TTCT - Vì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các môn rèn luyện thân thể như nhảy múa không chỉ tác động tích cực đến trí não, khả năng tập trung và thái độ học tập của học sinh, mà còn giúp cải thiện cả điểm số của các môn học khác. Một sự kiện của Dancing Classrooms. Ảnh: dancingclassrooms.orgTrong bài viết "Why dance is just as important as math in school" (Tại sao các môn nhảy múa cũng quan trọng như môn toán trong trường học) đăng trên diễn đàn Ideas Ted của Chương trình Ted Talk nổi tiếng, nhà giáo dục học người Anh từng được phong tước hiệp sĩ, Sir Ken Robinson và đồng nghiệp đã chia sẻ câu chuyện thú vị về những lớp khiêu vũ trong các trường tiểu học ở Mỹ.Khiêu vũ giúp học sinh… đủ thứ"Khi tiểu thư nhỏ này mới chuyển đến Lehigh, hồ sơ của em dày tới nửa tấc. Em thấy cần chứng tỏ bản thân, cần cho mọi người biết mình mạnh mẽ và sẵn sàng gây gổ" - cô Toni Walker, cựu hiệu trưởng Trường tiểu học Lehigh ở bang Florida, kể về một học sinh. Dù không muốn nhưng cô bé này vẫn phải tham gia lớp khiêu vũ thuộc chương trình Dancing Classrooms, vì đó là hoạt động bắt buộc, để rồi không lâu sau, cô bé nhận ra mình có một năng khiếu. Cô Walker nhớ lại: "Trong buổi tập tiếp theo, em có thái độ khác đi và chúng tôi không phải vất vả bắt em xếp vào hàng". Đến buổi thứ ba và thứ tư, cô Walker nhận thấy học sinh đã thay đổi: "Em nói năng khác hẳn; em tử tế, biết tôn trọng (mọi người); và em không hề bị nhận một giấy báo kỷ luật nào. Mẹ em không thể tin vào những gì bà thấy".Ở Virgin Islands, cô hiệu trưởng Lois Habtes của Trường tiểu học Emanuel Benjamin Oliver còn ghi nhận những cải thiện đầy ấn tượng về điểm số môn tập đọc và môn toán của các học sinh lớp 5 từ khi đưa Dancing Classrooms vào trường: "Không có nếu, và, nhưng nhị gì về hiệu quả của chương trình này với việc học tập của con em chúng ta. Khi tôi mới về đây thì toàn là điểm trượt. Năm ngoái - năm thứ hai chúng tôi tham gia chương trình - các em đã đạt được mức điểm 83/100. Năm nay, khối lớp 5 của chúng tôi đã đạt đến mức điểm 85/100 trong bài kiểm tra tập đọc, cao nhất toàn trường".Ảnh: Dancing ClassroomsKhông chỉ có những câu chuyện thú vị, trong bài viết của mình, Sir Ken Robinson còn dẫn ra các số liệu cụ thể: "Trong một đánh giá về Dancing Classrooms ở New York City, 95% giáo viên nói rằng kết quả của việc học khiêu vũ cùng nhau là khả năng cộng tác và hợp tác của học sinh đã tốt lên thấy rõ. Trong một cuộc khảo sát ở Los Angeles, 66% hiệu trưởng các trường nói rằng sau khi tham gia chương trình, họ nhận thấy học sinh của mình ngày càng biết chấp nhận người khác và 81% học sinh nói rằng các em đối xử với người khác một cách tôn trọng hơn". Từ thành công của Dancing Classrooms, ngày nay ở Mỹ đã có nhiều đơn vị khác tham gia tổ chức các khóa học nhảy, học múa cho các trường học.Khỏe tay, khỏe chân và khỏe lên tới nãoCác môn vận động - như thể dục và nhảy múa - ảnh hưởng tích cực đến thành tích học tập đã được khẳng định qua các nghiên cứu khoa học. Năm 2003, để có một cái nhìn toàn diện về các môn này, một ban hội thẩm khoa học đã được thành lập ở Mỹ, gồm các chuyên gia của Phòng phụ trách dinh dưỡng và hoạt động thể chất và Phòng sức khỏe học đường và vị thành niên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Mỹ. Họ thu thập lại dữ liệu của 850 công trình nghiên cứu đo lường tác động của các hoạt động thể chất - từ mức vừa đến mạnh, trong 30-45 phút, với tần suất 3-5 ngày/tuần - trên cơ thể trẻ em ở nhiều phương diện (từ các yếu tố sức khỏe như béo phì, tim mạch, huyết áp và mật độ xương… đến các yếu tố tâm lý như sự trầm cảm, lo lắng, sự tự nhận thức và kết quả học tập). Báo cáo tổng hợp được công bố một năm sau đó đã đưa ra khuyến nghị rằng để khỏe mạnh và học tập tốt, mỗi ngày học sinh nên tham gia các môn vận động từ mức vừa đến mạnh trong một giờ hay nhiều hơn. Xem xét kỹ lưỡng trong các công trình nghiên cứu này những bằng chứng về tác động đến học tập, báo cáo đã có kết luận: "Hoạt động thể chất ảnh hưởng tích cực đến trí nhớ, sự tập trung và hành xử trong lớp học".Làm thế nào việc rèn luyện thân thể tưởng chỉ để khỏe chân, khỏe tay lại có thể giúp khỏe luôn bộ não? Lý thuyết thần kinh học của những năm 1960 cho rằng khi con người lớn lên não sẽ không phát triển nữa. Nhưng một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ, Đức và Thụy Sĩ công bố trên tạp chí khoa học thần kinh Frontiers in Neuroscience năm 2010 đã phát hiện điều ngược lại: Hoạt động có tính rèn luyện thân thể sẽ kích thích việc sinh ra các tế bào thần kinh mới trong vùng não rất quan trọng đối với trí nhớ: hồi hải mã (hippocampus).Bằng chứng cấp độ phân tử và tế bào trên động vật thí nghiệm của nghiên cứu cho thấy: Các tế bào gốc trong não - tế bào glia - đã phản ứng với các tác nhân tăng trưởng protein được tiết ra khi cơ thể vận động mạnh. Chính từ quá trình này, tế bào thần kinh mới được tạo ra trong vùng hồi hải mã. Đáng ngạc nhiên là những tế bào non kia sau đó di chuyển qua các mô não để tìm vị trí thích hợp với chúng trong các mạch thần kinh, rồi kết nối vào mạng thần kinh và từ đó làm tăng khả năng ghi nhớ và tư duy, y như việc thêm RAM để tăng hiệu suất bộ nhớ cho máy laptop.Các bằng chứng trên người tiếp tục được tìm thấy trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Cell Stem Cell vào năm 2018. Giải phẫu bộ não của những người hiến tặng (14 đến 79 tuổi) để tìm kiếm các tế bào thần kinh mới và các mạch máu mới hình thành trong vùng não hồi hải mã, các nhà khoa học đã ghi nhận ngay sự tồn tại của hàng ngàn tế bào thần kinh non ngay cả trên não của người già.Làm toán hay nhảy múa?Cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy âm nhạc tác động tích cực đến trí não qua việc nghe nhạc, chơi nhạc và vận động theo nhạc. Và, trong khi việc cho trẻ nhỏ nghe nhạc cổ điển để phát triển trí não đã được phổ biến rộng rãi hay việc tập đàn đã được khuyên dùng cho bệnh nhi thiểu năng trí tuệ, thì hiệu quả của nhảy múa với trí não trẻ em cũng ngày càng được khẳng định.Dù vậy, các môn có vũ đạo vẫn còn bị xem nhẹ ngay cả ở Mỹ và chẳng hề có cơ để sánh với môn toán, môn học luôn được coi trọng vì nhiều người tin rằng nó không chỉ tốt cho trí não mà còn giúp học sinh lớn lên sẽ thành công.Trong khi đó, giáo sư toán Andrew Hacker - người có hơn 40 năm giảng dạy ở Trường City University of New York của Mỹ - trong bài xã luận "Is Algebra Necessary?" (Toán đại số có cần thiết không?) đăng trên báo New York Times lại viết: "Hầu hết, mới nghe đều có vẻ có lý và tôi từng chấp nhận nhiều lời biện hộ như thế. Nhưng càng xem xét chúng, tôi càng thấy rõ rằng phần lớn, hay hầu hết, đều sai - không dựa trên nghiên cứu hay chứng cứ, hay một logic nào… Còn các tuyên bố rằng toán học giũa mài trí tuệ và khiến chúng ta thành người thông tuệ hơn thì sao ư? Đúng là toán học đòi hỏi phải sử dụng trí tuệ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy cái khả năng có thể chứng minh (x² + y²)² = (x² – y²)² + (2xy)² sẽ mở đường cho việc đưa ra những quan điểm chính trị hay các phân tích xã hội đáng tin cậy…".Tranh luận về tầm quan trọng giữa toán và múa sẽ luôn bất tận nhưng lập luận sau đây của Bob Morrison, nhà sáng lập và giám đốc của hãng Quadrant Research chuyên tư vấn giáo dục ngành sáng tạo, được dẫn ra trong bài viết của Sir Robinson hẳn là đáng tham khảo: "Liệu có ổn không nếu hàng triệu học sinh không được tiếp cận với môn toán hoặc ngữ văn? Tất nhiên là không, và điều này cũng không nên được chấp nhận đối với các môn nghệ thuật. Có một quan niệm sai lầm dai dẳng rằng giáo dục nghệ thuật là dành cho những người có năng khiếu và thiên bẩm nhưng chúng ta biết rằng nghệ thuật có lợi cho tất cả mọi người bất kể định hướng nghề nghiệp của họ thế nào. Chúng ta không dạy toán chỉ để tạo ra các nhà toán học và chúng ta không dạy viết chỉ để tạo ra thế hệ tiểu thuyết gia kế tiếp. Điều này cũng đúng với cả nghệ thuật. Chúng ta dạy họ để tạo ra những công dân toàn diện, những người có thể áp dụng các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm từ việc học nghệ thuật vào sự nghiệp và cuộc sống của họ".Có lẽ, để biết cái gì quan trọng trong cuộc đời này, chúng ta nên bắt chước cách thức của Steve Jobs, nhà sáng lập hãng Apple, là sẽ nhìn đến chặng cuối của cuộc đời. Ở đó, chúng ta có hai hình ảnh sau đây để lựa chọn: Ngồi trên xe lăn, vừa thở vừa… giải đại số hay tích phân. Hoặc là thư thả đi thái cực quyền theo một bản nhạc.Và bạn chọn hình ảnh nào? Chương trình Dancing Classrooms được vũ công nổi tiếng thế giới Pierre Dulaine triển khai từ năm 1994, đưa khiêu vũ vào các trường ở New York City dạy cho học sinh lớp 5. Gồm 20 buổi tập trong 10 tuần và một buổi trình diễn cuối khóa, chương trình muốn thông qua việc nhảy múa để cải thiện các mối quan hệ xã hội của học sinh, đặc biệt là giữa nam sinh - nữ sinh và nuôi dưỡng tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và lòng thương người trong trường học. Được sự ủng hộ của học sinh, phụ huynh và giáo viên, Dancing Classrooms sau đó mở rộng đến nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở ở các khu học chánh khó khăn, phức tạp nhất trên khắp nước Mỹ. Tags: Học nhảy múaRèn luyện thân thểGiáo dụcNhảy mùaHọc toánMôn toánNão bộSức khỏe não bộSức khỏeHọc sinh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.