"Học cách tư duy" - Tư duy gì?

PHẠM HIỆP 02/02/2018 22:02 GMT+7

TTCT - Bạn đã bao giờ tự hỏi mình “học tư duy là tư duy gì” chưa? Và liệu bạn có tự tìm được câu trả lời cho mình

mh
 

 “Học khoa học tự nhiên có thể sau này không làm đúng nghề nhưng vẫn tốt vì trong thời gian học, chúng ta học được cách tư duy”. 

Đó là câu nói phổ biến mà tôi thường được nghe từ thầy cô và bạn học cách đây gần 20 năm, khi bắt đầu theo học tại một trường đại học về khoa học cơ bản. Tôi vẫn cho điều này mặc nhiên đúng bởi sau đó, rất nhiều người khác nhắc lại với tôi ý này, trong đó có cả những thầy cô thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Lý giải kỹ hơn điều mặc nhiên này, chúng ta thường nói: khoa học tự nhiên dạy nhiều về tính toán, vì vậy người học khoa học tự nhiên sẽ có tư duy tốt hơn. Tôi bắt đầu nghi ngờ về điều mặc nhiên này vào khoảng năm 2012, khi theo học một chương trình sau đại học về quản trị, và vấp phải một bài báo rất thú vị về cách sắp xếp hàng hóa tối ưu trong siêu thị - một chủ đề thuần túy về xã hội, tiêu dùng - ngập tràn công thức tính toán phức tạp làm tôi... hoa mắt, chóng mặt.

Những mặc nhiên tan dần

Dần dà, nhờ tìm hiểu thêm, điều mặc nhiên kể trên dần thay đổi đáng kể. Ví dụ có lần tôi rất bất ngờ khi vào website của một tạp chí khoa học (NXB Taylor & Francis) với lời dẫn: “Các phương pháp lịch sử: Một tạp chí về lịch sử định lượng và liên ngành” (Historical Methods: A Journal of Quantitative and Interdisciplinary History). 

Một lần khác, tôi nghe một đồng nghiệp say sưa nói về một nghiên cứu trong ngành dân tộc học mà tại đó, người ta phải dùng ảnh chụp từ vệ tinh để phân tích hoàn toàn trên máy tính về lộ trình di canh di cư của thổ dân trong rừng Amazon.

Đã lịch sử lại còn định lượng, đã dân tộc học lại còn phân tích máy tính, thật khác hình dung trước kia của tôi về hai ngành này: một giáo sư đội mũ rộng vành, đi ủng to, lang thang ở những nơi ít người lui tới như sa mạc (để tìm xương khủng long) hay trong rừng (để tìm hiểu tập quán của người thổ dân). Thế mới là lịch sử, mới là dân tộc học chứ? Nhưng rốt cuộc, tôi đã hiểu rằng trong khoa học xã hội và nhân văn (như quản trị, lịch sử, dân tộc học...) cũng có tính toán, cũng có lập trình máy tính. Hơn thế, tôi nhận ra “biết tính toán” không phải là biểu hiện duy nhất của “biết tư duy”.

Năm 2002, Bộ Giáo dục liên bang Hoa Kỳ và một số tổ chức uy tín khác công bố một bộ kỹ năng cho thế kỷ 21, với 4 hợp phần chính bao gồm: 

(i) Các môn cơ bản (ý thức toàn cầu; tài chính, kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp; công dân; sức khỏe; môi trường); 

(ii) Kỹ năng học và sáng tạo; 

(iii) Kỹ năng về thông tin, media, và công nghệ; 

(iv) Kỹ năng sống và nghề nghiệp.

Cả 4 hợp phần kể trên đều có thể bao gồm hoặc không bao gồm tính toán trong đó, nhưng có thể khẳng định những hợp phần này đều bao hàm nội dung về “tư duy”. Nhiệm vụ của các trường học ngày nay là phải trang bị cho sinh viên những nội dung “tư duy” theo nghĩa rộng với 4 hợp phần trên (hoặc tương tự) chứ không phải là “tư duy” theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm khả năng tính toán như trước.

Làm sao dạy “tư duy theo nghĩa rộng”?

Để trả lời câu hỏi hóc búa này, chắc cũng cần áp dụng một lối “tư duy đặc biệt” từ phương tiện giáo dục học? Liệu lối “tư duy đặc biệt” này có bao hàm “tư duy tính toán” như lối “tư duy truyền thống” trước đây không?

Xin trả lời ngay: Có!

Tên gọi của “tư duy đặc biệt” này là “xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra”. Lối “tư duy đặc biệt” này sẽ giúp người thiết kế chương trình xác định được một cách lượng hóa chuẩn đầu ra (của tất cả các loại kỹ năng, năng lực, tư duy...) của người học sau mỗi chương trình học. 

Từ đó, người thiết kế chương trình quay trở lại thiết kế đầu ra tương ứng của từng môn học, qua đó góp phần tạo ra đầu ra chung cho toàn khóa học, thậm chí đầu ra của từng buổi học.

Với xã hội nói chung, “tư duy theo nghĩa rộng” kể trên có thể lạ lẫm. Nhưng với các nhà làm chính sách về giáo dục và một số trường đại học, nội dung đó thực ra không có gì mới mẻ.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1982/QĐ-TTg phê duyệt khung trình độ quốc gia. Trước đó, năm 2015, Bộ GD-ĐT cũng ban hành thông tư 07/2015/TT-BGDĐT về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo. Những văn bản trên là hai trong số nhiều nỗ lực cấp vĩ mô của Nhà nước nhằm chuẩn hóa và lượng hóa việc dạy “tư duy” theo các thông lệ quốc tế.

Từ phía cơ sở, cũng đã có rất nhiều trường đại học bắt kịp yêu cầu kể trên với việc đầu tư vào xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và là thành viên của các tổ chức quốc tế liên quan đến đầu ra (ví dụ, Tổ chức CDIO do một số đại học tại Hoa Kỳ khởi xướng, đã có một số thành viên từ Việt Nam như ĐHQG TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Duy Tân...).

Nhưng những điều kể trên mới chỉ là bước sơ khởi của việc thay đổi phương thức xây dựng chương trình đào tạo, qua đó thiết kế ra được cách dạy “tư duy” một cách khoa học hơn cho người học ở nước ta. Và ở chiều ngược lại, với người học, dù chương trình có được thiết kế tốt đến mấy thì “tư duy” cũng sẽ không thể được hình thành nếu thiếu đi sự chủ động của bản thân.

Với bạn đọc, bạn đã bao giờ tự hỏi mình “học tư duy là tư duy gì” chưa? Và liệu bạn có tự tìm được câu trả lời cho mình? ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận