Khoảng cách quá nhiều, hành động quá ít

CHIÊU VĂN 17/12/2019 20:12 GMT+7

TTCT - “Trái đất tươi đẹp - chúng ta lẽ ra đã có thể cứu nó, nhưng lũ chết tiệt chúng ta quá rẻ tiền và lười nhác”. Những lời đó của văn sĩ người Mỹ Kurt Vonnegut trong cuốn Người không quê hương có thể được khắc lên mộ chí của nền văn minh nếu như các hội nghị về biến đổi khí hậu, tiếp tục với COP25 ở Madrid vào đầu tháng 12 này, không thể giải quyết được vấn đề có lẽ là nghiêm trọng nhất với nhân loại hiện giờ.

Nửa triệu người đã xuống đường ở Madrid. Ảnh: AP
Nửa triệu người đã xuống đường ở Madrid. Ảnh: AP

Bất ổn xã hội và biểu tình quy mô lớn đã buộc Chile phải rút lui trong vai trò chủ nhà của hội nghị về biến đổi khí hậu lần này. Tây Ban Nha sau đó đã thay thế, dù Chile vẫn là chủ tịch COP25. Sau nhiều nhiễu động - như chính khí hậu những năm vừa qua - hội nghị cuối cùng cũng đã bắt đầu ở Madrid trong hai tuần đầu tháng 12.

Bối cảnh

Trước những vấn nạn khí hậu và môi trường toàn cầu, Hiệp định khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ra đời vào năm 1992 và đã được 196 quốc gia trên thế giới cùng Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Bởi biến đổi khí hậu là một vấn đề hết sức phức tạp mà không quốc gia đơn lẻ nào giải quyết nổi, mỗi năm các nước UNFCCC gặp gỡ tại Hội nghị các bên ký kết (Conference of the Parties, tức COP) nhằm thương lượng rất nhiều vấn đề, từ thông tin về những nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu tới huy động tài chính cho các nỗ lực đó. COP25 là hội nghị lần thứ 25 của UNFCCC.

Hồi năm 2015, ở COP21 Paris, 197 bên ký kết đã thỏa thuận thiết lập một công cụ mang tính pháp lý để giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ các nỗ lực thích nghi. Đó chính là Thỏa thuận Paris nổi tiếng, với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5°C và tăng khả năng ứng phó của các quốc gia với biến đổi khí hậu.

Rất nhiều báo cáo khoa học đã khẳng định rằng con người cần giảm một nửa mức phát thải trên toàn cầu tới năm 2030 để đáp ứng được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, đồng nghĩa chúng ta còn không tới 11 năm nữa để thực hiện những thay đổi thực sự lớn lao ở quy mô và tốc độ chưa có tiền lệ trong mọi ngành và lĩnh vực.

Ý thức và cả những cuộc đấu tranh vì môi trường trên toàn cầu cũng đã thay đổi mạnh mẽ trong một thập kỷ qua, và người dân đang thực sự đòi hỏi các chính quyền của họ phải có những thay đổi nhìn thấy được.

COP25, do đó, được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi thật sự ý nghĩa và cần thiết trên toàn thế giới. Một mục tiêu cốt lõi của hội nghị lần này là chốt lại những hướng dẫn triển khai cụ thể với Thỏa thuận Paris.

Nhiều hướng dẫn đó đã được chốt lại ở COP24 năm ngoái tại Katowice, Ba Lan, nhưng một mảnh ghép quan trọng của bức tranh lớn vẫn còn thiếu: hướng dẫn thực thi điều 6 Thỏa thuận Paris về thị trường cacbon quốc tế, qua đó các nước sẽ mua bán khí thải theo một cơ chế thị trường nhằm tạo động cơ kinh tế để giảm dần việc phát thải.

Thực tế

Lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch làm Trái đất ấm lên đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019, theo các nhà nghiên cứu dự COP25, đồng nghĩa các nước lúc này đang ở cách xa mục tiêu hơn. Trên toàn thế giới, lượng khí thải công nghiệp tăng 0,6% trong năm nay, một mức tăng thấp hơn đáng kể so với 1,5% vào năm 2017 và 2,1% năm 2018.

Cả Hoa Kỳ và EU đều đã giảm lượng phát thải CO2 trong năm 2019, trong khi Ấn Độ có mức tăng thấp hơn nhiều so với dự kiến. Khí thải từ than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, cũng giảm bất ngờ khoảng 0,9% trong năm 2019, dù mức giảm đó không đủ để bù cho mức tăng mạnh sử dụng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Vấn đề là mức tăng chậm lại hay thậm chí không tăng nữa cũng là không đủ. Lượng phát khí thải cần phải giảm và giảm thật nhanh, để nhân loại tránh được những kịch bản nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Lý tưởng nhất là lượng phát thải phải được đưa về zero trước khi thế kỷ này kết thúc.

“Mỗi năm mức phát thải tăng lên, dù chỉ một lượng nhỏ, khiến việc hạ xuống càng khó thêm” - Glen Peters, giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế tại Na Uy, nói với báo Mỹ The New York Times.

Theo báo cáo Dự án cacbon toàn cầu (globalcarbonproject.org) được xuất bản đồng thời trên ba chuyên san khoa học uy tín, những tiến bộ cho tới giờ là quá chậm chạp. Trong thập niên 2000, mức phát thải toàn cầu đã tăng trung bình 3% mỗi năm, chủ yếu bởi mức tăng tiêu thụ nhiên liệu từ than đá ở Trung Quốc.

Những năm 2010, mức tăng đã chậm hơn, khoảng 0,9% trung bình năm, khi việc xây mới các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc chậm lại và các chính quyền trên toàn thế giới thúc đẩy các công nghệ sạch hơn như xe điện, năng lượng gió và mặt trời.

“Tôi thực sự nghĩ rằng chính sách ở tầm quốc gia và toàn cầu đã tạo ra sự khác biệt, nhất là trong thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh của năng lượng tái tạo - Rob Jackson, giáo sư khoa học Trái đất ở Đại học Stanford và là một tác giả báo cáo, nói - Nhưng cùng lúc, rõ ràng các chính sách đó không đủ để ngăn sự tăng trưởng của năng lượng hóa thạch”.

Dữ liệu mới cho thấy khí đốt tự nhiên, vốn ít gây ô nhiễm hơn than đá nhưng vẫn là nhiên liệu hóa thạch, đã trở thành nguồn phát thải lớn nhất trên toàn cầu những năm gần đây. Nhật Bản, chẳng hạn, đã dựa vào khí đốt nhập khẩu để thay thế nhiều nhà máy điện nguyên tử vốn không thải ra CO2 bị đóng cửa vào năm 2011 sau sự cố ở Nhà máy Fukushima Daiichi.

“Khí đốt tự nhiên có thể tạo ra ít khí thải hơn than đá, nhưng điều đó chỉ có nghĩa chúng ta hâm nóng hành tinh chậm hơn - tiến sĩ Peters giải thích - Và đó là còn chưa nói tới việc rò rỉ khí mêtan” từ việc dùng khí đốt.

Chỉ vài nước hiện chiếm phần lớn lượng khí thải CO2 của cả thế giới mỗi năm, với Trung Quốc chiếm 26%, Mỹ 14%, EU 9% và Ấn Độ 7%.

Ảnh: Davide Bonazzi
Ảnh: Davide Bonazzi

Những gì diễn ra ở Madrid

Sau tuần lễ đầu tiên của COP25 ở Madrid, thông tin cho tới giờ là khá ảm đạm. Nhân vật hiện tượng của phong trào chống biến đổi khí hậu thời gian qua - cô gái trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg và nửa triệu người đã tuần hành ở trung tâm Madrid vào tối thứ sáu 6-12, ba ngày sau khi hội nghị khai mạc.

“Chúng tôi ngày càng đông đúc và tiếng nói ngày càng được nghe nhiều hơn - Thunberg nói với trang Mongabay - Nhưng tất nhiên điều đó chưa được biến thành hành động chính trị”.

Những người chỉ trích như Thunberg cho rằng giới chính trị vẫn quá chăm bẵm cho các lợi ích cục bộ và lập trường chính sách đã lỗi thời so với khoa học và cả những giá trị sống của một thế hệ mới.

“Suốt tuần qua ở COP25, chúng ta đã nghe về khoảng cách với mục tiêu khí thải, khoảng cách với mục tiêu ngân quỹ chống biến đổi khí hậu, khoảng cách với mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, nhưng tôi chưa hề nghe thấy ai nói tới khoảng cách cực lớn giữa những người đang ngồi trong căn phòng hội nghị kia” - Manuel Pulgar-Vidal, lãnh đạo mảng biến đổi khí hậu của World Wildlife Fund và cựu bộ trưởng môi trường Peru, nói.

Hiện giờ, không nước nào trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi thải ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, chấp nhận giảm thải cacbon nhiều hơn so với những cam kết khiêm tốn và không đủ của họ tại Thỏa thuận Paris 2015.

Bill Moomaw, chuyên gia hàng đầu về chính sách khí hậu và từng là tác giả các báo cáo biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, nói còn quá nhiều rắc rối hiện tại: các đoàn đại biểu tìm cách che giấu phần phát thải của nước họ khi thương lượng điều 6, lách qua các lỗ hổng pháp lý và ghi nhận sự giảm thải ảo.

“Các chính quyền nói: Thật khó mà trồng lại rừng, nên thử ăn gian lượng phát thải xem sao - Moomaw nói - Điều thứ hai mà nhiều nước muốn làm là vừa mua hạn ngạch khí thải vừa tính thêm phần giảm xả thải trong nước, chính là điều vẫn được gọi là “tính trùng việc giảm khí thải”.

Họ có thể thao túng số liệu tới mức nào ư? Có thể là rất nhiều nếu kết hợp cả hai cách”. Tất nhiên, vấn đề là trong khi con người có thể lừa nhau, họ không thể lừa được tự nhiên.

Theo dự kiến, ở COP26 một năm nữa tại Scotland, toàn bộ Thỏa thuận Paris sẽ phải đi vào hiệu lực, nhưng tình hình hiện giờ không hứa hẹn cho lắm.

“Quá nhiều nước vẫn bị ám ảnh bởi lợi ích và giới kinh doanh - Virginia Young, giám đốc khí hậu và rừng của Hội Bảo tồn rừng nhiệt đới Úc, nói - Họ không suy nghĩ sáng tạo và thật sự khẩn cấp, bất chấp những thiên tai kinh khủng và di dân vì khí hậu thời gian qua. Các nhà khoa học nói về nhu cầu thay đổi sâu sắc, nhưng tất cả những gì chúng ta thấy là các chính sách sử dụng đất và rừng phục vụ việc làm ăn. Cứ như thế thì chúng ta sẽ thất bại”.■

Quỹ Khí hậu xanh (GCF), nơi cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển trong khuôn khổ UNFCCC, hồi tháng 11 đã thông báo giải ngân tại hơn 100 quốc gia, với số tiền 5,6 tỉ USD trong tổng số tiền huy động đợt đầu 7 tỉ USD của quỹ.

Trong một cuộc họp ba ngày ở Hàn Quốc, GCF đã nhận thêm các cam kết trị giá gần 9,8 tỉ USD và nhất trí sẽ phân bổ tiền cho 13 dự án, từ điểm dự trữ nước cho vùng bắc Gaza tới bảo vệ mùa màng lương thực trước biến đổi khí hậu ở Mozambique hay quỹ bảo vệ môi trường ở đông bắc Trung Quốc.

Hiện có 28 quốc gia và tổ chức tài trợ cho GCF, đứng đầu là EU (cam kết gần 4,7 tỉ USD) và Mỹ (cam kết 3 tỉ USD, nhưng đã đóng băng 2/3 sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận