Hụt một nhịp tim

NHÃ LINH 06/03/2019 03:03 GMT+7

Đời sống con người ta còn dường như luôn có những trục trặc kỹ thuật gì đó, để biện bạch cho đủ mối quan hệ.

Biết lâu em không về, bạn từ quê gửi lên một... bộ rổ rá thúng mủng đan bằng tre để xài chơi. Nói chung, đó là vì bạn biết em nhớ chớ không phải không đâu, một nỗi nhớ rất cắc cớ, đột xuất, bung trào. Mà để giảm thiểu, chỉ có ít thứ “vitamin” mang hơi quê nhà. Bạn hiểu em quá mà, nên biên kèm lá thơ: Nhiêu đây xài đỡ đi nha, mơi mốt kiếm được chỗ đương tre khác thủ công như vầy, tui mua bộ khác cho.

Đọc thơ xong nhắn cho bạn, hỏi mơi mốt kiếm chỗ khác là sao? Cô bạn nhắn lại: Chờ chút đi tui gửi cái này cho coi nè. Hóa ra bạn gửi cái ảnh bà cụ ngồi bán mớ rổ rá tự làm, bà đang ngồi trước nhà, cạnh con đường quê nhỏ, mấy chiếc rổ xề thúng mủng đan tre nằm tây hẩy trên tấm chiếu, đây là những chiếc cuối cùng được tay bà cụ làm ra. Bà cụ già rồi, còn sức đâu mà vót tre đan rổ.

Cái ảnh bà cụ móm mém cười lỏn lẻn, mặt nổi hột đồi mồi, tay cầm cây quạt tàu cau làm em nhớ nội kinh khủng. Hồi em sắm cái máy ảnh số đầu tiên trong đời, em đã chụp hình bà nội ngồi võng, cười môi đỏ màu trầu, nụ cười để cho chụp hình đơ ngắt, mà còn dặn: Chụp tui thì chụp cho đẹp à! Em hứa sẽ rửa mấy tấm hình đó, bỏ vô album cho bà nội coi chơi, cái rồi em xách chiếc máy ảnh đi miết hết mấy mùa trời đất. Chừng em quay lại thì nội đã rời em xa rất xa, còn chưa kịp coi tấm hình được chụp bởi con cháu gái bạc bẽo.

Minh họa
Minh họa
Minh họa
Minh họa
Minh họa
 

Giờ thì em bị gì đây, khi ngồi thẫn thờ, tim vồng lên nhìn mớ đồ thủ công bạn gửi cũng được làm bởi tay một bà cụ già như nội em xưa. Hồi nội em cũng đan rổ tre, chuốt cả đũa bếp, cả dệt chiếu và đan võng bằng sợi cây bố (đay). Em ngồi chầu hẫu bên cạnh, mó tay vô một chút đã chán. Mà đồ nội làm cái gì cũng đẹp, cũng dày cui, xài hoài không hư. Nhớ nhất là chiếc võng dây bố nội đan, còng lưng cả tháng trời, nội chuyện tết cái đầu võng hình rồng rồi thắt luôn cái bím to đùng đẹp mỹ mãn đã hết mấy ngày trời, làm xong bà bán có hai chục ngàn, có khi bán cho người quen còn bán thiếu. Thấy nội cực, em nói thôi nội, nội đan nhiêu để dành đây con mua hết mua hết. Nội phun miếng bã trầu: Tổ cha mày, đem cái này về cho thằng cha mày nằm cho mát cái lưng đi.

Cái võng cuối cùng nội làm, lúc cái lưng đã quặp xuống không còn thẳng lên được nữa, cũng là dành cho ba. Lúc em ôm cái võng đó, nghe mùi trầu, mùi dây bố đượm nắng, mùi cỏ, mùi tình yêu của bà nội. Rồi rớt nước mắt, nghĩ mai mốt cái võng mục đi, thì em giữ cái gì. Ký ức thì cũng chỉ là ký ức, vô hình, dù mãi không tan rã, nhưng còn cái mùi này, còn cái cảnh bà nội cặm cụi, em biết tìm đâu.

Nhịp thời gian chớp con mắt, đời sống con người cứ cuộn thành từng cuộn, gập ta lại như chiếc lưng còng bà nội, mà tưởng chừng khi duỗi được thẳng ra, thì vừa đau đớn vừa tiếc nuối. Đời sống con người ta còn dường như luôn có những trục trặc kỹ thuật gì đó, để biện bạch cho đủ mối quan hệ. Em nhớ hồi em còn đi học, đã giận cô bạn gái ngồi kế bên xiết bao, khi bạn vẩy đầy mực vào tà áo dài duy nhất của ba năm cấp ba em mặc. Hồi đó, em chỉ luẩn quẩn duy nhất câu hỏi: Tại sao bạn không biết mình chỉ có một bộ áo dài?

Cũng cô bạn đó, ở cái tết thật xưa, đêm ba mươi xách chiếc giỏ đệm mặt buồn thiu, mắt sưng vù, đến nhà nói em cho bạn ăn tết ở đây nghen. Soạn cho bạn bữa cơm, nói chút nữa đón giao thừa với tui, rồi mai tui chở bạn về nhà, giận má rồi phải không. Bạn nói không không, tui không về, ăn tết nhà bạn, nếu bạn không cho tui đi chỗ khác. Vậy cái chút má bạn đến tìm, bà chưa từng biết nhà em, hai má con ôm nhau khóc, chỉ cần một cái ôm là giải tỏa. Không biết bạn có bớt tổn thương không, và sau này em hiểu, đó cũng là một kiểu trục trặc kỹ thuật trong tâm lý hành xử mỗi người.

Vòng quanh những chuyện gọi là trục trặc, em nghĩ, còn do những sự lựa chọn mà ta biết trước kết quả rằng mình sẽ kiệt sức, nhưng thay vì nói không, ta lại gật đầu. Thay vì nghĩ mình chậm lại, ta muốn nhanh hơn. Thay vì về, thì ta vẫn cứ mãi ra đi. Bởi vậy nên đôi khi trái tim lỡ phồng lên, nhói buốt. Nhói cắc cớ trong lúc ta lượm lại từng mảnh ghép cũ. Những mảnh ghép khiến tim hụt bao nhiêu là nhịp, cho những thứ mà chỉ cần ngoảnh đi, ngoảnh lại đã không còn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận