Edward Snowden và những người đồng hành bị quên lãng 

ĐỨC HOÀNG 20/08/2014 23:08 GMT+7

TTCT - Câu chuyện về người đào tẩu nổi tiếng nước Mỹ đã được kể suốt một năm qua, nhưng nhìn lại vẫn thấy có những “khoảng trống”: một phụ nữ bí ẩn không bao giờ được phong anh hùng.

Sarah Harrison cùng cựu nhân viên NSA Edward Snowden tại Matxcơva tháng 10-2013 - Ảnh: Guardian
Sarah Harrison cùng cựu nhân viên NSA Edward Snowden tại Matxcơva tháng 10-2013 - Ảnh: Guardian

Ngày 1-8 vừa rồi là tròn một năm Edward Snowden được Nga chấp nhận tị nạn tại quốc gia này, sau cuộc trốn chạy từ Hong Kong. 

Câu chuyện về người đào tẩu nổi tiếng nhất nước Mỹ đã được kể nhiều lần suốt một năm qua, nhưng nhìn lại vẫn thấy có những “khoảng trống”: một phụ nữ bí ẩn không bao giờ được phong anh hùng.

Người phụ nữ bí ẩn

Sarah Harrison sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Anh. Cô theo học một trong những trường trung học tốt nhất đất nước, nơi mà trong danh sách cựu học sinh có phó đô đốc Timothy Laurence - phu quân của công chúa Anne, có tài tử Daniel Day-Lewis và có cựu giám đốc Cơ quan phản gián Anh (MI5) Sir Jonathan Evans.

Sarah học giỏi, chơi thể thao rất cừ, là một VĐV bơi lội và điền kinh ở trường. Cô có mái tóc vàng, ngoại hình sáng sủa và đôi mắt cương nghị. Sarah là hình mẫu lý tưởng cho một bộ phim phản gián kiểu Hollywood, như nhân vật Evelyn Salt do Angelina Jolie thủ vai.

Và trên thực tế Sarah Harrison đã không chỉ tham gia một mà tới hai quả “bom tấn” phản gián lớn nhất thế giới đầu thế kỷ 21.

Khi Edward Snowden - cựu nhân viên tình báo Mỹ, người bị chính phủ nước này săn đuổi vì tiết lộ bí mật quốc gia - chạy trốn từ Hong Kong đến Nga, đi theo anh có một phụ nữ tóc vàng bí ẩn. Cô gái này từ châu Âu sang Hong Kong, tháp tùng Snowden sang Nga, ở cùng anh tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo 39 ngày.

Trong thời gian đó, cô gái này đã làm giấy tờ xin tị nạn cho Snowden tại 21 quốc gia, trong đó có Đức, và cuối cùng được Nga chấp thuận. Sau khi tình trạng của Snowden ổn định trên đất Nga, cô mới bay sang Đức.

Khi danh tính của “người phụ nữ bí ẩn” được xác định, thế giới thêm một lần ngã ngửa: đó là Sarah Harrison, cánh tay phải (và có thể là tình nhân) của Julian Assange - nhà sáng lập WikiLeaks. Chính Assange đã điều Harrison tới Hong Kong trợ giúp Snowden. 

Sarah Harrison được gọi là “nhà báo”. Nhưng cô gần như chưa bao giờ làm báo theo nghĩa truyền thống - nếu không coi WikiLeaks, nơi đã công bố hàng vạn trang tài liệu mật của các chính phủ và tập đoàn trên thế giới, là một “tòa báo”.

Cô từng học chuyên ngành báo chí điều tra tại Đại học TP London, nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô đã xin vào làm việc tại WikiLeaks. Cho đến nay, thông tin của Sarah sau quãng thời gian này là hoàn toàn bí ẩn.

Người ta chỉ biết rằng cô gái tóc vàng này đã leo lên rất nhanh trong đội ngũ của “tổ chức” chuyên thách thức các chính phủ này, để rồi trở thành cánh tay phải của Julian Assange. Trong lý lịch của Sarah tại WikiLeaks chỉ ghi ngắn gọn cô đang làm việc tại “đội bảo vệ pháp lý” cho trang này.

Sarah Harrison
Sarah Harrison

Sarah đã ở bên cạnh Julian Assange suốt thời gian ông này bị truy nã vì tội danh tấn công phụ nữ - một tội danh mà nhiều người tin rằng các chính phủ phương Tây cùng dựng lên để tiêu diệt một kẻ thù chung, người chuyên “bóc mẽ” các mưu đồ tối ám của họ bằng việc công bố những tài liệu tuyệt mật.

Họ ở chung nhà trong phần lớn thời gian Assange lẩn trốn tại Anh, và nhiều người tin rằng họ yêu nhau.

Không ai biết Sarah Harrison lấy tiền ở đâu ra để theo đuổi lý tưởng của mình - phục vụ những nhân vật nổi loạn số má nhất trong thế giới phương Tây. Gia đình cô từ chối tiếp xúc với báo chí.

Ông Harrison, cha cô, nhận được một bài học đau thương với báo chí khi lần đầu tiên trả lời phỏng vấn một tờ lá cải ở nước này, con gái ông được mô tả bằng tít lớn là: “Cô nữ sinh trường công yêu Assange”, với những mô tả chi tiết về việc họ đã ở cùng nhau ra sao.

Giới truyền thông Anh muốn khai thác mối quan hệ giữa cô và Assange như một bộ phim 007, nơi nhân vật chính được một cô gái tóc vàng si mê và sẵn sàng xả thân.

Câu chuyện ở đây không hề giống cái kết của phim 007: Sarah Harrison, trong lần xuất hiện gần nhất đầu năm nay, qua một bài viết gửi cho báo The Guardian, khẳng định cô “không thể quay về nước Anh” và “bị đối xử như khủng bố”.

Những nhà báo trốn chạy

Julian Assange đã xin được tị nạn tại Ecuador. Edward Snowden đang được Chính phủ Nga bao bọc. Họ được một bộ phận không nhỏ coi là anh hùng. Nhưng Sarah Harrison đang lưu lạc đâu đó tại châu Âu, không thể quay về nước Anh. Vai nữ phụ của hai quả bom tấn kiểu Hollywood giờ đang bị lưu đày và có thể sẽ bị lãng quên.

Sarah Harrison không phải là nhà báo duy nhất đang bị lưu đày bởi chống lại những lợi ích của chính phủ nước mình, dù cô là một trường hợp hiếm trong thế giới phương Tây.

Một nữ đồng nghiệp trẻ khác của Sarah Harrison lại đang phải lấy nước Anh làm nơi trú chân khi bị chính quyền Iran săn đuổi.

Masih Alinejad đã công khai thách thức chính quyền của cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bằng một bài viết trên tờ nhật báo Etemad Melli năm 2008, so sánh Ahmadinejad là người huấn luyện cá heo, còn các phần tử vây quanh ông là lũ cá heo đang diễn trò để xin ăn.

Sau đó, bằng nhiều cách, người ta hủy hoại danh tiếng, hạ nhục nhân phẩm và đuổi việc cô. Cô phải ly dị chồng và chạy trốn sang Anh.

Veronica Basurto là một trường hợp khác. Nữ phóng viên này biết rằng mình sẽ phải đối đầu với hiểm nguy khi bắt đầu viết về hệ thống tư pháp của Mexico, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ đất nước cho tới năm ngoái.

Khi đó, Veronica bắt đầu nhận được những bức ảnh mô tả cảnh gia đình cô sẽ bị sát hại như thế nào. Cô cầu cứu chính quyền và đáp lại là một thái độ khá thờ ơ. “Tôi không còn cách nào khác để bảo vệ gia đình” - Veronica nói về quyết định trốn sang châu Âu.

Từ Á, Âu, Phi, Mỹ, từ những quốc gia bị phương Tây gắn mác là “độc tài” như Iran, Syria cho đến chính những nước phương Tây phát triển, các nhà báo vẫn phải chạy trốn vì đã chống lại lợi ích của chính phủ nước họ. Nếu không trốn chạy, cách duy nhất họ có thể làm nếu ở lại là câm lặng.

“Đất nước tôi đang trở thành một nấm mồ câm lặng của báo chí” - Veronica Basurto cáo buộc.

Theo điều tra của Ủy ban bảo vệ báo chí (CPJ)- một tổ chức đặt tại Mỹ, chỉ trong vòng bốn năm từ 2009-2014 đã có 404 nhà báo phải bỏ trốn khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ để tránh những mối đe dọa khác nhau.

Trong số này, đông nhất là những người Iran, sau đó lần lượt là Syria, Somalia, Ethiopia... Các quốc gia Đông Phi, Bắc Phi và Ả Rập là nơi tình trạng này đặc biệt “nóng”.

Cũng theo CPJ, có tới 79% trong số những nhà báo bỏ trốn ra nước ngoài trong quãng thời gian này không thể tìm được việc làm trong lĩnh vực của họ, mà phải lao động phổ thông để kiếm sống. 

Sarah Harrison (giữa) trong một cuộc làm việc của “bom tấn” WikiLeaks Julian Assange (trái) - Ảnh: Daily Mail
Sarah Harrison (giữa) trong một cuộc làm việc của “bom tấn” WikiLeaks Julian Assange (trái) - Ảnh: Daily Mail

Sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng cuộc chạy trốn của những nhà báo là một chuyến đi đường hoàng bởi máy bay với tiền bạc của phương Tây. Morteza Kazemiana, một cây viết người Iran, kể lại chuyện anh phải liều mạng vượt biên bằng đường bộ, băng hàng chục kilômet qua những dãy núi đầy hiểm nguy trong tuyết để sang các nước láng giềng, rồi từ đó đến được châu Âu.

Sau thời của Mahmoud Ahmadinejad, Iran có một thế hệ các nhà báo “tưởng bở” khi Tổng thống Hassan Rouhani, một người tự nhận là trung dung, lên nắm quyền. Trong những ngày đầu cầm quyền, ông nới lỏng một chút cho truyền thông và rất nhiều cây viết tưởng rằng thời tự do đã đến.

Ngay sau đó, họ phát hiện mình đã sai lầm: rất nhiều cây viết bị bỏ tù và đe dọa, nhiều tờ báo phải đóng cửa. Bản thân Kazemiana đã bị bắt nhiều lần.

Và không phải ai cũng may mắn như gia đình của Sarah Harrison, được sống yên ổn và trở thành tâm điểm của báo chí.

Những nhà báo Iran đang chạy trốn kể rằng gia đình của họ liên tục bị điệu lên gặp chính quyền, những người già bị đe dọa rằng nếu không khuyên con cái ngừng viết “sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa”. Đôi khi thân nhân của những người chạy trốn còn bị khởi tố bởi một tội danh nào đó.

“Kiều nữ 007” Sarah Harrison hiện nay vẫn thỉnh thoảng gửi các bài viết cho tờ The Guardian - tờ báo đã cùng song hành với Edward Snowden trong việc công bố các tài liệu mật mà anh có được từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Nhưng việc làm này không đều đặn.

Và có lẽ cô phải cảm thấy may mắn vì sinh ra trong một gia đình trung lưu nước Anh chứ không phải là Đông Phi. Nhưng dù có tồn tại được ở đâu đó trong lục địa châu Âu, có lẽ ngày mà người ta lãng quên hoàn toàn người đồng hành của Edward Snowden và Julian Assange cũng chẳng bao lâu nữa.

Đã xuất hiện Edward Snowden thứ hai?

Rất trùng hợp, đúng một năm sau khi Edward Snowden vào Nga, CNN dẫn lời một số quan chức Chính phủ Mỹ (giấu tên) khẳng định đã xuất hiện “Snowden thứ hai”. Hôm thứ ba (5-8), website The Intercept bỗng tung ra một bản tin trong đó gợi ý rằng có thêm nhiều tài liệu mật của Chính phủ Mỹ đã bị lộ.

Theo nguồn tin của Hãng CNN thì đây là hành động của một nhân vật giống với Snowden.

Cách đây chưa lâu, Glenn Greenwald, chủ website The Intercept - vốn từng tham gia công bố các tài liệu mật mà Snowden đánh cắp cách đây hơn một năm, tuyên bố: “Tôi không nghi ngờ gì việc có những nguồn tin bên trong chính phủ đang nhìn thấy những sai phạm ghê gớm và đang được Snowden truyền cảm hứng”.

Trong khi đó, ngày 7-8, luật sư của Edward Snowden là ông Anatoli Kucherena thông báo tại cuộc họp báo ở Matxcơva cho biết thân chủ của ông đã nhận được giấy phép cư trú trong ba năm tại Nga, bắt đầu từ ngày 1-8-2014.

Luật sư Kucherena cho biết thêm trong thời gian tới, Snowden có thể xin nhập quốc tịch Nga và bằng cách này có thể tự do đi lại trong nước Nga cũng như xuất cảnh, nhưng không được quá ba tháng, nếu không sẽ bị hủy giấy phép cư trú.

(CNN, RT)

Nguồn: 

theguardian.com/media/2014/jun/27/greste-sentence-overshadows-egyptian-journalists-persecution

www.ifex.org/international/2014/06/ 18/journalists_flee/

www.news.vice.com/article/beatings-torture-and-imprisonment-its-not-easy-being-a-journalist-in-iran

www.cpj.org/exile/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận