Hai cơ quan thuế và thống kê đang tìm cách “quan sát” tận tường khu vực kinh tế “chưa được quan sát” nhằm đánh giá tổng thể và chính xác nền kinh tế. Lĩnh vực nào sẽ là đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế, lĩnh vực nào sẽ được khuyến khích phát triển như một kênh hỗ trợ cộng đồng? "Kinh tế vỉa hè" đóng góp cho xã hội, cộng đồng những giá trị không thể tính bằng thuế?-Ảnh: Gia Tiến Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát cần hướng tới mục tiêu để đánh giá sức khỏe toàn diện của nền kinh tế, từ đó đưa ra chính sách quản lý tốt hơn từng đối tượng. Trao đổi với TTCT, ông Phạm Thế Anh - trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô, khoa kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân - nhấn mạnh việc nhận diện các khu vực hoạt động của nền kinh tế không nên vì mục tiêu “tận thu” mọi đối tượng, để rồi lại tăng chi tiêu công và nợ công. Tổng cục Thống kê vừa công bố đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu, ý nghĩa của đề án này? - Việc ước tính quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát có ý nghĩa tốt. Bởi để đánh giá sức khỏe, thành tích một nền kinh tế trong một thời kỳ nhất định, người ta phải dùng một thước đo nào đó. Trong đó thước đo đại diện nhất, được sử dụng phổ biến nhất là GDP. Nếu không tính toán chính xác được thước đo này sẽ không thể đánh giá chính xác sức khỏe của nền kinh tế, từ đó không thể có chính sách quản lý, điều tiết nền kinh tế phù hợp. Công tác thống kê GDP rất quan trọng. Bên cạnh thống kê GDP chính thức thì người ta cũng ước lượng khu vực kinh tế chưa/không thể quan sát. Theo tôi hiểu, đề án này mới được phê duyệt và đang được triển khai ở những bước đầu tiên. Theo đề án, các hoạt động kinh tế chưa quan sát được bao gồm năm thành tố: hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình, và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu. Nội dung, danh mục cụ thể của năm thành tố này và phương pháp ước tính/đo lường chúng chưa được cơ quan thống kê công bố. Tôi cho rằng nguyên tắc để thống kê, nhận diện danh mục các hoạt động trong từng thành tố phải trên hai cơ sở. Thứ nhất, chỉ những hoạt động kinh tế tạo ra hàng hóa và dịch vụ trong khu vực kinh tế chưa được quan sát mới đủ điều kiện cần để được tính vào GDP. Thứ hai là ngay cả các hoạt động tạo ra hàng hóa và dịch vụ, nhưng hoạt động nào được tính vào GDP và hoạt động nào không cũng cần phải cân nhắc. Không phải cái nào tạo ra hàng hóa và dịch vụ cũng được đưa vào GDP, mà phải tương đồng với các nước, phù hợp chuẩn mực quốc tế, cũng như phù hợp với quy định pháp luật trong nước. GDP của chúng ta có nội dung và phương pháp tính thống nhất với quốc tế thì mới có thể đem ra so sánh với các nước khác trên thế giới. Đã có nhiều băn khoăn về chất lượng con số thống kê chính thức do cơ quan thống kê đưa ra. Vậy với khu vực kinh tế chưa được quan sát thì theo ông, nên nhận diện bằng phương thức nào để chính xác nhất? - Khu vực kinh tế chưa được quan sát là hoạt động khó hoặc không thể tính toán được một cách trực tiếp. Do đó, việc tính toán chỉ là ước lượng, phỏng đoán, hoặc phải quan sát thông qua hệ quy chiếu nào đó. Vì giao dịch đó không diễn ra, hoặc diễn ra nhưng lại không công khai trên thị trường. Do vậy, thông thường các nhà kinh tế đôi khi phải ước lượng chúng thông qua một biến đại diện (proxy) nào đó. Ví dụ, nếu như việc đo lường giá trị sản xuất của ngành cụ thể nào đó gặp khó khăn, người ta có thể dùng phương pháp gián tiếp như xem xét lượng điện tiêu thụ của ngành đó trong tháng, năm nhiều hay ít. Từ lượng điện tiêu thụ để tính toán ra sản lượng, rồi so sánh với các năm. Hoặc ngày nay người ta có thể dùng ảnh vệ tinh chụp ánh sáng ban đêm phát ra từ các con tàu hoặc đường phố/nhà máy để ước tính/dự báo sản lượng đánh bắt thủy sản hoặc GDP của nền kinh tế. Tóm lại, có nhiều phương pháp tính giá trị xấp xỉ. Phương pháp có nhiều và càng tốt thì con số ước lượng càng chính xác, song cần lưu ý rằng khu vực kinh tế chưa được quan sát dù có phương pháp tính nào cũng chỉ mang tính ước lượng và tính giá trị xấp xỉ thôi. Hai lĩnh vực khá được quan tâm là mại dâm và tham nhũng, cơ quan thống kê cho biết có thể sẽ không được tính toán. Quan điểm của ông thế nào? - Việt Nam chưa công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp. Nên muốn tính vào GDP, trước tiên phải hợp pháp hóa nó đã. Nếu chưa thì không nên tính vào. Ở các quốc gia đã hợp pháp hóa mại dâm họ tính vào, còn quốc gia không hợp pháp hóa thì không tính. Còn với tham nhũng, về bản chất nó là một dạng chuyển giao thu nhập từ túi người này sang túi người khác. Giá trị tham nhũng không tương ứng với hàng hóa hay dịch vụ nào được tạo ra cả, do vậy đó không phải là hoạt động kinh tế để tính vào GDP. Nó cũng giống như chính phủ chuyển giao thu nhập cho hộ gia đình nghèo dưới dạng trợ cấp, hay bạn chu cấp cho bố mẹ lúc họ về già. Những khoản này đều không được tính vào GDP. Nếu những người tham nhũng dùng số tiền nhận được để chi tiêu cho hàng hóa hay dịch vụ thì lúc đó số tiền tham nhũng mới được tính vào GDP (dưới dạng chi tiêu hợp pháp). Ngoài ra, nếu một doanh nghiệp nào đó dùng tiền để vận động, hối lộ để có thể nhận được một dự án, như xây một con đường chẳng hạn, thì số tiền dùng để vận động, hối lộ đó đã được chủ đầu tư tính toán trong tổng giá trị đầu tư rồi. Nếu không có tham nhũng, giá trị hàng hóa hay dịch vụ mà họ cung cấp sẽ rẻ đi, có tham nhũng giá trị hàng hóa của họ đắt lên. Điều đó có nghĩa số tiền tham nhũng đã nằm trong giá trị hàng hóa và dịch vụ mà họ cung ứng, tức là đã được đưa vào GDP. Làm thế nào để tính được quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát? - Tôi không có câu trả lời chính xác vì chưa ước tính khu vực này. Nhưng theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới, với các nền kinh tế phát triển, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát ở mức thấp, chỉ 2-3%. Nhưng với những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển thì quy mô khu vực này có khi lên tới 20-30%. Theo cơ quan thống kê, từ năm 2020 sẽ tính toán khu vực này vào GDP, khiến một số chuyên gia lo ngại làm tăng nợ công, tăng chi tiêu... - Như tôi đã nêu, mục đích quan trọng của việc tính toán khu vực chưa được quan sát là để nhìn nhận sức khỏe của nền kinh tế. Từ đó đưa ra những chính sách quản lý với một số hoạt động mà trước đây ta chưa quản lý tốt, còn bỏ sót. Như hoạt động buôn lậu, nếu nhận diện được thì có chính sách quản lý, phòng chống hoạt động này tốt hơn. Hoặc các hoạt động gây thất thu thuế cũng để đưa ra biện pháp kiểm soát tốt hơn. Nhưng không nên dựa vào đó để tăng quy mô nợ công hay chi tiêu công. Bởi vì dù có thống kê hay không, bản chất sức khỏe nền kinh tế vẫn thế, chỉ khác là trước chưa ước tính, nay làm thôi. Thêm nữa, việc tăng nợ công, chi tiêu của khu vực nhà nước như thế nào còn phụ thuộc khả năng trả nợ của chính phủ, cũng như phụ thuộc vào hiệu quả chi tiêu công. Nếu ngân sách nhà nước cứ thâm hụt mãi, nợ nần liên tục tăng trong khi tăng trưởng không tương xứng thì không thể gia tăng nợ công, chi tiêu công. Thêm nữa là phải triệt tiêu hoạt động tham nhũng liên quan chi tiêu công, chứ không phải cứ bày vẽ ra rồi làm thất thoát tài sản và gây lãng phí. Cũng có lo ngại về việc khi các khu vực kinh tế chưa được quan sát được nhận diện đầy đủ hơn, ngay cả những quán hàng nhỏ, gánh hàng rong, xe ôm cũng có thể trở thành mục tiêu của cơ quan thuế. Theo ông, như vậy có phù hợp? - Khi tính toán GDP, không phải mọi hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát cũng được đưa vào GDP. Hoạt động thuế cũng vậy, không phải hoạt động kinh tế chưa được quan sát nào khi thống kê ra cũng đè ra thu thuế. Ví dụ như kinh tế tự sản tự tiêu hộ gia đình, trồng rau trên mái nhà tự tiêu dùng thì thuế không thể đến để bắt nộp. Hay người lao động có thu nhập thấp họ kiếm sống bằng gánh hàng rong, cắt tóc vỉa hè..., thuế cũng không thể thu được. Việc thống kê các hoạt động đó để nhận diện chứ không phải hoạt động nào cũng trở thành đối tượng của cơ quan thuế. Nhưng ngược lại, các hoạt động khác như buôn lậu, các hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn phải quản lý thuế tốt hơn. Hoặc với các doanh nghiệp mà nộp thuế không đầy đủ cũng phải nhận diện để thu thuế tốt hơn. Dư luận cho rằng trước hết cơ quan thuế phải cải tiến để quản lý tốt hơn, tránh thất thu thuế thay vì tìm cách tận thu... - Nước nào cũng có hiện tượng trốn thuế. Nhưng giờ là thời đại số hóa rồi nên cần áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý tốt hơn. Ngoài giám sát việc tuân thủ xuất hóa đơn bắt buộc theo quy định của pháp luật, cũng cần nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thuế. Ví dụ như coi việc kết nối chuyển dữ liệu (hóa đơn bán hàng) trực tuyến từ đơn vị kinh doanh về cơ quan thuế, hoặc phải lưu trữ các dữ liệu này trong các bộ nhớ mà đơn vị kinh doanh không can thiệp được, là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với họ. Tôi nhấn mạnh lại, đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát có ý nghĩa tích cực và nên làm. Mục tiêu là để nắm bắt sức khỏe thực chất của nền kinh tế, nhận diện đầy đủ hơn và có biện pháp quản lý tốt hơn với những hoạt động chưa được nhận diện đầy đủ. Kết quả tính toán chỉ là ước lượng và tham khảo, không nên đưa vào kết quả tính toán GDP chính thức nếu như nó trái với chuẩn mực quốc tế, và đặc biệt không nên dùng nó làm phương tiện để gia tăng nợ công.■ Không để làm đẹp số liệu Ông Nguyễn Bích Lâm, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng khu vực này có năm thành tố, nên để ngành thống kê thu thập, đánh giá, rà soát với con số chính xác là rất khó, đây là thách thức khó khăn, bởi đã ngầm, bất hợp pháp thì không bao giờ khai báo. Do đó, cần phải có phương pháp thu thập thông tin, cách thức thu thập. Qua nghiên cứu các nước có thể phương pháp tiếp cận sẽ từ cả sản xuất, tiêu dùng, trên cơ sở xác định trong mỗi thành tố đó nội hàm là gì, hoạt động gì, sau đó Tổng cục Thống kê kiến nghị đưa vào để thu thập thông tin, từ đó xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý. “Thủ tướng Chính phủ cũng trao đổi với IMF và nhờ tổ chức này đánh giá độc lập kết quả của đề án. Chúng tôi không tham vọng đánh giá được hết tất cả, cũng không phải để làm đẹp số liệu, mà để đánh giá đúng quy mô nền kinh tế. Để thực hiện hiệu quả, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện pháp lý, có giải pháp để làm sao nâng cao chất lượng thu thập thông tin, đánh giá đúng kết quả sản xuất kinh doanh”. Không phải đưa mọi đối tượng vào thu thuế Bà Lê Thu Mai, phó vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế - Tổng cục Thuế, thành viên ban chỉ đạo đề án, giải thích: Đề án này khi triển khai, cơ quan thuế phối hợp Tổng cục Thống kê để nhận diện đầy đủ các khu vực, hoạt động trong nền kinh tế, từ đó có biện pháp, cơ sở chống thất thu thuế. Khó khăn trong việc thực hiện đề án này đó là chỉ ra được những phạm vi, danh mục của những đối tượng chưa được quan sát. Nên cơ quan quản lý cố gắng tìm ra những mảng còn tối, tìm ra những hoạt động để nhận diện, đưa vào quản lý. Ngoài ra, có một số nội dung như cung cấp số liệu, bổ sung số liệu mà cơ quan thống kê thu thập nhưng chưa đầy đủ thì hai bên sẽ chia sẻ để có dữ liệu chính xác. Ví dụ có những người nộp thuế khi họ đăng ký chúng tôi quản lý được, nhưng trong hoạt động cơ quan thuế không rà soát đến tận hoạt động kinh tế nhỏ phát sinh, còn cơ quan thống kê có thể rà soát, đi vào từng ngõ ngách nền kinh tế, sau đó sàng lọc đưa vào đối tượng quản lý thuế. Tôi nhấn mạnh, không phải tất cả đối tượng của cơ quan thống kê sẽ trở thành đối tượng quản lý thuế, mà chỉ đến ngưỡng nào đó thôi. Khi thống kê xác định tập dữ liệu lớn như vậy để làm cơ sở cho cơ quan thuế nhận diện được bỏ sót đối tượng nào. Ví dụ, ngưỡng thu thuế với đối tượng cá nhân là 100 triệu/năm, nên với những người có thu nhập như xe ôm, bán hàng rong nếu không có thu nhập được như vậy sẽ không phải là đối tượng của cơ quan thuế. Mỗi ngành có phương pháp quản lý khác nhau, cách hiện nay là người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế. Do đó, việc trốn thuế hoặc tránh thuế là xu hướng, đặc biệt với nền kinh tế vẫn dùng tiền mặt nhiều, chưa quản lý dòng tiền được thì vất vả quan sát. NGỌC AN ghi Phạm vi của khu vực kinh tế chưa quan sát được gồm: Hoạt động kinh tế ngầm: là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu một cách có chủ ý nhằm trốn thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp: là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa quan sát được: là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình: là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của gia đình đó. Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê: là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập thông tin đó. Tags: GDPNgân sáchVỉa hèThuếKinh tế phi chính thứcTận thuKinh tế ngầmBuôn bán rong
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Tin tức sáng 12-10: Quỹ bảo hiểm xã hội dư 1,2 triệu tỉ đồng, chủ yếu dùng đầu tư trái phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 12/10/2024 Ngân hàng HSBC nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gây "bất ngờ"; Có tới 1,3 triệu người Việt sống chung với bệnh mạch vành.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường hội kiến ông Tập Cận Bình THANH HIỀN 11/10/2024 Ngày 11-10 tại Bắc Kinh, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.