Không tiền mặt và "ATM ngược"

HẠ LAM 22/06/2023 05:01 GMT+7

TTCT - Làm sao vẫn có thể "chỉ nhận thẻ/thanh toán điện tử" trong khi chính quyền cấm không được từ chối người dùng tiền mặt? Những băn khoăn đó đã dẫn đến sự ra đời của "ATM ngược", biến tiền mặt thành phương thức thanh toán không tiền mặt.

Một cây "ATM ngược" tại cửa hàng trong tổ hợp sân vận động Rogers Centre, sân nhà của đội bóng chày Toronto Blue Jays (Canada). Ảnh: Wavetec

Một cây "ATM ngược" tại cửa hàng trong tổ hợp sân vận động Rogers Centre, sân nhà của đội bóng chày Toronto Blue Jays (Canada). Ảnh: Wavetec

Trước tình hình mạng lưới ATM ngày càng suy giảm, giới chức trách Mỹ đã có hành động để bảo vệ quyền lợi của những người không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.

Nhiều bang ở Mỹ cấm doanh nghiệp từ chối tiền mặt, điển hình ở New York, Hội đồng thành phố đã thông qua lệnh cấm không dùng tiền mặt vào tháng 11-2020 khi dịch COVID đang ở đỉnh điểm, do lo ngại cho hàng trăm nghìn người dân New York sẽ bị ảnh hưởng. 

Theo New York Post, chính quyền mạnh tay phạt tiền các doanh nghiệp không tuân thủ luật như tiệm kem cao cấp Van Leeuwen và cửa hàng bánh pizza Roberta's nổi tiếng ở khu vực Bushwick.

Luật lệ nghiêm ngặt làm nhiều doanh nghiệp gặp khó, vì họ có nhiều lý do để thích thanh toán không tiền mặt hơn. Tình cảnh này lại là chất xúc tác giúp một nhà cung cấp dịch vụ có tên ReverseATM sáng tạo ra máy ATM đảo ngược, còn được gọi là ki ốt chuyển tiền mặt sang thẻ.

Để sử dụng máy ATM ngược, khách hàng nạp tiền mặt vào máy và nhận lại thẻ ghi nợ có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào chấp nhận Visa hoặc Mastercard. Hầu hết các máy không tính phí mua thẻ, nếu có thường là 5 USD.

Theo New York Post, khách hàng của ReverseATM gồm đông đảo các quán ăn nhanh, khách sạn, casino, công viên giải trí... đến các địa điểm thể thao lớn như Madison Square Garden.

Thẻ ATM ngược khá tốn kém ngay từ khâu mua về đến bảo trì về sau, chưa kể một số điểm bất cập như tính phí người dùng. Nhưng có lý do khiến các doanh nghiệp và cửa hàng vốn quen dùng tiền mặt thi nhau chuyển sang chấp nhận thẻ được nạp tiền từ ATM ngược.

Nói ngắn gọn, các doanh nghiệp cho rằng so với những cái hại đó, lợi ích mà ATM ngược mang về lớn hơn. Stratis Morfogen, người sáng lập nhà hàng Brooklyn Dumpling Shop, chia sẻ với New York Post: "Tiền mặt bẩn lắm. Đại dịch đã giúp ta nhận ra điều này. Và cũng không an toàn cho nhân viên của chúng tôi nếu máy tính tiền chứa đầy tiền mặt. Khi bạn mang theo tiền mặt, bạn là mục tiêu của bọn tội phạm và tôi không thoải mái khi để nhân viên của mình bên cạnh nhiều tiền mặt".

Cách đây vài tháng, Morfogen chia sẻ rằng anh đang đàm phán để lắp đặt các máy ATM ngược ở các quán ăn, đặc biệt là tại địa điểm East Village, nơi mở cửa suốt đêm vào cuối tuần.

Không tiền mặt và "ATM ngược" - Ảnh 2.

Trả lời phỏng vấn của Washington Examiner, Jim Mohs, phó giáo sư tại Đại học New Haven, nhận định việc các doanh nghiệp muốn khách chuyển sang thanh toán thẻ cũng là chuyện dễ hiểu khi tình trạng tội phạm ở các thành phố ngày càng gia tăng kể từ khi bắt đầu đại dịch, tin tức cướp bóc các cửa hàng bán lẻ thì nhan nhản hằng ngày. Ông tin rằng một cửa hàng không có sẵn hàng ngàn đô la tiền mặt sẽ ít khả năng lọt vào tầm ngắm của bọn cướp.

Lợi ích tiếp theo đơn giản là sự tiện lợi. Tiền mặt chiếm không gian, trong khi chỉ cần một hoặc hai chiếc thẻ là đã có thể đáp ứng gần như mọi nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng.

Một ưu điểm khác khiến thẻ vượt trội tiền mặt là khả năng lấy lại số tiền bị đánh cắp. Đơn cử, khi bị móc bóp, chủ nhân chiếc bóp không có cách nào lấy lại số tiền bị trộm trừ khi tên trộm bị tóm. Nhưng nếu người đó bị kẻ gian lấy thẻ tín dụng để chi tiêu, chỉ cần một thao tác báo mất thẻ là họ đã có thể ngăn chặn thất thoát.

Với những lý do trên, Mohs hy vọng rằng các máy ATM chuyển tiền mặt sang thẻ sẽ ngày càng phổ biến. Với đà đó, ông dự đoán việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ ngày càng giảm: "Thực trạng nền kinh tế không tốt như mọi người nghĩ đâu. Mọi người đang chi trả cho nhu yếu phẩm thông thường của họ bằng tín dụng nhiều hơn. Tôi tin rằng trong vòng 10 hoặc 15 năm tới, tiền mặt có thể sẽ không còn tồn tại".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận