TTCT - Cuộc đối đầu hồi tuần trước giữa Twitter và Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người “nghiện” tweet hạng nặng, rốt cuộc là vì đâu và có ảnh hưởng gì đến bản chất của các mạng xã hội không? Ảnh: NeoTeo Trước hết, cần phải nhắc lại những ý chính về “kiểm duyệt” trên mạng xã hội khi so với báo chí truyền thống. Từ vô can... Mạng xã hội khác báo chí ở một điểm rất quan trọng: báo chí không thể tự nhiên đăng lời vu khống của một người lăng mạ người khác. Báo chí phải chịu trách nhiệm cho các nội dung đăng tải trên mặt báo, trích lời cáo buộc từ một người mà có hại cho người khác thì báo chí phải đi xác minh, kiểm chứng hoặc nguồn phát ngôn phải có thẩm quyền, bằng không họ sẽ bị kiện ra tòa như chơi. Mạng xã hội không chịu ràng buộc này. Trước nay các mạng xã hội luôn tự nhận họ là nền tảng công nghệ chứ không phải là nơi xuất bản thông tin nên người dùng tự chịu trách nhiệm với nhau, còn họ vô can. Mạng xã hội mong muốn thu hút thiên hạ lên mạng rủa xả nhau; chửi rủa càng khốc liệt các mạng xã hội càng thích, vì nhờ thế mà “câu” được khách mới. Dĩ nhiên, để thu hút mọi tầng lớp người dùng, mạng xã hội phải tuân thủ một số quy ước xã hội như không đăng hình ảnh, nội dung khiêu dâm, dung tục, kích động bạo lực, kích động thù hận dân tộc hay chủng tộc. Còn lại, ai muốn vu khống ai mặc kệ; ai muốn truyền bá các thuyết âm mưu, xin mời tự nhiên. Các mạng xã hội hưởng được đặc quyền này so với báo chí là nhờ một điều khoản trong luật của Mỹ. Mục 230 của Luật về chuẩn mực truyền thông (CDA) bảo vệ các nền tảng Internet nói chung khỏi chịu trách nhiệm cho những gì bên thứ ba nói hay làm trên nền tảng này. Nói cách khác, nội dung người dùng đưa lên Facebook, Twitter hay YouTube, thậm chí lời nhận xét của khách trên Yelp hay Google, do người đưa lên chịu trách nhiệm, nơi đăng tải không thể bị kiện tụng gì vì theo luật, họ là nền tảng công nghệ chứ không phải là nhà xuất bản như báo chí. ...đến tự kiểm duyệt Chuyện các mạng xã hội có phải chịu trách nhiệm cho những nội dung đăng tải trên nền tảng của họ hay không là đề tài gây tranh cãi gay gắt suốt mấy năm qua. Cái khó là quan điểm của một người về chuyện này rất dễ thay đổi nếu nội dung được đề cập thay đổi. Lấy ví dụ, một người bình thường khi xem một video trên YouTube nói Trái đất thì dẹt chứ không tròn, rằng các luồng khói trắng do máy bay phát ra trên bầu trời thực chất là một loại hóa chất chính phủ các nước phun ra nhằm mục đích bí mật... ắt sẽ hoàn toàn đồng ý khi có ý kiến buộc YouTube phải xóa các video nhảm nhí, có hại này đi. Thế nhưng cũng người đó, khi thấy một video nói sóng 5G gây hại cho sức khỏe, liền kết luận đó là ý kiến, dù đúng dù sai thì người nói cũng có quyền đăng tải, sao lại bắt xóa. Đó mới là các thuyết âm mưu chung chung. Cứ thử nghĩ đến các đề tài chính trị, tôn giáo, giới tính..., sự khác nhau về quan điểm là lớn lao dường nào. Ý kiến khác biệt thì không nói, nhưng thường người ta sẽ đưa ra các dữ kiện họ cho là sự thật để lý giải cho ý kiến của họ. Dạng ý kiến (như “tôi không muốn cho con tôi chủng ngừa”) sẽ được để nguyên nhưng dữ kiện được cho là sai (như chủng ngừa vắcxin gây bệnh tự kỷ) thì phải lấy xuống. Trước đây các mạng xã hội ngó lơ hết thảy, nhất mực nói họ là nền tảng công nghệ và không chịu trách nhiệm cho nội dung do người dùng đưa lên. Nhưng sau vụ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi mạng xã hội được cho là nơi dung túng các dòng thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử, áp lực lên các mạng xã hội phải tự kiểm duyệt ngày càng lớn. Cuối cùng, mạng xã hội nào cũng phải tổ chức một đội ngũ nhân viên chuyên lo chuyện “kiểm duyệt” nội dung, có nơi lên đến mấy chục ngàn người mà làm cũng không xuể. Tranh cãi không vì thế mà chấm dứt vì chuyện "kiểm duyệt" được cho là quá máy móc, quá ngây thơ. Ảnh: Axios Làm sao phân xử đúng sai Do dư âm của cuộc bầu cử tổng thống, các mạng xã hội ở Mỹ có xu hướng “kiểm duyệt” kỹ hơn các lời nói, văn bản, video của các nhân vật cực hữu như Alex Jones. Nhân vật này chuyên cổ vũ súng ống, cho rằng biến đổi khí hậu là trò bịp, tìm cách nói xấu các nạn nhân của các vụ thảm sát bằng súng... Lần lượt YouTube, Facebook, Twitter cấm cửa Alex Jones, lột hết các video ông đưa lên. Từ khá nhiều vụ như thế, khá nhiều người Mỹ, kể cả Tổng thống Trump, tin rằng các mạng xã hội đang “kiểm duyệt” các nội dung do những người có quan điểm bảo thủ đưa lên. Và đó là nguyên do có chỉ thị do Tổng thống Trump ký vào tuần trước tìm cách lột bỏ đặc quyền các mạng xã hội đang hưởng nhờ được mục 230 bảo vệ khỏi các cuộc kiện tụng. Vụ Twitter dán nhãn cảnh báo trên các dòng tweet của ông Trump chỉ là giọt nước làm tràn ly chứ cái chỉ thị này đã được biên soạn, chuẩn bị từ trước. Ông cáo buộc các công ty công nghệ “có quyền hạn không ai ngăn cản để kiểm duyệt, hạn chế, biên tập, nhào nặn, giấu đi, thay đổi bất kỳ hình thức giao tiếp nào giữa các công dân hay với công chúng rộng lớn”. Báo chí đã kể chi tiết chuyện đối đầu giữa Twitter và ông Trump cũng như đã phân tích hệ quả chưa rõ ràng của chỉ thị này. Vấn đề là liệu nó có mục đích làm suy yếu các mạng xã hội hay vô tình yêu cầu các nơi này “kiểm duyệt” mạnh tay hơn nữa để khỏi bị kiện tụng? Vấn đề quan trọng hơn là theo suy nghĩ thông thường, mạng xã hội phải nên như thế nào, có nên tự kiểm duyệt hay không và tự kiểm duyệt thì lấy gì làm chuẩn mực để phân định đúng sai? Phải thấy các mạng xã hội đang bị đẩy vào một hoàn cảnh rất khó khăn. Chuyện Twitter đòi “kiểm duyệt” tổng thống Mỹ đúng hay sai là tùy vào góc nhìn của từng người. Với nội dung đầu tiên khi ông Trump viết bỏ phiếu bằng đường bưu điện có khả năng bị lừa đảo khi thùng thư có thể bị đánh cắp, làm giả phiếu bầu... Twitter dán thêm nhãn hỗ trợ người dùng “Lấy dữ kiện (thật) về bỏ phiếu qua bưu điện”. Người ủng hộ ông Trump sẽ nói ông có quyền nghi ngờ như thế; còn người tán đồng Twitter sẽ nói ông Trump nói quá, Twitter dán nhãn thế để người đọc tìm hiểu thêm thông tin cho rõ sự thật. Ở vụ thứ nhì, khi ông Trump lên án những người biểu tình phản kháng bằng bạo lực vụ một người da đen bị cảnh sát đè cổ đến chết, nói sẽ gởi Vệ binh Quốc gia vào can thiệp và dọa “khi cướp phá bắt đầu thì súng cũng bắt đầu nổ”, Twitter cho rằng viết như thế là vi phạm quy định của Twitter về cổ vũ cho bạo lực. Báo chí bênh vực Twitter nói ông Trump đòi dùng quân đội bắn người biểu tình là quá ư bạo lực; Nhà Trắng nói lại ý của tổng thống không phải vậy, ông chỉ nêu một hệ quả chứ đâu phải nêu ý kiến. Thật ra, bản thân phát ngôn của ông Trump là có đủ thẩm quyền. Ông nói thế báo chí cứ thế mà đăng, chứ làm gì có chuyện “kiểm duyệt” đúng sai. Đồng ý hay không đồng ý chuyện ông đòi trấn áp các vụ cướp bóc, bạo loạn là chuyện khác, còn bản thân phát ngôn của ông thì phải tôn trọng nguyên văn, sao lại ẩn đi được. Có lẽ đến lúc phải tìm giải pháp dung hòa, kiểu như người dùng chịu trách nhiệm với nhau, có gì đưa nhau ra tòa. Sau khi tòa có phán quyết sau cùng thì nền tảng mạng xã hội đăng tải thông tin bị kiện tụng sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Có thế mới ràng buộc lẫn nhau, cả nền tảng lẫn người dùng. Điều có thể kết luận ngay bây giờ là các sản phẩm của mạng xã hội rõ ràng là sản phẩm chưa hoàn chỉnh - nó khác với báo chí đã qua hàng trăm năm tự điều chỉnh để cuối cùng đóng vai trò như hiện nay. Người dùng chỉ cần ý thức họ đang sử dụng một sản phẩm chưa hoàn chỉnh cũng đã hạn chế phần nào các tác hại chúng đem lại, gạn lọc được những điều tốt đẹp để yên tâm mà tiếp tục lên tiếng trên các nền tảng này.■ Thái độ lâu nay của Facebook - để yên mọi loại thông tin, không làm gì cả - cũng bị lên án từ nhiều phía. Người đứng đầu Facebook, Mark Zuckerberg, nhiều lần nhắc lại chủ trương của Facebook không đóng vai trò “người phán xét sự thật”. Zuckerberg là người gốc Do Thái nhưng trước thực tế có nhiều người lên Facebook khẳng định vụ diệt chủng người Do Thái trong Đệ nhị thế chiến là không có thật, Zuckerberg nói dù thấy phát biểu như thế là gây xúc phạm nhưng sẽ không lột chúng xuống khỏi Facebook. Hôm 2-6 vừa qua, nhiều nhân viên Facebook đã “biểu tình ảo” bằng cách lên Twitter bày tỏ phản đối chính sách nói trên của Facebook, cụ thể là không xóa bài viết có câu “khi cướp phá bắt đầu thì súng cũng bắt đầu nổ” của ông Trump trên nền tảng này. Tags: Mạng xã hộiTổng thống MỹDonald TrumpBị kiểm duyệt
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.