TTCT - Việc Nga đình chỉ thỏa thuận Nga - Mỹ về tiêu hủy plutonium, rồi Mỹ đình chỉ đàm phán với Nga về Syria là những diễn biến mới nữa cho thấy quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đến mức hầu như một ăn, một thua... Trong khi các cường quốc giành giật ảnh hưởng thì Aleppo giờ chỉ còn là đống gạch vụn -ibtimes.com Đài truyền hình Nga RT 3-10 loan báo Tổng thống Nga Putin hôm thứ hai đã ký một sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận với Mỹ về việc tiêu hủy chất plutonium do “các hành động thù địch của Mỹ chống lại nước Nga”. Cũng theo RT, quyết định này là do “những thay đổi căn bản trong môi trường, đe dọa tới sự ổn định chiến lược” và “việc Mỹ bất lực không thể thực hiện nghĩa vụ trong việc tiêu hủy chất plutonium đã được tinh chế đến cấp độ có thể dùng để chế tạo vũ khí, theo đúng các điều ước quốc tế”. RT giải thích quyết định này nhằm đáp ứng “nhu cầu nhanh chóng hành động để bảo vệ an ninh của Nga”. nhưng cũng cho biết quyết định này “có thể được đảo ngược, nếu các hành động thù địch đó được dừng lại” đồng thời nhấn mạnh Nga sẽ không sử dụng các nguyên liệu phân hạch này cho bất kỳ mục đích quân sự nào, dù để sản xuất hay nghiên cứu các loại vũ khí mới. Nga nói gà, Mỹ nói vịt! Trong thực tế, thỏa thuận về việc quản lý và tiêu hủy plutonium ký kết năm 2000, theo đó hai bên cam kết tiêu hủy tối thiểu 34 tấn plutonium ở cấp độ có thể biến thành vũ khí ra khỏi các chương trình quốc phòng của mình, biến lượng plutonium đó thành nhiên liệu sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân, chẳng có mấy ý nghĩa khi cả hai bên đã có quá dư đầu đạn hạt nhân sau khi đã từng chạy đua sản xuất trong Chiến tranh lạnh một lượng nguyên liệu đủ để chế tạo đến 17.000 vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận này chẳng qua giải quyết việc tiêu hủy lượng nguyên liệu dư thừa đó thôi (Mỹ khoảng 100 tấn, Nga khoảng 150 tấn plutonium ở cấp độ vũ khí - WGPu). Thành ra, quyết định đình chỉ này của Nga chỉ là “một dấu hiệu cảnh báo Washington”, như lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov hôm thứ hai. Ông Lavrov giải thích: “Việc đình chỉ này là một biện pháp bắt buộc... Bất hạnh thay, mấy năm qua Mỹ đã tiến hành một số bước không thân thiện nhắm vào nước Nga. Đặc biệt, Mỹ đã vịn vào một số chiêu bài giả tạo, đưa ra một số biện pháp trừng phạt kinh tế cùng các mặt khác ở quy mô lớn chống Nga”. Lý do chủ yếu thứ nhì, theo ông Lavrov, là: “Mỹ đã khởi động việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự của mình và của NATO sát biên giới Nga. Washington cùng các đồng minh của họ công khai nói đến việc “kiềm chế” Nga”. (Họ) tìm cách nói chuyện với nước Nga bằng cách sử dụng sức mạnh, bằng những trừng phạt và tối hậu thư, cũng như chỉ cộng tác một cách chọn lọc với đất nước chúng tôi ở những lĩnh vực có lợi cho nước Mỹ, sẽ không thành công đâu!”. Ông Lavrov còn đưa ra bảng “điều kiện sách” của phía Nga để cứu vãn tình hình: “Nga có thể khôi phục hiệu lực thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân của Mỹ trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và đạo luật Magnitsky” (đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2013 nhằm trừng phạt 18 viên chức Nga bị cáo buộc liên quan đến cái chết trong nhà tù Matxcơva của luật gia Sergei Magnitsky năm 2009), theo Thông tấn xã Nga Sputnik. Nga còn yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì Nga buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả, đồng thời đòi hỏi Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận. Từ phía Nga, vấn đề là như thế. Song từ phía Mỹ, vấn đề lại là do Nga lấn chiếm Crimea. Trong thông điệp về ngân sách “Sáng kiến tái đảm bảo châu Âu” (ERI) tài khóa 2017, Tổng thống Mỹ Obama nêu ra cái nhìn từ phía Washington, theo đó tất cả là do Nga: “Từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine cách đây hai năm, Mỹ đã luôn tiến hành những bước quyết định và bền vững nhằm đảm bảo an ninh cho các đồng minh của chúng ta và tăng cường khả năng phòng vệ tập thể của NATO ở bối cảnh thay đổi trong môi trường an ninh của châu Âu. Trong khuôn khổ Sáng kiến tái đảm bảo châu Âu (ERI), chúng ta đã gia tăng hiện diện quân sự tại châu Âu..., cung cấp tài chính cho chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương, qua đó lực lượng Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện bền vững trên không, trên biển, trên bộ ở Trung và Đông Âu. Cùng với các đồng minh, Hoa Kỳ đã có những bước quan trọng để thực hiện các kế hoạch sẵn sàng hành động. Những bước này là cần thiết nhưng chưa đủ. Liên minh có nhiều việc phải làm. Rõ ràng là Hoa Kỳ và các đồng minh phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy phòng thủ chung. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi thông báo tăng gấp bốn lần ngân sách ERI cho năm tài chính 2017. Một ngân sách ERI ở mức 3,4 tỉ USD sẽ cho phép Hoa Kỳ tăng cường thế trận quân sự mạnh mẽ ở châu Âu, và cải thiện khả năng của chúng tôi trong việc duy trì cam kết với các thành viên NATO”. Trưa thứ hai 3-10 (giờ Washington, trễ hơn giờ Nga), Vụ trưởng Vụ Báo chí Bộ ngoại giao Mỹ Elisabeth Trudeau phản pháo những cáo buộc “hành động thù địch” từ phía Nga: “Tôi cũng xin lưu ý việc Nga không trung thực khi nêu mối đe dọa là Hoa Kỳ đối với sự ổn định chiến lược như một lý do của quyết định này. Mỹ tìm kiếm một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga về vấn đề chiến lược, nhưng chính Nga lại tiếp tục tham gia hoạt động gây bất ổn, và nay ngừng hợp tác theo những thỏa thuận như thỏa thuận này”. Hai hôm sau, đích thân Ngoại trưởng Mỹ Kerry trả lời ông Lavrov từ Brussels trong Hội nghị quan hệ xuyên Đại Tây Dương: “Tôi muốn nhấn mạnh điều này đặc biệt giữa các tin tức của những ngày qua rằng NATO là một liên minh phòng thủ. Người Nga nên biết rằng mặc cho những gì các nhà lãnh đạo của họ đôi khi nói với họ, liên minh của chúng tôi không tìm cách làm suy yếu, kiềm chế, hoặc chia rẽ đất nước của họ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng tôi muốn cộng tác với Nga... Song, ý nguyện của NATO và các nước EU tìm kiếm một nền tảng chung với Nga không thể buộc chúng tôi từ bỏ lập trường của mình là nhân danh tự do và luật pháp quốc tế. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn kiên định hỗ trợ một Ukraine ổn định, đoàn kết và dân chủ. Matxcơva không nên nghi ngờ gì về điều này: chúng tôi sẽ giữ vững lập trường. Trắng trợn xâm lược không phải là điều chúng tôi có thể chấp nhận, và không nơi nào trên thế giới hiểu nó rõ ràng hơn so với châu Âu. Vì vậy, chúng tôi đã áp đặt lệnh trừng phạt và chúng tôi đang nhấn mạnh vào một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột trong Donbas và việc thôn tính bất hợp pháp Crimea... Giờ đây, rõ ràng Nga đang thấm thía lệnh trừng phạt, song đừng ai quên rằng các lệnh trừng phạt đó không được đặt ra một cách tùy tiện... mà là để khuyến khích (Nga) quay lại với hòa bình, ổn định và thừa nhận chủ quyền hợp pháp (của Ukraine)”. Không chỉ tiếng bấc tiếng chì, hai bên còn hầm hè dọa nhau sẽ động tay động chân. Mới hôm 10-9 thôi, Nga đã bắt đầu một trong những cuộc diễn tập quân sự lớn nhất từ trước giờ ở bán đảo Crimea... 120.000 quân nhân tham gia một tháng diễn tập suốt dọc biên giới phía Nam của Nga. Đáp lại, hai ngày sau, hải quân một số nước NATO gồm Anh, Canada, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ đã tập chống tàu ngầm trong hai tuần. Dù cho các cường quốc có nhân danh điều gì thì Ukraine, Crimea, Syria... rốt cuộc vẫn chỉ là các quân cờ trên bàn cờ địa chính trị của các “ông lớn” mà thôi. Syria: Khi mặt nạ được gỡ Có một điểm cả Nga và Mỹ nhất trí: môi trường an ninh đang thay đổi và sự thay đổi đó không chỉ diễn ra ở châu Âu. Syria đã trở thành điểm nóng trong một cuộc đọ sức mới giữa hai cường quốc, nhất là từ khi hơn một năm qua, Nga đã “dấn thân” quyết liệt tại vùng chiến sự này. Mới nhất, sáng 4-10, Đài RT của Nga chạy tít: “Matxcơva cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Syria để bảo vệ căn cứ hải quân của Nga”, kèm tấm hình tên lửa S-300 “uy dũng”. Căn cứ đó là căn cứ Tartus, đầu cầu duy nhất của Nga trên Địa Trung Hải. CNN thì cho biết thêm dàn S-300 đó là hệ thống mới hơn đã được chỉnh sửa “sẽ giúp Nga tăng cường đáng kể năng lực phòng không ở tây bắc Syria”. Đó có vẻ như là một động thái đáp trả lại việc Mỹ tuyên bố ngưng các cuộc đàm phán song phương với Nga về một giải pháp ngừng bắn ở Syria cũng hôm 3-10, sau khi Nga quyết định đình chỉ thỏa thuận plutonium. Cuộc chiến “chống khủng bố” ở Syria, đặc biệt là chống IS, mà cả Nga và Mỹ cùng nhân danh, đang dần hiện rõ chỉ còn là một cuộc tranh giành Syria giữa Washington và Matxcơva qua “trung gian” là các phe đối lập và chính quyền Assad, đang ở thế một mất một còn trong cuộc vây hãm Aleppo - thủ phủ của phe nổi dậy. Giờ thì chẳng bên nào giấu diếm gì nữa, trong khi Nga khoe tên lửa thì Ngoại trưởng Mỹ Kerry ngày 4-10 đã yêu cầu thẳng thừng rằng Mỹ muốn Nga rút các máy bay khỏi không phận Aleppo và không loại trừ khả năng không quân Mỹ sẽ không kích trực tiếp lực lượng chính phủ Assad, ngay cả khi điều này dẫn tới rủi ro nổ ra đọ súng trực diện Nga - Mỹ trên chiến trường. Sau khi ngừng thương thuyết với Nga về Syria, Washington lại tiếp tục xem xét “hàng loạt lựa chọn khác”, bao gồm áp các lệnh cấm vận mới với Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy được CIA huấn luyện ở Syria, theo Wall Street Journal ngày 4-10. Một lựa chọn khác là bật đèn xanh cho những đối tác của Mỹ trong khu vực, như Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy bên ngoài các kênh của Mỹ. Khi những chiếc mặt nạ được gỡ xuống, dù cho các cường quốc có nhân danh điều gì thì Ukraine, Crimea, Syria... rốt cuộc vẫn chỉ là các quân cờ trên bàn cờ địa chính trị của các “ông lớn” mà thôi.■ Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3-10, một nhà báo đã hỏi thẳng: Liệu Mỹ có đang cung cấp cho phe đối lập Syria bất cứ giúp đỡ quân sự hay chỉ đạo nào nhằm ngăn chặn sự thất thủ của Aleppo vào tay quân Syria và người Nga? - Phát ngôn viên phó TONER: Chúng tôi có cung cấp cho họ một số hỗ trợ, một số chỉ đạo. Tôi không muốn đi vào chi tiết... Song, quả là có cung cấp. Tags: Quan hệ Nga MỹKhông thấy lối ra
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Phương án hợp nhất để giảm 5 bộ, 4 cơ quan của Chính phủ NGỌC THÀNH 04/12/2024 Theo định hướng của Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết 18 sau khi sắp xếp, hợp nhất, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cận cảnh hỗn loạn trong nhà Quốc hội Hàn Quốc sau thiết quân luật HÀ ĐÀO 04/12/2024 Dù chỉ tồn tại sáu tiếng, lệnh thiết quân luật do Tổng thống Yoon Suk Yeol ban hành khuya 3-12 cũng đủ khiến Seoul có một đêm không ngủ.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền HOÀI PHƯƠNG 04/12/2024 Ca sĩ Bích Tuyền xác nhận với Tuổi Trẻ Online rằng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã rút đơn kiện chồng mình là ông Gerard Williams.
Sốc: Nữ văn sĩ Quỳnh Dao từ bỏ cuộc đời ở tuổi 86 LAN HƯƠNG 04/12/2024 Cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao khiến truyền thông Trung Quốc rúng động, nhiều khán giả bật khóc trước sự ra đi của bà.