Khi rác thải điện tử thành “trend”

TRỌNG NHÂN 06/03/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Năm 2020 là năm đáng nhớ của rác thải điện tử, khi từ khóa này xuất hiện ngày càng nhiều trong các hoạt động liên quan tới môi trường. Ở VN, các dự án thu hồi loại “rác thải của thời đại 4.0” mới xuất hiện vài năm gần đây nhưng việc tăng lượng rác qua các năm cho thấy ý thức người dân đang thay đổi.


Rác điện tử ở một điểm tập kết ve chai trên đường Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. - Ảnh Nguyễn Công Thành

Những chuyến xe đến tận nhà


Sáng chủ nhật, Mai Bùi Xuân Hoàn (22 tuổi) ràng dây cố định chiếc thùng thật chắc chắn vào yên chiếc xe máy rồi lên đường. 

Từ Trường đại học FPT (Q.9 cũ, TP.HCM) nơi đang theo học, Hoàn vượt đại lộ đông đúc, len lỏi qua những con hẻm quanh co rồi dừng xe trước một ngôi nhà ở phường Thạnh Mỹ Lợi (Q.2 cũ), nơi chị Nguyễn Thị Minh Thu đứng đợi từ trước. Chị đưa cho Hoàn hai bọc lớn chứa đồ điện tử đã qua sử dụng, gồm một laptop, một chiếc điện thoại, một bọc pin...

Hoàn cho tất cả vào thùng, khóa chặt lại rồi tiếp tục đến những nhà khác có nhu cầu thu rác thải điện tử. Chiến lợi phẩm cuối buổi sẽ được đem về một trạm thu gom cố định đặt tại trung tâm MM Mega Market An Phú (Q.2 cũ). Hôm nay Hoàn thu được gần 10kg rác thải điện tử, phần lớn là pin không còn dùng được.

Đến tận nhà gom rác thải điện tử là một trong các hoạt động thường xuyên của hơn 10 tình nguyện viên thuộc tổ chức Việt Nam Tái Chế (VNTC) ở Hà Nội và TP.HCM. 

Mỗi tình nguyện viên được giao phụ trách một khu vực. Hoàn đang phụ trách khu vực Q.4 và TP Thủ Đức. Trung bình mỗi tháng Hoàn đi khoảng năm sáu chuyến tới hộ dân, có khi mười chuyến.

Thiết bị được nhóm nhận thu khá đa dạng: máy in, máy fax, máy scan, máy photocopy, tivi, máy tính để bàn, điện thoại, máy tính bảng, máy ảnh, đầu DVD, CD, các loại máy nghe nhạc, linh kiện điện tử... 

Nếu có ít nhất một thiết bị điện tử lớn hoặc tối thiểu 10 thiết bị nhỏ khác, người dân có thể nhấc máy gọi nhóm đến nhà lấy rác. Dịch vụ hoàn toàn miễn phí, hoặc người dân có thể đến những trạm thu gom cố định của VNTC đặt ở trung tâm MM Mega Market An Phú (Q.2 cũ), UBND phường 9 (Q.3), UBND phường 15 (Q.4), UBND phường 17 (Q.Phú Nhuận), UBND phường 2 (Q.Bình Thạnh).

Tại đây sẽ có một thùng lớn, phân làm hai ngăn, một cho pin và một cho những loại rác khác. Ở Hà Nội, VNTC có 6 trạm cố định. Thùng thường đầy sau khoảng một tháng, sau đó xe chuyên dụng sẽ đến đưa rác về hai nhà máy đối tác chuyên xử lý rác thải nguy hại ở Bình Dương và Bắc Ninh.


Mai Bùi Xuân Hoàn thu gom rác thải điện tử. Ảnh: TRỌNG NHÂN


Nhận thức thay đổi

Hoạt động từ năm 2015 và số rác thải được VNTC thu hồi trong 5 năm qua rất khả quan: từ 0,8 tấn (2015), 4,5 tấn (2016), 9,3 tấn (2017), 10,1 tấn (2018) và tăng lên 24 tấn (2019). 

Chị Mai Thị Thu Hằng, chủ nhiệm chương trình, từng kỳ vọng năm 2020 lượng rác thu được sẽ tăng hơn 100% thông qua nhiều chương trình như ngày hội tái chế, các cuộc thi sống xanh hay những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ... Nhưng các kế hoạch phải phá sản vì dịch COVID-19.

 Dù vậy, VNTC vẫn thu được 30 tấn rác thải điện tử trong năm 2020, trong đó 16,5 tấn là từ hộ gia đình và 13,5 tấn từ doanh nghiệp. Theo chị Hằng, con số này mang ý nghĩa bước ngoặt: lần đầu tiên, rác thải điện tử thu về từ hộ gia đình cao hơn doanh nghiệp. 

Lượng người tự đưa rác đến các trạm cố định nhiều hơn người muốn được thu gom tại nhà, đặc biệt trong những tháng giãn cách xã hội. Điều này cho thấy ý thức và sự tự giác của người dân được nâng cao.

Gia đình chị Võ Thị Thu Hồng, chủ tiệm bán đồ nội thất (Q.8) là một ví dụ. Năm 2019, chị tham gia cuộc thi “Săn rác thải điện tử - thử thách 30 ngày” do VNTC phát động. Chị rủ người thân, họ hàng đem pin, tivi, điện thoại di động, đầu DVD... không còn dùng được đến cho mình. 

Chị còn căng băngrôn trước cửa nhà để chòm xóm biết đến. Mỗi tuần, chị thuê xe chở rác đến các trạm. Kết quả, chị là người chiến thắng khi thu được hơn một tấn rác.

Gần hai năm sau, chị Hồng vẫn đều đều nhận rác điện tử từ những người xung quanh. Băngrôn vận động vẫn còn đó, những cuộc điện thoại nhờ gửi rác điện tử vẫn reo thường xuyên. Trong năm 2020, chị Hồng cũng gom gần 500kg rác.

Chị Nguyễn Thị Minh Thu (Q.2 cũ) chia sẻ, hơn hai năm trước, khi gom pin, bóng đèn, điện thoại đi động cũ… nhưng không biết để đâu nên buộc phải gọi ve chai đến lấy dù biết rằng sẽ tác động đến môi trường. 

Đến một ngày, người thu mua ve chai mối của gia đình cũng từ chối thu mua đồ điện tử lớn vì tốn công chở nhưng thu hồi không được bao nhiêu kim loại. “Cũng may đúng lúc đó chúng tôi biết được VNTC và gọi họ tới nhà thu gom”, chị kể.

Nguyễn Huỳnh Kim Thảo, điều phối viên chương trình VNTC, cho biết năm 2020 ghi nhận số lượt điện thoại ngoài khu vực TP.HCM đến văn phòng tìm hiểu cách bỏ rác thải điện tử tăng cao. 

VNTC chưa thu gom ở các tỉnh khác nhưng nhiều người sẵn sàng đóng gói, nhờ người quen hoặc các công ty chuyển phát chở về Hà Nội và TP.HCM. “Có người nói bao nhiêu rác, ít nhiều gì họ cũng sẽ chuyển đến, chỉ cần cho địa chỉ. Vậy là văn phòng cứ nhận được những kiện rác điện tử, có khi cả cái tivi hư to đùng”, Thảo nói.

Nhiều khu dân cư, chung cư chủ động liên hệ nhóm để tổ chức các buổi phổ biến kiến thức, hướng dẫn cách đặt thùng thu gom rác thải điện tử hợp lý. Chị Hằng cảm nhận rác thải điện tử dần trở thành một “trend” (trào lưu) mới.

 Nếu trước đây muốn làm hoạt động về môi trường, các đơn vị thường nghĩ tới rác thải nhựa, vỏ hộp sữa, nhưng trong năm qua người ta nghĩ nhiều hơn tới pin và đồ điện tử.

“Ngày trước, nhiều người gọi đến VNTC hỏi: nhóm tới nhà thu rác thải điện tử thì họ có nhận được tiền không, như bán ve chai vậy? Có người nghe “không có” thì cúp máy. Giờ đây phần đông gọi đến hỏi: nhóm đến thu gom thì họ có phải trả tiền cho nhóm hay không? Nội dung câu hỏi đảo ngược, nghĩa là người dân đã ý thức hơn, biết rác thải điện tử tiềm ẩn nhiều nguy hại, nếu có người đến thu là rất quý”, chị Hằng tâm sự.

Những bài toán khó

Theo báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2019 thế giới ghi nhận 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% sau 5 năm. Trong đó, châu Á dẫn đầu, chiếm 24,9 triệu tấn. 

Báo cáo dự đoán toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030, là dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới.

Chỉ 17,4% rác thải điện tử được thu hồi và tái chế, nghĩa là hơn 60 tỉ USD kim loại quý như vàng, bạc, đồng, bạch kim... bị vứt bỏ từ lượng rác chưa được thu hồi, xử lý.

TS Hoàng Dương Tùng, nguyên phó Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho biết VN đã có quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, trong đó có đề cập trách nhiệm của doanh nghiệp về việc thu hồi sản phẩm hư cũ. Nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm hư cũ từ pin, ăcquy, đồ điện - điện tử gia dụng, điện thoại,...

 Thực tế, việc triển khai còn hạn chế do nhiều quy định chưa rõ ràng như không nêu rõ hạn mức của nhà sản xuất cần thu hồi bao nhiêu nên nhiều đơn vị chỉ đặt điểm gom rác là xong nhiệm vụ. 

Nếu các công ty không thực hiện, không báo cáo cũng chưa bị xử lý gì. Vì vậy cần có thêm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tái chế rác thải điện tử hoặc khuyến khích người dân tham gia thu gom và tái chế.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho biết thế giới có ba hướng tiếp cận với rác thải điện tử. 

Thứ nhất là tìm cách tái sử dụng. Những máy tính, điện thoại hư có thể được phục hồi và dùng thêm một thời gian nữa. Nhiều sản phẩm sau khi tân trang có chất lượng như mới nhưng giá chỉ khoảng 40-50%. 

Thứ hai, thiết bị sẽ được bóc tách, tái chế bằng cách nghiền nhỏ hoặc dùng hóa chất xử lý nhằm thu hồi các kim loại quý có trong cấu trúc của vật liệu điện tử như vàng, bạc, bạch kim... 

Thứ ba là bêtông hóa rác và chôn lắp. Cách thứ ba được áp dụng nhiều tại VN nhưng gây lãng phí khá nhiều tài nguyên.

“VN đang liệt tất cả rác thải điện tử vào loại chất thải nguy hại. Những đơn vị muốn tham gia tái chế hay xử lý rác thải điện tử phải đáp ứng thủ tục pháp lý phức tạp như với chất thải nguy hại. Việc đặt nhà máy xử lý phải theo quy hoạch của địa phương... nên số lượng doanh nghiệp tham gia xử lý còn hạn chế ”, ông Sỹ nói.

Theo chị Mai Thị Thu Hằng, chi phí thu hồi và xử lý rác thải điện tử được tài trợ bởi HP và Apple. Chị Hằng mong muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty sản xuất và kinh doanh hàng điện tử ở VN cùng tham gia vào VNTC để phát triển chương trình này.

Ngoài ra, các công ty có thể tổ chức thêm nhiều chương trình, lập thêm nhiều tổ chức khác để thu hồi và xử lý rác điện tử.■

Rác điện tử độc hại ra sao ?

Theo Liên Hiệp Quốc, chất thải điện tử là những sản phẩm bị loại đi có pin hoặc có phích cắm kèm theo các chất độc hại ảnh hưởng cho sức khỏe con người và môi trường. Các thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, các chất chống cháy…

Khi phân hủy, chất độc sẽ được giải phóng, ngấm vào đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và nhiều loài động vật. Nếu đem đốt, rác điện tử sẽ thải ra các loại khí độc gây hại cho con người…

Thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho thấy trung bình mỗi người VN thải khoảng 1,3kg rác điện tử/năm. Ước tính, rác điện tử chiếm 2% trong toàn bộ chất thải hiện nay.

Theo số liệu từ Viện Khoa học và công nghệ môi trường (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), mỗi năm VN phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, ước sẽ tăng đến trên 250.000 tấn vào năm 2025.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận