Giá xăng dầu: Giữa những lợi ích giằng xé

TRUNG TRẦN 16/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Những mong muốn kéo giảm giá xăng dầu bằng các can thiệp từ Nhà nước là điều dễ hiểu, trong bối cảnh lạm phát năm 2022 hầu chắc sẽ cao hơn hẳn so với mức mục tiêu. Nhưng sự can thiệp, nếu có, nên ở mức độ nào và phải diễn ra ra sao?

Với hai tác động tiêu cực của cuộc chiến Ukraine, nổ ra trong tháng 2, và Trung Quốc vẫn đóng cửa cho tới tận bây giờ, mọi chỉ tiêu lạc quan của không chỉ nền kinh tế Việt Nam, mà hầu như là toàn cầu, đều đứng trước nguy cơ trở thành bất khả, dù năm 2022 chưa đi hết nửa chặng đường.

Ngay lúc này, vấn đề toàn cầu mà gần như mọi quốc gia đều phải đau đầu đối phó là giá xăng dầu.

 
 Giá nhiên liệu tăng đã kéo lạm phát lên cao ở nhiều nước. Ảnh: Medium

Các lợi ích khác nhau

Việc giá dầu thô vượt ngưỡng trên 120 USD/thùng đặt các nhà điều hành kinh tế trước một bài toán lưỡng phân: Điều hành giá xăng dầu như thế nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của loại hàng hóa quan trọng bậc nhất này đến rổ CPI và tỉ lệ lạm phát, đồng thời tối thiểu sự sụt giảm nguồn thu từ các loại thuế phí.

Thuế, phí đang chiếm 30% giá bán ra của 20 tỉ lít xăng dầu một năm ở Việt Nam, với mức giá trung bình 30.000 đồng/lít, con số ngân sách thu được - chỉ tính trên thuế nhập khẩu cho phần nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường - sẽ tương đương 130.000 tỉ, tức khoảng 8% tổng thu ngân sách. 

Nói cách khác, cứ mỗi lít xăng Nhà nước giảm đi 1.000 đồng thuế phí thì ngân sách hụt đi khoảng 25.000 tỉ đồng, tức khoảng 1,6% tổng thu ngân sách. 

Các đại biểu Quốc hội là chuyên gia kinh tế kêu gọi Chính phủ nhanh chóng giảm thuế suất thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và phí môi trường để bình ổn giá xăng dầu. 

Lập luận của họ là để giá xăng dầu tăng nữa sẽ là tai họa cho nền kinh tế khi lạm phát không được kiểm soát, giá cả các mặt hàng khác tăng theo, dẫn đến sự đình trệ của toàn bộ các hoạt động sản xuất mà đặc biệt là các dự án đầu tư công. 

Tuy nhiên, quyết định đó sẽ kèm theo những hệ quả cần trả lời. Câu hỏi lớn trước tiên là nếu Nhà nước thực sự muốn giảm thuế, phí thì liệu khoản giảm đấy có được chuyển đầy đủ sang tay người tiêu dùng dưới dạng giá xăng sẽ giảm xuống ở các cây xăng bán lẻ hay không? 

Và câu hỏi thứ hai là phần sụt giảm ngân sách do hạ các thuế suất, lấy đâu ra để bù?

Một lập luận khác cũng đáng chú ý trên diễn đàn Quốc hội là từ Bộ Công thương: Không thể giảm giá xăng dầu cho tất cả các đối tượng đều được hưởng, vì như thế là Nhà nước đang bao cấp giá, làm méo mó thị trường. 

Ví dụ với các doanh nghiệp FDI, Nhà nước bao cấp giá nhiên liệu đầu vào là gián tiếp làm giảm giá luôn cho khách hàng đầu cuối các quốc gia khác. Do đó chỉ nên trợ giá xăng dầu cho các đối tượng yếu thế.

Điều đấy có nghĩa Chính phủ sẽ không giảm thu ngân sách mà còn phải chi thêm để hỗ trợ cho các thành phần mà giá xăng dầu thực sự ảnh hưởng tới sinh kế, chứ không phải tới lợi nhuận. 

Ví dụ như xăng dầu cho vận tải công cộng. Lý lẽ này có logic thực tiễn của nó: Giảm thuế đòi hỏi một quy trình pháp lý cần đến Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội phê duyệt, nên độ trễ có thể làm giảm tính hiệu quả.

Quan trọng hơn, Bộ Tài chính đang phải đau đầu tìm kiếm nguồn thu bổ sung trong bối cảnh các nguồn thu khác không dư dả gì, và việc thu đủ ngân sách nói gì thì nói vẫn là mục tiêu quan trọng nhất của bộ tay hòm chìa khóa này cũng như là yêu cầu chính trị lớn với chính quyền nhiều cấp.

Một lý do mang tính kỹ thuật nữa là khi giảm giá rồi thì rất khó để tăng, và khi tăng giá lại, phản ứng từ dân chúng có thể mạnh hơn. Điều này có thể mô tả bằng một ví dụ trong kỹ thuật bán hàng: Giảm giá bằng cách khuyến mãi quà tặng, chứ ít giảm giá trực tiếp. 

Khi hết khuyến mãi, giá thực tế quay lại ban đầu mà nhân viên không phải thay bảng giá. Tuy nhiên, nói như lời ông bộ trưởng Bộ Công thương rằng việc hỗ trợ giá xăng có thể dẫn đến kiện cáo phá giá của các quốc gia khác thì hơi quá vì chả có luật lệ quốc tế nào cấm giảm thuế thu nhập đặc biệt cả.

Không có gì tuyệt đối

Việc thay đổi các chính sách tài khóa để điều hành nền kinh tế phù hợp với tình hình biến động là kỹ năng vận hành của các bộ chuyên ngành. 

Sẽ không có một chính sách kinh tế nào tuyệt đối đúng. Với dân chúng, quyết định theo hướng giảm giá hay trợ giá của Chính phủ, cái nào tối ưu thì họ không đủ thông tin để đánh giá. Quan trọng với họ là thời gian ra và áp dụng chính sách.

Chúng ta đã có vô số bài học về việc chính sách tốt nhưng thực thi tồi. Tỉ lệ giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm đạt 22%, cho dù cả Thủ tướng lẫn các thành viên Chính phủ ra sức đốc thúc, là một ví dụ cho tình trạng kể cả khi có tiền thì chúng ta cũng không biết cách hoặc không dám tiêu. 

Đơn cử là chương trình “Sóng và máy tính cho em”, theo công bố của các cơ quan giám sát Quốc hội, hàng trăm tỉ cho chương trình này hầu như vẫn nằm nguyên.

Xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển là thông điệp của nhiều người đứng đầu Chính phủ xuyên suốt các nhiệm kỳ. 

Một Chính phủ kiến tạo ngoài xây dựng được khuôn khổ pháp lý để thị trường phát triển tốt nhất còn là nơi đưa ra các mục tiêu phát triển và cung cấp, cân đối các nguồn lực để giúp doanh nghiệp nội địa đạt được lợi thế tương đối để nâng cao sức cạnh tranh, thay vì mở hết biên độ của nền kinh tế cho thị trường tự phân bố nguồn lực.

Với cách nhìn như thế, những chính sách liên quan xăng dầu và kiềm chế lạm phát sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc chèo chống để hoàn thành các mục tiêu tài khóa năm 2022. 

Nó sẽ là tình huống nữa để Chính phủ thể hiện tư duy kiến tạo phát triển - được hiểu là hy sinh thu ngân sách, tiết kiệm các khoản chi lãng phí để kiềm chế giá xăng - hay tư duy điều chỉnh tiệm tiến - giữ nguyên các loại thuế phí và tìm cách hỗ trợ các nhóm yếu thế, vốn là điều không dễ triển khai trên thực tế.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận