TTCT - Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt những thử thách lớn lao, giới lãnh đạo chính trị có vẻ bắt đầu lắng nghe hơn những nhà kỹ trị. Giáo sư Chu Kỳ Nhân. Ảnh: Caixin GlobalLần đầu tiên trong gần bốn năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có một hội nghị chuyên đề gặp mặt trực tiếp doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế vào cuối tháng 5 vừa qua tại Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử. Đây được coi là dấu hiệu ông Tập chịu lắng nghe hơn lời khuyên từ giới chuyên gia trong các vấn đề kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại trong nhiệm kỳ mới, ông Tập quá tập trung xung quanh những người trung thành, mà thiếu vắng các nhân vật kỹ trị kinh tế như thường thấy trong các chính quyền Trung Quốc trước.Gặp gỡ doanh nhân và kinh tế giaCuộc tọa đàm cũng diễn ra ngay trước Hội nghị Trung ương 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7 - sự kiện trọng đại vào "thời điểm quan trọng của phát triển và cải cách kinh tế" ở nước này.Buổi tọa đàm ở Sơn Đông có chín tham luận lớn về các chủ đề đa dạng: mô hình phát triển mới, nâng cao ý thức của người dân về lợi ích từ cải cách, thúc đẩy phát triển đô thị và nông thôn tích hợp, cải thiện hệ thống quản lý kinh tế vĩ mô... Tác giả các tham luận không phải là những chính trị gia "phát biểu chỉ đạo", mà là giới chủ doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.Có thể kể các ông Lưu Minh Thắng, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư điện lực nhà nước; Tả Đinh, chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư đổi mới Thâm Quyến; Đinh Thế Trung, chủ tịch hội đồng quản trị Anta Sports Goods Group; hay Phùng Quốc Kinh (Victor K. Fung), chủ tịch Tập đoàn Phùng Thị Hong Kong. Nhưng đáng chú ý có lẽ là một nhân vật hiện không đảm nhiệm chức vụ quản lý nào, cả nhà nước lẫn doanh nghiệp: Chu Kỳ Nhân, giáo sư kinh tế tại Viện nghiên cứu phát triển quốc gia, Đại học Bắc Kinh.Ông Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc dự buổi tọa đàm ở Tế Nam, Sơn Đông. Ảnh: Tân Hoa xãChu Kỳ Nhân là ai?Thực xứng với danh, ông Chu Kỳ Nhân, sinh năm 1950, là một nhà kinh tế học khác thường. Hiện là giáo sư nổi tiếng tại Đại học Bắc Kinh lừng lẫy, nhưng ông trải qua thời thanh niên lao động cực nhọc ở nông thôn trong 10 năm cách mạng văn hóa 1966-1976. Tin tưởng vào lời kêu gọi của lãnh tụ Mao Trạch Đông về loại bỏ "tam đại sai biệt" (ba điểm khác biệt lớn: giữa công nhân và nông dân, giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động chân tay và lao động trí óc), ông Chu, người Thượng Hải, đã ngồi tàu bốn ngày ba đêm đến Quân đoàn Xây dựng Hắc Long Giang ở miền đông bắc theo tiếng gọi về nông thôn (hạ hương). Theo tờ The Economist, từ khi đó, ông đã quan sát và nhận xét: "Người nông dân làm việc trên mảnh đất riêng của mình như một người hoàn toàn khác so với khi làm việc trên đất tập thể".Cũng như nhiều thanh niên khác thời bấy giờ, bao gồm chính ông Tập, ông Chu trở lại giảng đường sau cách mạng văn hóa. Mùa xuân năm 1978, dưới loa phóng thanh ở nông trường Bắc Đại Hoang, chàng thanh niên trí thức lúc đó đã 28 tuổi Chu Kỳ Nhân điền đơn để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học mới được nối lại. Vì lớn tuổi, ông phải từ bỏ lựa chọn yêu thích Đại học Bắc Kinh, và đành nộp đơn vào khoa kinh tế Đại học Nhân dân.Với tinh thần học hỏi không ngừng, ông đã tới nước Mỹ lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA). Chính trong những ngày ở thư viện đại học Mỹ, Chu Kỳ Nhân đã tìm hiểu các lý thuyết chi phí giao dịch của Ronald Coase và lý thuyết quyền sở hữu tài sản của Armen Alchian. Trên cơ sở đó, ông giải thích quá trình chuyển đổi hiện đại hóa và những thay đổi về thể chế đang diễn ra ở Trung Quốc lúc bấy giờ."Lý trí, đam mê, hùng biện, uyên bác, bất vong ưu quốc (không quên ưu tư nước nhà)" - ông Đới Tiểu Kinh, chủ tịch Tập đoàn Truyền thông tài chính, đã dùng 12 từ trên để tóm tắt về người đồng nghiệp cũ của ông hồi những năm 1980. Tại Đại học Bắc Kinh, Chu Kỳ Nhân nhanh chóng trở thành một trong những "giáo sư được yêu thích nhất" do sinh viên bình chọn. Lớp học của ông trong giảng đường có sức chứa 300-400 người thường xuyên chật cứng. Trường từng buộc phải hạn chế số sinh viên dự thính để bảo vệ quyền lợi cho sinh viên chọn lớp chính thức.Dù khá nổi tiếng, ông Chu cũng cẩn thận với uy tín cá nhân, tuân thủ nguyên tắc kiệm lời và thường tránh xa "ánh đèn sân khấu". Hầu như toàn bộ hình ảnh về ông lan truyền trên Internet đều là chụp tại các cuộc hội thảo học thuật, chứ ít có hình ảnh cá nhân. Còn một lý do nữa khiến ông không muốn nổi bật: Chu Kỳ Nhân thích trò chuyện tự nhiên với mọi người, chứ không muốn họ nhận ra ông là ai.Công cuộc cải cách của Trung Quốc đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: scmp.comNhà kinh tế thực địaKhông giống nhiều nhà kinh tế, ông không chỉ tư duy trừu tượng, mà xông xáo với những quan sát cụ thể trong nhiều chuyến đi thực tế khắp Trung Quốc. Cách tiếp cận đó giúp ông có thể đặt câu hỏi sát sườn về hai đề tài lớn ông luôn ưu tư: tính khả thi của chuyện quốc gia tự lực cánh sinh và tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.Nhìn lại quãng đường của vị giáo sư tóc bạc trắng này, có thể nói Chu Kỳ Nhân là học giả quan trọng hàng đầu ít được biết đến nhất về các vấn đề cải cách kinh tế của Trung Quốc. Ông luôn ủng hộ kinh tế học trong thế giới thực, từ chối kinh tế học trên bảng đen, và nhấn mạnh sự cần thiết phải tích hợp lý thuyết và nguyên tắc kinh tế vào thế giới thực tế.Trên trang web zhouqiren.org có đoạn trích của ông: "Trung Quốc quá rộng lớn, cuộc sống dưới tầng đáy rất phong phú, cả miền bắc và miền nam đều có những sáng tạo. Hãy ra ngoài điều tra, lấy những thứ đã điều tra, so sánh tỉ giảo, tìm ra những yếu tố hợp lý". "Trước tiên hãy áp dụng những chính sách ngắn hạn để nhận biết chúng, sau đó thực hiện chính sách này lâu dài, rồi nâng cấp thành luật hoặc hệ thống cả nước. Đây là cuộc cải cách mà tôi đã trải qua".Với sự kiên nhẫn và nhạy bén của "một thợ săn", ông đi sâu vào đời sống kinh tế thực tế, và không tiếc công sức thúc đẩy quá trình cải cách và phát triển của Trung Quốc thông qua nghiên cứu học thuật và xuất bản. Những nguyên tắc kinh tế thông qua đúc kết thực tế mà ông thu thập được trong những chuyến đi. Kể từ đầu những năm 1980, nhà kinh nghiệm chủ nghĩa xuất sắc này đã đóng vai trò cầu nối giữa chốn "giang hồ" - tức đời thực, và chốn "miếu đường" - tức tháp ngà học thuật, trong hầu hết các bước cải cách của Trung Quốc.Giai đoạn 2010-2012, ông là thành viên Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, thành viên then chốt của Ủy ban chuyên gia Hoạch định chính sách phát triển quốc gia cho kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và 14 (2016-2020 và 2021-2025). Gần đây, ông được coi là cố vấn kinh tế ngoài giới lãnh đạo cấp cao, tức độc lập tương đối, có mối quan hệ gần gũi nhất với ông Tập. Do thế, Chu Kỳ Nhân được cho là đã ảnh hưởng đến một số chính sách kinh tế then chốt hiện giờ ở Trung Quốc, bao gồm nới lỏng kiểm soát thị trường và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.Ảnh: The China ProjectGiữ khoảng cách với chính trị giaLuôn phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ vào thị trường, một quan điểm tuy là chính thống ở phương Tây, nhưng có thể nguy hiểm ở Trung Quốc, nhưng Chu vẫn được nhiều cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương tin cậy. Đổi lại, ông luôn giữ khoảng cách với quyền lực, mặc dù rất gần quyền lực.Trong bài viết "Nếu chúng ta ngừng cải cách, chúng ta phải đối mặt với ba vấn đề chính" năm 2023, ông viết: "Cải cách vốn đã khó khăn. Và bây giờ thay đổi thậm chí còn khó khăn hơn. Nhưng trì hoãn cải cách không phải là lối thoát. Trên thực tế, cải cách không chỉ phải thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà còn phải đáp ứng kỳ vọng của tầng lớp chủ lưu ngày càng trẻ hơn trong xã hội".Việc ông Tập sẵn sàng tìm kiếm lời khuyên kinh tế từ Chu Kỳ Nhân và các nhà kinh doanh, kinh tế khác được coi là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc. Họ không chỉ hiểu biết sâu sắc về những thách thức kinh tế to lớn của Trung Quốc hiện giờ, mà còn là những người rất nhiều kinh nghiệm thực tế.Ở hội nghị chuyên đề Sơn Đông, ông Tập đã cho thấy dấu hiệu thể hiện ông hiểu thông điệp từ giới chuyên gia. Ông nói về chuyện giảm bớt gánh nặng xã hội và tạo thêm việc làm - một thông điệp hợp lý hơn so với chủ nghĩa kinh doanh yêu nước hay giảm bớt chủ nghĩa hưởng thụ của cá nhân như trước đây. Ông Tập cũng đồng ý cải cách là động lực cho phát triển và lưu ý để cải cách sâu rộng hơn nữa, cần tập trung vào hiện đại hóa năng lực và hệ thống quản trị quốc gia.Cải cách bắt đầu từ việc lắng nghe những nhà kinh tế thực tiễn như Chu Kỳ Nhân, thay vì những chính trị gia vốn hay đổi ý và giới học giả "salon" thường thiếu thực tế. ■ Không giống nhiều kinh tế gia hiện đại, Chu Kỳ Nhân nghiên cứu động lực và hạn chế của con người kinh tế từ mặt đất đi lên, chứ không phải từ các nguyên lý trừu tượng. Lấy ví dụ, sau khi ghé một tiệm mì lạnh kiểu Tây An, ông rất lấy làm lạ vì tiệm có khóa học một tuần dạy nấu chính món bán đắt nhất của họ. Hay trong quá trình đi thực tế ở nhiều thành phố Trung Quốc, ông để ý thấy phải mất 70 bước chân mới băng qua được đường chính, so với khoảng 15 bước ở nhiều con đường tại Manhattan. Ông cũng rất nghi ngờ hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và ý tưởng nền kinh tế tự chủ (thịnh vượng phải là quá trình "có đi có lại" qua các biên giới, theo lời ông). Tags: Kinh tế Trung QuốcChuyên gia kinh tếGiáo sư Chu Kỳ NhânĐảng cộng sản Trung QuốcChính sách kinh tế
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Bão số 3 quét qua: Đường phố Hà Nội tan hoang, cây đổ khắp nơi, đại lộ ngập nước DUY LINH 07/09/2024 Bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới thủ đô Hà Nội với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khiến nhiều cây xanh ngã đổ, đường phố tan hoang.
Bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới PHẠM TUẤN 07/09/2024 Đêm qua, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét qua Hà Nội, mất điện, đường ngập, cây đổ la liệt 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13. Lúc 20h, tâm bão Yagi quét qua Hà Nội, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà: Nỗ lực khôi phục ngay hệ thống điện, thông tin liên lạc sau bão THÂN HOÀNG 07/09/2024 Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các địa phương cần nỗ lực cao nhất, khôi phục ngay lưới điện, hệ thống liên lạc, đường giao thông để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão số 3.