Giấc mơ ẵm bồng từ phòng thí nghiệm

HỒNG VÂN 27/08/2023 06:41 GMT+7

TTCT - Công nghệ mới ngày nay lại mang lại một cuộc cách mạng mới - cho phép phụ nữ, và cả nam giới, có em bé như mong muốn vào thời điểm họ muốn.

Giấc mơ ẵm bồng từ phòng thí nghiệm - Ảnh 3.

Theo nhiều thống kê, phụ nữ ở nhiều quốc gia có ít con hơn họ mong muốn một phần vì họ trì hoãn việc có con. 

Cuộc cách mạng tình dục những năm 1960-1970 đã cho phụ nữ lựa chọn không có con nếu họ không muốn, và các công nghệ mới ngày nay lại mang lại một cuộc cách mạng mới - cho phép phụ nữ, và cả nam giới, có em bé như mong muốn vào thời điểm họ muốn.

Trong chuyên đề công nghệ quý hồi tháng 7, tạp chí The Economist gọi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là "công nghệ cá nhân nhất thế giới", và nhận định: trong thế giới mà cứ sáu người thì có một người bị vô sinh hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo chính là điều kỳ diệu và là kỹ thuật rất đáng được tôn vinh. Hằng năm có hơn 2,5 triệu chu kỳ IVF được thực hiện trên toàn thế giới, và ít nhất 12 triệu em bé đã được thụ tinh từ những ống nghiệm.

Tuy nhiên, vấn đề là IVF đang phải vất vả bắt kịp với nhu cầu, nhất là khi không chỉ người vô sinh, hiếm muộn mới tìm đến IVF mà các cặp vợ chồng đồng tính, những người muốn có con khi đã lớn tuổi hoặc do ngại mang bầu cũng tìm đến IVF.

Ngành bán hy vọng

Qua nhiều năm, kỹ thuật IVF đã hoàn thiện nhiều hơn với tỉ lệ thành công cao và an toàn hơn. Tỉ lệ sinh đôi, sinh ba giảm mạnh đồng nghĩa với giảm số ca mang thai rủi ro cao. Kết hợp với các kỹ thuật như đông lạnh trứng và tinh trùng, hiến trứng và tinh trùng, mang thai hộ… IVF đã mang đến cho nhiều người một con đường để có con.

Tuy nhiên, sau 45 năm tính từ 25-7-1978, ngày Louise Brown - em bé đầu tiên trên thế giới ra đời theo phương pháp IVF - kỹ thuật này vẫn không dành cho tất cả những ai có nhu cầu và vẫn còn những hạn chế cần thảo luận sâu. Đáng kể nhất, IVF đã và vẫn là một quá trình mệt mỏi và tốn kém. Nó gây đau đớn về thể xác cho người phụ nữ và đôi khi cạn kiệt cảm xúc cho những người trong cuộc.

Ở Mỹ, một chu kỳ điều trị có thể có giá 20.000 USD. Nhiều phụ nữ phải trải qua nhiều đợt tiêm hormone kéo dài. Tuy nhiên, rất thường xuyên, bất chấp những khó khăn mà các cá nhân và các gia đình đồng ý trải qua cùng với phí dịch vụ tốn kém, kết quả với nhiều gia đình vẫn là số 0. Điều đó khiến người phụ nữ cũng như các cặp vợ chồng mong ước có con rơi vào chu kỳ hy vọng rồi thất vọng liên tục.

Ở Mỹ và Anh, chỉ khoảng 50% trong số những người điều trị IVF có thể ẵm con về nhà. Và đó là kết quả của một quá trình kiên trì vài năm - có thể lên tới 8 chu kỳ điều trị. Hiệp hội Công nghệ sinh sản (SART) cho biết với phụ nữ dưới 35 tuổi, tỉ lệ thai sống với IVF là 55,6%.

Nhìn chung, bất chấp các đợt điều trị không thành công, hy vọng mà IVF hứa hẹn dường như khiến dịch vụ này càng được khát khao hơn. Các cơ sở làm IVF nhờ đó có thể bán cho khách hàng các dịch vụ bổ sung mới ngay cả khi chúng không làm tăng cơ hội thành công một cách rõ ràng.

Minh họa: Robert Dale/Illustration Source

Minh họa: Robert Dale/Illustration Source

Theo The Economist, vấn đề này có chung một nguyên nhân cơ bản là các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về cách một sự sống mới hình thành. Dĩ nhiên cần có sự kết hợp của tinh trùng và một trứng vào đúng thời điểm. Nhưng các nền tảng tế bào, phân tử và di truyền của việc tạo ra em bé thì không rõ ràng như vậy.

Khoa học chưa thể giải thích thỏa đáng số trứng của phụ nữ được quyết định trước khi họ chào đời thế nào, cũng như vì sao số lượng và chất lượng trứng của phụ nữ giảm dần cho đến khi mãn kinh. 

Cách phôi thai chui vào tử cung và kết nối với nguồn cung cấp máu cũng là bí ẩn. Các yếu tố vô sinh liên quan đến nam giới có vai trò nhất định ở ít nhất khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dị tính nhưng nguyên nhân cụ thể đa số là không rõ ràng.

IVF không có câu trả lời cho những bí ẩn nói trên nhưng nó vẫn hiệu quả đâu đó khoảng 50%, đặc biệt ở các cặp vợ chồng lớn tuổi muốn sinh con. 

Ở phụ nữ lớn tuổi, số lượng trứng còn lại không nhiều, làm giảm tỉ lệ đậu thai. Kỹ thuật IVF sẽ giúp thu thập nhiều trứng hơn và tối đa hóa khả năng chúng được thụ tinh. Dĩ nhiên, kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào may mắn.

Tương lai tự tạo trứng, tinh trùng

Gần đây, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản và Mỹ công bố rằng họ có thể tạo ra trứng (người) từ tế bào gốc. Tế bào gốc là tế bào có thể biến thành bất kỳ loại mô chuyên biệt nào của cơ thể. Từ tế bào gốc của da và máu, các nhà khoa học đã tạo ra trứng với kỹ thuật hình thành giao tử trong ống nghiệm (IVG).

Ở Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đã tạo ra những con chuột con khỏe mạnh từ các tế bào ở chỏm đuôi chuột mẹ. Đầu năm nay, họ tạo ra những chú chuột con là "con ruột" của hai chuột bố. Người ta lấy tinh trùng của một con chuột và lấy da của con chuột còn lại để lấy tế bào gốc, sau đó tạo thành trứng rồi kết hợp trứng và tinh trùng với nhau.

Kỹ thuật này hoàn toàn có thể áp dụng cho con người. Tuy nhiên khi nào các tế bào gốc đủ điều kiện tạo ra những em bé khỏe mạnh còn ở tương lai rất xa. Các nghiên cứu hiện nay nhằm cung cấp những hiểu biết mới về cách tạo ra tinh trùng và trứng trong phòng thí nghiệm. 

Ảnh: AFP/Getty Images

Ảnh: AFP/Getty Images

Trước mắt, với kỹ thuật IVG, các nhà nghiên cứu có thể không còn cần phải dựa vào trứng, tinh trùng và phôi được hiến tặng mà có thể chủ động tạo ra chúng. Một số dự án nghiên cứu khác sử dụng tế bào gốc để tạo ra các mô hình phôi thai. Mô hình này giúp họ quan sát và hiểu những gì xảy ra với phôi thật.

Trong tương lai, khi kỹ thuật IVG được cấp phép, các cặp vợ chồng đồng tính cũng có thể sinh con mang huyết thống của chính mình giống như những cặp vợ chồng dị tính. Những người đã chuyển giới cũng có thể làm như vậy. 

Trước mắt, IVF sẽ vẫn là kỹ thuật quan trọng và cần tiếp tục được đầu tư và hoàn thiện. Càng hiểu rõ hơn về sự sinh sản sẽ giúp nâng cao tỉ lệ thành công của IVF, giảm chi phí về tinh thần và tài chính cho những người tham gia.

Sự kiện bé Louise Brown chào đời chấn động đến nỗi toàn bộ ca sinh được quay phim - theo thỏa thuận với chính phủ - để cung cấp bằng chứng tài liệu rằng bé Brown thực sự do mẹ mình sinh ra. Bé cũng trải qua khoảng 60 cuộc kiểm tra khác nhau để đảm bảo rằng em là một trẻ sơ sinh "bình thường" trước khi được đưa về cho mẹ bế ẵm. 

Từ đó, IVF đã trở thành phương pháp điều trị vô sinh chính trên khắp thế giới mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình. Giờ thì khoa học đang chờ đón một cột mốc có thể mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới như thế.

Cho thuê tử cung

So với thời ông bà ta thì ngày nay rất nhiều cái có thể cho thuê mà cho thuê tử cung là một ví dụ. Ngày càng nhiều phụ nữ chuyển sang mang thai hộ do nhu cầu tìm người mang thai hộ ngày càng tăng trên toàn cầu. Theo công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Global Market Insights, mang thai hộ là dịch vụ trị giá khoảng 14 tỉ USD vào năm 2022 trên toàn cầu.

Con số chính xác rất khó xác minh do tính chất riêng tư của các thỏa thuận. Đến năm 2032, giá trị của dịch vụ mang thai hộ được dự báo sẽ tăng lên 129 tỉ USD do tình trạng vô sinh gia tăng và ngày càng có nhiều cặp đồng giới và người độc thân muốn có con. Nhu cầu sẽ do bên có cầu - là những người giàu có khao khát có con quyết định.

Bà mối phôi thai

Phôi thai không được mua bán trên thế giới nhưng có thể được hiến tặng vì mục đích nhân đạo. Một số cặp vợ chồng còn dư phôi trong quá trình làm thủ thuật IVF đồng ý hiến số phôi này. Phôi thai được quản lý để chờ người nhận đủ điều kiện. Ở Mỹ, các gia đình hiếm muộn có thể xin phôi ở các trung tâm như Snowflakes hoặc Trung tâm hiến phôi quốc gia. Tuy nhiên, cả hai nơi này cũng như đa số các trung tâm hiến phôi trên thế giới đều ra điều kiện người xin phôi phải là vợ chồng. Các bố mẹ đơn thân hầu như không có cơ hội xin phôi.

Theo trang The Cut, Deb Roberts - một phụ nữ độc thân khao khát có con ở Mỹ - đã bị các cơ sở lâu đời này từ chối nhiều lần. Do đó, bà tự mình ngỏ lời xin phôi trên Facebook. Roberts cho biết mình nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ bạn bè và những người xa lạ.

Hiện bà đã có hai con do một người bạn hiến phôi. Để giúp những người đơn thân muốn có con, Roberts lập dịch vụ kết nối hiến phôi hoàn toàn khác biệt. Dịch vụ Embryo Connections của bà tập trung vào so sánh sở thích, mối quan tâm và giá trị của các gia đình thay vì các điều kiện về tài chính, tâm thần, tình trạng hôn nhân…

Theo Roberts, cuộc đời các bên sẽ mãi mãi liên hệ với nhau qua việc cho và nhận phôi theo những cách khác nhau nên sự hòa hợp này là cần thiết. Bà cũng cho biết tùy vào quan điểm tôn giáo và chính trị, phôi thai sẽ được xem là tế bào người hay đã là một con người. Dựa trên những góc nhìn khác nhau này, phôi có thể được xem là trẻ em và hiến phôi có thể xem là nhận con nuôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận