Hai mặt của công nghệ bảo tàng

TRỌNG NHÂN 14/02/2023 15:36 GMT+7

Công nghệ bảo tàng đem lại cảm nhận mới mẻ cho khách tham quan nhưng "linh hồn" của bảo tàng vẫn là hiện vật và con người.

Trong chuyến du lịch lần đầu tới VN tháng 12-2022, đạo diễn trẻ người Pháp Luan Charlaix chọn bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) là điểm dừng chân đầu tiên trong danh sách "bắt buộc phải ghé thăm". Tại sảnh, Charlaix thuê máy thuyết minh tự động, giá 80.000 đồng/lượt, bao gồm tai nghe, bộ điều khiển và sơ đồ tham quan.

Tham quan Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ bằng ứng dụng di động hoặc truy cập trang web của bảo tàng. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tham quan Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ bằng ứng dụng di động hoặc truy cập trang web của bảo tàng. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Công nghệ bảo tàng nâng tầm cảm xúc

Bắt đầu từ phòng "Những sự thật lịch sử", nơi trưng bày những cứ liệu về nền độc lập của VN, Luan Charlaix chậm rãi quan sát từng bức ảnh. Trên mỗi ảnh đều có số thứ tự, Luan Charlaix nhấn số tương ứng trên máy để nghe thuyết minh. 

Trước loạt ảnh về Tuyên ngôn độc lập, ông được nghe về bối cảnh, ý nghĩa và những chi tiết thú vị bên lề của sự kiện bằng một giọng đọc rất hào hùng khiến không khí của ngày độc lập tại quảng trường Ba Đình năm ấy phần nào được tái hiện.

Đoạn audio thuyết minh cụm ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai lại như hồi ký của người trong cuộc được truyền tải bằng một giọng đọc đầy cảm xúc. Bên cạnh còn có những thông tin về diễn biến sau vụ thảm sát, phiên tòa xét xử, phản ứng của dư luận quốc tế. Âm thanh giọng đọc hòa nhịp với cảm xúc của khách khi xem từng bức ảnh. 

"Công nghệ kết hợp với các hiện vật và câu chuyện truyền cảm từ audio giúp tôi cảm nhận sống động về cuộc chiến tranh tại VN. Audio có bản tiếng Pháp giúp tôi dễ tiếp thu và đồng cảm", Luan Charlaix nói.

Thuyết minh tự động là một trong nhiều công nghệ ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nhằm giúp khách tham quan tiếp cận sâu sắc hơn các nội dung trưng bày. Các câu chữ im lìm bên cạnh những bức ảnh đã được chuyển thành phim, đồ họa, video tương tác. 

Cạnh bức ảnh về các loại bom mà Mỹ sử dụng tại VN là một màn hình cảm ứng, khách có thể xem thông số và hiệu ứng cũng như cách thức hoạt động của từng loại bom. Họ cũng có thể trải nghiệm cảm giác đứng trên một di tích chuồng cọp, bên dưới là những chí sĩ cách mạng đang bị giam cầm, với hiệu ứng ánh sáng, âm thanh khá chân thật..

Hệ thống chuồng cọp qua công nghệ trình chiếu 3D tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Hệ thống chuồng cọp qua công nghệ trình chiếu 3D tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ảnh: TRỌNG NHÂN

Bà Đinh Ngọc Hằng, phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết trước đây bảo tàng trưng bày phiên bản di tích chuồng cọp với kích thước thật như ở các nhà tù Côn Đảo hay Phú Quốc.

 Tuy nhiên, đó chỉ là những hình ảnh tĩnh nên du khách phải dùng trí tưởng tượng để hình dung những hoạt động của người bên trong. Nay công nghệ hologram trình chiếu 3D bày ra trước mắt người tham quan những sinh hoạt thực tế như đã diễn ra. 

"Diện tích trưng bày không lớn nên áp dụng các công nghệ sẽ giúp khách tham quan tiếp cận thêm được nhiều hiện vật, mô hình chưa được trưng bày, cung cấp cho họ nhiều thông tin hơn", bà Hằng nói.

Sau hai tháng kể từ chuyến tham quan tòa nhà Dinh Norodom (phía sau dinh Độc lập), Phố Hương (21 tuổi, quê Tây Ninh) đến nay vẫn còn ấn tượng mỗi khi nhớ lại: Khi nghe thuyết minh về sự kiện ngài Thích Quảng Đức tự thiêu, tôi nghe thấy cả tiếng máy bay ầm ầm trên không lẫn tiếng lửa cháy. Những biến cố như Nhật đảo chính Pháp, ông Ngô Đình Diệm bị sát hại đều được tái hiện bằng hình ảnh, âm thanh sống động bởi các máy chiếu, các loại công nghệ.

"Ấn tượng nhất là khi xem bức ảnh gia đình bốn người nhà tổng thống Ngô Đình Diệm, gồm ba anh em ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn và bà Trần Lệ Xuân. Ban đầu tôi chỉ hiểu đó là bức ảnh gia đình của tổng thống nhưng nghe qua thuyết minh từ công nghệ số, tôi mới hiểu dụng ý của bức ảnh là giới thiệu sở thích riêng của từng thành viên.

Chạm vào hình chữ nhật nhỏ trên từng nhân vật trong ảnh sẽ hiện ra chiếc máy chụp hình của ông Diệm, tẩu thuốc của ông Nhu, cơi đựng trầu của ông Cẩn và khẩu súng của bà Xuân. Thật là hấp dẫn với những thông tin ngồn ngộn, sống động và đầy đủ từ một bức ảnh tưởng như không có gì đặc biệt. Đây mới chính là thông tin mà khách tham quan muốn tìm kiếm ở bảo tàng" - Phố Hương nói.

Du khách Phố Hương xem khám phá "mật thất" trong bức ảnh gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Phố Hương

Du khách Phố Hương xem khám phá "mật thất" trong bức ảnh gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm. Ảnh: Phố Hương

Nhiều bảo tàng VN cũng đang áp dụng công nghệ để tự làm mới mình và thu hút khách. Ngoài phần mềm thuyết minh tự động, hầu hết các bảo tàng tại TP.HCM hiện đều có các mã QR bên dưới mỗi hiện vật để du khách có thể quét mã đọc thêm thông tin bằng điện thoại thông minh, một số nơi có phần mềm trình chiếu 3D cho các hiện vật quý…

Trụ cột vẫn là con người

Theo ông Phạm Ngọc Long - giám đốc Công ty Orpheo VN (đơn vị sản xuất và vận hành phần mềm thuyết minh tự động cho các bảo tàng, di tích), để có các audio thuyết minh bắt nhịp với hình ảnh và tạo được cảm xúc cho khách tham quan, cần tới những đầu tư công phu, tỉ mỉ.

 Những người làm nội dung audio ngoài nắm vững nghiệp vụ bảo tàng còn cần hiểu được mạch cảm xúc của khách qua từng hình ảnh, hiện vật, từ đó cân nhắc đưa âm thanh, tư liệu kèm theo nhằm đem lại hiệu quả cảm nhận cao nhất cho khách. 

Đó có thể là những tiếng trực thăng bay vù vù xé toạc nền trời hoặc tiếng xích xe tăng nghiến xuống mặt đường, giúp người xem hình dung bối cảnh một trận đánh; là những số liệu để biết tương quan lực lượng giữa hai bên bổ trợ cho thông tin trên sa bàn; là đoạn âm thanh phỏng vấn những nạn nhân chiến tranh, nhân vật có liên quan đến sự kiện...

Hiện trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về việc đưa công nghệ vào bảo tàng. Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ sẽ tăng trải nghiệm cho khách hàng, nhưng cũng nhiều người cho rằng thứ mà các bảo tàng cần tập trung nhất vẫn là các hiện vật vì công nghệ quá nhiều sẽ làm khách tham quan xao lãng. 

Theo ông Rik Panganiban - quản lý cấp cao về học thuật kỹ thuật số tại Học viện Công nghệ California (Mỹ), điều quan trọng là ứng dụng công nghệ phù hợp để thu hút du khách, giúp họ dễ cảm thụ, ghi nhớ, thậm chí có thể tương tác sau khi đã rời đi. "Phải đảm bảo công nghệ ở bảo tàng được sử dụng đúng cách và không bị lạm dụng", ông Rik Panganiban nói.

Với bà Nguyễn Thị Thắm, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, công nghệ chỉ là công cụ để biểu thị nội dung, không thể thay thế được con người. Bảo tàng này đã đưa nhiều công nghệ trải nghiệm bảo tàng trên website, sử dụng máy chiếu 3D - 360 độ để giới thiệu hiện vật… nhưng vẫn dồn lực đào tạo con người.

"Mỗi câu chuyện kể trong bảo tàng phải qua bàn tay biên tập, trau chuốt và mang theo những ý đồ riêng. Chính những nhân viên bảo tàng mới là người biết sắp xếp và điều khiển công nghệ để mang lại hiệu quả cảm nhận tối ưu cho khách", bà Thắm chia sẻ.■

Cần tạo thêm sản phẩm cho bảo tàng

Công nghệ mang lại nhiều điều tích cực cho sự phát triển của bảo tàng nhưng trong một số bảo tàng đặc thù, dường như công nghệ khó lòng thay thế được những trải nghiệm thực tế. Tại Bảo tàng Áo dài, khách đến tham quan thường rất thích thú khi được khoác lên mình nhiều bộ áo truyền thống, được mang guốc mộc rồi đi khua lốc cốc trên hè… Những xúc cảm quý giá này sẽ không thể có được nếu chỉ xem qua phần mềm di động.

Mặt khác, bảo tàng còn giới thiệu những di sản "phi vật thể" thông qua các hệ thống hiện vật, ví dụ đằng sau những chiếc áo tứ thân là nghệ thuật dân ca quan họ. Dù công nghệ tiên tiến đến đâu cũng không thể truyền tải thông tin sống động bằng một buổi hát dân ca có các liền anh, liền chị hát giao duyên, tay nâng những miếng trầu têm cánh phượng. Tôi nghĩ các bảo tàng nên tạo ra những sản phẩm mới có nhu cầu cao hơn, mang giá trị văn hóa sâu hơn, qua đó giúp cho khách tham quan hưởng thụ nhiều hơn bên cạnh ứng dụng công nghệ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân (giám đốc Bảo tàng Áo dài TP.HCM)

Số hóa bảo tàng: "Canh bạc" triệu đô

Số hóa bảo tàng từ lâu đã là một xu hướng lớn trên thế giới nhưng vẫn còn nhiều dấu hỏi giữa tính hiệu quả và chi phí đầu tư. Một nghiên cứu được ĐH Chicago thực hiện tại Bảo tàng Thư viện tổng hợp Abraham Lincoln (Mỹ) cho thấy bảo tàng này đã bỏ ra hàng chục triệu USD để áp dụng các công nghệ số hóa hiện vật, trình chiếu hologram 3D hay công nghệ tương tác trực tiếp nhằm tận dụng các thiết bị di động để tăng trải nghiệm cho khách.

Tuy nhiên, "canh bạc" này thất bại khi trong 5 năm liền, số lượt khách tham quan đến bảo tàng vẫn "lao dốc" không phanh. Trong thời gian đó, lượng khách đến phân khu nhà hát trong bảo tàng này giảm đến 65% dù đã áp dụng công nghệ trình chiếu hologram. Nghiên cứu kết luận rằng công nghệ không "cứu" được đà suy giảm khách đến bảo tàng trong 20 năm qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận