Khi những ảo ảnh cơ bản tan biến…

PHAN XUÂN LOAN 10/03/2024 09:22 GMT+7

TTCT - Trong ngồn ngộn thông tin mạng, những clip "hot" miễn phí của các Facebooker, TikToker... đâu là kiến thức chân thực và đâu là mua bán trá hình, ta tự hỏi.

Ảnh: M.Nhật

Ảnh: M.Nhật

Rằm tháng giêng đã trôi qua với những bông tuyết mai cuối cùng đã úa tàn, một trong những loài hoa được quảng bá thành "trend" trên Internet Xuân Giáp Thìn này. 

Tôi nghe một cô gái vừa trả tiền cho bó tuyết mai lác đác nụ nhỏ li ti, vừa rụt rè hỏi chị bán hàng: "Cô ơi, vậy là về con cắt vát cành, ngâm nước nóng xong mới chưng hả cô?". Chị bán hàng hỏi trổng: "Ai chỉ vậy?". "Dạ con đọc được trên mạng". 

Chị bán hàng phang thẳng: "Thôi thôi làm ơn đừng nghe mạng. Cứ về cắt gốc xong đổ nước lạnh bình thường chưng cho tui. Thời buổi gì mà tụi trẻ tin mạng sái cổ"…

Đó là một trường hợp xung đột điển hình giữa mới và cũ, giữa truyền thông quảng cáo và thường thức dân gian. Nhà báo Andrey Maksimov trong một cuốn sách phát hành năm 2016 tính được rằng bình quân con người nhận được 3.000 thông tin quảng cáo mỗi ngày. 

3.000 lần trong ngày (mà đó là con số của năm 2016) mỗi người chúng ta được "nhồi" phải mua gì, xài gì qua các phương tiện quảng cáo hết sức tinh vi. Tôi đồ rằng động cơ thúc đẩy cô gái kia mua tuyết mai không xuất phát từ một quảng cáo thị trường thô thiển nào đó, mà từ một "hướng dẫn sử dụng" hết sức vi tế về loài hoa rộ lên dịp Tết.

Thì chúng ta đang sống trong xã hội tiêu dùng đấy thôi, và cùng với sự phát triển của Internet, những con tin của chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng tăng. Khi các chuyên gia thị trường, quảng cáo và truyền thông cùng bắt tay thì những người tiêu dùng non trẻ khó lòng nhận chân rằng "một chiếc đồng hồ cho ta biết thời gian, nhưng một chiếc Rolex 20 nghìn đô la cho mọi người biết rằng bạn đã gặt hái rất nhiều thành quả" - Christopher Ryan chỉ ra trong cuốn sách Chết bởi văn minh - Cái giá của sự tiến bộ. Vị tiến sĩ tâm lý học này chứng minh rằng loài người đang là "sản phẩm phụ của nền văn minh", và những dữ kiện được rao giảng là văn minh thật ra chỉ là "nội dung quảng cáo nhằm rao bán hiện tại".

Trong ngồn ngộn thông tin mạng, những clip "hot" miễn phí của các Facebooker, TikToker... đâu là kiến thức chân thực và đâu là mua bán trá hình, ta tự hỏi.

Cuốn sách buồn nhất năm

Tôi gọi cuốn sách của Christopher Ryan như thế, vì trong một năm ngổn ngang chiến tranh và tang thương, cuốn sách đã giúp tôi hiểu ra bao dự cảm về một thế giới chẳng lành: nền văn minh đã khiến con người tàn bạo. 

Cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn trong giai đoạn tiêu hao nhân lực, hạ tầng và kinh tế của nhau thì chiến sự Hamas - Israel lại nổ ra mà số nhân mạng chết đến cuối tháng 1-2024 đã lên hơn 26.000. Nhớ những ngày đầu chiến sự hồi tháng 10-2023, khi con số nạn nhân lên hàng trăm, rồi hàng nghìn, nhiều nhà báo, chuyên gia đã hô hoán; còn nay, hơn 26.000 người chết dường như chẳng đem lại thêm cảm xúc nào.

Loài người tự xưng văn minh sao lại hủy diệt nhau đến nhường kia? Liệu chúng ta có man di hơn tổ tiên của mình? Trong Bách khoa toàn thư Cambridge về người săn bắt hái lượm, ta được biết rằng người hái lượm du cư "đã sống thành từng nhóm nhỏ, không chính quyền tập trung, không quân đội thường trực và không có các bộ máy quan liêu…". 

"Bằng chứng chỉ ra họ đã sống tốt đẹp đến kinh ngạc, phần lớn tự giải quyết những vấn đề của mình mà không cần viện tới các nhân vật thẩm quyền và không có khuynh hướng đặc thù bạo lực". 

Thế nhưng theo thời gian, "qua thông tin sai lạc của các thế hệ học giả chuyên gieo rắc những điều vô nghĩa", không ít các chính khách thông minh "mô tả chiến tranh tuy sai trái, nhưng là một thực tế và lâu đời như chính lịch sử loài người", trong khi nền văn minh không làm giảm sự tàn phá của bạo lực nơi con người, ngược lại, văn minh là nguồn gốc của tình trạng bạo lực có tổ chức nhất của con người", Christopher Ryan cay đắng chỉ ra.

Christopher Ryan
Homo sapiens trông rất giống một loài đã lầm đường lạc lối

2024 sẽ "điên rồ" hơn?

Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi tỉ phú người Mỹ Elon Musk dự báo trên mạng xã hội X rằng 2024 sẽ còn "điên rồ hơn", trả lời câu hỏi của người dùng về những gì sẽ xảy ra vào năm 2024 sau "4 năm điên rồ", liệu thế giới có trở lại cuộc sống bình thường.

Nếu dự báo của Elon Musk phần nào dựa vào sự bất định của 2024, với các cuộc bầu cử lịch sử sẽ diễn ra ở 70 quốc gia cùng hơn 3,7 tỉ cử tri sẽ đi bỏ phiếu, thì dự báo của Giám đốc Quỹ hòa bình xuyên quốc gia Jan Oberg đã bớt mông lung hơn, dù không kém bi quan. 

Trong tiên kiến thế giới 2024 gồm 37 điểm của mình, nhà nghiên cứu hòa bình người Đan Mạch lo âu: "Nền dân chủ phương Tây như chúng ta đã biết trong nhiều thập kỷ - với các phương tiện truyền thông tương đối tự do, các cuộc thảo luận mở sôi nổi, đánh giá cao sự đa dạng của quan điểm và việc ra quyết định dân chủ thực sự dựa trên tranh luận có hiểu biết và đặc biệt tính đến các nhóm thiểu số - sẽ phai tàn nhanh chóng hơn". 

Trong khi đó, "các vấn đề cấp bách của thế giới - nghèo đói, cơ sở hạ tầng, khí hậu và môi trường sẽ nhận được rất ít sự quan tâm và nguồn lực so với nhu cầu ngày càng tăng của chủ nghĩa quân phiệt đối với nền kinh tế dân sự đang bị thu hẹp".

Civilization, tranh của Aibek Begalin Kazakhstan

Civilization, tranh của Aibek Begalin Kazakhstan

Đặc biệt, theo Jan Oberg, năm 2024 sẽ "xác nhận là vô nghĩa ra sao việc tìm hiểu thế giới qua các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây, kể cả các dịch vụ công được nhà nước tài trợ". Vì thế, ông đề nghị "tất cả chúng ta nên dùng Internet và rất nhiều nguồn, với các góc độ, lựa chọn, bối cảnh và câu chuyện đa dạng, sau đó mới định hình quan điểm của riêng mình".

Vậy là, kể cả khi có những người khổng lồ công nghệ, loài người vẫn phải hết sức cảnh giác nếu chọn "đứng trên vai" những người khổng lồ đó.

Từ góc độ công dân nhỏ bé của mình, tôi không biết thường thức dân gian phũ phàng của chị bán hoa có giội tan những ảo tưởng của cô gái mua tuyết mai không. 

Và có lẽ, sau cơn hừng hào của thời đại Internet, đã đến lúc phải tìm cho mình một nghệ thuật sống không bị thao túng bởi thứ văn minh được rao giảng?

Nhớ lời Athur Miller: "Một thời đại được coi là kết thúc khi những ảo ảnh cơ bản của nó đã tan biến". Liệu 2024 sẽ là một năm như thế? Ít ra, đâu đó đã có những ảo tưởng vỡ tan. Một trong những ví dụ mới nhất có thể kể: cuộc nổi dậy của nông dân EU chống lại chính sách "chuyển đổi xanh" của Brussels, một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng tổng thể mà châu Âu đang cố gắng đạt được.

Advance - tờ báo Croatia - ngày 24-2-2024 nhận định: Một mặt, kế hoạch này được ca ngợi bởi góp phần ngăn chặn những hậu quả tàn khốc có thể xảy ra của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mặt khác, có những lập luận phản bác rằng "chuyển đổi xanh" được phát minh và thực hiện vội vàng chỉ nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Nga (và không chỉ nước này mà còn cả các cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông như Saudi Arabia, Iran…).

Đặc biệt, "chuyển đổi xanh" đi kèm với một kế hoạch tham vọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, trong đó các trang trại sản xuất nông nghiệp lớn (và do đó thải ra một lượng lớn carbon dioxide) bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do cuộc "cách mạng máy kéo" nổ ra vài tháng qua, khi các đoàn xe đầu kéo của nông dân chặn các đường cao tốc lớn ở các thủ đô.

Advance tổng kết: "Tuần qua, thêm hàng trăm nông dân Czech và Hy Lạp xuống đường ở Praha và Athens để ủng hộ các cuộc biểu tình đã lan rộng ra tất cả trừ bốn quốc gia châu Âu: Áo, Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển. Ở một số thành phố, những nông dân nổi giận đã rải phân ra đường và ném trứng vào các tòa nhà… dùng máy kéo phong tỏa các bến cảng và đường sá". Tác giả bài báo Antun Rosa lo âu: "Cuộc chuyển đổi năng lượng và nông nghiệp của châu Âu có thể khiến lục địa này rơi vào tối tăm và đói kém".

Bạn có thể không tin vào biện giải của tờ báo Croatia, nhưng nó đã phơi bày một bức tranh của thế giới chúng ta. Hãy lắng nghe câu chuyện từ các phía, nhưng hãy kể câu chuyện của riêng mình.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận