Kinh tế lễ hội: Kinh nghiệm Singapore

N.BÌNH THỰC HIỆN 12/12/2014 15:12 GMT+7

TTCT - Chi tiêu của khách du lịch đến Singapore đạt đến 23 tỉ đôla Sing dù còn gần một tháng nữa mới hết năm 2014, đóng góp 2-3% GDP của nước này.

ông Klen Koh - Ảnh: N.B.
Ông Klen Koh - Ảnh: N.B.

Trong đó, khoản chi tiêu đến nhiều nhất là mua sắm, tiền khách sạn, ăn uống, tham quan, giải trí.

Tạo không khí lễ hội là cách người Singapore đã thành công để kích thích mua sắm, biến nơi đây thành thiên đường mua sắm, giải trí tầm cỡ của khu vực. Trao đổi với TTCT, ông Klen Koh - đại diện Tổng cục Du lịch Singapore (STB) tại VN, Lào và Campuchia - cho biết Singapore bắt đầu tập trung phát triển mô hình kinh tế lễ hội từ những năm 2002. 

"Chúng tôi đã tổ chức những lễ hội cấp quốc gia để thu hút khách quốc tế đến mua sắm. STB đóng vai trò một tổng đạo diễn phối hợp với ngành du lịch, hàng không, khách sạn, bán lẻ, hàng tiêu dùng, quà tặng, ẩm thực. Chi phí để tạo ra sự kiện này được chia sẻ giữa chính phủ và các doanh nghiệp.

Chúng tôi cùng bàn với họ liệu chính phủ muốn làm điều này, kế hoạch kia thì sẽ hiệu quả hay không và lắng nghe ý kiến của những người có kinh nghiệm trong thực tế kinh doanh. Mỗi tháng ở Singapore đều có sự kiện riêng, chia theo giai đoạn để thu hút người tham gia.

Ở mỗi lễ hội, các cửa hàng, nhà bán lẻ đều được thông tin rộng rãi, dựa trên kế hoạch kinh doanh của mình để đưa ra những chương trình giảm giá, khuyến mãi phù hợp. Chẳng hạn như mùa siêu giảm giá tháng 6 ở Singapore hay mùa khuyến mãi Noel, năm mới hay lễ đón năm mới"... 

* Làm thế nào để kêu gọi các doanh nghiệp cùng bắt tay làm nên những mùa giảm giá lớn?

- Trước khi làm sự kiện gì, chính phủ luôn lắng nghe các doanh nghiệp nhận xét về chương trình sắp diễn ra. Điều này thực hiện từng bước một, không vội vàng hay tạo sức ép một chiều lên doanh nghiệp, một khi doanh nghiệp nhận thấy các lợi ích từ những hoạt động này họ sẽ chủ động tham gia. Sau khi thống nhất, những kế hoạch này mới được đưa ra công bố với truyền thông. 

Chúng tôi thuyết phục các doanh nghiệp bằng chính kết quả thành công từ sự kiện đó. Khi nói chuyện với doanh nghiệp, chúng tôi chia sẻ các ý tưởng và những điều có thể học hỏi từ các nước khác. Chính phủ sẽ tập trung quảng bá càng rộng rãi càng tốt, đánh vào nhận thức của người dân, của khách du lịch.

Nhiệm vụ của doanh nghiệp và chủ cửa hàng là bảo đảm giá phải thật sự cạnh tranh, hàng đảm bảo chất lượng. Chúng tôi không kiểm soát hay can thiệp những cửa hàng đó giảm bao nhiêu, giảm cái gì vì chính thị trường tự do sẽ quyết định.

Chính doanh nghiệp sẽ nhìn thấy những lợi ích nhận được khi mà khách du lịch đến ngày càng đông và mua sắm nhiều. Giá cạnh tranh sẽ giúp họ giữ uy tín và biết cần làm gì để đáp ứng nhu cầu đó. 

Thực hiện chương trình “Mùa sale tháng 9” chỉ là một nhóm chuyên bán lẻ của STB gồm 10 người. Các thành viên trong nhóm này sẽ trực tiếp làm việc với các hiệp hội, tổ chức bán lẻ, các cửa hàng về nội dung giảm giá, thời gian thực hiện.

Các văn phòng của STB ở nước ngoài sẽ quảng bá cho khách nước ngoài. Công việc này được phối hợp một cách nhịp nhàng. Mỗi chiến dịch đều có những thước đo mức độ thành công để đảm bảo mỗi đồng tiền tiêu ra đều đem lợi nhuận về và ảnh hưởng càng nhiều càng tốt. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận