Iran ngáng chân cường quốc

DANH ĐỨC 25/02/2024 04:06 GMT+7

TTCT - Trước đây, Iran vẫn chỉ được coi là một thế lực khu vực, nhưng căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cho thấy thế và lực của họ đang thay đổi.

Ảnh: The Times

Ảnh: The Times

Nhất định không phải do muốn bông lơn mà mới đây Niall Ferguson, nhà bỉnh bút cao cấp của Hãng tin hàng đầu Bloomberg, lại buông một câu: 

"Rồi thì chúng ta phản ứng sao - áng chừng ít lâu nữa trong năm nay - nếu như chúng ta được tin rằng Iran đã chế tạo thành công một vũ khí hạt nhân đồng thời đã "thả cương" cho các lực lượng "thủ hạ" của mình ở Lebanon, Hezbollah, giội mưa tên lửa xuống Israel?". 

Có hai thành tố trong giả thiết trên của Niall Ferguson: (1) Iran hoàn thành bom nguyên tử bất chấp các lệnh cấm; (2) Iran "khiển" các "đàn em" ở Trung Đông đánh vỗ mặt Israel.

Một so sánh sơ qua

Chuyện Iran, và một cái gai khác trong mắt phương Tây, CHDCND Triều Tiên, mưu tìm bom hạt nhân, không mới. Nhưng để hiểu được tại sao Tehran bị coi là mối đe dọa đặc biệt tới mức các cường quốc phải ngồi lại để tìm cách ngăn chặn họ, có thể đặt họ vào một so sánh với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên thực ra có tiềm năng và thực lực hơn Iran do đã khởi sự chương trình hạt nhân bằng lò phản ứng đầu tiên do Liên Xô cung cấp từ cuối những năm 1950, và được Liên Xô phụ đạo từ đó. 

Tham vọng đã được Triều Tiên thể hiện rất sớm, từ khoảng năm 1962, khi họ dấn bước vào mục tiêu "pháo đài hóa toàn diện", khởi đầu cho một đất nước siêu quân sự hóa ngày nay, với mục đích cuối cùng là tự lực cánh sinh quốc phòng. 

Triều Tiên từng ngỏ ý nhờ Liên Xô giúp đỡ phát triển vũ khí hạt nhân nhưng bị từ chối, chỉ đồng ý giúp phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bao gồm đào tạo các nhà khoa học hạt nhân. Sau đó, Trung Quốc, khi đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân, cũng từ chối các yêu cầu tương tự của Triều Tiên.

Nhìn từ Bình Nhưỡng, mục tiêu của họ là để tự vệ trước bất kỳ hành động xâm lược nào của Mỹ và Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ từ Liên Xô hoặc Trung Quốc. Từ 2006 tới nay, Triều Tiên vẫn trước Iran vài bước. 

Họ đã 6 lần thử hạt nhân từ đó, trong khi Iran thì chưa, do chưa muốn vượt qua lằn ranh đỏ, tuy cả hai đều bị xem là những mối đe dọa hạt nhân. 

Giữa Triều Tiên và Iran còn một khác biệt lớn: Bình Nhưỡng thường xuyên đe dọa hủy diệt các nước thù địch, chủ yếu là Hàn Quốc và Nhật Bản, song không có đồng minh lớn bé hay thủ hạ nào hò theo, chớ đừng nói là làm theo. Bất quá, Triều Tiên chỉ phóng vài quả tên lửa về hướng Nhật Bản cho hả cơn thịnh nộ rồi... thôi.

Mới nhất là hôm 14-2 vừa qua, họ đã phóng một số tên lửa hành trình từ bờ biển phía đông, theo Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc). Tên lửa được phát hiện ở phía đông bắc thành phố Wonsan và số lượng chưa được tiết lộ. Yonhap cho biết đây là vụ phóng tên lửa hành trình thứ 5 của Triều Tiên kể từ đầu năm nay.

Trong khi đó, Iran ít nói, nhưng đã ra tay là sát ván, là vì Iran không chọn con đường "thành trì hóa toàn diện" như Triều Tiên. Thiệt ra, nếu coi vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe, thì Iran cũng cần như bất cứ nước nào khác khi xung quanh họ đều là những quốc gia có vũ khí hạt nhân (Nga, Israel, Ấn Độ, Paksitan), chưa nói tới Mỹ, mà từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 cùng những va chạm kéo dài, đã luôn ở thế đối kháng với họ.

Những vụ tấn công và phản công bằng tên lửa vào trung tuần tháng 1-2024 giữa Pakistan và Iran nhắc lại vị trí địa lý đầy bất trắc của Iran, song cũng cho thấy thực tế là tính tự kiềm chế của các bên và tính không cần thiết phải có một răn đe hạt nhân nữa. Thành ra, Iran không chọn cách đe dọa ồn ào như Triều Tiên.

Các thủ hạ đắt giá

Nhưng Iran đang có trong tay điều mà Triều Tiên hoàn toàn không có: thế và lực ở khu vực của mình. Tất nhiên, những căng thẳng trên Biển Đỏ không có lợi cho cộng đồng quốc tế vốn đang sử dụng hải lộ này để giao thương, song đó chưa chắc đã là mục đích của Tehran. Cuộc chiến ở Dải Gaza từ hôm 7-10 cho thấy Iran thực sự có nhiều "cánh tay nối dài".

Ít nhất, theo website chống khủng bố counterextremism.com, Iran đang có trong tay tổ chức Hezbollah hoạt động ở Lebanon nhằm mở rộng thanh thế của họ trong khu vực; tổ chức Asaib Ahl al-Haq hoạt động chủ yếu ở Iraq và cả Syria cùng Lebanon; tổ chức Badr là đảng chính trị và tổ chức bán quân sự theo phái Shiite lâu đời nhất ở Iraq, tổ chức Kata'ib Hezbollah hoạt động cũng ở Iraq và có chân rết tại Syria, song chủ yếu "hoạt động chuyên đề" chống Mỹ; tổ chức Houthi hoạt động ở Yemen; tổ chức Harakat Hezbollah al-Nujaba đóng căn cứ ở Iran; tổ chức dân quân Iraq Kata'ib Sayyid al Shuhada song hoạt động sang tận Syria và có liên kết với Houthi; Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), mà tổng đàn là ở Iran, chuyên hoạt động nhằm vào các "mục tiêu trong nước" cùng điều phối các tổ chức thủ hạ...

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Wilson, kể từ cuộc cách mạng 1979, Iran đã xây dựng một mạng lưới các lực lượng thủ hạ khắp Trung Đông. Tính đến năm 2022, họ có đồng minh gồm hơn chục lực lượng dân quân lớn, một số có đảng chính trị riêng, thách thức chính quyền sở tại, thậm chí là chính quyền các quốc gia láng giềng. 

IRGC và Lực lượng Qods tinh nhuệ cung cấp vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức này ở ít nhất 6 quốc gia: Bahrain, Iraq, Lebanon, Palestine, Syria và Yemen.

Phản ứng của Mỹ

Những vụ tấn công không ngừng của tổ chức Houthi trên Biển Đỏ đã dẫn đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17-2 chính thức định danh Houthi là tổ chức khủng bố toàn cầu. Quyết định được đưa ra sau khi ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại một căn cứ ở Jordan vì một cuộc tấn công bằng drone. 

Mỹ đã trả đũa bằng không quân và tên lửa nhằm vào hơn 85 mục tiêu gồm các sở chỉ huy và kiểm soát, trung tâm tình báo, căn cứ tên lửa, kho chứa phương tiện bay không người lái, và cơ sở chuỗi cung ứng hậu cần và đạn dược của các nhóm dân quân Houthi và IRGC, theo Đài Mỹ NPR.

Tuy nhiên, The New York Times 16-2 nhắc lại rằng thiệt ra trước kia chính Iran từng bị Mỹ định danh là khủng bố, song chính quyền Biden, cụ thể là Ngoại trưởng Antony J. Blinken, sau khi nhậm chức đã hủy bỏ lệnh này, vịn lý do để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc nội chiến ở Yemen và để các nhóm viện trợ nhân đạo làm việc tại khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen có thời gian để đảm bảo công việc của họ. 

Tháng trước, ông Blinken thông báo ý định của Bộ Ngoại giao đưa lực lượng Houthi vào danh sách khủng bố, nhưng đã trì hoãn hành động này trong 30 ngày. NYT ngụ ý chê tính nửa vời của chính quyền Biden trong vấn đề này.

Iran ngày càng khỏe hơn, Mỹ thì phản ứng lấy lệ. Khoan nói bên nào đúng sai, thiết nghĩ nay không còn là lúc chọn phe, theo quán tính hay truyền thống, mà là lợi ích thiết thực hay bất lợi phải chịu đồng thời quan tâm đến luật pháp quốc tế. 

Không phải vô cớ mà tờ Business Standard của Ấn Độ hôm 19-2 đã cảnh báo: "Lạm phát: Khi giá cước vận tải ngày càng tăng do các tuyến đường dài hơn và giá dầu tăng, nó có thể làm tăng lạm phát ở các nền kinh tế thế giới".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận