Khởi đi từ văn hóa

NGUYỄN QUANG THÂN 28/01/2013 18:01 GMT+7

TTCT - Chuyện kỳ quặc thì nơi nào, thời gian nào cũng có. Nhưng chuyện kỳ quặc mà lại biến thành phép nước bắt dân theo thì không hiểu sao gần đây lại nhiều thế?

Dân ta vốn có ý thức chấp hành lệnh trên, nhưng nhiều cái lệnh khi đưa ra thi hành chẳng những người phải chấp hành mà ngay cả người ra lệnh sau đó cũng thấy không ổn.

Một số thông tư, chỉ thị đã được rút lại, người ra lệnh phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho việc hoàn thiện pháp luật. Vì vậy, người dân không tránh khỏi phải suy nghĩ về sự tôn nghiêm của luật lệ và uy quyền của Nhà nước.

Với cái nhìn bao quát, trong thời gian khá lâu, bản sắc văn hóa của chúng ta đụng phải nhiều vấn đề, không ít lĩnh vực xuống cấp. Sự xuống cấp của văn hóa không sờ mó được hay đếm được qua túi tiền thu nhập hay sức mua hàng như kinh tế. Nhưng nó lại ám ảnh người ta từng phút một.

Từ những chuyện “tày đình” như tội ác, tham nhũng, xa hoa lãng phí đến những “hiện tượng tiêu cực” xuất hiện ở mọi nơi, mọi lĩnh vực... văn hóa quả thật khó tìm được chỗ đặt chân giữa một bên là những kẻ giàu có bất lương và bên kia là những người khốn khổ chưa ăn buổi tối đã phải lo buổi sáng, không còn thời gian chăm sóc cuộc sống tinh thần của bản thân hay dạy dỗ con cái.

Không ai vui được khi thấy cái hố giàu nghèo hiện ra mỗi ngày một sâu. Vì vậy, chẳng lấy làm ngạc nhiên khi một số thuần phong mỹ tục vốn là thành quả tốt đẹp của dân tộc bị phai mờ, quên lãng.

Bệnh nào thuốc đó

Người cầm quyền luôn có chức trách hướng dẫn dân, có vị trí để khuyên bảo, thuyết phục dân và tất nhiên có quyền lực để buộc dân tuân thủ hiến pháp pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo vệ thuần phong mỹ tục. Vấn đề là làm như thế nào, trên cái nền gì và bắt đầu từ đâu?

Chẳng hạn, để giảm bớt, ngăn chặn lãng phí xa hoa, việc làm cần thiết trước tiên là kiên quyết và thẳng tay trừng phạt những kẻ tham nhũng quen thói lấy tiền của dân dễ như múc nước sông. Ngăn chặn được việc kiếm tiền bất lương, vòi tiền trắng trợn... tức là triệt được cái gốc thì sẽ dễ dàng chống được xa hoa, hình thức, lãng phí. Vậy nên, những quy định kiểu 300 người cho một tiệc cưới, tiệc cưới không quá 50 mâm, chỉ được cưới sau khi đã có giấy đăng ký kết hôn, chỉ được tổ chức tiệc cưới một lần... sẽ trở nên kỳ quặc.

Dù rằng đây chỉ là chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, nghĩa là nó không phải là văn bản quy phạm pháp luật, và phạm vi áp dụng là cán bộ, đảng viên, không phải toàn dân. Trước hết, nó vi phạm quyền con người và sau nữa, nó sẽ chẳng thể thực hiện được vì ai, cơ quan nào sẽ đến nơi người ta đang vui vẻ để viết biên lai phạt đây?

Một trong những nét văn hóa không chỉ của dân tộc ta mà của cả loài người văn minh là thói quen tặng quà. Tặng quà là cụ thể hóa triết lý “cho” người khác, quan tâm đến người khác, đồng nghĩa với lòng vị tha. Lão Tử, triết gia khôn ngoan cổ đại, từng khuyên “tương dục đoạt chi tất cố dĩ chi” (muốn lấy của ai cái gì thì trước hết phải cho người ta cái đã). Việc tặng quà ngày tết, ngày lễ hay sau một chuyến đi xa là biểu hiện sự quan tâm đến con người, muốn làm vui lòng người khác mà không vụ lợi, không mưu cầu cái gì khác.

Nhưng tình người thân ái ấy đã bị lạm dụng trong xã hội ngày nay, thành hiện tượng “nước mắt chảy ngược” phi lý. Công nhân nghèo rớt mùng tơi, con cái nhịn thèm nhìn bố mang bánh trung thu đi biếu sếp. Ngày tết nhân viên đi “tết” sếp, người vừa được thưởng gấp hàng trăm lần mình. Xóa bỏ cái “văn hóa” lấy quyền lợi làm chuẩn mực đạo đức bằng cách nào? Phải đi từ văn hóa đích thực và khơi nguồn đạo đức.

Văn hóa là thứ khó quên

Việc ma chay như thế nào cũng phụ thuộc nhiều vào phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo. Những gì liên quan và trái luật pháp, có hại cho xã hội thì phải ra lệnh cấm bằng luật, như để thi hài trong gia đình quá lâu ảnh hưởng môi trường, gây ồn ào cho khu phố, lối xóm, chôn người sống theo người chết... Nhưng sao lại ra quy định cấm viếng vòng hoa, mà sao lại tối đa là bảy chứ không là năm hay chín vòng? Sao lại cấm nhìn người chết trong quan tài có miếng kính trong giờ vĩnh biệt?

Dùng hoa vào việc gì là quyền con người, là quyền của người mua hoa. Hoa chỉ để dành cho việc lễ lạt, hiếu hỉ, thuần túy hình thức, mà hình thức ở những hoàn cảnh này còn giá trị hơn nội dung, ví như cái phong bì luôn có ẩn ý và khả nghi về lòng “vô cùng thương tiếc”. Thành ra quy định mới đây của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xem ra thiếu một nét văn hóa tối thiểu, đó là sự tôn trọng quyền của con người trong khuôn khổ pháp luật.

Bệnh ra lệnh một cách kỳ quặc của một số cơ quan công quyền đã lây sang lĩnh vực tư nhân, nơi luôn có một số người có quyền ra lệnh và số khác phải chấp hành. Có ông giám đốc quy định trong công ty mình “một người đi muộn cả phòng sẽ chịu phạt”, chỗ khác cấm nhân viên “không được ăn mực nhưng lại cho phép ăn sầu riêng”...

Vậy thì những quy định, luật lệ kỳ quặc trong thời gian qua từ đâu mà có? Như đã phân tích ở trên, đó là sự sốt ruột muốn giải quyết những bức xúc của xã hội. Nhưng người ta quên rằng phần nhiều vấn đề được đề cập đều thuộc lĩnh vực văn hóa. Mà văn hóa là thứ rất khó quên, khó phai mờ và cũng rất khó sửa chữa tức thì theo ý bất kỳ ai. Phục hưng được văn hóa là có tất cả.

Một người có văn hóa sẽ biết cách tiêu tiền, sẽ biết cách dự đám cưới như thế nào cho khỏi lố, biết có nên mang đến đám tang vòng hoa hay không. Ra những quy định cần thiết cho từng giai đoạn cũng có mục đích và hiệu lực thay đổi dần dần văn hóa một quốc gia, một xã hội. Điều kiện duy nhất để làm việc đó là những quy định ấy phải dựa trên cơ sở hiến pháp và phong tục tập quán của dân tộc cũng như thực tiễn xã hội đương thời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận