"Hệ miễn dịch" đang mỗi ngày một yếu

TTCT - Tham gia loạt bài “Câu hỏi của một bác sĩ” (xem TTCT số ra ngày 17-9), TTCT ghi lại và giới thiệu tâm sự của hai bạn trẻ làm việc trong ngành y.


Minh họa: Vũ Đình Giang


Luôn đứng đầu lớp những năm trung học, tôi tự tin đăng ký thi vào ngành bác sĩ đa khoa của một trường y trong thành phố. Tôi đậu hai trường đại học, kể cả ngành công nghệ sinh học. Tôi bước vào cổng trường y với niềm tin mãnh liệt là mình sẽ trở thành một bác sĩ tốt.

Hai năm đầu, tôi học miệt mài. Sáng, trưa ở giảng đường, chiều ở thư viện và tối xung phong trực thường xuyên ở bệnh viện. Gia đình không quá khá giả nhưng tôi không phải đi làm thêm như chúng bạn. Ba mẹ nói tôi chỉ cần học, không cần phải bận tâm chuyện khác. Thậm chí, lúc đấy nhiều người hàng xóm đã tủm tỉm trêu ba mẹ: “Nuôi bác sĩ thì một vốn bốn lời, chẳng đời nào mà lỗ”. Tôi thấy vui vui khi nghe câu đó, càng quyết tâm học.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tôi phát hiện một số điều chướng mắt. Hơn phân nửa sinh viên trong lớp tôi có cha mẹ, người thân làm trong ngành y tế, trong đó nhiều người giữ vị trí rất cao trong xã hội. Bên cạnh một số sinh viên nỗ lực học hết mình và không dựa dẫm, vẫn còn đó nhiều bạn học giỏi nhờ... vị thế của gia đình.

Có lần, trước kỳ thi cuối khóa của một môn học “sát thủ”, vài người bạn đem một số câu hỏi đến nhờ tôi giảng giải. Họ phán: “Đề đó!”. Tôi nghe chứ chẳng mấy tin để rồi sau đó choáng váng khi thấy đề thi không khác một chữ. Cả lớp rớt hơn phân nửa trong khi nhóm chúng tôi đều đậu điểm cao. Tôi nhìn con số 9 trên bài thi của mình mà lòng dấy lên nhiều nỗi niềm... Về sau, những trường hợp đó xảy ra khá thường xuyên.

Một lần khác, trong lúc vui miệng khi say xỉn, vài người bạn của tôi cho biết thực chất họ không đủ điểm đậu vào trường y thành phố. Thế nhưng gia đình đã đăng ký cho họ thi vào trường y của một tỉnh rồi sau đó bằng mọi cách chuyển kết quả về thành phố. Một số người có điểm thấp hơn chuẩn tới 5-6 điểm. Điều đó giải thích vì sao nhiều bạn trong lớp có kiến thức “mỏng” đến như vậy. 

Học tới năm tư, tôi bắt đầu được thầy và các bác sĩ tin tưởng giao mổ phụ. Nhờ có kiến thức chuyên môn vững, tôi được một số phòng khám, nhà thuốc đánh tiếng kêu về làm bán thời gian với mức lương khá ổn định... Tôi vẫn lắc đầu, cần mẫn với việc tích góp từng chút kiến thức từ trường và bệnh viện. Tuy vẫn phải sống dựa hoàn toàn vào gia đình nhưng lúc đấy tôi chẳng thấy chút gì là tiếc nuối, hối hận. Có chăng là sự bức xúc khi thấy một số bạn trong lớp học hành ngày càng chểnh mảng vì nghe đâu họ được gia đình dọn sẵn chỗ sau khi ra trường. 

Chỉ đến năm cuối đại học tôi mới bắt đầu ngờ ngợ về con đường mình đang đi. Tới giai đoạn phải kiếm đề tài làm luận văn và giảng viên hỗ trợ, tôi thấy mình thật sự lạc loài khi không có “những mối quan hệ”. Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành luận văn vì được xếp chung nhóm với những bạn mà gia đình có tiếng trong giới y khoa. Tuy nhiên, tôi phải tốn không ít tiền để theo “hầu nhậu” các đàn anh, bậc thầy đi trước... vì đó là “thủ tục” căn bản nếu muốn mọi chuyện trót lọt.

Tôi ra trường với điểm số cao nên được giữ lại làm giảng viên. Vừa đi dạy vừa đi mổ ở bệnh viện, mỗi tháng tôi được lãnh lương 3,2 triệu đồng. Đó là năm 2009.

Nhiều người nói bác sĩ chỉ cực vài năm đầu, khi học xong chuyên khoa hoặc cao học sẽ được mở phòng mạch, lúc đó tha hồ “gom tiền”. Họ đâu biết để giành được các suất học trên là khó hơn... lên trời! Mỗi năm các chuyên ngành chỉ tuyển một số lượng bác sĩ nhất định (và rất ít) để đào tạo, nếu không phải tốt nghiệp ở vị trí đầu khóa, có thâm niên cao hoặc không được gửi gắm... thì đừng bao giờ mơ tưởng tới cơ hội này. Chuyên ngành càng đắt giá thì cơ hội càng nhỏ giọt.

Chưa kể phòng mạch tư bây giờ cũng rất khó sống. Chất lượng dịch vụ ở các bệnh viện lớn ngày càng cải thiện, phòng mạch tư muốn có khách thì hoặc phải có tiếng hoặc có vốn đầu tư lớn bệnh nhân mới tin tưởng tìm đến. Nhiều người bạn của tôi học xong chuyên khoa hoặc cao học đều hăm hở mở phòng mạch riêng, phần lớn đều nhanh chóng thất bại. Một số người nhắm mắt, cắn răng làm liều khi “chiêu dụ” bệnh nhân khám trong bệnh viện tới phòng mạch của mình. Miếng đâu không thấy, chỉ thấy tiếng bị mất và lòng lúc nào cũng phấp phỏng.

Tôi hiện vẫn đang đi dạy, đi mổ và đợi được kêu đi học. Ba mẹ giờ đều đã về hưu nhưng tôi vẫn chưa lo được gì cho họ. Cầm đồng lương hằng tháng 5 triệu đồng sau ba năm làm việc, tôi chạnh lòng khi thấy những người bạn tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học ngày xưa giờ lĩnh mức lương gấp nhiều lần hơn. Những lần sau này khi đi thăm bệnh, tôi chợt nhận ra “hệ miễn dịch” của mình ngày một yếu trước những phong bì được dúi tay... 


Cần lắm cái đẹp đến từ hai phía

Ở Pháp, xã hội dường như lâu rồi không tồn tại những câu hỏi như: Liệu bác sĩ đó có y đức với bệnh nhân không? Họ có nhận tiền đút tay không? Có thiên vị kẻ giàu và người nghèo? Giá thuốc sao lại chênh lệch nhau nhiều thế?... 

Điều đó không khó hiểu nếu chúng ta hiểu được cội nguồn của vấn đề.

Đầu tiên, sinh viên y và dược nội trú khi thực tập bệnh viện thì điều được đánh giá đầu tiên là thái độ của họ đối với bệnh nhân. Dù khả năng của sinh viên có giỏi đến đâu mà bước vào phòng bệnh nhân thiếu chào hỏi sẽ bị đánh giá rất thấp, thậm chí quá trình thực tập không được công nhận. Một khi đã vào phòng bệnh, mỗi sinh viên đều phải làm quen với những bước cơ bản bắt buộc sau đây:

- Chuẩn bị trước hồ sơ bệnh án.

- Chào hỏi bệnh nhân và giới thiệu về bản thân (vì bệnh nhân có quyền được biết mình đang nói chuyện với ai).

- Dành thời gian trò chuyện cởi mở, lịch sự và tôn trọng người bệnh. Bác sĩ hay dược sĩ phải có trách nhiệm giải thích rõ cho bệnh nhân hiện trạng bệnh tình và quá trình điều trị sẽ sử dụng, trả lời mỗi câu hỏi bệnh nhân đặt ra...

- Lắng nghe người bệnh, động viên tinh thần họ.

- Trước khi ra khỏi phòng phải chào hỏi lịch sự.

Bên cạnh đó Pháp là nước có nền bảo hiểm trợ cấp y tế xã hội tốt, nơi mọi người dân đều cảm thấy sức khỏe của mình được bảo đảm mà không có sự phân biệt giàu nghèo. Ở đây, mọi người đều bắt buộc phải có bảo hiểm y tế cộng đồng và mọi chi phí liên quan đến sức khỏe sẽ được hoàn lại từ 65-80% (nếu là bảo hiểm SS*) và là 100% nếu họ mua thêm bảo hiểm dạng Mutuelle (*).

Đến tuổi trưởng thành, mỗi người đều sẽ có một bác sĩ gia đình. Bác sĩ này sẽ là người gần gũi nhất với bệnh nhân, sẽ quyết định có nên gọi bệnh nhân đến những bác sĩ chuyên khoa hay không. Giá của mỗi lần khám bác sĩ gia đình là 23 euro và sẽ được bảo hiểm xã hội trả lại sau đó. 

Nói như vậy để thấy Pháp luôn cố gắng xây dựng hình ảnh bác sĩ thật gần gũi, trong sạch trong mắt bệnh nhân. Ngược lại, các bác sĩ đều được tạo điều kiện để cải thiện thu nhập một cách xứng đáng nên ai cũng làm hết mình. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi nghĩ cái đẹp trong cách ứng xử giữa hai đối tượng này chỉ phát sinh khi cả hai đều được cho và nhận một cách công bằng. 

Cá nhân tôi nghĩ mình sẽ ở lại Pháp làm việc một vài năm sau khi tốt nghiệp bởi không chỉ để học hỏi thêm cách quản lý, kinh nghiệm mà còn vì sự trân trọng của xã hội Pháp dành cho bác sĩ. Ở đây, người bệnh hay người nhà bệnh nhân đều rất coi trọng và cư xử lịch sự với nhân viên y tế. Mọi người biết lắng nghe, thông cảm một cách thẳng thắn và khoa học.

____________

(*) SS là viết tắt của Securire Sociale, hệ thống bảo hiểm y tế bình thường của Pháp.(*) Mutuelle là quyền lựa chọn mua bảo hiểm thêm theo ý thích của mỗi người. Thông thường ai cũng sẽ mua để được trả lại 100% phí điều trị và thuốc men.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận