Giữa lòng tăm tối và hành trình "vô phương thấu hiểu"

LÂM LÊ 27/07/2017 22:07 GMT+7

TTCT - Cách đây vài năm, tôi xem lại bản Apocalypse now redux của Francis Ford Coppola, mê muội suốt bộ phim dài tới 196 phút, mà vẫn không thực sự hiểu mình vừa xem xong cái gì. Một kiệt tác khó hiểu về chiến tranh Việt Nam, một bộ phim nhiều ẩn dụ với các lớp biểu tượng dày đặc không thể giải mã.

Marlon Brando-Ảnh: IMDB
Marlon Brando-Ảnh: IMDB

 

Khi tìm hiểu về bộ phim này, hầu hết các bài phê bình của phương Tây đều nhắc đến Heart of darkness của Joseph Conrad, cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh gốc Ba Lan in từ năm 1899 mà bộ phim chuyển thể.

Francis Ford Coppola đã rút ra từ cuốn tiểu thuyết tinh thần của nó, sự tăm tối khôn cưỡng của nó và đặc biệt là linh hồn của nó - nhân vật Kurtz, một kẻ điên loạn, một kẻ xuất chúng, một kẻ “hoàn toàn tỉnh táo, nhưng linh hồn thì đã bị điên” như lời của viên đại úy Willard nói về Kurtz trong phim.

Joseph Conrad là một nhà văn Anh kiệt xuất, và Heart of darkness là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, luôn nằm trong danh sách những tác phẩm văn chương tiếng Anh xuất chúng nhất của thế kỷ 20 trong các cuộc bình chọn.

Năm 1890, Conrad, lúc đó đang là sĩ quan trên con tàu Roi des Belges, đi ngược dòng con sông Congo để vào vùng nội địa của nhà nước tự do Congo mà thực chất vẫn là thuộc địa của nước Bỉ.

Tám năm sau, khi những chi tiết về chế độ diệt chủng của vua Leopold bị phanh phui, Conrad - bằng những trải nghiệm của mình - viết 200 trang Heart of darkness, một cuốn tiểu thuyết mạnh mẽ chỉ trích chủ nghĩa đế quốc, đồng thời là một tác phẩm văn chương khó đọc nhất, khó hiểu nhất suốt thế kỷ qua.

Trên trang Goodreads chuyên điểm sách của độc giả, cuốn tiểu thuyết này chỉ được xếp hạng 3.41/5, bên cạnh những người xếp hạng 5 sao và gọi nó là một kiệt tác văn chương, không hiếm những người chỉ cho 1 sao và than thở rằng dù cố đọc hết cả cuốn, cuối cùng chẳng hiểu mình vừa đọc cái gì.

Cuốn tiểu thuyết đầy thách đố này vừa được dịch ra tiếng Việt với nhan đề Giữa lòng tăm tối (Tao Đàn, dịch giả Nham Hoa).

Nếu chỉ đọc cuốn tiểu thuyết này một lần, cảm giác cũng bất lực khi cố hiểu Apocalypse now khi mới xem lần đầu, bởi cả hai đều mang đến một cảm giác của sự mê muội, tăm tối, những dòng suy tưởng mơ hồ, vừa khó đoán định trong chất thơ xuyên suốt (với tiểu thuyết) và ngôn ngữ điện ảnh ngồn ngộn trong bộ phim.

Đã có rất nhiều tác phẩm văn chương và phim ảnh khai thác số phận của chủ nghĩa thực dân, những kẻ mang danh đi “khai hóa văn minh” nhưng thực ra là vơ vét của cải của các nước thuộc địa, tàn phá văn hóa, thậm chí tàn sát những thổ dân bản địa.

Nhưng chính bọn họ lại là những nạn nhân đầu tiên ở những vùng đất thuộc địa này.

Giữa lòng tăm tối của Conrad cũng là cuốn tiểu thuyết nói về sự tàn lụi của chủ nghĩa thực dân, mà Kurtz là nhân vật mang tính biểu tượng.

Cuốn tiểu thuyết được kể lại bởi Marlow, nguyên mẫu của Conrad, kẻ ngược con sông Congo để đi tìm và giải cứu Kurtz - một kẻ buôn ngà voi sắp chết mà xung quanh ông ta đầy rẫy các giai thoại kỳ bí.

Thông qua nhân vật Marlow, Conrad không ngần ngại chỉ ra bản chất của những kẻ mang tiếng đi khai hóa hoặc thám hiểm vùng đất mới. “Đoàn người nhiệt huyết này tự xưng là đoàn thám hiểm Eldorado, còn tôi nghĩ họ là một hội kín.

Câu chuyện của cả bọn, dù vậy, chẳng khác gì phường hải tặc hạ lưu: liều lĩnh mà không gan dạ, tham lam mà không táo bạo, tàn độc mà không dũng cảm; chẳng có một mảy may viễn kiến hay dự định nghiêm túc nào trong đầu bọn họ, và dường như chẳng ai ý thức được rằng sự vận hành của thế giới này đòi hỏi những cái đó”.

Bộ phim Apocalypse now đổi bối cảnh từ con sông Congo ở châu Phi sang một con sông ở miền thượng Campuchia (Nung River) trong thời chiến tranh Việt Nam.

Viên đại úy Benjamin L. Willard (Martin Sheen đóng) được lệnh ngược con sông này, đi xuyên vào cánh rừng nhiệt đới rậm rạp để tiêu diệt Walter E. Kurtz (Marlon Brando), vốn là đại tá biệt kích nhưng đã trở nên điên loạn, đào ngũ, chạy trốn vào rừng và lãnh đạo một đạo quân người dân tộc ở Campuchia dưới danh nghĩa một vị tướng tự xưng.

Dù bối cảnh và nội dung khác nhau, bộ phim trung thành tuyệt đối với tác phẩm mà nó chuyển thể, nói chính xác hơn là lấy làm cảm hứng.

Cả hai đều dựng lại một cuộc tìm kiếm bí ẩn, mơ hồ trong một vùng đất tăm tối, đều ngược dòng sông để chìm vào lòng tăm tối. Tại sao lại ngược dòng sông?

Conrad viết: “Đi ngược con sông ấy giống như đi ngược về thuở hồng hoang của thế giới, khi thực vật tung hoành khắp địa cầu và đại thụ là chúa tể. Một dòng chảy trống rỗng, một sự im lặng vĩ đại và một cánh rừng không thể xuyên qua”.

Đó cũng là một chuyến hành trình ngược dòng vào vùng tăm tối của lòng người. Trong cuốn sách vì thế, cụm từ “vô phương thấu hiểu” lặp đi lặp lại nhiều lần: “Đó là sự tĩnh lặng của một sức mạnh bất khả trấn an đang nuôi dưỡng một ý đồ vô phương đoán định”, hay “Biểu cảm u ám, âm trầm và bất tường vô phương thấu hiểu”.

Còn với Kurtz, Marlow cũng bất lực khi thốt lên rằng: “Vấn đề là ở chỗ, y là một tạo vật tài năng, và trong tất cả những tài năng ấy thì cái thiên khiếu nổi bật nhất, chứa đựng cảm thức về hiện hữu, chính là năng lực diễn thuyết của y, lời lẽ của y - thiên khiếu của ngôn từ, mù mờ và sáng tỏ, tột cùng cao quý và hết sức đê hèn, hải lưu phập phồng của ánh sáng hay dòng chảy trá ngụy từ trái tim của một vùng tăm tối vô phương thấu hiểu”.

Quay trở lại với Apocalypse now của Coppola, bộ phim phát hành năm 1979, sau ba năm Coppola vật lộn với nó, từng định tự sát vì tuyệt vọng và giảm tới 45 cân sau khi làm xong bộ phim này.

Bộ phim dài hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng linh hồn của nó - viên đại tá đào ngũ Kurtz chỉ xuất hiện trong khoảng 30 phút cuối bộ phim. Cho dù vậy, Kurtz vẫn là nhân vật mà Coppola thể hiện những ý đồ nghệ thuật và tinh thần phản chiến của ông, như cách Conrad chống lại chủ nghĩa thực dân trong tác phẩm của mình.

Giữa lòng tăm tối
Giữa lòng tăm tối

 

Một kiệt tác văn chương và một kiệt tác điện ảnh, có thể nói như vậy về Giữa lòng tăm tối của Joseph Conrad và Apocalypse now của Francis Ford Coppola.

Đó là một cặp đôi hiếm có của nghệ thuật mà tác phẩm văn chương là nền tảng của bộ phim, nhưng chính bộ phim, qua diễn xuất tuyệt luân của Marlon Brando, với ngôn ngữ điện ảnh của nó, lại giúp chúng ta soi chiếu và hiểu hơn về tác phẩm văn chương, hiểu thêm về “thế giới khốn nạn mà chúng ta sống trong đó”, hiểu thêm về “những linh hồn rỗng”, “những lời nói dối dơ bẩn” và sự “tuyệt vọng cùng cực của con người”.

Tuyệt vọng và tăm tối vô phương thấu hiểu cho đến tận cuối cùng, như đoạn kết của cuốn tiểu thuyết qua bản dịch cầu kỳ của Nham Hoa:

“Tôi ngẩng đầu lên. Biển khơi bị một bờ mây đen che khuất, và thủy lộ thanh bình dẫn tới những nẻo tận cùng Trái đất vẫn âm trầm chảy dưới vòm trời hôn ám - như dẫn vào trái tim của một vùng tăm tối khôn cùng”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận