"Hiện tượng" Murray

ANH VIỆT 19/01/2009 18:01 GMT+7

TTCT - Giới hâm mộ quần vợt xôn xao vì một hiện tượng mới nổi mang tên Andy Murray. Trong khi giải Grand Slam đầu tiên của năm 2009 (Úc mở rộng) đang đến gần (19-1-2009), những cuộc tranh luận cũng bắt đầu thay đổi.

Phóng to

Người ta không nói về khả năng Murray sẽ giành được ít nhất một Grand Slam nữa trong năm nay mà đang nói tay vợt này có thể trở thành số 1! Bí quyết nào đã đưa Murray lên đỉnh cao hôm nay?

Bắt đầu là một giải biểu diễn ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Andy Murray, tay vợt vừa vươn lên vị trí thứ 4 trong mùa giải 2008, lần lượt hạ gục hai tay vợt huyền thoại Roger Federer và Rafael Nadal. Ngay lúc đó, Rafael Nadal đã bình luận Murray là ứng cử viên cho ít nhất một Grand Slam trong mùa giải năm nay. Roger Federer cay cú hơn, nói đó chỉ là một giải biểu diễn nên anh ta không tung hết sức và hãy đợi đến một giải đấu chính thức.

Một khởi đầu trên cả tuyệt vời

Và giải đấu chính thức (trong khuôn khổ các giải của hệ thống ATP - Hiệp hội Quần vợt nhà nghề) năm 2009 đã đến. Đó là giải ATP ở Doha, Qatar. Murray thắng dễ dàng các trận vòng loại để gặp Federer ở bán kết. Cuộc chiến diễn ra trong ba set. Set đầu, Federer thắng chật vật nhờ kết quả sít sao trong loạt tie break. Hai set sau Murray “lên tiếng”. Bị choáng bởi tính hiệu quả trong những cú giao bóng và những đường bóng giằng co của Murray, Federer thi đấu như người mất hồn, bị cuốn vào lối chơi của Murray, bị bẻ giao bóng hai lần mỗi set rồi chịu thúc thủ với tỉ số khá đậm 7-6, 2-6 và 2-6.

Như vậy đây là lần thứ tư liên tiếp tay vợt huyền thoại Federer gác vợt trước Andy Murray. Không còn gì để nói! Trận chung kết giữa Murray và tay vợt người Mỹ Andy Roddick chỉ còn là thủ tục. Roddick thua hai ván trắng (4-6, 2-6) bởi: “Anh ấy (Murray) đang ở phong độ rất cao. Anh ấy có nhiều đường bóng xuất sắc và chơi hay hơn tôi”. Mọi cặp mắt đều đang hướng về Murray khi giải Úc mở rộng gần kề. Một giải đấu chắc chắn cực kỳ hấp dẫn quy tụ “tứ đại cao thủ”: Nadal, Federer, Djokovic và Murray.

Phóng to
Còn nhớ sự trỗi dậy dũng mãnh của Andy Murray hồi cuối mùa giải 2008. Dường như “sự đột biến” này bắt đầu diễn ra từ trận đấu trên sân Flushing Meadow (Mỹ mở rộng) giữa Murray và tay vợt tài năng người Áo Jurgen Melzer.

Melzer dẫn trước hai set trắng và chỉ còn cách chiến thắng có 2 điểm trong set thứ ba. Nhưng rồi bước ngoặt đã diễn ra. Người ta đồn rằng vào khoảnh khắc “sinh tử” đó, trong đầu Andy Murray chợt lóe lên hình ảnh đường chạy 400m và những buổi tập yoga Bikram với những tư thế vặn người khó khăn nhất. Với một tiếng hét vang dội như tiếng rống sư tử, Murray tung ra cú giao bóng kinh hồn với tốc độ lên đến 138 dặm/giờ. Melzer bị đẩy lùi trở lại. Thế trận xoay chiều! Murray thắng liên tiếp ba set và giành chiến thắng chung cuộc. Khi trận đấu kết thúc, trước hàng triệu khán giả khắp thế giới, Murray gồng bắp tay thể hiện sức mạnh của mình, một động tác mà từ đây mang “thương hiệu” Andy Murray.

Các fan của Murray nói rằng động tác này ngụ ý “chớ dồn ta đến chân tường”. Nhưng kỳ thực đó có thể chỉ là một thông điệp riêng anh gửi cho êkip chăm lo sức khỏe của mình: anh đã làm tốt, thậm chí vượt cả những gì họ yêu cầu.

Đó cũng là câu trả lời mà Murray hét vào mặt những người suốt ba năm qua (từ khi anh thi đấu chuyên nghiệp) cho rằng thể trạng của anh khó có thể vươn lên đỉnh cao.

Cội nguồn sức mạnh của Andy Murray

Phóng to
Dữ liệu về Andy Murray

Cao: 1,9m

Nặng: 79kg

Thành tích đánh đơn: chín danh hiệu cá nhân, trong đó có danh hiệu vừa đoạt được tại Doha.

Tổng tiền thưởng đã giành được: 5.499.000 USD (chưa tính năm 2009)

Xếp hạng ATP: hạng 4

Trong các trận thi đấu của Andy Murray luôn hiện diện nguyên ban huấn luyện.

Hamburg tháng 5-2007. Cổ tay phải của Andy Murray bị chấn thương. Đó là một sự kiện đáng lo lắng nhưng cũng là một bước ngoặt. Murray cảm thấy rõ phải thay đổi và anh quyết định chọn không phải một mà cả một nhóm người làm huấn luyện viên với yêu cầu trọng tâm là nâng cao thể lực. Murray nói: “Tôi muốn trở lại một cách sung mãn hơn nữa”.

Thế là ban huấn luyện mới hình thành, gồm bốn người: Treacle, Jez, Claggs và Needles. Treacle là một người hóm hỉnh, chuyên về xoa bóp, căng cơ, thư giãn. Bí quyết hàng đầu của Treacle là “luôn luôn cười”. Jez Green là huấn luyện viên thể lực, cựu vận động viên kick box, từng giảng dạy tại Học viện quần vợt Monte Carlo.

Châm ngôn của ông là “tập nặng, tập thông minh, nhưng phải phục hồi tốt”. Claggs là chuyên gia quần vợt từng tham gia tuyển Anh dự Davis Cup và huấn luyện thành công nhiều cặp đánh đôi. Ông là người thâm trầm, thấu đáo, cần mẫn và sắc sảo về mặt chiến lược, và đó là người mà Murray đang cần. Needles là nhà vật lý trị liệu.

“Tôi chưa bao giờ làm việc căng thẳng như thế trong đời - Murray nói - Chúng tôi ra sân bóng, đường chạy, đến phòng thể dục, phòng tập yoga... Và bất chấp việc tập nhiều như thế tôi vẫn cứ tăng cân vì tôi bắt đầu ăn rất nhiều, như chưa bao giờ được ăn. Tôi có thể ăn một loáng hết sạch 42 miếng sushi cơ đấy...”.

Nhìn lại những thành công của mình gần đây, Murray thấy rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của yếu tố thể lực. “Dĩ nhiên là kinh nghiệm cũng rất có giá trị - anh nói - Khi tôi chơi Wimbledon lần đầu tiên, chưa bao giờ tôi đấu đến bốn set, đừng nói chi năm set. Cũng dễ hiểu là người ta sẽ chóng mệt nếu chưa quen. Nhưng cũng phải biết tôn trọng cơ thể của mình. Không thể thúc ép bản thân quá đáng vì điều đó không tốt cho cơ thể”.

Điều này lý giải những cú chạy nước rút ngoạn mục của Murray trên sân, những cú giao bóng uy lực, những đường bóng bền bỉ (vốn là sở trường của Rafael Nadal) làm phá sản lối chơi dứt điểm nhanh của Roger Federer.

Trong thể thao không có những chiến thắng dễ dàng. Đằng sau mỗi danh hiệu luôn là một quá trình rèn luyện gian khổ và kiên trì. Điều này hầu như không có ngoại lệ, và đó cũng chính là điều mà Murray muốn chuyển tải đến các vận động viên trẻ sau anh qua cuốn sách viết dở Andy Murray, hitting back (Andy Murray đánh trả).

Bước vào giải Úc mở rộng 2009, Murray không đặt mục tiêu chiến thắng vì anh biết điều này sẽ gây áp lực tâm lý cho mình. “Tôi chưa đạt đến phong độ tốt nhất. Nhưng nếu đạt được, tôi nghĩ mình sẽ không có đối thủ”. Ban huấn luyện của anh cũng nói: “Đừng chờ đợi một sự chín chắn hoàn toàn trong cả lối chơi lẫn thể lực của Murray khi nào anh còn chưa đạt đến 23 hay 24 tuổi”. Nói như vậy cũng có nghĩa con đường phía trước của Andy Murray còn rất thênh thang.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận