, Philippines, Thái Lan nhưng không thấy có Việt Nam. Nhưng vì dropshipping là hoạt động “bí mật” giữa người bán và nguồn hàng nên có thể nhiều gian hàng thương mại điện tử dành cho người Việt cũng đang kinh doanh theo hình thức này.

Không tự tay nhìn thấy hàng hóa mình bán và kiểm tra, xử lý đơn hàng đồng nghĩa với người bán phụ thuộc hết vào cam kết chất lượng của nhà cung cấp. Người bán hàng dropshipping “sống” nhờ vào uy tín với khách hàng, và chính họ sẽ nghe phàn nàn trong trường hợp có sự cố, trong khi chuyện đổi/trả hàng chắc chắn rất nhiêu khê. Ai sẽ chịu trách nhiệm chuyện này: người bán hay nhà cung cấp?

Dù giá trả cho nhà cung cấp là giá sỉ thì người bán cũng bị áp lực giảm giá từ đối thủ cạnh tranh, vì thế biên độ lợi nhuận không thật sự cao. Thời gian giao hàng cũng là một thách thức vì không có kho hàng nội địa, tất cả phải phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển. Thời gian chờ có thể lên tới vài tuần đến vài tháng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận