TTCT- Dù giá khá cao so với hải sản trong nước nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không ngại chi tiền để mua hải sản nhập khẩu. Một số loại hải sản nhập khẩu tại cửa hàng ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) được nhiều khách hàng chọn mua -YẾN TRINH Khảo sát một vòng các siêu thị, cửa hàng bán lẻ thực phẩm và trên mạng có thể thấy người tiêu dùng VN đang dễ dàng tiếp cận các loại hải sản nhập khẩu hơn bao giờ hết. Từ các loại cá phục vụ phân khúc bình dân, tiêu dùng trong bữa ăn hằng ngày như cá trứng, cá thu Nhật, cá sa ba giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/kg đến các loại cá cao cấp hơn như cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá tuyết có giá từ 200.000 - 500.000 đồng/kg tùy loại. Một phân khúc hải sản nhập khẩu khác cũng rất sôi động là hải sản dành cho các nhà hàng đặc sản và khách sạn cao cấp. Có thể kể đến các sản phẩm như bào ngư Úc, vẹm xanh New Zealand, tôm hùm Canada, cua hoàng đế Alaska, bạch tuộc Nhật, trứng cá hồi, trứng cá tầm... với giá 1-5 triệu đồng/kg. Ông Nguyễn Quang Minh, một đầu mối cung cấp hải sản cho các nhà hàng tại Q.10 (TP.HCM), cho hay phân khúc hải sản dành cho nhà hàng đặc sản còn có dòng hải sản còn sống được vận chuyển bằng đường máy bay về có giá thường cao gấp đôi so với hàng đông lạnh. Các mặt hàng nhập khẩu đều có hóa đơn chứng từ rõ ràng và được sơ chế, đóng gói kỹ lưỡng. Đủ loại hải sản ngoại Tại một cơ sở hải sản ở Q.Tân Bình, vợ chồng anh Bùi Hải (nhà ở Q.Phú Nhuận) đang chọn mua cá tuyết và tôm. Anh nói: “Mỗi tháng chúng tôi bỏ ra không dưới 20 triệu đồng cho các loại cá tuyết, trứng cá hồi. Ngoài chế biến để ăn trong gia đình, chúng tôi còn gửi về quê cho ông bà”. Anh còn lên mạng đặt mua của một số trang mạng chuyên bán hải sản nhập khẩu. Gia đình chị Thu Lý (Q.Gò Vấp) mua trứng cá hồi 2 năm nay. Ban đầu mua thử với giá 200.000 đồng/50 gram trứng cá hồi, ăn thấy ngon nên sau này mỗi đợt chị đều rủ thêm mấy người bạn mua chung 700 - 800 gram trứng cá hồi rồi chia ra. Chị lý giải: “Những loại thực phẩm ngoại nhập khác thì siêu thị đều có nên tôi chỉ mua loại trên. Chỉ mới thấy sạch đẹp là thích rồi chứ chưa bàn tới chất lượng”. Ngày 25-11, chị Nguyễn Thu Hiền (Q.3) ghé vào siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) để mua thực phẩm cho hai ngày cuối tuần. Trong giỏ hàng của chị ngoài các loại rau, thịt heo còn có hai con cá sa ba nướng giấy bạc đông lạnh. Chị Hiền cho hay gia đình chị rất thích ăn món này kể từ khi dùng lần đầu tại một nhà hàng. Cá sa ba nhiều thịt, ăn lại thơm và dễ chế biến nên rất thuận tiện khi nấu ăn. Hơn nữa, so với giá của các loại cá trong nước thì cá sa ba nhập khẩu chỉ ở mức 60.000 đồng/kg. Cũng theo chị Hiền, ngoài cá sa ba Nhật, trong các siêu thị cũng có những loại cá nhập khẩu khác có chất lượng tốt mà giá lại khá mềm là cá trứng và cá thu Nhật. Trong khi đó, tại một cửa hàng thực phẩm cao cấp ở Q.1, ông Nguyễn Minh Trí chọn mua loại cá tuyết Alaska với giá lên đến gần 1 triệu đồng/kg. Ngoài ra, cửa hàng này còn bán cá hồi nhập khẩu với giá 455.000 đồng/kg (loại philê) và cá bơn biển Bắc với giá đắt hơn một chút. Theo ông Trí, dù vẫn chủ yếu dùng hải sản ở trong nước nhưng mỗi khi cần một loại hải sản cao cấp thì ông thường chọn đồ nhập khẩu vì trong nước hầu như không có. “VN có cá ngừ nhưng tôi ít thấy bán loại cao cấp, các loại cá nổi tiếng khác như cá hồi, cá tuyết thì không có” - ông Trí nói. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng VN lựa chọn các loại hải sản nhập khẩu trong bữa ăn gia đình do mức sống cao hơn, nhu cầu về thực phẩm cũng đa dạng hơn. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều nhà sản xuất và phân phối hải sản cũng đã tìm kiếm các nguồn hàng nhập khẩu từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh về đánh bắt và khai thác hải sản như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Canada, Nga, Na Uy... để cung cấp cho người tiêu dùng. Nhà hàng cũng “sốt” Theo số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM, trong năm 2015 VN đã nhập gần 77 tấn cá tuyết, gần 54 tấn trứng cá hồi, hơn 1.860 tấn cua. Từ đầu năm 2016 đến nay, VN đã nhập khoảng 33,6 tấn cá tuyết, khoảng 32 tấn trứng cá hồi, hơn 1.035 tấn cua. Mỹ, Canada, New Zealand là các nước VN có lượng nhập khẩu cua, trứng cá hồi... nhiều nhất. Không những mua hải sản về chế biến tại nhà, khách hàng còn chuyển sang đi ăn ở nhà hàng hải sản ngoại. Tại nhà hàng R.B 2 (Q.3), 19g đã chật kín người. Quản lý nhà hàng tên Dũng cho biết gần đây một bộ phận thực khách chọn các loại hải sản nhập như tôm hùm Alaska, tu hài (ốc vòi voi) nhập từ Canada, cua hoàng đế từ Singapore... cho thực đơn của mình. Giá 1kg tôm hùm Alaska (loại trên 2kg) 1,4 triệu đồng, cua hoàng đế 2,6 triệu/kg, tu hài 2 triệu đồng/kg... chưa kể công chế biến. “Những ngày cuối tuần các loại hải sản nhập thường cháy hàng, chúng tôi phải huy động hàng từ các nguồn khác. Gần đây lượng hàng nhập về bằng đường hàng không tăng gấp đôi so với vài tháng trước. Sắp tới nhà hàng sẽ nhập một số hải sản lạ, “độc” từ các vùng biển lạnh trên thế giới để phục vụ thực khách” - Dũng nói. Ngay lúc đó, một nhóm khách nước ngoài kêu món tôm hùm Alaska. Dũng phải gọi điện về “đại bản doanh” R.B 5 nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xin “chi viện”. Trong khi đó, một nhóm khách khác sau khi gọi cua hoàng đế không có đành chọn hai con tu hài Canada có giá gần 5 triệu đồng. Chúng tôi hỏi tại sao không dùng các loại cua khác, một vị khách tên Hải nói: “Thịt cua hoàng đế Alaska có hương vị đặc biệt, thơm ngon nhất trong tất cả các loại cua trên thế giới. Đã một lần ăn món này thì không loại cua nào sánh bằng”. Tương tự, tại nhà hàng chuyên bán các món chế biến từ hải sản nhập khẩu A.T (Q.1), dù giá lúc tính tiền cho một người bình quân trên 500.000 đồng nhưng không ngớt khách. Các món hàu Pháp, cua Mỹ, tôm hùm Canada... có giá tiền triệu nhưng vẫn được gọi nhiều. Quản lý nhà hàng cho biết ngoài nguồn cung trực tiếp từ công ty phân phối, nhà hàng còn chọn một số điểm bán ở TP.HCM để đảm bảo đủ lượng hải sản bán cho khách, đặc biệt trong những ngày cuối tuần, ngày lễ. Anh Trần Hiếu, chủ cơ sở hải sản H (Q.Bình Thạnh), cho biết anh mở bán hải sản nhập khẩu từ năm 2013 nhưng khoảng một năm nay, số lượng người mua tăng mạnh. “So với năm ngoái, năm nay lượng khách lẻ mua hải sản nhập tăng gấp đôi, kể cả mua trực tiếp và đặt hàng qua mạng” - anh nói. Cơ sở của anh còn cung ứng hải sản cho một số nhà hàng lớn nhỏ tại TP.HCM, các nhà hàng này gần đây cũng đặt hàng nhiều hơn khoảng 40% so với trước. Các loại hải sản được ưa chuộng có thể kể đến như philê cá hồi Na Uy (khoảng 500.000 đồng/kg), trứng cá chuồn Nhật Bản (khoảng 550.000 đồng/nửa ký), bào ngư Úc (3,5 - 4,5 triệu đồng/kg), vẹm xanh New Zealand (300.000 đồng/kg), tôm hùm hai màu Canada... Theo anh Hiếu, các loại này ngày nào anh cũng nhập hàng qua đường chính ngạch và xách tay rồi trữ ở kho đông lạnh. Các mặt hàng này được chế biến, đông lạnh và đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Vài tháng nay, ngoài bán các thực phẩm trong nước, chị Lê Thị Hải Huyền (26 tuổi, Q.8) còn bán thêm hải sản nhập khẩu trên mạng. Mỗi lần sắp lấy hàng, chị đăng thông tin trên Facebook, ai có nhu cầu đặt hàng thì báo số lượng. Sau đó chị nhờ một số mối quen ở nước ngoài hoặc tự mình đi Singapore lấy hàng về. Các mặt hàng chị thường nhập là tôm, cua, cá tuyết Canada, trứng cá hồi, thịt cá hồi vụn... Ngoài ra, chị Huyền cũng liên hệ một công ty chuyên cung ứng thực phẩm xuất khẩu tại TP.HCM (chuyên nhập hàng từ nước ngoài về gia công) để mua những mặt hàng “rớt size” (kích cỡ nhỏ hơn tiêu chuẩn hàng xuất thông thường). Theo chị Huyền, các mặt hàng này có giá rẻ hơn giá thị trường, lấy về không kịp bán. Trứng cá hồi là một trong những mặt hàng giá cao, khoảng 280.000 đồng/100 gram. Các loại hải sản khác có giá thấp hơn hoặc biến động tùy theo mùa. Dạo một vòng các trang mạng, dễ nhận thấy ngày càng nhiều những trang web, trang Facebook mở bán các loại hải sản ngoại nhập từ nhiều nước: Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, Pháp... Một số chủ trang web cho biết nguồn hàng chủ yếu lấy qua công ty phân phối và qua kênh xách tay. Chị Trang Nguyễn, chủ một trang cung cấp hải sản nhập khẩu, cho biết hiện nay chủng loại hải sản rất đa dạng. Ngay cả với cá hồi, mức giá trứng cá, đầu cá, lườn, thịt vụn... cũng rất chênh lệch. Ngoài ra, không chỉ cua, cá, khách hàng còn rất chuộng bào ngư, ốc, hàu, vẹm...■ Theo một số chủ cơ sở cung ứng hải sản nhập khẩu, để mua được hải sản nhập khẩu chất lượng, người mua nên xem xét nguồn hàng, giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng mặt hàng... Theo bác sĩ dinh dưỡng Dương Thị Kim Loan (Bệnh viện Thống Nhất), các loại thực phẩm ngoại nhập có mẫu mã đẹp, tâm lý người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Nhưng về mặt giá trị dinh dưỡng còn tùy các yếu tố: quy trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch, việc bảo quản, vận chuyển, kiểm dịch... Nếu sản phẩm được nuôi từ loại giống tốt, bảo quản và vận chuyển tốt thì hầu như sản phẩm có nguồn gốc khác nhau nhưng giá trị dinh dưỡng có thể tương đương nhau. Tags: Hải sản nhập khẩuHải sản nhậpThích hải sản nhậpNhập nhiều hải sản
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.