Hướng đến điều tốt đẹp, cần nhìn nhận chông gai

NGUYỄN CẢNH BÌNH 04/06/2013 07:06 GMT+7

TTCT - Tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2012, Quốc hội thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm 49 chức danh do Quốc hội lựa chọn. Trong tháng 6 này, chúng ta sẽ có lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên.

Đó là thử nghiệm mới mẻ nhưng cũng là một thử thách lớn lao, không chỉ đối với 49 chức danh được lựa chọn mà còn đối với cả các đại biểu Quốc hội và đông đảo người dân đang trông đợi và kỳ vọng vào hiệu quả của thủ tục rất mới này.

Phóng to
Những đại biểu có tư duy, kiến thức, độc lập mới đảm bảo thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm thành công - Ảnh: Việt Dũng

Lịch sử của thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm

Thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ không phải là mới trên thế giới. Bắt đầu ở nước Anh, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm đối với chính phủ bằng nhiều tên khác nhau nhưng về bản chất là bỏ phiếu tín nhiệm (votes of confidence). Đây là một trong những thủ tục then chốt trong chế độ đại nghị nhằm xác định sự ủng hộ của Nghị viện Anh đối với chính phủ và với các chính sách mà Chính phủ Anh đang thực thi.

Đôi khi, trong những cuộc khủng hoảng hoặc Nghị viện Anh không đồng ý với chính sách của chính phủ thì toàn bộ nghị viện sẽ tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu không vượt qua được thủ tục này, toàn bộ Chính phủ Anh phải từ chức để người dân bầu cử lại toàn bộ hạ nghị viện, đảng nào chiếm đa số trong nghị viện sẽ được quyền lập chính phủ mới.

Thủ tục này rất quan trọng bởi nó là bước căn bản nhất để thay đổi chính phủ ở Anh nếu người dân và đại diện của họ là Nghị viện Anh thấy không hài lòng và không chấp nhận chính sách, thành tựu của chính phủ, để thể hiện sự tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm và qua đó lập nên một chính phủ mới với các chính sách mới hợp lòng dân hơn. Tuy nhiên, đối với các mô hình hiến pháp khác, như chế độ tổng thống của Mỹ, thì không tồn tại thủ tục này.

Chính phủ Mỹ không bị thay thế giữa chừng bất kể dân chúng và quốc hội bất bình ở mức nào, trừ trường hợp bị luận tội. Tuy nhiên, để thay thế phần nào đó cho thủ tục này, nước Mỹ thường xuyên sử dụng hình thức thăm dò dư luận thông qua Viện Gallup hay thông qua báo chí và truyền hình. Kết quả đo lường mức độ ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền theo cách này cũng chỉ mang tính chất tham khảo.

Bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những thủ tục rất khó, phần phức tạp mà Nghị viện Anh cần hàng trăm năm phát triển mới có thể thực hiện tốt được thủ tục này. Các quốc gia khác cũng cần hàng chục, thậm chí cả trăm năm để làm quen với việc thực thi thủ tục này, để thủ tục trở nên hiệu quả, chính xác, loại bỏ được những mặt trái không đáng có.

Mặt khác, hầu như không có quốc gia nào trên thế giới sử dụng thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm cho rất nhiều chức danh như ở Việt Nam, đặc biệt là các chức danh khác nằm ngoài Chính phủ. Ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi bỏ phiếu đối với chính phủ, thông thường cũng chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với toàn bộ chính phủ chứ hầu như không đánh giá riêng từng thành viên. Kết quả của cuộc bỏ phiếu là mức tín nhiệm chung cho mọi chức danh, cho cả chính phủ chứ không chỉ là mức tín nhiệm cho một vài vị trí chủ chốt, và càng không có hình thức đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm cho nhiều chức danh khác.

Chính phủ và các chức danh khác trong chính phủ chỉ bị xét xử nếu vi phạm luật pháp chứ không thể vì quan điểm chính trị và chính sách họ đưa vào thực thi. Và nếu vi phạm luật pháp thì việc này phải do một tòa án đủ thẩm quyền xử lý. Trên thực tế, rất khó đánh giá năng lực của người lãnh đạo nếu chỉ đứng bên ngoài quan sát mà không trực tiếp tham gia và cùng làm việc. Ngay trong một công ty, nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó đánh giá năng lực con người, thậm chí hầu như không thể đánh giá được chính xác nếu không ở trong chính bối cảnh đó, chịu các sức ép từ nhiều phía và quan trọng nhất là nắm rõ đủ thông tin...

Điều kiện để thủ tục này được thực thi hiệu quả

Bối cảnh hiện tại cần Quốc hội và các cơ quan khác của Chính phủ triển khai giải thích, thông tin, bộc lộ rõ quan điểm cho mọi người hiểu rõ hơn để có thể thực thi tốt thủ tục này. Mặt khác, cũng cần chuẩn bị cho phương án ứng xử “hậu bỏ phiếu”, như đề nghị của một cử tri khác: “Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, cử tri mong muốn với những người có tỉ lệ phiếu chưa đạt thì cần phải làm rõ vì sao chưa đạt, mắc phải khuyết điểm gì và phải có kế hoạch nhắc nhở, đôn đốc từ cấp cao hơn và Quốc hội phải giám sát việc này. Những công việc “hậu” lấy phiếu tín nhiệm này cử tri chưa được thông tin nhiều và tôi nghĩ nhiều cử tri cũng như tôi đang kỳ vọng vào điều đó” (2).

Như phân tích ở trên, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 vị trí chủ chốt của Nhà nước là sự kiện chưa có tiền lệ - chưa có tiền lệ ở nước ta và cũng chưa có tiền lệ trên thế giới.

Chủ nghĩa lập hiến và thói quen, truyền thống tôn trọng sự độc lập và hoạt động hiệu quả của quốc hội chưa có nhiều, chưa có bề dày kinh nghiệm. Có thể nói đây là sự sáng tạo lớn của chúng ta. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, quyền lực của các đại biểu Quốc hội sẽ được nâng lên và phần nào đó giúp Chính phủ hoạt động tốt hơn, các chức danh “bị” bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ có trách nhiệm tốt hơn với công việc mà mình được giao phó.

Tuy nhiên, do hệ thống luật pháp còn mới mẻ, thói quen và tính cách của người Việt Nam có phần nể nang, né tránh nên việc thực thi thủ tục chắc sẽ gặp nhiều trở ngại. Và để thực thi hiệu quả, cần tới một số điều kiện. Điều kiện đầu tiên là Quốc hội cần đủ mạnh, do dựa vào các đại biểu chuyên nghiệp, đủ kiến thức, trình độ, đủ độc lập về tài chính, chức vụ, nghề nghiệp, hiểu biết và có bản lĩnh...

Vì việc đánh giá nhân sự cấp cao là đặc biệt khó khăn khi người bỏ phiếu đánh giá không đủ thông tin, điều mà một đại biểu đã thừa nhận: “Thách thức của việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm là ngoài bản tự nhận xét của người được lấy phiếu, từng đại biểu sẽ phải tự mình tìm kiếm thông tin, ví dụ qua báo chí, dư luận xã hội, tiếp xúc cử tri, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để tự mình có tất cả những thông tin cần thiết cho việc quyết định bằng lá phiếu, nhất là cùng lúc cho 49 chức danh cao cấp như vậy” (1).

Cần tính tới thực tế nữa là nhiều đại biểu ở địa phương có tâm lý lo ngại, rụt rè, có thể chưa đủ kinh nghiệm điều hành ở cấp vĩ mô, chưa từng ở vị trí quản lý lãnh đạo nên khó có thể đủ năng lực để đánh giá các quan chức cấp cao.

Các đại biểu cũng phải tách biệt khỏi chức năng khác. Ví dụ 49 chức danh được đánh giá thì hầu hết cũng là đại biểu đương nhiệm, không thể tránh khỏi sự quen biết, nể nang, chi phối, e ngại... Mọi người rồi sẽ bỏ phiếu chéo cho nhau, một người vừa phải bỏ phiếu, đánh giá người khác (có thể là đồng nghiệp, sếp của mình, người quen thân...) và rồi lại là người được những người khác đánh giá... Vì thế có thể sẽ xảy ra nguy cơ nhân nhượng, thỏa hiệp.

Dân chúng cũng cần quen với cách đánh giá và thậm chí cần có kiến thức, thông tin để hiểu rằng không có quan chức Chính phủ có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Chúng ta có thể gặp phải tình huống bị chi phối bởi tâm trạng và các bức xúc của người dân tại một thời điểm nào đó.

Trong một số thời điểm, một số lĩnh vực cụ thể gặp khủng hoảng nào đó, tâm trạng của người dân sẽ tất yếu phần nào bi quan, nhất là đối với một số chức danh chịu trách nhiệm trực tiếp đối với thực trạng đó, do vậy có thể sẽ khó duy trì cách suy nghĩ công tâm.

Trong Chính phủ cũng sẽ có những bộ trưởng nổi bật, có các hoạt động được biết đến nhiều hơn các bộ trưởng khác nên có thể được đánh giá quá cao hoặc quá thấp, không hẳn do năng lực và tư duy của họ mà có thể do truyền thông. Ví dụ, một lĩnh vực nào đó “nóng” hơn, lãnh đạo trong lĩnh vực này thường sẽ được/bị chú ý nhiều hơn...

Chúng ta có thể trông đợi gì từ thủ tục này?

Bởi đây là một thủ tục, cách thức mới của Quốc hội trong việc thực thi quyền hạn của mình khi giám sát Chính phủ, các chức danh cao cấp của Nhà nước do Quốc hội bầu lên, một sáng kiến mới mẻ trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, vì thế sẽ không dễ dàng cho các đại biểu Quốc hội.

Ở giai đoạn đầu tiên, phần nào đó nên coi thủ tục này mang tính tham khảo, như việc thăm dò dư luận đối với chính phủ tại các quốc gia trên thế giới mà thận trọng hơn trong việc so sánh, coi đó như một thủ tục bất tín nhiệm hoặc nhìn nhận vấn đề quá khái quát, quá quan trọng hóa kết quả của nó.

Do chúng ta chưa có các cuộc bỏ phiếu hoặc thăm dò dư luận như ở nhiều nước nên đây là cách thức đầu tiên và tạm coi là duy nhất để người dân hiểu và đánh giá năng lực của các chức vụ lãnh đạo. Vì thế, kết quả trong tuần tới sẽ rất thú vị và có thể gợi ra nhiều suy nghĩ, đánh giá mới.

Điều cần nói thêm là nếu không thay đổi căn bản về năng lực của đại biểu Quốc hội và cách thức bầu chọn họ, cách thức hoạt động cũng như đảm bảo sự tách biệt giữa vai trò đại biểu Quốc hội và chức danh/kiêm nhiệm (như chức vụ trong Đảng, trong Chính phủ...) thì qua vài nhiệm kỳ sẽ khó có thể mang lại kết quả thật sự nào. Những đại biểu Quốc hội thật sự mạnh, có tư duy, kiến thức và độc lập mới đảm bảo cho cơ chế này được vận hành một cách khoa học và thực chất.

Bỏ phiếu tín nhiệm dẫu sao cũng là một thủ tục, một việc làm cần thiết của Quốc hội, dù tôi mong đợi chính bản thân các đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, có chính kiến hơn, có những phát ngôn thể hiện quan điểm, giải thích rõ ràng và đầy đủ cách thức hoạt động của thủ tục này.

Các chuyên gia lập pháp cần có cách đánh giá phân tích đa chiều để phát huy mặt tốt và giảm thiểu những mặt rủi ro. Điều này cũng giúp các đại biểu Quốc hội có cơ hội thể hiện quan điểm, vai trò của mình trong quá trình phát triển một Quốc hội chuyên nghiệp và mạnh, đảm đương trách nhiệm lớn lao là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

____________

(1): http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130519/bi-tin-nhiem-thap-se-chu-dong-xin-tu-chuc.aspx
(2): http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/548949/lang-nghe-nhan-dan-lay-phieu-tin-nhiem-chinh-xac.html?page=2

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận