TTCT - Nếu nhìn vào không gian chuyện trò của một xã hội, năm 2015 có thể là một chứng nhân cho rất nhiều cuộc tranh luận, đối thoại của người dân Việt Nam diễn ra dưới muôn vàn hình thức. Những cuộc tranh luận trên mạng gần như luôn dẫn tới việc ai đó nổi khùng -digitalfusionmag.comTrong khi một số bộ ngành của Chính phủ bắt đầu bước vào không gian mạng xã hội để cung cấp và tiếp nhận thông tin, các kênh đối thoại tương tác khác của các tổ chức, cơ quan trong xã hội diễn ra sôi động.Người dân cũng có nhiều cách thức khác nhau để bộc lộ ý kiến và đòi hỏi hồi đáp. Dẫu còn rất nhiều điều cần bàn về cách thức và hiệu quả đối thoại, song chỉ có đối thoại tự do và cởi mở mới là những chỉ dấu quan trọng cho một xã hội dân chủ, nơi ai cũng có thể cất lên tiếng nói của mình.“Số nhiều người mình khi đã cầm bút viết thì chỉ dùng những giọng khích bác, những lời thô thiển, có khi lại buông lời quá đáng, làm mất cả cái hòa khí trong khi biện luận. Như thế thì tiên sinh bảo người học giả ai còn muốn biện luận nữa.Đã hay rằng người đi học cần phải phục thiện, song phải biết lời mình nói có thiện thì người ta mới phục, chứ mình nói những lời sống sượng, ý tứ ngoắt ngoéo, từ đầu chí cuối chỉ thổ lộ ra cái ý cầu thắng thì bảo người ta phục thiện làm sao được”.“Thiết tưởng nói điều phải, có nhiều cách nói, nếu mình lấy cái thái độ thanh nhã ôn hòa mà nói thì ai chẳng muốn nghe. Phàm khi đã bàn đến những điều nghĩa lý thì ta phải lấy cái nghĩa công chính mà nói, chứ không để ý vào sự cầu thắng.Vì đã có cái ý cầu thắng thì tất là động khí, mà đã động khí thì còn bàn thế nào được cái trung chính của đạo lý nữa.Thế mà có nhiều người hễ biện luận điều gì là lấy cái tư ý của mình đối với cá nhân, rồi nói những lời như cãi nhau ở ngoài đường, vậy mà trách người ta không đáp lại, chẳng hóa ra không công bình lắm hay sao?... Vậy cứ ý tôi, ta nên trách cả hai bên thì mới phải”.Đó là những gì học giả Trần Trọng Kim viết về văn hóa tranh luận, một phần trong loạt bài đáp lại sự phê bình cuốn Nho giáo của ông từ một học giả khác, Phan Khôi, vào những năm 30 của thế kỷ trước.Những lời khuyên đó lại càng đúng hơn gần một trăm năm sau, trong thời đại của Internet, blog và Facebook, khi sự tranh luận diễn ra vừa công khai, vừa nặc danh và đồng thời ngày càng có xu hướng chỉ đầy những “giọng khích bác”, những “lời thô thiển” và những “sự cầu thắng”.Mạng xã hội khiến con người giận dữ hơn -toonsonline.netVăn minh là kỷ luật cho cảm xúcTrong rất nhiều cuộc tranh luận hiện nay, không phải lý lẽ hay thái độ của một người mà tuổi tác, địa vị xã hội và cả tài sản của người đó lại trở thành sức nặng cho lập luận của họ.Trong những xã hội duy lý thật sự dân chủ và văn minh, mọi cuộc tranh luận, dù là giữa một nguyên thủ quốc gia hay một tỉ phú, với những người bình thường, luôn có thể diễn ra một cách trầm tĩnh, sáng suốt mà không đi tới những hình thức nhục mạ, không cần phải cao giọng, không cần phải nhắm tới những tin đồn và tấn công vào đời tư, lại càng không cần phải viện tới địa vị xã hội của mình.Càng không thể có những ẩn ý đe dọa hay viện dẫn những quy định mơ hồ để trói buộc và hạn chế tranh luận.Trong cuốn sách in năm 1998 Sự văn minh: Những thái độ, những đặc điểm đạo đức và những tiêu chuẩn hành vi của nền dân chủ (Civility: Manners, Morals, and the Etiquette of Democracy), giáo sư luật của Đại học Yale, Stephen Carter, định nghĩa như một tóm tắt những gì Trần Trọng Kim đã viết: “Sự văn minh là kỷ luật cho cảm xúc của chúng ta vì lợi ích của việc sống chung với những người khác”.Viện ra những lý do khiến tranh luận văn minh vừa là sản phẩm, vừa là động cơ thúc đẩy nền dân chủ, Carter viết: “Sự văn minh yêu cầu chúng ta rằng trong một nền dân chủ, mọi hành động của chúng ta là một trắc nghiệm đạo đức, và khả năng tự giữ kỷ luật để làm điều đúng thay vì điều chúng ta muốn là sự phân biệt chúng ta với động vật...Bằng cách đối xử với người khác một cách tôn trọng (trong các cuộc tranh luận), chúng ta sẽ khiến nhiều điều đê tiện và nhiều sự rạn nứt trong cuộc sống hằng ngày không biến xã hội thành một cái nồi hơi”.Những cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp của các ứng viên tổng thống Mỹ đã trở thành hình mẫu cho tranh luận ở đỉnh cao, khi những kẻ sẵn sàng ăn tươi nuốt sống nhau vẫn tươi cười và lắng nghe nhau nói.Nhưng không phải cuộc tranh luận nào cũng mang tính trình diễn như thế. Từ những không gian chính thức như tòa án - nơi luật sư tranh luận sòng phẳng với công tố viên, mà bồi thẩm đoàn là trọng tài, tới những cuộc thi tranh luận giữa các trường đại học, một cuộc đối thoại với người dân của giới lãnh đạo, một cuộc điều trần trước quốc hội, hay những cuộc bút chiến trên báo chí..., xã hội Việt Nam còn thiếu quá nhiều luật lệ, hạ tầng và nền tảng cho sự tranh luận công bằng và văn minh.Chỉ trích, tấn công, nhục mạ, bôi nhọ hay phê bình ác ý một ai đó chỉ khiến những điều đê tiện và những sự chia rẽ trong xã hội thêm sâu sắc. Tệ hơn, nó xây nên những rào cản rất nhanh chóng khiến hai bên của cuộc tranh luận không thể dàn hòa được nữa.Khi Carter nói sự văn minh là kỷ luật, ý ông là nó phải được học hỏi và rèn luyện liên tục, một hành vi có ý thức khi tương tác với những đồng loại của mình.3 điều cần thiết cho đối thoạiPhải nói là mạng xã hội và Internet đã góp phần không nhỏ khiến các cuộc tranh luận trở nên kém văn minh hơn. Đầu tiên, thư điện tử chỉ là một thông điệp được gõ trên màn hình và gửi đi với một cái nhấp chuột, nó không hoặc rất ít thể hiện cảm xúc hay cá tính của người gửi.Tương tự như thế là Facebook, Twitter và các diễn đàn. Chúng ta ngồi đối diện với màn hình máy tính, trong cả thực tế và tiềm thức, nghĩ rằng chúng ta đang đáp lại một cỗ máy chứ không phải những con người. Sự tức giận là điều thường thấy trên Facebook, nhất là khi ai đó tìm cách đùa giỡn hay chê bai điều gì đó một cách thái quá, vốn là những điều rất khó truyền tải qua ngôn ngữ văn bản.Với ngôn ngữ nói, qua điệu bộ, cử chỉ, âm lượng và ngữ điệu, chúng ta có thể xác định được rõ ràng rằng ai đó chỉ đang đùa cợt, nhưng với chỉ những dòng chữ trên màn hình máy tính, một câu đùa có thể dễ dàng trở thành vấn đề nghiêm trọng gây ra những phản ứng “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” không thể kiểm soát được.Carter cũng cho rằng “(tranh luận) văn minh đòi hỏi việc chống lại với những sự áp đặt lên đời sống xã hội của các giá trị thị trường”. Chúng ta có thể bổ sung vào ý kiến đó của ông, được đưa ra trước thời mạng xã hội, các giá trị của Facebook nữa (số lần được “thích” (like), số người theo dõi và tán tụng, cũng như sự lan nhanh của một bài viết, chỉ vì nó quá đanh đá, gây chia rẽ và đôi khi độc hại).Ngay từ trước khi có mạng xã hội, bạn vốn đã luôn bất đồng với một ai đó, bố mẹ của bạn, sếp của bạn, bạn thân của bạn, và thường xuyên nhất - chính quyền của bạn, nhưng mạng xã hội khiến những điều chướng mắt bạn càng xuất hiện nhiều hơn.Chúng ta đều có quyền bất đồng ý kiến và đều có quyền nói lên điều đó, nhưng một số người tin rằng khi một ai đó không làm như họ mong muốn, hay đòi hỏi, thì họ đang bị tấn công cá nhân. Họ tin rằng những chính trị gia không làm như họ muốn là hèn nhát, không trung thực, tư túi, hay ngu xuẩn, đơn giản là vì một con đường khác đã được lựa chọn.Điều này dẫn tới những cáo buộc và sự nhục mạ chủ ý, đôi khi là đồng loạt và bầy đàn hơn nhiều so với quá khứ, nhờ có Facebook.Thứ tranh luận qua bàn phím sớm hay muộn sẽ trở nên thiếu văn minh vì đó là một hành động đơn phương chứ không phải là một cuộc đối thoại. Tình trạng một người tuyên bố, rất đông người hùa theo và những ai khác ý kiến sẽ bị “ném đá” tơi bời đã trở thành một đặc thù của mạng xã hội, nhưng đó cũng chính là đặc thù dựng lên những thể chế độc tài không thể nào thay đổi.Sẽ có ích hơn nếu các cuộc tranh luận được cung cấp đầy đủ thông tin hơn, thay vì chỉ đầy những tin đồn độc hại với ý đồ thao túng dư luận, những tuyên bố dù là chính thức nhưng lại đầy ẩn ý và với mục tiêu “hướng dẫn dư luận”, và những tin tức sai lạc.Để một cuộc tranh luận hiệu quả và văn minh, những người tham gia cần loại bỏ tư duy cảm tính, lấy số đông (hay một nhân vật danh tiếng lớn) làm tiêu chuẩn chân lý; cần một nền tảng dân chủ và minh bạch nhất định để ý kiến cá nhân được tôn trọng; và cuối cùng cần kiến thức và thông tin tương đối đầy đủ về lĩnh vực mà mình tranh luận. Cả ba điều đó đang ngày càng ít dần đi trong những cuộc tranh luận, nhất là trên mạng xã hội, hiện giờ.■Nhóm học sinh Philippines thách tổng thống tranh luậnMột tổ chức của các học sinh Philippines - Liên đoàn Học sinh Philippines - hồi tháng 5-2015 đã ra thông báo thách tổng thống nước này - ông Benigno Aquino III - tranh luận công khai sau khi chính phủ thông qua chương trình cải cách giáo dục từ mẫu giáo tới lớp 12 gây tranh cãi.Người phát ngôn của liên đoàn, Charisse Banez, nói ông Aquino cần làm rõ hơn nữa những vấn đề trong chương trình cải cách với người dân Philippines.“Chúng tôi thách Tổng thống Aquino, những đồng minh của ông ấy trong quốc hội, nhóm liên ngành tổ chức cuộc cải cách, và cả các doanh nghiệp đứng đằng sau chương trình này, đối mặt với chúng tôi trong một cuộc tranh luận công khai được truyền hình trực tiếp để chấm dứt mọi lời dối trá” - thách thức của Banez viết.Nhóm đã bỏ tiền mua một số quảng cáo trên báo để phát đi lời thách thức tranh luận của họ, được xác định địa điểm là quảng trường Miranda, Manila. Cuộc tranh luận rốt cuộc đã không diễn ra, nhưng chỉ riêng lời thách thức đã cho thấy không khí dân chủ và minh bạch cần thiết cho một cuộc tranh luận là như thế nào. Tags: Tranh luậnĐối thoạiTranh luận trên mạng
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 47-2024: Tinh gọn bộ máy - Hiện thực hóa những triết lý căn bản TTCT 05/12/2024 1 từ
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Mỹ tố nhóm tin tặc "Bão Muối" của Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO.
Tin tức sáng 5-12: Đường sắt mở bán thêm vé Tết 2025, chuyến nào còn vé? TUỔI TRẺ ONLINE 05/12/2024 Tin tức đáng chú ý: Đường sắt bổ sung tàu, mở bán thêm vé Tết 2025, những chuyến nào còn vé?; Bàn cách giữ giá cà phê; Hàn Quốc gia hạn ân xá cho người cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước...
Lê Tuấn Khang làm clip để giải trí, đâu phải để đi thi Liên hoan điện ảnh? THƯỢNG KHẢI 05/12/2024 Hãy ủng hộ, cổ vũ những sáng tạo của bạn trẻ như Lê Tuấn Khang; Từ khi nào mà clip giải trí trên mạng xã hội được soi theo chuẩn Liên hoan sân khấu, điện ảnh vậy?; Dù vô thưởng vô phạt nhưng không gây phiền cho ai thì có gì sai...
Biến động một công ty vàng: Từ chủ tịch đến người đại diện pháp luật đều từ nhiệm BÌNH KHÁNH 05/12/2024 Cùng một ngày, Công ty cổ phần Vàng Lào Cai nhận được đơn từ nhiệm của ba lãnh đạo, từ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị đến giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.