Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

TÙY PHONG 03/03/2016 06:03 GMT+7

TTCT - Xuất sắc vượt qua nhà vô địch châu Á Nhật Bản ở tứ kết và giành vé đến giải vô địch thế giới sẽ được tổ chức tại Colombia vào tháng 9-2016, futsal Việt Nam tạo nên cột mốc lịch sử cho nền bóng đá đương đại.

Trần Long Vũ (trái) cùng futsal VN giành vé dự World Cup sau khi vượt qua Nhật Bản ở tứ kết VCK châu Á 2016 tại Uzbekistan -Quang Thắng
Trần Long Vũ (trái) cùng futsal VN giành vé dự World Cup sau khi vượt qua Nhật Bản ở tứ kết VCK châu Á 2016 tại Uzbekistan -Quang Thắng


Về mặt tiếng vang, nó có thể chưa bằng kỳ tích vào tứ kết Giải vô địch châu Á 2007 trên sân nhà và chức vô địch AFF Cup 2008 của bóng đá 11 người, nhưng thành tích của đội tuyển futsal đã mở ra nhiều điều đáng suy nghĩ với bóng đá Việt.

So với Giải vô địch châu Á 2014 trên sân nhà, đội tuyển futsal Việt Nam của HLV Bruno Formoso đã tiến bộ rất nhiều. Hai năm trước, chúng ta dừng chân ở tứ kết, một cột mốc khác khi futsal Việt Nam lần đầu lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu lục.

Tuy nhiên, 15 bàn thua trước Iran khiến đám mây mù che phủ lên thành tích đó. Nhưng ông Bruno, một người Tây Ban Nha, và ông bầu Trần Anh Tú của Thái Sơn Nam thì vẫn thấy tương lai tươi sáng phía trước.

Năm 2005, giải vô địch futsal châu Á cũng diễn ra ở Việt Nam nhưng đội chủ nhà thua tan tác và chỉ tìm được 1 điểm trước Hong Kong ở vòng bảng. Khi ấy, thậm chí khái niệm futsal cũng còn mơ hồ, chúng ta có một đội tuyển bóng đá trong nhà với một HLV “nghiệp dư” chuyển sang từ bóng đá 11 người. 10 năm sau, và 15 năm kể từ khi bóng đá trong nhà xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một giải futsal vô địch quốc gia chuyên nghiệp. Nói để thấy hết cái khó.

CLB futsal số 1 Việt Nam Thái Sơn Nam vẫn là nơi cung cấp gần như toàn bộ quân số cho đội tuyển quốc gia, nhưng ngay cả như thế, futsal Việt Nam đã thật sự tiến bộ rất nhanh. Sau Giải vô địch châu Á 2014, HLV Bruno chia sẻ quyết tâm đưa futsal Việt Nam trụ lại trong tốp 8 châu lục.

Nhưng tốp 8 châu Á chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ đưa chúng ta đến World Cup. Và điều kỳ diệu đã tới ở Uzbekistan khi đội bóng của ông Bruno đánh bại nhà đương kim vô địch châu lục Nhật Bản. Nhưng với một nền bóng đá như Việt Nam, nỗi lo “cuộc vui ngắn chẳng tày gang” vẫn còn là nỗi ám ảnh.

Futsal có lẽ là môn hợp nhất với người Việt Nam để bước ra các sân chơi lớn. Trước đó, bóng đá nữ có cơ hội tuyệt vời tiến rất gần suất dự World Cup 2015 nhưng cuối cùng chúng ta lại để mất chiếc vé vào tay kình địch Thái Lan ngay trên sân nhà Thống Nhất. Còn với đội tuyển bóng đá 11 người nam, hơn nửa thế kỷ qua, ra biển lớn vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

Tuy nhiên, sự khác biệt của futsal và bóng đá 11 người không chỉ là về tính chất phù hợp với thể hình, thể chất người Việt. Bóng đá sân lớn và futsal khác biệt rất lớn, rất khó so sánh, theo lời ông Trần Anh Tú.

Futsal chỉ cần một nhóm nhỏ là có thể lập đội, gây quỹ và tổ chức giải. Sự nở rộ của hệ thống sân cỏ nhân tạo ở Việt Nam từ khoảng 10 năm nay cũng đã góp phần mở rất rộng cơ sở phong trào cho futsal, trong khi các sân chơi phong trào của bóng đá 11 người cứ ngày một lụi tàn. Nhiều người chơi hơn sẽ xuất hiện nhiều cầu thủ giỏi hơn và nếu được tổ chức tốt thì thành tích sẽ đến.

Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ rất nhiều tiền của và công sức vào phát triển bóng đá 11 người. Chi phí hoạt động cho một đội ở V-League một mùa giải không dưới 20 tỉ đồng. Lương tháng cho HLV người Nhật Bản Toshiya Miura vừa bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sa thải là 12.000 USD. Nhưng thứ tư duy nhiệm kỳ và căn bệnh thành tích vẫn là thâm căn cố đế ở VFF, khiến hướng ra cho bóng đá 11 người ngày càng mờ mịt.

Bóng đá là một môn thể thao tập thể, đòi hỏi mỗi người phải tự ý thức về vị trí và làm tốt phần việc của mình. Công tác điều hành bóng đá cũng như thế. Bài học từ futsal cho thấy con đường đi có thể ngắn hay dài, khoản đầu tư có thể nhiều hay ít, nhưng để phát triển thật sự bền vững thì không thể có con đường tắt, dù là futsal hay bóng đá 11 người.■

Theo thống kê của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB), cứ 50.000 đứa trẻ bước chân vào các học viện bóng đá thì họ mới có được một tuyển thủ quốc gia như Mesut Özil hay Thomas Müller. Tỉ lệ này ở Việt Nam, với dân số nhỉnh hơn Đức một chút và trẻ hơn nhiều, hiện lại cực kỳ thấp, chưa tới 5.000 học viên đội trẻ cho một tuyển thủ quốc gia. Futsal thì không có con số thống kê chính thức, nhưng nền tảng phong trào của môn này và sự phù hợp với tố chất của người Việt Nam thật sự mở ra một hướng đi khác. Dẫu vậy, để thật sự chinh phục đỉnh cao sẽ còn nhiều yếu tố khác ngoài một nền tảng rộng, bao gồm dinh dưỡng, chiến lược đầu tư dài hạn, công nghệ, khoa học…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận