Già đến mức nào thì viên mãn?

BS NGUYỄN THÀNH TÂM 08/02/2012 19:02 GMT+7

TTCT - Mỗi dịp năm mới, lớp trẻ thì háo hức nhưng người lớn tuổi thường ưu tư vì nỗi sợ... tuổi già! Quả tình, một tuổi già hạnh phúc là ao ước của tất cả mọi người. Vì thế, chắc không gì lạ khi ao ước ấy cũng là một chủ đề của nghiên cứu y khoa!

Phóng to
Hạnh phúc tuổi già là được quan tâm chia sẻ - Ảnh: H.T.V.

Chủ đề này gọi là “tuổi già viên mãn” và xuất hiện lần đầu tiên trong khoa học từ những năm 1960. Vấn đề này được quan tâm nhiều hơn gần đây, vì những nghiên cứu theo dõi nhiều năm cho thấy ngoài việc sống ngày càng thọ hơn, người dân còn khỏe mạnh và tích cực hơn trước, cũng như tần suất tàn phế và nhập trại dưỡng lão giảm dần theo thời gian. Hơn nữa, với học vấn tốt hơn trước kia, người dân ngày càng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, muốn áp dụng các thành tựu khoa học để có tuổi già hạnh phúc hơn.

Thế nào là tuổi già viên mãn?

Kết quả cho thấy những yếu tố liên quan đến sự viên mãn bao gồm tuổi khoảng 60, có tín ngưỡng, có sự giúp đỡ của gia đình, hoạt động thể thao và tình trạng dinh dưỡng tốt. Những cụ hạnh phúc hơn là có người để trò chuyện, được giúp đỡ khi cần, được con cái/thân nhân thường xuyên gọi điện.

Đây là câu hỏi quan trọng nhất, và cách các nghiên cứu trả lời câu hỏi này mang lại bài học thú vị. Cách đây hơn 20 năm người ta định nghĩa tuổi già viên mãn bao gồm không có bệnh, các chức năng nhận thức, cơ quan và xã hội bình thường. Định nghĩa này được sử dụng trong thời gian dài sau đó. Kết quả tỉ lệ viên mãn... thấp bất ngờ, chỉ khoảng 15-30%, dù ở những nước phát triển.

Dần dà, định nghĩa dựa chủ yếu trên sinh học này được thấy là phi lý, vì mấy ai tuổi càng cao mà còn giữ được các đặc điểm trên như người trẻ! Các nhà nghiên cứu xoay qua hỏi... người được nghiên cứu thế nào là viên mãn và tự đánh giá có đạt điều này hay không. Hai điều bất ngờ xảy ra.

Trước tiên, hầu hết các cụ đề cao khía cạnh tâm lý hơn chuyện không bệnh tật, cụ thể là có thái độ sống tích cực, biết thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, được hỗ trợ từ gia đình/xã hội, có tham gia các hoạt động xã hội/giải trí/bạn bè. Thứ hai, với các tiêu chí này, tỉ lệ các cụ tự cho mình có một tuổi già viên mãn là 50-90%. Con số này rất có ý nghĩa, vì những cụ tự cho là viên mãn thật ra đều mắc ít nhất một bệnh mãn tính nào đó!

Câu hỏi thứ hai không kém phần hấp dẫn là yếu tố nào gắn liền với một tuổi già viên mãn. Nếu bạn cho rằng thu nhập và trình độ học vấn là lầm to. Hai yếu tố này hóa ra liên quan yếu đến hạnh phúc lúc về chiều. Những yếu tố liên quan đến tuổi già viên mãn gồm các nhóm khác nhau. Nhóm yếu tố liên quan mạnh là... đừng quá già, khoảng 60 tuổi (điều này không lạ vì tuổi quá cao gắn liền với việc cơ thể suy giảm nhiều chức năng), không có viêm khớp/lãng tai/một khuyết tật nào đó, và không đang hút thuốc lá. Chi tiết này cho thấy bỏ thuốc lá không bao giờ là quá muộn.

Hạnh phúc là khi được quan tâm

Nhóm liên quan mạnh còn bao gồm tinh thần lạc quan về bản thân, chức năng nhận thức còn tốt. Điều này cho thấy có được sự lạc quan về bản thân cũng góp phần giúp các cụ lúc về già. Nhóm liên quan trung bình bao gồm hoạt động thể lực nhiều, huyết áp tâm thu không cao, mắc ít bệnh, không có hoặc ít trầm cảm. Tuy tất cả những điều này là hợp lý về mặc trực giác, song sự xác nhận của nghiên cứu là rất tốt vì hầu hết yếu tố trên đều có thể tác động được bằng cách thay đổi thái độ và hành vi, cũng như làm cơ sở để gia đình và xã hội biết cách hỗ trợ người cao tuổi.

Thử điểm qua kết quả của một nghiên cứu tại Singapore trên gần 1.300 người hơn 65 tuổi đăng trên tạp chí American Journal of Geriatric Psychiatry năm 2009. Các nhà nghiên cứu đã “khôn ngoan” hơn khi định nghĩa tuổi già viên mãn là sự phối hợp của các lĩnh vực sức khỏe, trí tuệ, tình cảm, hoạt động xã hội và sự hài lòng về cuộc sống.

Trong không khí tươi vui của năm mới, chúng ta có thêm lý do để vui mừng, vì ít ra khoa học cũng cho chúng ta biết cách để báo hiếu các bậc sinh thành. Hạnh phúc tuổi già không do khoa học nghĩ ra, mà phải... hỏi ý các cụ. Sau đó, giúp các cụ có được những yếu tố gắn liền với tuổi già viên mãn cũng là điều hết sức thiết thực.

__________

Tài liệu tham khảo:

1. Depp CA, Jeste DV. Definitions and predictors of successful aging: a comprehensive review of larger quantitative studies. Am J Geriatr Psychiatry. 2006 Jan;14(1):6-20.
2. Montross LP, Depp C, Daly J, Reichstadt J, Golshan S, Moore D, Sitzer D, Jeste DV. Correlates of self-rated successful aging among community-dwelling older adults. Am J Geriatr Psychiatry. 2006 Jan;14(1):43-51.
3. Ng TP, Broekman BF, Niti M, Gwee X, Kua EH. Determinants of successful aging using a multidimensional definition among Chinese elderly in Singapore. Am J Geriatr Psychiatry. 2009 May;17(5):407-16.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận