Đua cùng đam mê

TẤN PHÚC 27/02/2013 02:02 GMT+7

TTCT - Hình ảnh các thành viên Hội Môtô thể thao TP.HCM oai vệ lái những chiếc xe phân khối lớn lao trên đường khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng đó chỉ là bề ngoài hào nhoáng của thú chơi môtô tốn kém và đầy vất vả.

Phóng to
Chiếc Suzuki Hayabasu ba bánh trị giá gần 2 tỉ đồng (giữa) dẫn đầu đoàn đua chặng vòng quanh hồ Xuân Hương (Đà Lạt) tại Cúp Truyền hình TP.HCM 2012 - Ảnh: Trân Bill

Ở tuổi 30, Hội Môtô thể thao TP.HCM có đến hơn 80 thành viên, lớn nhất đã 63 tuổi và có thâm niên 25 năm gắn bó với hội. Tất cả đều có một điểm chung: đam mê tột độ thú chơi môtô và tình yêu thể thao cháy bỏng. Ông Ngô Quang Vinh, hội trưởng Hội Môtô thể thao TP.HCM, chia sẻ: “Nhiều người cho rằng chúng tôi dư tiền rảnh rỗi, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà không thấy được phía sau đó là một niềm đam mê mãnh liệt”.

Một ngày vất vả

“Khi mua xe hoặc mua phụ tùng sửa chữa xe phải nói với vợ giá thấp hơn tiền thật để vợ khỏi buồn và không “nhai lỗ tai”…”.

Một thành viên trong Hội Môtô thể thao TP.HCM tâm sự

Ở điểm xuất phát chặng đua cuối cùng của Giải đua xe đạp quốc tế ADC - Tour of Vietnam 2012 từ TP Cần Thơ về TP.HCM ngày 21-12-2012, rất nhiều khán giả đã đến xem. Nhưng không ít trong số đó đến xem môtô chứ không phải đua xe đạp. Họ không ngớt bàn tán, trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy, mạnh mẽ của những chiếc môtô trị giá hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng.

Để có thể xuất phát cùng đoàn đua xe đạp lúc 10g sáng, các thành viên Hội Môtô thể thao TP.HCM phải thức dậy từ 6g. Sau khi vệ sinh cá nhân, không ai bảo ai, họ cùng lao vào o bế “cục cưng” của mình. Nhờ dàn xe hiện nay rất hiện đại nên việc bảo trì khá nhẹ nhàng, các tay lái chủ yếu lau xe sau một đêm ướt sương, làm nóng máy, kiểm tra dầu nhớt, còi chuyên dụng... Xong đâu đó họ mới đi ăn sáng chuẩn bị cho hành trình dài.

Để bảo vệ cuộc đua an toàn, đội môtô được chia thành nhiều nhóm gồm: tiền phương (đi trước dẹp đường), chở phóng viên, trọng tài, tiếp tế trung gian, khóa đuôi (cuối đoàn đua). Nhóm tiền phương gồm những tay lái cứng nhất, làm việc vất vả nhất và cũng nguy hiểm nhất vì phải đi trước đoàn đua nhiều kilômet để dẹp đường. Anh Mai Hồng Phương, một tiền phương dày dạn, vừa chạy một mình trên chiếc Honda CB 1.000 phân khối vừa dùng dụng cụ ra hiệu, miệng không ngừng đọc loa đề nghị phương tiện giao thông hai bên đường dừng lại.

Anh Phương nói: “Có chặng khi về đến đích là tôi mất tiếng vì khan cổ. Công việc của chúng tôi gần như không thể nghỉ ngơi và luôn căng thẳng bởi áp lực bảo vệ an toàn đoàn đua, đối đầu với xe tải, xe buýt trên đường, sự chống cự của những người ngoan cố không nhường đường… và cả hiểm họa từ những bầy gia súc”.

Đến một đoạn đường hẹp có đàn bò đang gặm cỏ, anh Phương tắt còi (để đàn bò đừng sợ) xuống xe vào vai người chăn bò bất đắc dĩ để chúng không phát hoảng nhảy bổ vào đoàn đua. Không ít tai nạn “trên trời rơi xuống” đã xảy ra với anh em tiền phương. Đó là đàn trâu, bò bất ngờ đâm thẳng vào họ, hoặc những chú chó bất ngờ băng qua đường...

Cùng với tiền phương, nhóm chở trọng tài cờ, phóng viên, tiếp tế trung gian... cũng cần những tay lái lâu năm kinh nghiệm để có thể vượt các tay đua an toàn. Yêu cầu bắt buộc là họ phải hiểu và “đọc” được chiến thuật trên đường đua để không vượt lên lúc các tay đua “ra xe” tấn công vì sẽ rất nguy hiểm.

Ở tuyến sau, nhóm chở trọng tài quan sát ngay phía sau các VĐV cũng khá vất vả vì phải cầm lái những chiếc môtô hàng ngàn phân khối nhưng chỉ cài số 2, số 3 để “bò” hơn 40km/giờ. Cuối cùng, nhóm khóa đuôi phải có sự kiên nhẫn, được tập luyện bài bản để đối phó với những “giặc lái” muốn phá đoàn đua.

Phóng to
“Tiền phương” Mai Hồng Phương - Ảnh: Trân Bill

Thú chơi tốn kém

Tay lái trẻ Trần Tiến Quang, điều khiển chiếc Yamaha XJR 400 phân khối, cho biết: “Chiếc xe của tôi “bèo” nhất trong đội vì giá chỉ khoảng 6.000 USD. Những chiếc khác trong đội thấp cũng hơn 200 triệu, còn đắt nhất có khi lên đến 2 tỉ đồng với phân khối từ 1.000-2.000”.

Hai lần nhận được bằng khen của Thủ tướng

Mỗi năm, Hội Môtô thể thao TP.HCM thực hiện hơn 30 nhiệm vụ ở các cuộc đua xe đạp, việt dã, đoàn lữ hành caravan, lễ hội văn hóa... Đến nay hội đã hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho những cống hiến vì sự nghiệp phát triển thể dục thể thao. Ngoài phục vụ chuyên môn, các thành viên trong hội cũng góp tiền xây dựng hơn 20 căn nhà tình thương tặng bà con nghèo ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây.

Chi phí “nuôi” môtô vô cùng tốn kém, chỉ việc thay nhớt cũng mất ít nhất 2 triệu đồng, một chiếc vỏ dao động từ 4-6 triệu đồng, trang bị đèn - còi đặc chủng khoảng 15 triệu đồng và mỗi lần tu bổ cũng ngốn hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Ngô Quang Vinh cho biết: “Điều kiện tiên quyết để chơi môtô không phải giàu có mà là đam mê và yêu thể thao. Sự thật là 50% anh em trong hội có thu nhập chỉ vừa đủ ăn nên cũng gặp nhiều khó khăn để theo đuổi niềm đam mê này. May mắn là vợ các thành viên trong đội đều thông cảm. Nhiều anh em khi tâm sự nói rằng họ luôn suy nghĩ trong đầu là: Xin lỗi và cảm ơn bà xã!”.

Tay lái Mai Hồng Phương kể: “Hơn chục năm qua, tôi trải qua không biết bao lần “lên voi, xuống chó” trong làm ăn, thậm chí có lúc mắc nợ phải bấm bụng bán xe nhưng chỉ có đam mê môtô là không thay đổi. Ngoài công việc chính là sửa còi xe chuyên dụng, tôi làm thêm rất nhiều nghề khác để tiếp tục niềm đam mê. Thương cho vợ tôi phải một tay quán xuyến chuyện nhà và con cái mỗi khi tôi đi theo đoàn đua”.

Đi theo giải đua xe đạp, các thành viên Hội Môtô thể thao TP.HCM chỉ được hỗ trợ một ít tiền ăn và tiền xăng nên đi về ai cũng “viêm màng túi”. Thế nên trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng họ càng khó khăn. Anh Lê Văn Dương, vốn là thợ sửa xe, mỗi lần đi theo giải đua đều treo bảng “tạm nghỉ đi đua xe” để khách hàng biết và thông cảm, lần sau quay lại. Anh nói: “Việc làm ăn bây giờ vô cùng khó khăn, tôi đi theo giải đua là coi như cả nhà không có thu nhập. Để nghỉ vài tuần theo giải, tôi phải làm cật lực trong nhiều tháng để có dư ra chút tiền để lại nhà cho vợ con chi tiêu”.

Tay lái Trương Cao Phi kể một câu chuyện rất cảm động: đúng thời điểm Giải đua xe đạp quốc tế ADC - Tour of Vietnam 2012 khởi tranh, vợ anh lại sinh con. Dù trong đầu đã suy nghĩ phải “quyết tâm ở nhà chăm sóc vợ” nhưng Phi cứ vào ngơ ra ngẩn nhớ đoàn đua khiến vợ rất thương và chủ động khuyên anh đi. Được vợ “bật đèn xanh” nên đến chặng cuối cùng của giải, anh bắt xe đò từ TP.HCM về TP Cần Thơ trong đêm, rồi sáng hôm sau chạy môtô về TP.HCM cùng đoàn đua. Anh tâm sự: “Niềm đam mê môtô đã ăn vào máu của tôi. Khi nghe tiếng còi xe đồng đội gầm rú mà phải ở nhà thì tay chân tôi ngứa ngáy chịu không nổi”.

Tuy nhiên, không phải bà vợ nào cũng hiểu cho nỗi đam mê của đấng lang quân. Không ít trường hợp các thành viên hội bị vợ “ghen” với… chiếc môtô. Thậm chí, cứ đến trước các giải đấu là các bà không biết khuyên chồng thế nào, đành lấy giấy tờ xe, chìa khóa đem… giấu để chồng khỏi đi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận