Duy "thủ lĩnh sói"

HOÀNG HƯƠNG THỰC HIỆN 10/07/2007 17:07 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên, cuộc thi viết thư quốc tế UPU sau 18 năm tổ chức tại Việt Nam có một học sinh nam đoạt giải nhất. Hồ Bảo Duy (lớp 9/3 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhập vai một thủ lĩnh Sói sống ở miền Bắc Canada để viết thư cho Tổng thống Mỹ... Duy cho biết:

Phóng to
TTCT - Lần đầu tiên, cuộc thi viết thư quốc tế UPU sau 18 năm tổ chức tại Việt Nam có một học sinh nam đoạt giải nhất. Hồ Bảo Duy (lớp 9/3 Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhập vai một thủ lĩnh Sói sống ở miền Bắc Canada để viết thư cho Tổng thống Mỹ... Duy cho biết:

-Nhiều người vẫn nghĩ rằng chó sói là con vật hung hãn, tàn bạo, gian manh, độc ác. Hồi còn nhỏ, đọc truyện cổ tích tôi cũng hình dung ra những hình ảnh xấu như thế. Nhưng cách đây mấy năm, sau khi đọc tiểu thuyết Tô tem sói của nhà văn Khương Nhung (Trung Quốc) cộng với việc thường xuyên xem chương trình thế giới động vật trên tivi, tôi đã thay đổi cách nhìn về sói. Trên thực tế, chúng sống có tổ chức, dũng mãnh, có tình yêu thương đồng loại, đặc biệt là tình mẫu tử rất mạnh.

* Bạn thích môn văn?

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 36 - năm 2007 ở Việt Nam đã thu hút 1.998.000 bài dự thi (cao hơn cuộc thi năm trước trên 300.000 bài).

Với sự hỗ trợ của UNESCO, Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) đã khởi xướng và tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho các em thiếu niên (từ 10 - 15 tuổi) trên toàn thế giới bắt đầu từ năm 1971. Việt Nam tham gia cuộc thi này từ năm 1987 đến nay.

- Từ năm lớp 8, khi gặp được cô Hạnh (giáo viên môn văn), trong tôi trỗi lên một niềm đam mê văn học mãnh liệt. Tôi thích viết văn - không chỉ để lấy điểm mà viết để thả tâm hồn mình vào trong đó. Lớp 9 là năm cuối cấp, tôi phải sắp xếp thời gian sao cho chu toàn tất cả các môn.

Nhà tôi ở xóm lao động nghèo nên ngoài buổi sáng học chính khóa ở trường, buổi chiều tôi chuẩn bị bài cho hôm sau. Đợi đến tối, trong không gian yên tĩnh, tôi mới học, đọc và viết văn. Ngoài mùa thi, ngày nào tôi cũng dành 1-2 giờ cho môn văn.

* Nhưng thường thì con trai ít thích môn văn?

- Vấn đề các bạn nam khác không thích văn thì tôi không hiểu tại sao nhưng đối với tôi, “văn học là nhân học” (Maxim Gorki). Học văn là học làm người, tự mình cải thiện con người mình qua từng bài văn, qua từng tác phẩm. Trước đây tôi sống khô khan, ít nói chuyện với cha mẹ và anh hai. Từ khi yêu thích văn học, tôi nghĩ đến sự vất vả của cha (cha Duy là thợ sửa đồ điện tại nhà) trong việc kiếm tiền nuôi tôi ăn học, tôi hiểu những lúc anh hai la mắng khi hướng dẫn tôi học cũng chỉ vì mong tôi học tốt hơn...

“Duy có cách viết hiện đại, ngắn gọn, hàm súc, có cách nhìn, cách nghĩ của lớp trẻ ngày nay chứ không theo khuôn mẫu của người lớn. Tuy yêu thích môn văn nhưng Duy học đều tất cả các môn (chín năm liền Hồ Bảo Duy đều đạt danh hiệu HS giỏi, năm lớp 9 điểm bình quân môn văn 9,6, môn toán 9,4).

Em luôn nỗ lực, vượt khó bởi hoàn cảnh gia đình không được khá giả cho lắm. Sự đam mê văn học của em đã làm tôi kinh ngạc: tuần nào Duy cũng nộp cho tôi vài bài tập làm văn do em tự viết chứ tôi không yêu cầu”.

(Trần Thị Tuyết Hạnh - GV môn văn của Hồ Bảo Duy)

Ví dụ khi đọc Lão Hạc, Chí Phèo của Nam Cao, tôi cảm nhận được sự lầm than của con người. Không phải chỉ khi ấy con người mới sống chật vật. Bây giờ, đất nước mình đang phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều người phải sống lầm than.

* Hai tác phẩm đó có ảnh hưởng như thế nào đến bạn?

- Ai muốn trở thành người thật sự phải có nhân tính. Nhờ văn học tôi xây dựng được cho mình một tính cách: không bao giờ xem thường người khác. Vì trong mỗi con người luôn có nét đẹp nào đó mà có thể mình chưa nhận ra.

* Định hướng sắp tới của bạn?

- Tôi hi vọng sẽ thi đậu vào lớp 10 chuyên văn của Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) và sau đó sẽ trở thành SV khoa văn ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi yêu thích nghề giáo mặc dù nhiều người nói rằng nghề giáo nghèo lắm. Nhưng hạnh phúc là được làm những điều mình yêu thích chứ không phải là có nhiều tiền.

Đã 12g trưa, Trường Lê Văn Tám không còn một bóng người. Duy cẩn thận đi tắt điện, tắt quạt và xếp lại ghế rồi mới ra khỏi phòng.

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 36 được phát động với chủ đề:

“Hãy tưởng tượng bạn là một động vật hoang dã, nơi sinh sống của bạn đang bị đe dọa bởi những biến đổi của thời tiết và môi trường. Bạn hãy viết một bức thư gửi con người trên Trái đất bày tỏ với họ xem con người có thể làm gì giúp bạn sống sót”.

Góc rừng giá lạnh, ngày 3 tháng 12 năm 2006

Kính gửi:

Ngài George Bush

Phóng to
Chắc Ngài sẽ rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư này của tôi, lá thư của thủ lĩnh bộ tộc sói ở miền bắc Canada, quê hương của loài sói thuần chủng, của loài sói cao quí và mạnh mẽ. Bên cạnh tôi lúc này là đứa con trai đầu lòng đang hấp hối. Chắc có lẽ nó khó qua khỏi đêm nay, Ngài ạ. Nó đã uống phải nguồn nước bị nhiễm bẩn do một nhà máy khai thác và chế biến gỗ thải ra.

Ngài cũng là một người cha, nên có lẽ Ngài hiểu nỗi đau của tôi chứ, nỗi đau của một người cha mất con, nỗi đau khi nhìn thấy con trai mình quằn quại đau đớn chết dần chết mòn mà không làm gì được. Ngài ơi, tôi đã sai lầm khi để cho con trai mình rong chơi xa đàn, một điều mà xưa nay chưa hề có trong tập tục của loài sói chúng tôi. Nhưng, nếu con người không thải những chất độc hại xuống nguồn nước ấy thì con trai tôi đã không ra nông nỗi này!

Thưa Ngài! Quốc gia của Ngài là đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, nên tôi nghĩ chắc nước Mỹ cũng có vô số những nhà máy, những khu công nghiệp đồ sộ. Ngài rất tự hào về điều đó, phải không? Ngài có thể hãnh diện tuyên bố với thế giới rằng Hoa Kỳ là quốc gia có nền kinh tế phát triển và tiến bộ nhất, nhưng liệu Ngài có dám tuyên bố rằng Hoa Kỳ là quốc gia có bầu không khí trong lành nhất không?

Tôi vừa nhận được thư của người anh em Gấu Trắng ở Nam cực, bảo rằng lỗ thủng tầng ôzôn ở đó đã lớn đến mức báo động và sự gia tăng không ngừng của nhiệt độ đang làm cho lớp băng ở đó tan chảy. Nước biển dâng cao đột ngột sẽ làm ngập lụt các đồng bằng phì nhiêu và bao hệ lụy khác về môi trường sẽ xảy ra, không chỉ đe dọa sinh mạng, sự sống của hàng trăm, hàng ngàn sinh vật trên Trái đất mà còn đe dọa chính sự sống của loài người.

Ngài có biết, cứ hai mươi bốn giờ trôi qua lại có hàng trăm sinh vật trên Trái đất biến mất và hàng ngàn loài sinh vật còn lại thì đứng bên bờ vực tuyệt chủng không? Dường như việc ngã xuống bờ vực đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Chẳng phải chính loài người cũng đang phải đối mặt với rất nhiều bệnh tật hiểm nghèo xuất phát từ môi trường ô nhiễm đó sao?

Ngài có biết vì sao tôi lại nói với Ngài tất cả những điều ấy không? Ngài không thắc mắc tự hỏi vì sao mà băng tan hay các chất thải hóa học và rác từ đâu ra hay sao? Không, một vị tổng thống như Ngài hẳn đã biết rõ tất cả những điều ấy. Và đó chính là lý do vì sao tôi viết thư cho Ngài, ngài Bush ạ!

Đã có bao giờ Ngài tự hỏi sau lưng cái nền khoa học tiên tiến của nước Ngài nói riêng và thế giới nói chung là gì chưa? Có phải đó chính là những cuộn khói đen kia bốc lên từ ống khói của các nhà máy, từ hàng triệu ôtô... đã tạo nên các cơn mưa axit, là hàng núi rác thải công nghiệp đang làm ô nhiễm bầu không khí gây ra hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân làm Trái đất nóng lên dẫn đến tan băng ở hai cực địa cầu, là...

Ngài có biết mất bao nhiêu thời gian để Tạo hóa ban cho con người và mọi loài sinh vật một môi trường sống hoàn hảo không? Thế mà từ khi cần nâng cao đời sống, cần chế tạo vũ khí để tranh giành quyền lực, loài người đã thẳng tay xô đổ thế cân bằng tự nhiên mà Tạo hóa đã tạo dựng nên. Môi trường, hay nói đúng hơn là thiên nhiên, đâu phải là cái bãi rác công cộng để con người thoải mái đổ xuống, đâu phải là nơi để loài người thử vũ khí hạt nhân đầy nguy hiểm của mình. Rồi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, từ những hậu quả ấy con người lại oán trách thiên nhiên sao quá nghiệt ngã và bất công với con người?!

Tôi không phủ nhận, thưa Ngài, không hề phủ nhận những gì mà con người đã cố gắng để cải thiện môi trường. Một trong số những con người thể hiện cố gắng ấy là vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Ông đã đoạt giải Nobel về môi trường. Giải thưởng đó là rất xứng đáng.

Thế nhưng những con người như thế hình như còn quá ít, quá ít để bù đắp cho sự ô nhiễm môi trường mà hàng triệu triệu con người đã và đang gây ra. Vì thế mà ngày hôm nay, thưa Ngài, với tư cách là một vị thủ lĩnh đối thoại với một vị thủ lĩnh, tôi không phải “đề nghị” mà là “yêu cầu” Ngài và loài người phải hành động ngay một cách thiết thực để cải thiện và bảo vệ môi trường.

Với uy tín của mình, Ngài hãy bàn với các quốc gia khác lập ngay những tổ chức quốc tế để bảo vệ môi trường, có các biện pháp nhằm hạn chế ngay việc phá rừng, có các đạo luật để bảo tồn thú quí hiếm. Bên cạnh đó, các Ngài phải tìm ngay các biện pháp xử lý rác thải, xử lý hóa chất, hạn chế khí thải độc hại và bảo vệ trong lành nguồn nước. Những điều đó tôi và cả bộ tộc sói không chỉ ở Canada mà cả toàn thế giới cũng không thể làm được.

Nhưng loài người của Ngài thì có thể làm được. Đừng bao giờ nói: “Môi trường đã quá ô nhiễm, chúng tôi không thể làm gì được”. Con người đã “phá” thì con người cũng “xây” lại được. Nếu tôi là Tạo hóa, tôi chắc chắn sẽ hối hận vì đã cho loài khỉ tiến hóa thành người mà không ban cho loài sói cái vinh dự đó.

Khi biết con trai mình không thể thoát khỏi bàn tay tử thần, tôi đã nổi giận tập hợp toàn thể bộ tộc sói, quyết tâm giết hết những kẻ tàn nhẫn trong cái nhà máy kia để trả thù. Nhưng, khi tôi chuẩn bị lên đường, con trai tôi đã ngăn lại. Ngài có biết nó nói gì không? “Cha, cha đừng làm thế. Con biết cha yêu con, nhưng nếu cha tấn công những người đó, họ sẽ kháng cự, và chắc chắn sẽ làm cha và các anh em sói bị tổn thương.

Dù những người này chết đi thì những kẻ khác sẽ tới, sẽ lại làm ô nhiễm nguồn nước. Liệu cha có sống mãi để giết hết bọn họ không? Số người như vậy trên thế giới này còn nhiều lắm cha à. Cha hãy làm sao để có thể cảnh tỉnh được họ, chứ đừng làm việc trả thù cá nhân vô nghĩa này, cha à!”. Con trai tôi đã trưởng thành thật rồi, và nó đã thông minh hơn tôi, ngay cả khi kề cận cái chết.

Xin lỗi vì lá thư này đã làm mất nhiều thời gian của Ngài. Tôi xin được dừng bút tại đây. Xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất và thiết tha mong ngành bưu chính thế giới sẽ gửi thông điệp này của tôi cho Ngài Tổng thống Bush và toàn thể loài người.

“Thiên nhiên có thể sống thiếu con người, nhưng con người thì không thể một ngày không có thiên nhiên”. Nên nhớ con người chỉ có thể làm chủ thiên nhiên chứ không thể nào chế ngự được cơn cuồng nộ của thiên nhiên, thưa Ngài.

Thủ lĩnh bộ tộc sói
Nanh Thép

Phóng to

Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 26-07 (ra ngày 8-7-2007)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận